CHỈ CẦN MỘT LẦN ĐI TRẠI
Tịnh Liên

Trại Dũng của GĐPT Long Hoa, tiểu bang South Australia, Úc Đại Lợi

Đời công nhân hàng ngày đi “cày”, chỉ mong đến ngày nghỉ (public holiday) để được ở nhà. Tuy chưa đến ngày nghỉ nhưng có biết bao nhiêu việc đang chờ.

Vâng, một đống việc đang chờ. Không thể hẹn lần hẹn lữa mãi được. Đang “lên kế hoạch” để thực hiện thì mấy “Big Brother” thông báo: Trại Dũng năm nay được tổ chức từ ngày…bla, bla,… đến ngày ..bla, bla,… Xong! Khỏi bàn thêm. Mọi việc được khuất lại. Đi trại. Về “hạ hồi phân giải”… Thế là “tại hạ” vác túi “xuất gia”.

Như truyền thống từ trước đến giờ. Ngày Dũng dành cho Ngành Nam được tổ chức nhằm vào lễ Vía Phật Xuất Gia, mùng 8 tháng 2 âm lịch hàng năm. Biết vậy, nhưng năm nay Gia Đình lại tổ chức Trại Dũng 3 ngày, kéo dài từ 8:00pm thứ sáu ngày 07/3/2014 đến 5:00pm thứ hai ngày 10/3/2014 để có thêm thời gian, vì được cộng thêm 1 ngày public holiday: Adelaide Cup. Ngày nầy toàn tiểu bang được nghỉ làm để đi xem đua ngựa, cá độ và nhậu. Quả thật, người Úc thiệt “phong lưu”. Hầu như tiểu bang nào hàng năm cũng được nghỉ một ngày “bá láp” như vậy để đua ngựa và cá độ. Nghĩ lại mà tủi thân. Ngày xưa ở quê nhà, muốn đưa ngày lễ kỷ niệm Phật Đản thành ngày nghỉ lễ chung cho toàn quốc, mà phải tốn bao nhiêu công sức tranh đấu mới có được. Chả bù với “dân miệt dưới Úc thòi lòi”, được có ngày nghỉ chỉ để ăn chơi. Thôi, thiên hạ đua ngựa, cá độ, uống beer thì mình lo việc của mình. Thế là “20 hảo hán” khăn gói lên đường tham dự Trại Dũng. Chỉ có 20 “trự” thôi sao? Thưa đúng vậy. Vì đây là Trại Dũng riêng của 1 đơn vị Gia Đình. Dĩ nhiên, “hảo hán” trong Gia Đình còn nhiều chứ chẳng phải chừng “nớ”, nhưng vì bận việc riêng, nên trại lần nầy chỉ có “bí nhiêu” .

Hơn 3 thập niên sinh hoạt tại Úc. Mỗi năm đi trại tối thiểu một lần. Trại lần nầy, tuy ít ỏi về “nhơn mạng”, nhưng đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên. Đó là lý do tôi muốn kể lại chuyện đi Trại Dũng cho mọi người cùng nghe.

Trước tiên, xin nói về ý nghĩa Ngày Dũng. Chữ Dũng (cũng đọc là Dõng) là sức mạnh, sự dũng mãnh. Sức mạnh có hai phần: mạnh về thể chất và mạnh về tinh thần. Người mạnh về thể chất, “vai u thịt bắp”, nhưng hành động thiếu suy nghĩ, mưu lược, thì gọi là người “hữu dõng vô mưu”. Ngược lại, người mạnh về tinh thần thường được xem là người có ý chí, kiên trì, can đảm, không biết sợ hãi, không chùng bước trước nguy hiểm, khó khăn. Nhưng chữ Dũng như vừa nói mới chỉ là cái Dũng theo nghĩa thế gian, cái Dũng của kẻ phàm phu. Cái Dũng của bậc Thánh nhân, có khác.

Cái Dũng của Thánh nhân là tự thắng chính mình. Chúng ta thường nghe câu: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng chính mình. Chiến thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất”, chính là nghĩa chữ Dũng của bậc Thánh nhân vậy.

