ẨN DẤU MỘT MỐI TÌNH
-//-


Hình minh họa

Có lẽ vừa đọc qua đề tài nhiều anh chị em sẽ thầm nghĩ đến câu chuyện tình gì đây? Vâng tùy sự suy nghĩ. Tôi muốn ghi lại dấu ấn đậm nét thương yêu một con người hiện thực bằng tất cả tấm lòng chân chất thương mến về anh. Xin hãy đến với nhau bằng sự thật đừng để sự giả dối chỉ được trang tải vài dòng trên tờ giấy ca tụng trước linh đài .. bởi:

“- Đời chỉ đẹp khi lòng ta cởi mở
Biết khoan dung và khắc phục chính mình
Trải lòng từ khắp cả nhân sinh
Để từ đó vườn hoa tâm hé nở”
(Khuyết danh)

Vì:

“Ta chỉ là bọt sóng giữa biển học mênh mông
Sóng điệp trùng biến động lại tan vào hư không”
Ở đây tôi muốn viết về tình đời tình đạo và tình Lam, muốn ghi lại để hôm nay đã qua gần 15 năm còn một chút gì để đàn em Lam sau nầy lưu luyến. … Trong cuộc sống, không có gì là chắc chắn. Nhiều lần chúng ta cứ tưởng rằng đấy là tai họa nhưng thực chất đó lại là một món quà ẩn dấu. Rồi khi tâm hồn chúng ta rộng mở, tất cả những trở ngại hay tình huống khó khăn mà chúng ta gặp trong cuộc sống, sẽ biến thành những phần thưởng mà từ đó chúng ta có thể rút ra được những bài học quý giá. Đúng vậy trưa nay soạn lại tủ sách, vô tình cầm tập tài liệu tu học bậc Trì cũ, giấy vàng chữ in đâm nhạt không còn bìa nguyên thủy (vì bìa tháo bỏ, ngụy trang bằng một bìa tập san khoa học) tôi liên tưởng nhớ về cái ngày: “Cũng vì yêu Lam mà lận đận với Lam” của một người anh, trong đó bản thân cũng là người góp mặt trong sự cố tập bậc Trì nầy. Tự nhiên, dĩ vãng quay về với chuỗi dài lẫn lộn vui buồn chan chứa Tình Lam, gom đủ cả lý sự của Vô Úy – Nhẫn nhục bên trong, để hôm nay thế hệ đàn em có tài liệu tương đối đầy đủ tu học. Người mà tôi muốn nói đó là anh Nguyên Từ Nguyễn Đức Thương.

Thường ở đời người ta thích nói việc thiện nhưng lại ưa làm điều không lành. Nhất là cộng với ý tưởng nghi ngờ chưa thể nhập với việc nghe nhìn, nói theo Tây y là sờ – nhìn – gỏ – nghe thì tật đố càng tăng. Nên trong thời gian chương trình trường kỳ tu học còn nghèo nàn về tư liệu. Tập tài liệu bậc Kiên trước đã được tạm dùng làm giáo trình căn bản (dù chưa hoàn thiện). Tập bậc Trì xuất hiện trong giới hạn từng địa phương. Nhưng vin cớ không có giấy phép và nhà xuất bản (mà có ai cho đâu có) một lệnh phải thu hồi giao nộp đúng 8 giờ sáng hôm sau. Không còn nhớ chính xác ngày nào, thứ mấy. Nhưng không thể nào quên được. bởi hôm đó bầu trời Nha Trang ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, từng đợt mưa lạnh kèm theo gió cấp 5 cấp 6. Khoảng 9 giờ sáng. Anh Nguyên Từ từ Cam Ranh khoác áo mưa nhựa mỏng trên chiếc Honda cà tàng hối hả ngừng trước nhà, kêu tôi cùng lên xe đi ra Tuy Hòa (Phú Yên) có việc gấp. Nhìn tuổi già sức yếu cả tháng nay anh được mời lên cơ quan công quyền nhiều lần, đôi khi bị ngũ bụi thực hiện công tác thiện nguyện bố thí cho những chú muỗi đói một hai đêm. Bản thân cũng vài lần chở chị Nguyên Hoa vượt gần trăm cây số cùng trình diện. Tôi hỏi: “Thưa anh nghỉ một tí đã, đi làm gì vội thế” Anh hối đi cho kịp còn về lại trong ngày, sáng mai phải trình diện giao các cuốn Bậc Trì.. Bây giờ không biết anh Thơ còn để ở nhà hay anh em mình phải đến từng nhà thu nhặt lại.. .

