Cuộc sống có quá khứ, có hiện tại và phải có tương lai. Chối bỏ quá khứ thì không ai dám và nếu có, chắc chắn phải bị hậu thế chê cười vì hiện tại cũng sẽ lùi về quá khứ. Đó là luật nhân quả, nếu đã gieo nhân không tránh khỏi hậu quả.

Tôi buồn muốn phát khùng vì nghe tin kỳ thi vừa qua chỉ duy nhất một em học sinh thi môn sử, còn hàng triệu con em lại quay lưng với môn này. Tại sao? Ai chịu trách nhiệm với hiện tượng đau lòng này?

Hôm qua, có một bài báo, tôi chỉ nghe chưa được đọc có người đề nghị đưa môn “Ngoại ngữ” vào chương trình giáo dục bắt buộc. Đúng thôi, vì với công nghệ thông tin hiện tại, với sự hoà nhập vào cộng đồng thế giới, không học ngoại ngữ thì biết mô tê gì trên thế giới để ứng xử cho phù hợp. Vậy bắt buộc lớp trẻ học ngoại ngữ, tôi đồng tình với người đề nghị, chúng tôi cho là hợp lý và do đó tôi liên tưởng đến tất cả các môn học của các em và cũng mong muốn vị này cũng đề nghị bắt buộc học môn Sử Địa. Môn nào bắt buộc, môn nào không bắt buộc, môn nào đặt nặng, môn nào xem nhẹ? Có người gần như ba phải “Môn nào cũng nặng cả vì biển học mênh mông, học để mở mang kiến thức thì tất cả các môn đều là cần cả”.

Trước đây, tôi đi học, theo sở thích, có sở trường, sở đoản để chọn ban A, B, C…. rồi có hệ số điểm để đánh giá. Bây giờ cũng vậy, nhưng với một hiểu biết nông cạn của một lão nông quê mùa như tôi, có con cháu đi học, đa số chúng xem thường môn Sử Địa, chúng lý luận rằng “môn này không thực dụng, không kiếm ra tiền gạo như các môn khác”. Tôi chỉ biết lắc đầu, giải thích thế nào cho chúng hiểu, xem nhẹ môn Sử thì làm sao biết sự hy sinh cao cả và chiến thắng oanh liệt của Tiền Nhân, làm sao ý thức được lòng tự hào Dân Tộc? Xem nhẹ môn Địa lý làm sao biết Giang Sơn tươi đẹp, làm sao thấy Đất Nước hùng vĩ cở nào, làm sao có tinh thần bảo vệ Quê Hương biển đảo? Học cho có, học lấy lệ, dạy cho xong giờ, hiểu hay không, ích lợi thế nào không quan tâm rồi cuối cấp thi hay không tuỳ ý. Điều này tôi có thảo luận với một Cán bộ cao cấp ở Đồng Nai, vị này cũng đồng ý như thế.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, mấy ngàn năm văn hiến, 36 Phố phường. Biểu tượng của miền Bắc là chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) bây giờ khép nép co mình sát một Viện Bảo tàng vĩ đại, Viện Bảo tàng không những cần thiết mà còn quá cần thiết, hết sức quan trọng, nhưng Hà Nội bây giờ gom cả Hà Tây thiệt không thiếu đất, không thiếu chỗ tôn nghiêm rộng rãi, sao lại phải chen lấn vào một biểu tượng thiêng liêng mấy ngàn năm như thế? Rồi quán xá, nhà hàng bao vây, chùa Một Cột lại hứng chịu cảnh ăn chơi bát nháo làm cảnh quang bị xâm hại trầm trọng. May còn chùa Linh Mụ, biểu tượng của miền Trung nằm biệt lập vươn cao trên một ngọn đồi nên chưa ai xâm hại được, phước duyên cho xứ Huế, cho miền Trung thân yêu của Đất Việt.