Như thế nào là thắng chính mình? Thắng chính mình là từng bước thực tập, bỏ dần những thói hư, tật xấu của mình, từng bước tu tập tiến lên làm chủ được 6 căn, điều phục được tâm ý, không để bị ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy (ăn ngon, mặc đẹp, giàu có, danh vọng, sắc dục, ham ngủ nghỉ) sai sử. Cho đến khi “thỏng tay vào chợ” thì khi ấy gọi là tự thắng được chính mình. Nghĩa của chữ Dũng nầy từng lúc, được diễn dịch dưới nhiều tên gọi khác nhau, như: Tinh tấn (Virya), Tứ chánh cần (Prahâna), Tứ Chánh Đoạn, Tứ Ý Đoạn, Tứ Chánh Thắng. Đây chính là đức Dũng của bậc Thánh nhân vậy. Và như vậy mới hiểu rằng, trong tổ chức GĐPT, Ngày Dũng dành cho Ngành Nam cũng như Ngày Hạnh, Ngày Hiếu, dành cho Ngành Nữ và Oanh Vũ, chỉ là cách vận dụng phương tiện để hướng dẫn, dựa vào phái tính, tuổi tác để huân tập hạnh nguyện, trưởng dưỡng thiện căn theo gương chư Phật và chư Bồ Tát. Chứ không phải đức Dũng chỉ dành riêng cho Ngành Nam, đức Hạnh và lòng hiếu thảo chỉ dành riêng cho Ngành Nữ hay Oanh Vũ mà thôi.

Đi trại ở Úc khác xa với đi trại ở quê nhà. Nhớ lại hồi còn sinh hoạt ở quê nhà. Quê tôi ở Bình Sơn, quận cực bắc của tỉnh Quảng Ngãi. Những cuộc trại khi đó thường chọn địa điểm trong những rừng dương, rừng dừa thơ mộng nằm dọc theo vùng biển Kỳ Hà, Kỳ Hòa (Tam Kỳ); Bình Thủy, Lý Sơn (Bình Sơn) hay Mỹ Khế, Thiên Ấn (Sơn Tịnh)… Từ sinh hoạt cho đến đời sống tại trại hoàn toàn là “tự biên tự diễn”… Tất cả thứ gì cũng phải tự mình làm lấy, cho dù khi ấy “mình” mới chỉ là Oanh Vũ nhí: tự mang theo lều và tự cắm lều, kể cả có lần tự lấy tre đan lại và cắt lá tranh để lợp thành tổ mà ở (khỏi phải dựng lều), tự mang theo gạo, nồi niêu, chén bát, tự góp tiền đi chợ, tự đào lỗ nhóm lửa nấu cơm mỗi bữa, tự lo giải quyết vấn đề vệ sinh cá nhân… Tóm lại là phải “tự túc, tự lực, tự mưu sinh”. Còn trại ở Úc khác hẳn. Ở Úc, đi trại nghĩa là đến những khu nghỉ dưỡng được xây dựng sẵn ở giữa rừng, với đầy đủ tiện nghi: ở phòng vài ba người với giường nệm, có máy điều hòa không khí, toilet phòng tắm riêng, có điện đèn, bàn ghế, tủ lạnh, bếp núc đầy đủ (kể cả đôi lúc rữa chén bằng máy), cơm có người nấu sẵn, dọn lên cho mình “xơi”, café, nước ngọt, nước đá, lúc nào cũng sẵn cho mình uống, chẳng khác đi ở motel là mấy… Chính vì đi trại mà được “cơm bưng nước rót” như vậy, nên trại ở Úc mất đi nhiều hào hứng, không còn sôi nổi, nhất là không có dịp cho những “tay” có máu phiêu lưu, mạo hiểm, trong đầu chứa nhiều sáng kiến có cơ hội trổ tài.

Nhưng Trại Dũng năm nay khác hẳn à nghen. Wow! Từ nền văn minh của năm 2014 thế kỷ 21, tự nhiên rớt “cái rầm” xuống thời kỳ “đồ đá” . Tất cả phải tự lo lấy thân. “Dzậy mới dzui” và mới có chuyện để kể chứ, phải không?