Mặc cho ngoài trời đang mưa, từng đợt gió lạnh, khoác vội áo mưa tôi thót lên xe cùng anh thẳng tiến Tuy hòa. Đến chân cầu Hà Ra, chợt nhớ đến dụng cụ sửa chữa, hỏi anh có đem không anh lắc đầu “quên rồi”. Anh ngừng xe tôi ghé vào nhà Năm-Thoa, một người bạn mượn hộp đồ nghề rồi vội chạy đi, làm bạn tôi sững sờ không biết việc gì mà vội thế.

Con đường mùa mưa, đầy ổ gà, với những vũng nước lớn (voi nằm còn rộng chổ), anh chạy xe hết tốc lực, mặc cho hố, mặc cho hang, những hạt mưa đá đập vào mặt đau điến, cũng như phải hứng chịu những đợt tạt nước của các chuyến xe hàng, xe khách xuyên Việt băng qua, nhiều lần xuýt rơi xuống đường do xụp ổ gà..

Đến Vạn Giã đổ thêm xăng.. để anh đỡ mệt và căng thẳng thần kinh tôi thay tài chở anh. Dù đường hư nhưng với ý chí quyết tâm vượt trở ngại, tăng hết tốc lực đồng hồ luôn ở 60 km/ giờ. Phía sau anh cứ thúc còn chậm hãy nhanh hơn (thú thật trình độ chạy xe của tôi đến thế là quá tải, mà xe của anh hết mức rồi), với lại chiếc gương hai tròng lão, loạn thị đeo trên mặt cứ theo nhịp xe tự do tung tăng không chịu nằm yên trên đôi mắt. Qua đèo Cổ Mã., anh bảo để anh lái. Tôi năn nĩ anh ngồi yên khi nào hết đèo Cả rồi đổi tài. Đồng hồ trên tay chỉ đúng 12 giờ trưa, đèo Cả mây mù giăng kín đá Bia. Đây là ranh giới hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Dưới chân đèo Cả, sóng biển trắng xóa đập ầm ầm vào vách núi, ngoài xa một vài chiếc thuyền đơn độc giữa trùng khơi. Nằm trọn thung lũng lõm sâu như một vòng cung, đó là Vũng Rô. Trước đây có một đơn vị GĐPT, mà tôi đã một lần cùng anh chị em BHD Khánh Hòa ra tổ chức trại huấn luyện Lộc Uyển 93 (khi chưa tách tỉnh, còn trực thuộc Huyện Vạn Ninh Tỉnh Phú Khánh). Các em dễ thương và hồn nhiên lắm. Tất cả sinh hoạt theo mùa, nghĩa là những ngày nước lên tất cả đều cùng gia đình lên ghe ra khơi đánh bắt cá, có khi nữa tháng hay một tháng mới về lại nhà. Và những lần về nhà như thế anh Liên Đoàn trưởng lại tập hợp các em đến sinh hoạt.. Nhờ sống chung với gió sương, các em dạn dày mưa nắng, nên dù khó khăn vẫn lập được một mái chùa nóc bằng tôn vách đất, cũng như đồng phục nghiêm túc.

Đây, con đường rẽ xuống làng Vũng Rô (đơn vị trên không biết còn sinh hoạt không?. Vì tôi có dịp cùng nhóm Từ Thiện Phật giáo đi ủy lạo, khi cơn bảo số 6 năm 2000 ập vào Vũng Rô, ngôi chùa, tượng Phật bị bão phá hư, các em GĐPT lúc đó vẫn còn, vẫn cười tươi hát bài thân ái đón chào, nhưng trên nét mặt mất dần nét thơ ngây của lứa tuổi đồng niên !!!…

