Pháp thoại

Xuân và tâm lực bồ đề


HT Thích Thái Hòa

Trời xuân cảnh Phật

Chú ngựa đang chở nặng và khát nước, chú ta thấy trước mặt là cỏ và nước. Lọn cỏ non xanh do người phu ngựa treo lắt lẻo ở trước mặt chú ngựa với mục đích đánh lừa, khiến chú ngựa phi nhanh. Chú ngựa càng phi nhanh, thì lọn cỏ non xanh lại càng lắt lẻo chạy về phía trước. Phi càng nhanh, chú ta lại càng khát nước, chú thấy trước mặt có những sóng nước gợn lên giữa đường nhựa trưa hè, chú nỗ lực phóng hết sức, rượt chạy theo cho kịp sóng nước để uống. Càng rượt theo sóng nước, chú ngựa mệt nhoài và quỵ ngã giữa đường!

Cũng vậy, phần nhiều con người chạy rượt theo hạnh phúc và đã bị những ảo tưởng hạnh phúc nơi chính họ đánh lừa. Ảo tưởng nơi chính họ đã tạo ra ảo giác hạnh phúc cho chính họ, khiến họ mỗi ngày đều rượt đuổi theo hạnh phúc phía trước.

Nhưng than ôi, phía trước là hố thẳm! Càng rượt về phía trước, đời sống con người càng rơi vào hố thẳm thất vọng và thương đau!

Lấp cạn hố thẳm trong đời sống con người là bỏ và buông hết thảy mọi ảo tưởng về “một cái tôi và cái của tôi”. Buông bỏ mọi ảo tưởng, thì mùa xuân đích thực hiện ra. Mùa xuân đích thực luôn luôn có mặt đó cho ta, nhưng ta không thừa hưởng được hương vị của mùa xuân ấy, vì ta không biết dừng lại để cho mọi ảo tưởng lắng yên. Tâm yên Phật hiện và Phật hiện chính là mùa xuân của đất trời hiện ra. Tâm yên, thì trời xuân cảnh Phật liền hiện ra mà ta không cần phải vọng cầu hay nhọc công tìm kiếm.

Tín kính và trung kiên

Một trong những tính tốt của ngựa là tín kính, nhanh nhẹn và trung kiên. Nhờ tính tốt này, ngựa được con người xem là vật quý và nó đã góp phần tạo nên những mùa xuân cho chính nó và cho con người. Xuân Giáp Ngọ, xuân Bính Ngọ, xuân Mậu Ngọ, xuân Canh Ngọ, xuân Nhâm Ngọ đều là những mùa xuân mang bản chất và tính tình của ngựa.

Vì tính tình của ngựa là tín kính, nhanh nhẹn và trung kiên, nên Giáp Ngọ đã tạo ra mùa xuân “cát vàng” để vui thú điền viên; Bính Ngọ đã tạo ra mùa xuân “sông nước thiên nhiên” để một mình nhàn du thỏa thích; Mậu Ngọ đã tạo ra mùa xuân “ngọn lửa thiên thần” để tự bản thân mình trở thành lữ khách chiến chinh viễn xứ; Canh Ngọ đã tạo ra mùa xuân cho “đất trên đường” để tạo thành kẻ công hầu bá tước phương xa; Nhâm Ngọ đã tạo ra mùa xuân cho “cây dương liễu” để tạo thành kẻ vinh sang, trường thọ nhưng lận đận tình yêu giữa cõi đời.

Ngựa nhờ có những tính chất tín kính, nhanh nhẹn và trung kiên, nên ngựa phóng vào cuộc sống, có khả năng tạo thành những mùa xuân đầy sinh lực, linh hoạt và đa dạng mà không hề bị biến mất bản chất của chính nó.

Nên, không có tín kính, ta sẽ không có sinh lực của mùa xuân. Tín kính Tam bảo, ta sẽ có mùa xuân tâm linh để quay về. Tín kính Phật, ta sẽ có mùa xuân của tuệ giác, để nở sinh hoa trái tình yêu vô hạn; Tín kính Pháp, ta sẽ có mùa xuân linh hoạt và sống động để nở sinh hoa trái của tự do và giải thoát; Tín kính Tăng, ta sẽ có mùa xuân của hòa hợp và thanh tịnh để nở sinh hoa trái đạo đức và an bình; Tín kính cha mẹ, ta sẽ có mùa xuân nhân bản để quay về làm nở sinh hoa trái đôn hậu và nhân văn; Tín kính Tổ tiên, ta sẽ có mùa xuân của huyết thống để quay về, nở sinh hoa trái đoàn tụ và tin yêu; Tín kính Hồn thiêng sông núi, ta sẽ có mùa xuân quê hương để quay về và nở sinh hoa trái huyền quang, tương thân và tương ái.

Nên, tín kính và trung kiên là chất liệu tạo nên mùa xuân cho muôn vật và con người. Trong đời sống, ta thiếu tín kính và trung kiên, mùa xuân trở thành ảo ảnh hay chỉ là những miếng cỏ non treo lắt lẻo trước mặt cùng với những gợn nước cho vó ngựa rượt đuổi giữa nóng bỏng trưa hè!

Truyền trao và tiếp nhận

Xuân không tự có mà có từ mùa đông. Đông không tự có mà có từ mùa thu. Thu không tự có mà có từ mùa hạ. Hạ không tự có mà có từ mùa xuân. Bốn mùa không tự có mà có trong sự tương quan, tương sanh, nên bản tánh của mùa nào cũng rỗng lặng sáng trong. Điểm sáng trong ấy, gọi là “linh quang nhất điểm”, nó không phải đục, không phải trong, không phải dọc, không phải ngang, không phải thẳng, không phải cong, không phải trên, không phải dưới, không phải trong, không phải ngoài, không phải pháp, không phải phi pháp, không có bất cứ một loại ngôn ngữ nhị nguyên nào có thể diễn đạt, cứ như thế mà bốn mùa truyền trao cho nhau và tiếp nhận cùng nhau và thay nhau khi ẩn, khi hiện giữa thời gian vô cùng và không gian vô tận.