Trước tiên, xin giới thiệu địa điểm: Lake Bonney, Barmera, cách Adelaide khoảng 260 Km về hướng Renmark. Đây là vùng trồng nho, sản xuất rượu vang. Đặc sản của vùng nầy là Apricot và giống cam Washington navel nổi tiếng. Phải nói địa điểm trại lần nầy thật tuyệt: khu vực trại là một dải rừng thưa nằm ở giữa, một bên là sông Murray, bên kia là một hồ nước rộng mênh mông. Lều được cắm dọc bên bờ hồ, cách hẳn khu vực dân cư. Quang cảnh hết sức hoang vu, nhưng không kém phần thơ mộng.

Chương trình trại? ngoài những tiết mục thường thấy, Trại Dũng kỳ nầy có thêm các tiết mục đặc biệt như:
 Lễ Phật buổi sáng. Không có bàn thờ ư? Thiết kế hình đức Phật trên thân cây. Lấy 2 thùng nước đặt chuông mõ. “Xong!”. Nhang đâu? Để quên ở nhà rồi. Thì đốt “tâm hương” vậy. Đi sinh hoạt GĐPT là phải biết “tuỳ cơ ứng biến”.

 Mỗi ngày, đều có tọa thiền bên bờ hồ vào lúc rạng đông và hoàng hôn.

 Tham dự viên được nghe thuyết trình và thảo luận 3 đề tài:
– Tinh thần trách nhiệm (ngày thứ nhất).
– Phương pháp chế ngự cơn giận (ngày thứ hai)
– Làm cách nào để đạt được mục tiêu cho bản thân (ngày thứ ba).

 Về hoạt động thanh niên, được học và thực tập:
– Kỹ năng chèo Kayak (2 tiếng, ngày thứ nhất).
– Chèo thuyền dọc sông Murray (4 tiếng, ngày thứ hai). Ăn trưa trên sông.
– Thực tập kỹ năng mưu sinh thoát hiểm: tìm phương hướng qua các vì sao; cách tìm nước và lấy nước giữa sa mạc (ngày thứ ba).
– Đặc biệt trại lần nầy, đêm nào cũng có lửa trại. Dĩ nhiên sau lửa trại, tiết mục kế tiếp sẽ là nướng bắp, nướng khoai… yummy!…

Tiếp theo, cũng nên nhắc đến những ưu điểm như: đúng giờ. Từ lúc lên đường, khởi hành đúng giờ, cho đến khi “hồi quy trụ xứ” đều đúng giờ quy định. Ai dám nói: “không ăn đậu là không phải Mễ, không đi trễ không phải là người Việt Nam” ; thứ đến, tất cả tham dự viên đều “nhập cuộc” hết sức tích cực, nên trại trở nên hào hứng. Và đặc biệt là an toàn, trong suốt thời gian trại, không có tai nạn nào xảy ra.

Ăn uống là chuyện đại sự nên cần phải “kể lể” một chút. Đã nói là tự lo mà! Lương thực đổ xuống ở giữa trời, không có mái che, thức ăn không có đồ đậy nói chi đến tủ lạnh. Đồ ăn (rau, cải, carot…) chặt cục, cục… thảy thẳng vào nồi, khỏi rửa – vì có nước đâu mà rửa. Nước mang theo chỉ dùng để uống và nấu ăn mà thôi (thú thực, 2 ngày đầu tôi không đánh răng, để vậy đi ngủ  hu, hu…). Thực đơn 3 ngày, đại khái sáng: mì gói; trưa: đồ hộp, gói mì; chiều: gói mì, đồ hộp… Ở nhà cả năm, bà xả tôi không cho ăn mì gói, sợ bệnh. Đi trại lần nầy, ăn mì gói thoải mái, không có ai cấm cản, sướng ghê. Kể đến đây mới thấy thương các em Huynh Trưởng trẻ, sinh ra và lớn lên ở Úc quen với tiện nghi, ở nhà mọi thứ từ ăn đến ngủ đều có cha mẹ lo. “Trình độ nấu nướng” chỉ mới qua bậc “nhập môn”, nghĩa là mới chỉ biết nướng bánh mì, chiên trứng và nấu mì gói. Bây giờ phụ trách nấu ăn cho nhiều người cùng một lúc, mới thấy các em có thật nhiều sáng kiến, tự tin và sự “can đảm” thì có thừa, rất “đáng nể” chứ chẳng phải chuyện chơi.