Trời mù tối, xe phải bật đèn (12 giờ trưa rồi mà..) ..con đường đèo quanh co khúc khuỷu.. Xe chạy xuống chân đèo Cả, trao tay lái cho anh. Anh rồ ga chạy hết tốc lực, cũng may con đường từ đây đến Tuy Hòa tương đối tốt chỉ có đoạn hư ngắn gần chợ Hòa Xuân và đoạn gần chùa Cảnh Thái mà thôi. Chúng tôi đến Tuy Hòa gần 14 giờ. Có lẽ Long Thần Hộ pháp hộ trì xúi dục anh Thơ có mặt tại nhà, anh trao lại số lượng sách tuy không được đầy đủ lắm, nhưng dù gì cũng có cứ liệu chứng thực để sáng mai anh Nguyên Từ làm việc tại đồn Công An. Gặp nhau khoảng 15 phút, kịp uống ly nước, chúng tôi lại lên xe hồi đáo Nha Thành. Qua cầu Đà Rằng, hai anh em tự thưởng cho mình mỗi người một ly nước mía, vả lại lúc nầy “bao tử” lên tiếng, báo sự có mặt của chúng, vì từ sáng đến giờ trời mưa, gió rét cùng nỗi vất vả, cảm thông với chủ nó nên chúng sợ quá trốn mất chẳng dám ý kiến hay phát biểu gì hết, đồng thời xem lại nhớt xe chuẩn bị cùng nhau quay về. Nhưng sự thật phủ phàng bày ra trước mắt. Nhớt máy khô queo gần lột dên, sên và nhông, líp xe mòn hết cở (chắc chắn nếu còn ráng sức bóc lột, chạy thêm chừng vài cây số nữa thì cả hai, thay vì xe chở thì phải ráng tìm cách để chở xe thôi)… Đúng là trong cái rủi có cái may, giữa lúc chờ thợ sửa chữa thì hai anh em được nghĩ lấy sức còn đi tiếp. Hơn 3 giờ chiều. xe mới xong, tiếp tục hành trình ngược lại và đến Nha Trang gần 8 giờ tối.

Trời lạnh, mưa không to nhưng dai dẳng. Một mình, vì sứ mệnh Áo Lam anh lại vượt gần 60 cây số ra về, trong đó gần 8 km ngập ngụa sình lầy, (anh em chúng tôi hay nói đùa chỉ cần đi một lần tránh các vũng nước đọng nầy thì khỏi thi lấy bằng lái xe. Vì có đến cả trăm vòng số tám chứ không như của trường thi chỉ chạy vài vòng chân không chấm đất là đạt). Mô Phật nhìn theo anh, tôi thầm nguyện cầu chư Phật hộ trì anh an toàn về đến nhà. Cũng như để GĐPT Việt Nam vượt qua cơn sóng gió nầy…

Biết rằng quá khứ đã qua không nên truy tìm, nhưng chính hiện tại được duyên hợp từ quá khứ. Và GĐPT hôm nay còn tồn tại, giáo pháp còn ngời sáng đạo vàng, dù đôi lúc có những áng mây đen che mờ như mặt đất tối đen giữa trưa hè trong phút giây nhật thực toàn phần.

Có phong ba bão táp mới thấy được sự kiên cường trụ chắc. Nhờ những lớp đàn anh dấn thân vì GĐPT quên cả lao khổ bản thân, dù có những anh chị hôm nay tuổi đời thuộc loại cổ lai hy như anh Nguyên Tín. A.Như Thật, A.Tâm Huy hay các chị Tâm Minh, Diệu Lãng, Nguyên Hoa vv… . Các anh chị đã dung nhập tinh thần hòa quang đồng trần của Vạn Hạnh Thiền Sư, làm ngời sáng lý tưởng Lam qua chiều dài lịch sử gần 70 năm qua.

Giờ đây cả năm châu bốn biển bóng Lam hiền âm thầm góp mặt, nhằm xây dựng xã hội tốt đẹp ngay trong cõi Ta Bà ô trược nầy, qua giáo pháp Như Lai. Trong đó có anh, có chị và có tôi được thừa hưởng gia tài quý báu đó, xin:

“Hãy vì Lam trước sau như nhất
Trọn lời nguyền sống mãi với Lam.”

Tâm Kim – Phước Minh

549 lượt xem