NHẬN ĐỊNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ HƯỚNG DẪN TU HỌC

(Tham luận đề dẫn tại Hội Nghị Nghiên Huấn GĐPT Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu)

A. MỞ ĐẦU:

+ Nhận định:

Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục của Phật Giáo có mặt trên đất nước Việt Nam đã trên 70 năm, luôn tùy duyên để hành hoạt; tâm nguyện duy nhất là bảo tồn và phát triển tổ chức trên định hướng của giáo lý Phật-đà.

Ngày nay công nghệ thông tin (CNTT) càng phát triển càng tác động mạnh mẻ vào sự phát triển của tất cả các ngành trong đời sống xã hội. Khi CNTT phát triển thì việc ứng dụng CNTT vào tất cả các lĩnh vực là một điều tất yếu. Trong lĩnh vực GĐPT việc quản lý và hướng dẫn tu học bằng CNTT còn rất hạn chế, có thể nói chưa có là bao. Trong chương trình tu học và huấn luyện được ban hành theo quyết định số 13.063/HDTƯ/QĐ/TB ngày 22.6.2013, hoàn toàn không đề cập đến lĩnh vực này. Chúng ta cần phải nhanh chóng nâng cao chất lượng và tầm nhìn trong công tác quản lý và hướng dẫn tu học bằng cách ứng dụng CNTT vào lĩnh vực của mình. Để nâng cao chất lượng hướng dẫn tu học và nghiệp vụ quản lý, chúng ta không nên từ chối những gì mà CNTT mang lại lợi ích; biết cách tận dụng nó, biến nó trở thành công cụ hổ trợ hiệu quả cho công việc của mình, mục đích của mình.

Tuy nhiên, làm thế nào để ứng dụng và thực hiện hiệu quả trong GĐPT. Đó là vấn đề khó khăn mà tổ chức GĐPT đang gặp phải.


B. CHÁNH ĐỀ:

I/ QUẢN LÝ:

Từ lâu nay, GĐPT việc quản lý mọi mặt đều theo phong cách cổ điển và dưới cổ điển, tức là quản lý thông qua sổ sách, giấy tờ. Ngày nay CNTT phát triển, chúng ta đừng ngần ngại mà chuyển qua cách làm việc mới. Tại sao chúng ta không thử làm một cuộc thể nghiệm bằng cách ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và giảng dạy? Vấn đề được đặt ra đầu tiên là đối với Huynh Trưởng lãnh đạo.

Một số Huynh Trưởng lãnh đạo vì một điều kiện nào đó hoặc không có năng khiếu về bộ môn này nên tầm nhìn rất hạn chế và cho đó là công việc vẽ thêm rồng thêm rắn trong GĐPT. Chúng ta có thể có một ý tưởng và định hướng cho công tác này để tuổi trẻ có cơ hội phát huy khả năng của mình và đừng để cho tổ chức GĐPT bị lạc hậu trước thời đại, hầu đem lại lợi ích cho GĐPTVN nói chung và đơn vị GĐPT sở tại nói riêng.

Sự bùng nổ của CNTT không ít làm cho tổ chức GĐPT bị thử thách trong cách nhìn về giáo dục mà hậu quả đến giờ này chưa giải quyết được.

1. Quản lý Diễn Đàn và Trang Mạng Xã Hội:

Diễn đàn và trang mạng xã hội là một trang mục để chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm và hiểu biết trên chiều hướng đã làm biến đổi thế giới. Tuy nhiên hiện tại chúng ta đã thấy phần lớn là một trang mục để phô bày cái tiểu ngã được định hướng trên chiều hướng tiêu cực, hậu quả làm suy yếu tổ chức và rối ren xã hội.

Hiện tại rất nhiều trang mạng xã hội được hình thành để phục vụ nhiều mặt cho con người. Ở buổi hội thảo này chúng ta chỉ đề cập đến trang mạng Facebook, đây là trang mạng xã hội có tính cách toàn cầu và vĩ mô nhất.

1.1 . Chúng ta tìm hiểu xem Facebook là gì?

Facebook là một trang web mạng xã hội phổ biến miễn phí, cho phép người dùng đăng ký để tạo hồ sơ, tải ảnh và video, gửi tin nhắn và giữ liên lạc với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp.

1.2. Lợi ích và tác hại của Facebook:

Mạng xã hội ra đời trên internet có thể nói là một bước tiến mới của ngành CNTT, hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều người nhất trên thế giới. Thế giới “ảo” này góp phần đưa con người đến gần nhau hơn.