 Giờ ăn gì? Đồ hộp, bánh mì! Đồ khui đâu? Tìm không thấy! Chuyện nhỏ, phải biết “tùy cơ ứng biến”, anh TL bảo dzậy. Lấy dao đục! Đó là mẩu đối thoại nghe được bên bếp lửa.

 “Người tu, ăn cốt chỉ để sống. Do đó, cần ăn no chứ không cần ngon”! Nói dzậy, thì kỳ trại nầy, chuyện ăn uống đạt yêu cầu 100%! ha, ha… Đó là mẩu đối thoại thứ hai được nghe bên bếp lửa 

Kế đến là chuyện vệ sinh. Đi tiêu, đi tiểu: không có toilet. Chuyện nhỏ: 4 em ra chế tạo cầu tiêu và nhà tiểu, đủ sử dụng cho 20 người. “Xong!”. Tắm ư? Hồ ngay trước mặt. Chỉ đi chừng mười bước, muốn tắm lúc nào cũng được  – phẻ re. Như vậy là kỳ trại nầy có 3 cái “đã”: thứ nhất là được ăn mì gói không sợ bị cấm, hai thứ còn lại là hai cái thú, mà hồi nhỏ thường nghe nói: “Nhứt tắm sông, nhì ị đồng” .

Nhưng “đã” nhất, vẫn là chuyện đốt lửa. Mỗi lần đi trại, cái mà ai cũng quan tâm là có được đốt lửa không? Nên biết mùa hè ở Úc, cháy rừng là một ám ảnh và là đại họa của quốc gia nầy. Năm nào cũng cháy rừng. Mỗi đám cháy kéo dài chừng vài tuần và trải dài cả ngàn cây số. Như năm rồi, cháy rừng ở Blue Mountains NSW, thiêu rụi 25,800 héc ta, còn đám cháy ở Flinders Rangers SA, thiêu rụi 30,000 héc ta rừng. Đi trại ở Úc vào mùa hè là “fire ban”, cấm đốt lửa tuyệt đối. Đó là chuyện đương nhiên. Nhưng sinh hoạt ngoài trời mà thiếu bếp lửa nấu cơm, sinh hoạt trại mà thiếu lửa trại, xem như “xong”, còn gì là hào hứng. Lần nầy đi trại (có lẽ vì nằm ở ngay bên bờ hồ chăng?) người quản lý khu vực trại cho đốt lửa thả dàn, thích quá chừng chừng. Mỗi đêm mỗi đốt, cho đã thèm.

Thuật lại chuyện đi trại, mà không chia sẻ những cảm nhận của mình trong một khoảnh khắc nào đó ở trại cũng là điều thiếu sót.

Phố phường, quanh năm suốt tháng bận rộn. Sống ở nhà lệ thuộc vào tiện nghi vật chất, tầm mắt bị cao ốc, phố sá che khuất, tai chỉ nghe tiếng nhạc, tivi mở suốt ngày… Trong hãng thì tiếng máy móc hoạt động ầm ĩ, lái xe ra đường phải mắt láo liên, luồn lách giữa dòng xe cộ gầm rú tất bật di chuyển, tâm hồn bị đóng khung trong công việc thường nhật “cơm áo gạo tiền”… Đôi lúc quên rằng trên cuộc đời nầy còn có một không gian khác thênh thang. Nơi đó có biển mênh mông, có hồ tĩnh lặng, có trăng, có rừng cây, có tiếng gió xào xạc trên những tàng cây cao, có tiếng chim đuổi nhau, ríu rít suốt ngày, quên mất những bông hoa dại vươn lên giữa vạt cỏ bên vệ đường với những hạt sương long lanh buổi sáng…

Đi trại là dịp hiếm có để được trở lại, hòa mình với thiên nhiên. Ở trại, sáng nào tôi cũng đều cố thức dậy thật sớm, một mình thơ thẩn trong rừng. Lần nầy, vào lúc sáng sớm hoặc buổi chiều tà, hay ban trưa rảnh rỗi, tôi thường ngồi yên hay tản bộ một mình bên bờ hồ. Khi đó, trong lòng không còn nghĩ đến người thương kẻ ghét, công việc hãng xưởng nhọc nhằn, gia đình bận rộn, đầu tư lời lỗ, tranh luận đúng sai, “nguyên tắc hay phi nguyên tắc” trong Tổ Chức, không còn nhớ đến những trách nhiệm phải làm… Tất cả đều vắng bặt. Tôi cảm nhận được những giây phút vắng lặng, tịch tĩnh, bình an trong tâm hồn mình.

