THI BẰNG TRUNG HỌC ĐỆ NHẤT CẤP
(Thị Nguyên)

Năm học đệ tứ, có thể nói ngoài căn nhà của mình và lớp học tôi chỉ biết có học hành. Những người thường nhờ tôi làm giấy tờ, nghe mẹ tôi bảo tôi cần thời gian học để đi thi nên không có ai quấy rầy gì tôi cả. Cứ dắt xe ra sân là gò lưng đạp đến trường và ngược lại. Tôi ít khi quan tâm đến hai bên đường. Vì chuẩn bị khá tốt nên khi thi đến ngày cuối xong tôi rất an tâm, thong thả đạp xe về nhà. Khi đến cầu khế cách nhà tôi cở năm trăm mét, có cô nàng bé nhỏ, ăn vận lịch sự tóc uốn ngang vai trông rất ngộ nghĩnh. Thấy tôi cô bé mĩm cười và hỏi:

– Thế nào anh thi kết quả chứ?

Tôi bàng hoàng tự hỏi: “Gớm cô bé nầy là con cái nhà ai đến đây tự hồi nào, sao mình không biết nhĩ?”. Tôi thắng xe lại, cô bé mời tôi vào quán chơi (Một quán nhỏ) sau khi rót nước cô cười và nhắc lại:

– Làm gì mà anh tư lự thế. Nhớ là anh còn nợ tôi một câu hỏi đấy?

Tôi tự nhéo tai mình một cái và trách thầm: “Làm gì mà nhút nhát vậy, phải nói gì đi chứ”. Thế là tôi lấy lại bình tỉnh và bắt đầu cật vấn:
– Nầy cô bé, cô từ đâu đến đây, lý lịch nhân thân chưa khai báo, lại bắt nạt thần hoàng bổn xứ là thế nào?

Cô đưa tay lên miệng cười khúc khích:
– Thưa cụ thần hoàng, chắc cụ ngũ quên, không làm nhiệm vụ, con đã có đơn khai báo từ sáu tháng trước cơ ạ.

Tôi quê quá, một tay gãi đầu, một tay cầm ly nước uống hạ thấp giọng nhỏ nhẹ tôi nói:
– Chắc là nhân viên của ta thấy ta bận rộn thi cử, nên đem hồ sơ cất vào tủ cả, ta chưa xem qua. Nhưng thôi dẹp chuyện đó lại, đã đến đây mở quán làm ăn, trước sau gì cũng là láng giềng cả, rồi ngày nào cũng qua lại chốn nầy, cho mình biết tên để tiện xưng hô.
– Em tên Sang, nhà ở Phú Bình thôn gần cầu Bến Đá.
– Quán khá nhiều hàng, chắc là đã từng may ở thị xã.
– Em học nghề ở thị xã, làm thợ ở đó được một năm.
– Sau đó là về đây phải không?
– Em còn xuống thị trấn Mỹ Khê may với một cô bạn. Mẹ và anh em không thích cho con gái sống xa nhà, nên bảo em về quê.
– Anh của Sang làm nghề gì?
– Cũng đang đi học lại, chắc là sau anh một lớp.
– Hôm nào rũ anh ấy qua chơi, giới thiệu làm quen.
– Chắc không? Anh ấy bảo anh thông minh học giỏi, có điều lầm lì không kết bạn với ai..
– Không phải vậy đâu, cả ngày đạp xe đi học đến bốn chục cây số, không còn thì giờ, cần phải đầu tư vào việc học, vả lại mình nhà quê nghèo khó, tiền đâu ở trọ học course, nên phải gắng sức thôi.
– Thế thi xong anh có hy vọng đổ không?
– Tôi chuẩn bị thật kỹ mới đi thi. Đã thi thì phải đậu chứ?
– Anh tự tin quá, nhưng nếu ngộ nhở không may thì sao?
– Thì phải học lại cố gắng hơn nữa chứ biết sao?
– Hè về các anh có tổ chức đi chơi đâu không?
– Năm nào cũng tổ chức đi chơi cả, có điều phải dạy hè một tháng rưởi, coi thu nhập được bao nhiêu, chứ bây giờ có xu nào đâu mà tính.
– Không biết thầy giáo dạy thế nào mà các cô học trò cứ nao nức đi học hè, lại còn chuẩn bị cả quần áo mới nữa.
– Nầy cô bé, thầy giáo ngồi đây còn chờ kết quả, chưa chiêu sinh, làm thế nào cô biết học trò của tôi đang chuẩn bị áo quần mới?
– Học trò của thầy giáo đều là bạn của em cả, chúng nó ghé đây chơi luôn và kể hết không bỏ sót chi tiết tí ti ông cụ nào?
– Cô bé nầy ghê thật, mới đến đây mà đã điều nghiên cả lĩnh vực sinh hoạt của thần hoàng, thổ địa.
– Anh nói chuyện trông vui thật, có điều người ta nhỏ con chứ không phải là còn bé đâu nhé.
– Á thì ra cô bé không chịu làm em rồi đây, cũng được thôi, chứ còn dò la tuổi tác thì không dễ đâu đấy.
– Không dám đâu. anh làm như mình là người có giá lắm đấy?