+ Lợi ích của Facebook:

Một trong những tiện ích đầu tiên của Facebook mà đa số người sử dụng công nhận, đó là góp phần kết nối và đưa mọi người đến gần nhau hơn. Một trong những tiện ích khác không thể phủ nhận của Facebook là việc chia sẻ: Thông tin, hình ảnh (cá nhân, tập thể hoặc của một nhóm người nào đó), tin tức thời sự mọi người đang quan tâm, cả những “tin” vừa phát hiện (tai nạn giao thông, hỏa hoạn…) với tốc độ tính bằng giây. Bên cạnh đó, thông qua “Phây” (Facebook) giúp người sử dụng nắm được những thông tin mình quan tâm, như: Thời trang; những món ăn, thức uống; những quán café, điểm tâm mới; mua sắm quần áo, trang sức giá rẻ đến cao cấp… Có thể thấy, tất cả những thông tin bạn cần sẽ có trong tích tắc chỉ cần một cái click chuột.

+ Tác hại của Facebook:

Bên cạnh lợi ích cung cấp thông tin mang tính chất cộng đồng, Facebook không đảm bảo về tính bảo mật. Facebook cũng là nơi chốn để công kích nhau, chuyển tải những nội dung phản giáo dục. Một điều cần phải quan tâm đề cập là bịnh “nghiện”, bịnh này rất khó chữa. Khi quá quen với việc trao đổi thông tin qua tin nhắn, hình ảnh, bài viết và "nút like" trên Facebook, bạn ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội. Điều này khiến thời gian dành cho những cuộc gặp gỡ, chuyện trò ngoài đời thực… trở nên ít ỏi. Chúng thực sự không tốt, bởi giao tiếp mặt đối mặt luôn mang đến trải nghiệm, cảm xúc chân thật và thú vị hơn. Nhiều bạn không bao giờ chia sẻ gì về mình trên Facebook, nhưng lại dành rất nhiều thời gian để lượn lờ đọc Facebook người khác, xem ảnh hoặc comment mãi để theo dõi “đối thủ”, người mình “để ý”… mà không dứt ra được. Việc nghiện mạng cộng đồng không còn là điều hiếm thấy trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Facebook là niềm đam mê tìm hiểu xã hội, nhưng lạm dụng thái quá đam mê ấy sẽ trở thành tiêu cực, ảnh hưởng không ít đến thời gian học tập.

Do đó, nên xem Facebook là nơi chia sẻ tình hình, thông tin và những sự cảm thông hữu ích, đồng thời luôn cẩn trọng với những mối quan hệ mở, những người bạn dễ dàng có được chỉ bằng một cái click chuột. Ta không thể lường được họ sẽ mang đến những tai hại như thế nào. Nhẹ thì tổn thương về tinh thần nhưng nặng hơn thì cả về thể xác, thậm chí bị lừa đảo, lợi dụng.

Có nhiều bạn mãi mê Facebook đến nổi quên cả việc nhà, trì hoãn việc học tập. Nhiều bạn sau khi quay lại bàn học vẫn “lưu luyến” với “Phây” mà không thể tập trung. Một điều thật nhức nhối với chúng ta, do bị áp lực thời gian ở nhà và ở trường, vào những buổi sinh hoạt không ít các em đã bỏ sinh hoạt, tận dụng thời gian vào "quán Net" để tiếp tục vào Facebook. Chính điều đó gây ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và sinh hoạt của các em.

Tuổi trẻ tiếp nhận CNTT rất bén nhạy mà cũng là nỗi lo của các bậc Phụ Huynh. Trên trang mạng thì có muôn ngàn lợi ích và cũng không thiếu những cạm bẩy mà tuổi trẻ không ít đã bị vướng vào. Để quản lý lảnh vực này người Huynh Trưởng cần am hiểu CNTT để giáo dục và định hướng cho các em kịp thời. Làm được vậy thì tổ chức của chúng ta mới là thực sự một nơi an toàn mà các bậc Phụ Huynh an tâm cho con đến.

2. Quản lý về hành chánh:

Mặc dù hình thành và phát triển trên 70 năm, nhưng nhìn lại công tác quản lý hành chánh vẫn còn chòng chành, vẫn còn thiếu nhất quán. Quản lý hành chánh bằng cách thô sơ và cổ điển không mang tính khoa học ở một vài cấp trong GĐPT, hậu quả là tài liệu bị thất lạc theo năm tháng, đến lúc cần viết lại, cần sưu tra… không biết tìm đâu, căn cứ vào đâu. Chỉ cần một tí am hiểu và định hướng, CNTT sẽ hổ trợ cho chúng ta công việc này một cách hoàn hảo.