Nay nghe tin: Công viên Quách Thị Trang tại chợ Bến Thành cũng sắp bị “diệt”. Ôi! Sao mà phủ phàng đến thế? Một Công viên lịch sử, một nhân vật tiêu biểu cho tuổi trẻ anh hùng sắp cho về dĩ vãng. Đã đành rằng vì công ích và chỉnh trang Đô thị là cần nhưng xoá đi một di tích lịch sử hỏi có đáng không? Tại sao không tránh xa vài trăm mét hay chuyển ngôi tượng qua một địa điểm gần kề? Tượng Quách Thị Trang, một vì sao sáng, một tấm gương can đảm hiên ngang trước họng súng bạo tàn. Trang chỉ mới 16 tuổi có khác gì Võ Thị Sáu? Trang đã hy sinh, máu Trang đã đổ xuống đó, trước chợ Bến Thành, trước một đàn quỷ dữ, trước hàng trăm hàng ngàn con mắt tiếc thương kính phục của cả vạn đồng bào. Chợ Bến Thành biểu tượng của cả miền Nam. Trang đã gục ngã tại đó, máu Trang nhuộm đỏ cả chiếc áo trắng trinh nguyên. Một Nữ sinh oai dũng kiên cường không lùi bước trước một đoàn quỷ dữ, trước hàng trăm mũi súng chĩa thẳng vào Trang. Trang hiên ngang như một Nữ tướng trong tay chỉ một tấm biểu ngữ và với quyển vở học trò. Hình ảnh đó không đáng được duy trì hay sao, tấm gương đó không đáng được nêu cao hay sao? Vậy ai nở nhẫn tâm cho về quá khứ mờ nhạt, nghe đâu người ta định đem tượng của Trang vào Viện Bảo tàng. Đáng lẽ ra, gương hy hiến của Trang phải được nêu lên khắp toàn quốc, Thành phố nào cũng có con đường tên Trang, Trường học nào cũng có Tượng đài của Trang để làm gương cho tuổi trẻ. Đã không làm được như vậy, người ta cũng định chôn vùi Trang về quá khứ, gián tiếp phủ nhận xương máu của Trang, mãnh hình hài của Trang bằng xương bằng thịt đã trả về cho Tứ đại, chỉ còn một chút hình tướng nhỏ nhoi của Trang bằng vật liệu đất đá người ta cũng không muốn duy trì, phủ phàng quá phải không Trang? Cả một đất nước mênh mông, tượng Trang chỉ trong một công viên nhỏ hẹp cũng sẽ mất dấu. Trang ơi! “Trang hỡi Trang, em là vì sao sáng, giữa khung trời mây trắng với trăng thanh, rồi một hôm có bao nhiêu đầu xanh, xiết tay nhau giục giã em lên đường…. hình hài mất nét tinh anh còn đây, giữa muôn tim Trang còn mãi không phai….” Bài hát làm nhói cả triệu con tim, bài hát bất diệt.

Ông anh tôi, Đoàn Đình Từ, mỗi lần cất lên bài hát, hai hàng nước mắt chảy dài lau không kịp, rồi cả anh em tôi nghẹn lời không hát thêm được nữa.

Thời đó, đã 51 năm qua, “Giữa muôn tim Trang còn mãi không phai”. Phai sao được những trang sử oai hùng của tuổi trẻ thời ấy. Khắp nơi trên toàn quốc, học sinh, sinh viên, thanh niên đồng loạt bãi khoá, đình công, bãi thị, noi gương Trang góp phần làm sập cả một chế độ độc tài không biết tôn trọng ý dân.

Tôi là nhân chứng cũng là nạn nhân như Trang, nhưng tôi chưa chết. Tôi hiểu tâm trạng của Trang, tôi nghiêng mình bái phục sự can đảm, hy sinh oanh liệt của Trang, còn người khác họ có đồng cảm như tôi và Trang đâu, trước mắt họ, tượng của một cô bé nhỏ nhoi, thơ ngây không đáng trân trọng, họ chỉ thấy nhà chọc trời là oai, tầng tàu ngầm là quý, họ không thấy được hàng triệu quả tim yêu thương rung động với dòng lịch sử oai hùng của cả một thế hệ, đó là quốc hồn, quốc tuý, nên họ dễ phủ nhận với quyền lực trong tay. Tôi viết mấy dòng này mà thương Trang, nhớ Trang, kính mến Trang, tôn vinh Trang như cô Giang cô Bắc, lòng tôi sẽ vô cùng xúc động đau khổ khi đi qua chợ Bến Thành mà không thấy tượng của Trang và chắc chắn sẽ có hàng triệu triệu người có tâm trạng như tôi nếu biết tôn vinh lịch sử.

Sơn Tăng quê mùa kém cõi này, thấy như thế, nghĩ như thế, và nói như thế với sự chân thành, chất trực, hy vọng tất cả chúng ta đánh thức “lương tri lịch sử” để biết duy trì và bảo vệ sự nghiệp của tiền nhân đã hy sinh quá nhiều xương máu. Không nên vì cái lợi trước mắt, nhất thời mà nở xâm hại các di tích lịch sử ấy, điển hình như ở Thành phố này, nơi Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu, một tượng đài uy nghiêm trang trọng được hình thành thì hàng triệu cõi lòng hân hoan tán thán, nên chăng với Trang cũng làm như vâïy thì hạnh phúc biết bao! Tôi mong là như thế!

Phật Ân tự, Long Thành, Đồng Nai, Vu Lan 2558
Thích Minh Tâm

611 lượt xem