Cô bé ốc tiêu nầy ghê thật, xưa nay tôi tuy quê mùa nhưng ít chịu thua ai trong tranh luận thế mà bây giờ cô đã hạ tôi 1-0 rồi. Tính ương ngạnh cương cường khiến tôi phải chuyển thể:
– Nầy nầy, ai bảo cô bé là tôi không có giá. Mẹ tôi mang nặng đẻ đau nuôi tôi đến nay thành một chàng trai dù cho cơm củ rau dưa thôi nhé cũng là một số tiền khá lớn đấy. Tự hạ thấp mình là cô phụ công lao của mẹ đấy.

Bổng dưng tôi thấy cô bé mắt chớp chớp đỏ hoe như muốn khóc. Sự nghịch ngợm trong tôi bổng dưng cũng chùng xuống. Tôi dịu giọng lại:
– Mình nói đùa cho vui nào có xúc phạm gì đến Sang đâu, sao bạn lại khóc?
– Không có gì đâu, anh đừng ngại. Dù biết anh chỉ nói tếu cho vui, nhưng em biết anh rất kính trọng mẹ, nhưng em cũng biết kính trọng mẹ em vậy. Thế mà ai cũng có thể chọc ghẹo em cho vui là em có lỗi với mẹ em rồi.
– Cho mình xin lỗi nhé
– Không dám, cảm ơn anh.

Tôi chào cô bé ra về, có điều lòng cảm thấy bang khuâng. Ngày ấy tôi ghi vào nhật ký “Sang cô bé quê mình có dáng dấp thị thành, lịch lãm và có nhiều cá tính. nhất là thương kính mẹ. Cần tìm hiểu thêm. Có thể là một người bạn gái tốt.”

Sáng thứ bảy cuối tuần, tôi định đi thị xã xem có kết quả thi chưa, nhưng từ ngoài đã có các cô cậu đệ lục, đệ ngũ đạp xe vào reo hò:
– Đã có kết quả thi rồi. Anh đậu bình thứ. thật xứng đáng là sư phụ. Tụi em mừng quá chạy thông báo anh đây. Thế là anh em mình chuẩn bị lên chương trình cho khóa học hè nhé.

Thấy tôi chưa tin lắm một em bảo:
– Bản tin buổi sáng lúc 05 giờ 00 Radio đọc một danh sách dài xã ta chỉ mỗi một mình anh đậu, các anh chị ở thị trấn đạp phải vỏ chuối cả.

Chị Hai tôi chạy lên vườn trên chọn hái bốn quả thanh trà lớn nhất đem xuống cắt gọt để trên một mâm nhôm khao tất cả chúng tôi. Từ trước cổng cậu Út tôi cũng lớn tiếng gọi vào:
– Chị Ấm đâu! Thằng Khôi đậu bình thứ rồi nè, tôi lên báo tin mừng, chờ chị khao đây. Nghe tiếng cậu Chín Lăng, mẹ tôi từ nhà dưới chạy lên bảo tôi ra chào cậu và rước vào nhà. Mẹ tôi nặng tai, nghe tiếng biết là em mình, nhưng nội dung nói gì thì không nghe rõ nên khi cậu vừa ngồi xuống mẹ tôi liền hỏi:
– Có chuyện gì mà cậu lên chơi sớm thế?
– Vừa nghe radio đọc tin tức buổi sáng thông báo kết quả kỳ thi Trung học, được tin thằng Khôi đậu Bình Thứ liền lên tin chị mừng.
– Thằng nhỏ chăm chỉ, đậu là phải thôi, thế mà cậu làm tôi hết hồn.

Hồi ấy tỉnh lẻ mỗi lần thi tốt nghiệp đạt kết quả trung bình từ 12% đến 15% là đã khá rồi. Cậu Út nhìn qua tôi hỏi:
– Thế nào tiếp tục học hay thi vào ngành nghề?
– Con sẽ tiếp tục học.
– Vất vả đấy, nhưng có chí thì nên.

Tôi thông báo ngày hôm sau sẽ bắt đầu khóa học hè, và năm ấy tôi có thu nhập khá./.

929 lượt xem