2.1. Chuyển tải văn thư: Chuyển tải văn thư bằng phương pháp cổ điển thật quá ư là phiền phức, mất nhiều thời gian, dễ bị thất lạc. Chỉ cần am hiểu một tí về CNTT, chỉ một cái click chuột trong tích tắc (tính bằng giây) thì thông tin đồng loạt đến với mọi người. Trung Ương GĐPTVN đã và đang thực hiện được phần này. Tại tỉnh nhà của chúng ta cũng đang thực hiện phần này hiệu quả rất tốt.

Ở mặt tiêu cực nào đó, nãy sinh ra những ý tưởng: Mình già rồi thôi học làm gì; máy móc đâu mà học; thời gian đâu mà học! Những suy nghỉ tiêu cực luôn hiện ra để biện hộ cho việc tiêu cực của mình đối với công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động của GĐPT.

2.2. Lưu giữ văn thư và lý lịch:

Việc lưu giữ văn thư và lý lịch của Huynh Trưởng, Đoàn Sinh cũng cần sự hổ trợ của CNTT. Tìm kiếm một văn thư hoặc lý lịch của một ai đó, phải mất một thời gian đôi khi rất dài, soạn tung các tủ hồ sơ; nhưng chỉ cần chịu khó tìm hiểu và áp dụng CNTT, chúng ta chỉ cần một vài giây đã tìm ra những điều cần tìm.

II/ HƯỚNG DẪN VÀ TU HỌC:

Sự hướng dẫn tu học trước đây cũng đã đem lại hiệu quả trong giai đoạn hiện tại đó. Nhưng hiện nay sự bùng nổ CNTT, mọi hoạt động của các em gần như tiếp cận với CNTT hằng ngày, hằng giờ nên việc hướng dẫn và tu học bằng phương pháp cổ điển như trước đây trở thành khô cứng, hạn chế sự sống động, không thu hút được các em. Thực sự mà nói, GĐPT có một phần chưa bắt kịp đà phát triển của xã hội. Nếu một Huynh Trưởng biết lo cho tổ chức, có ý thức trách nhiệm khi chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt hoặc hướng dẫn một bài học bằng phương pháp cổ điển phải mất nhiều thời gian và đồ dùng trợ giảng nhưng hiệu quả vẫn không cao, sự sống động còn hạn chế.

Hiện nay bộ môn "Tin học" đã được phổ cập vào các ngành, các tổ chức và kết quả đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của xã hội. Còn GĐPT của chúng ta thực sự mà nói, rất nhiều khó khăn, một phần lớn Huynh Trưởng chưa biết sử dụng máy vi tính, dù ở một chương trình đơn giản nhất!

Việc thực hiện một bài giảng một cách công phu bằng dẫn chứng sống động trên các “slide show” trong các giờ học kết quả rất cao. Sử dụng phương pháp hướng dẫn cổ điển với phấn trắng và bảng đen kết quả chỉ đạt khoảng 30% trong khi đó hiệu quả của phương pháp “Nghe – Nhìn” đạt đến 70% (thống kê của thế giới). Thế nên hướng dẫn tu học mang tính trực quan rất cần thiết trong giai đoạn này, chúng ta phải biết tận dụng CNTT trong công tác này. Lấy một vài ví dụ:

1. Hướng dẫn bộ môn Phật Pháp:

Hướng dẫn một bài Phật Pháp về “Lịch sử đức Phật Thích Ca”, chúng ta có thể thực hiện một số hình ảnh – nếu được ảnh động thì quá tốt – chiếu lên màn hình và những dòng chữ kết hợp với tiếng của muôn trùng, tiếng nước chảy của dòng sông Anoma khi Thái Tử vượt sông… Và cứ thế, Huynh Trưởng chỉ nhìn lên màn hình mà hướng dẫn, khỏi mất thời gian treo hình ảnh minh họa, khỏi mất thời gian dùng phấn viết lên bảng.

Thêm một ví dụ nữa: Khi hướng dẫn tu học cho đoàn Sen Non ở một đề tài “Tập quan sát và phân biệt hình ảnh (Phật Bảo)", ở hình ảnh đức Phật Thích Ca, chúng ta tuần tự hướng dẫn chiếu lên màn hình đức Phật Thích Ca đứng, ngồi, nằm… Ở mỗi phần, chúng ta giới thiệu những đặc điểm để các em nhớ và phân biệt đối với bài học kế tiếp hình ảnh của chư Phật và Bồ Tát khác.