Nên, đối với truyền thống tâm linh và văn hóa Việt Nam, giờ phút giao thừa, giữa đông và xuân, giữa năm cũ và năm mới rất quan trọng và linh thiêng.

Quan trọng, vì việc làm của cái cũ không phải chỉ là hoàn tất mà còn hoàn hảo. Mùa đông đã cưu mang, ấp ủ chất xuân của mình trong lạnh lẽo băng giá, để tạo nên một mùa xuân trinh bạch thanh khiết, ấm áp, hồn nhiên và hoàn hảo cho đời.

Linh thiêng, vì cái mới đã hoàn hảo ngay trong từng giây phút ôm ấp của cái cũ. Và chính cái hoàn tất trong từng giây phút ôm ấp ấy, lại là cái hoàn hảo của cái mới tột cùng. Mỗi khi cái cũ đã hoàn hảo, thì cái cũ không còn là cái cũ nữa, chính cái cũ là cái mới viên dung. Nên, giây phút linh thiêng là giây phút của cái cũ hoàn tất và ẩn tàng để cho một cái mới hoàn hảo tột cùng biểu hiện.

Nên, đêm giao thừa là đêm quan trọng nhất và linh thiêng nhất của người Việt Nam có đời sống tâm linh và văn hóa đón tết, mừng xuân.

Đón tết là tiếp nhận linh khí tinh anh từ năm cũ truyền trao qua năm mới và mừng xuân là vui mừng, vì nhận được sức sống của ánh sáng mầu nhiệm hay “nhất điểm linh quang” từ nơi trái tim nguyên ủy của đất trời khởi phóng và phổ truyền để dưỡng sinh muôn loại.

Sức sống hay ánh sáng mầu nhiệm từ nơi trái tim nguyên ủy của trời đất ấy, gọi là pháp tánh và sức sống ấy hàm chứa nơi tâm thức của hết thảy chúng sanh, gọi là Như lai tạng tánh, Phật tánh chủng tử hay Bồ đề tâm địa.

Nên, người đệ tử Phật đón tết, mừng xuân chính là đón nhận rằng, mình vốn có Phật tánh, vốn có Như lai tánh hay Tự tánh bồ đề và nỗ lực làm cho tánh ấy sáng ra trong đời sống của mình, qua đi đứng nằm ngồi, nói năng hành động, để mùa xuân thật sự có mặt một cách đích thật trong đời sống của chúng ta và chính chúng ta là xuân.

Thệ nguyện và lên đường

Những người con Phật, chính chúng ta là xuân mà không phải là hiện tượng của mùa xuân. Hiện tượng của mùa xuân tự nó bị giới hạn bởi thời gian và không gian, và bị điều kiện hóa bởi các duyên, nên chúng bị sanh thành và hủy diệt, bị tác động để biểu hiện hay ẩn tàng, còn xuân là Như lai, nên xuân là vô hạn.

Chính chúng ta là xuân, vì chính những người con của Phật đều được sinh ra từ tâm xuân của ngài và đã được nuôi lớn từ tâm xuân ấy. Tâm xuân chính là Phật tính hay bồ đề. Từ nơi tâm xuân mà duyên vào đại nguyện để tạo thành tâm lực của mùa xuân, và từ nơi Phật tính mà khởi phát ước thệ từ bi, để sinh thành bồ đề nguyện lực, mà lên đường dưới vô số hình thức và tên gọi, vì lợi ích cho hết thảy chúng sanh.

Chúng sanh do vô minh vọng tưởng mà bị trôi dạt vào biển cả tử sinh, biến tâm Phật trở thành tâm chúng sanh; biến tri kiến trở thành tà kiến; biến vô cùng trở thành hữu hạn; biến tương sinh trở thành tương tranh; biến hỗ dụng trở thành lạm dụng; biến thanh tịnh trở thành ô nhiễm; biến hòa hợp trở thành phân cách; biến thanh khiết trở thành ô tạp; biến anh em trở thành thù hận; nên mùa xuân chợt thành mùa hạ; mùa thu chợt hóa mùa đông; chim đại bàng chợt thành sâu kiến.

Vì vậy, những người con Phật, nguyện sống vô tranh giữa những kẻ đua tranh; nguyện sống hoàn hảo giữa những kẻ bất hảo; nguyện sống hết lòng giữa những kẻ phản bội; nguyện sống buông bỏ giữa những kẻ tham chấp; nguyện sống từ bi giữa những kẻ thù hận; nguyện sống dũng cảm giữa những kẻ bạc nhược; nguyện sống giản dị giữa những kẻ xa hoa; nguyện sống im lặng giữa những kẻ lắm lời; nguyện sống bất động giữa những kẻ náo động; nguyện làm mùa xuân ngay trong mùa hạ; nguyện làm làn gió mát giữa trăng thu và nguyện làm những hạt nắng giữa trời đông để nuôi dưỡng tâm xuân và tạo thành mùa xuân giữa cơn rét bão nhân tính và tình người.

Ấy là xuân và tâm lực bồ đề của những người con Phật.

                                                                    Xuân Giáp Ngọ – 2014
                                                                        
                                                                          Thích Thái Hòa

456 lượt xem