Chuyện kể rằng. Có đám quỷ triệu tập một phiên họp, bàn cách trả thù con người. Con quỷ thủ lĩnh “khai mạc”: hãy tìm cách nào để khiến cho con người đau khổ nhất? Một con quỷ lớn tuổi, cho biết: con người luôn tìm kiếm hạnh phúc. Muốn con người đau khổ, cách hay nhất là mang hạnh phúc của nó giấu đi. Bọn chúng nhao nhao thảo luận thật sôi nổi. Một con trong bọn đề nghị:

– Đem giấu hạnh phúc trong một hố sâu giữa sa mạc mênh mông ở Úc, con người có đi vô đó đâu mà tìm được.
– Chuyện nhỏ, một con khác trả lời. Con người khôn lắm, dầu hỏa sâu dưới đất mà tụi nó còn đào lên được, thì tìm hạnh phúc giữa sa mạc có khó gì?
– Hay đem giấu ở chỗ sâu nhất dưới đáy đại dương ở Tây Úc. Chúng sẽ khóc.
– Không được. Con người có tàu ngầm. Nó sẽ tìm được một cách mau chóng.
– Tin tôi đi, cứ đem hạnh phúc giấu trên hỏa tinh. Con người “còn khuya” mới tìm được, một con quỷ có vẻ là khoa học gia, đề nghị.
– Ngài không thấy sao? con người đang chế phi thuyền lên hỏa tinh du lịch. Một ngày nào đó, hỏa tinh sẽ đầy người. Rồi tụi nó cũng sẽ tìm được hạnh phúc không khó gì.

Hội nghị bế tắc vì không tìm ra được giải pháp khả thi. Sau một khoảng im lặng kéo dài. Một con quỷ có vẻ là triết gia khi đó mới chậm rãi lên tiếng:
– Nên đem giấu hạnh phúc vào chính con người. Vì họ mải mê tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài, cho nên mãi mãi họ sẽ không tìm thấy hạnh phúc ở ngay chính bên trong của họ. Và họ sẽ đau khổ suốt đời vì không tìm thấy được hạnh phúc.

Như vậy mới biết: muốn có được những giây phút thảnh thơi, an lạc, muốn có những khoảnh khắc thanh thản, an bình, hạnh phúc trong tâm hồn, đâu nhất thiết là phải thật giàu, và tìm kiếm đâu xa. Chỉ cần một lần đi trại .

Sau cùng, thật là thiếu sót nếu không kể đến trăng. Vâng, thật tuyệt. Chỉ có thế, bởi vì nói đến trăng là nói đến sự cảm nhận, chứ “bất khả thuyết”. Đêm, trăng thượng tuần như một phiến ngọc treo lơ lững giữa trời, chiếu ánh sáng nhè nhẹ, dịu dàng, lung linh trên mặt hồ tĩnh lặng.

Nhớ lại bài thơ của thầy trò Sư Cụ chùa Hàn San:
“Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung                      (Mùng ba mùng bốn trăng mờ
Bán tự ngân câu bán tự cung                            Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn             Một bình ngọc trắng chia hai
Bán trầm thủy để bán phù không”.                  Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không)

Thế mới biết tại sao ngày xưa đã có người nhảy xuống hồ tìm trăng mà chết.

Chuyện kể, có một “trự hảo hán” cở mấy tay trên Lương Sơn Bạc. Suốt đời ngang dọc, “trên đời chẳng biết sợ ai”, tiền muôn bạc vạn. Dưới ánh đèn màu, gái đẹp rượu ngon chảy tràn thâu đêm…. Cho đến ngày bị bắt giam vào khám tử hình, chờ ngày đưa ra pháp trường xử chém. Nửa đêm, ngồi trong xà lim nhìn lên lỗ mắt cáo trên tường cao, nơi ánh trăng chiếu vào. Lúc đó mới hay và mới tiếc nuối: cả cuộc đời, mình chưa một lần nhìn trăng.

Bạn thấy không? Ngắm trăng đâu cần phải tốn nhiều tiền. Chỉ cần một lần đi trại 

1000 lượt xem