2. Hướng dẫn bộ môn Văn Nghệ:

Hướng dẫn một đề tài văn nghệ, tập một bài hát mới… chúng ta chỉ cần chiếu lên màn hình những điều cần hướng dẫn (một bài hát đầy đủ phần ký âm, hình ảnh minh họa…) thực hiện hiệu ứng âm thanh, cho phát âm thanh, hình ảnh minh họa và theo các clip… Cứ thế, Huynh Trưởng theo đó mà tập hát cho các em.

3. Hướng dẫn bộ môn Hoạt Động Thanh Niên:

Trong các môn học của Hoạt Động Thanh Niên (Gút, Morse…), trong phần học lý thuyết, chẳng hạn môn gút, chúng ta sử dụng phấn, bảng và hình ảnh trên giấy, các dụng cụ ấy thật khô cứng, không sống động. Bỏ một chút thời gian dùng CNTT, chúng ta sẽ biến những hình ảnh khô cứng thành sống động, chẳng hạn cách thắt một gút được thực hiện bằng hình động trên màn hình, tất cả các em nhìn lên màn hình mà làm theo; Huynh Trưởng chỉ kiểm soát và hổ trợ mà thôi.

4. Hướng dẫn bộ môn Hoạt Động Xã Hội:

Về môn học Hoạt Động Xã Hội, hướng dẫn cho các em biết lễ phép, biết chào kính chúng ta sẽ minh họa lên màn hình những hình ảnh thật cho các em quan sát và theo đó mà hướng dẫn cho các em.

5. Tu học trực tuyến:

Vấn đề học trực tuyến là một mô hình mới và tương đối lạ với phần đông Huynh Trưởng của chúng ta. Tuy nhiên trong bài viết này người viết chỉ đưa ra một cách khái quát về hình thức để các anh chị Huynh Trưởng nhận định và định hướng cho việc tu học của GĐPT trong tương lai.

Học trực tuyến là một mô hình đã được thực hiện mang tính toàn cầu. Học trực tuyến thực tế mà nói, rất tiện lợi cho mỗi cá nhân và cho cộng đồng, có thể thực hiện cá nhân, từng nhóm, từng lớp. Người hướng dẫn ở một nơi nào đó thực hiện giảng dạy, tất cả mọi người khắp nơi cùng tham gia học, đỡ tốn kém thời gian, phương tiện và địa điểm… Tuy nhiên để thực hiện được phần này điều cơ bản trước tiên là Huynh Trưởng phải biết sử dụng máy vi tính, sử dụng Internet và biết tổ chức cách học. Và tuy vậy, chúng ta cũng phải biết qua ưu điểm và khuyết điểm của cách học này.

+ Về ưu điểm: – Tiết kiệm chi phí. – Tiết kiệm thời gian. – Học tập được ở mọi lúc, mọi nơi. – Uyển chuyển và linh động. – Hệ thống hóa.

+ Về khuyết điểm: – Không đánh giá được hết trình độ của Học Viên trong một môi trường làm việc thực tế. – Đòi hỏi phải đầy đủ trang thiết bị.

Lớp học trực tuyến được xem là thành quả của thế giới thông tin điện tử toàn cầu hiện nay; đặc biệt trong thời gian gần đây có một số bạn trẻ và tổ chức lựa chọn đưa vào một số bộ môn học của mình.

C. KẾT LUẬN:

Phương pháp hướng dẫn và tu học của GĐPT rất sáng tạo và uyển chuyển, chúng ta đừng biến buổi học của GĐPT thành một buổi học ở nhà trường thứ hai. Bởi vì thế ngoài những buổi học ngoài trời, gần thiên nhiên, chúng ta cũng nên áp dụng CNTT bằng những hiệu ứng động, biến buổi học tại phòng thành một buổi học sống động, không khác gì lắm với buổi học ngoài trời.

Ở bài viết này người viết chỉ đưa ra phần nhận định về CNTT là chính, còn phần ứng dụng chỉ giới thiệu một cách khái quát. Với lòng nhiệt tình cộng một chút trách nhiệm, khi chúng ta chính thức áp dụng CNTT vào hướng dẫn tu học cho Huynh Trưởng và các em Đoàn Sinh, lúc đó chúng ta sẽ đặt cụ thể vấn đề tổ chức những buổi tập huấn và hội thảo chuyên đề ứng dụng CNTT vào sinh hoạt GĐPT. Chúng ta sẽ thấy những điều hay và bổ ích hiện ra và cũng sẽ kèm theo những khó khăn nhất định nào đó. Hy vọng rằng với tâm huyết vì tổ chức GĐPT trong tương lai, chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn nhất định đó.

Chúc các anh chị thành công!

Tuệ Hòa TRẦN BÌNH

766 lượt xem