Kể từ khi tám tuổi ấy, bước tiếp vào cuộc đời với ba phần tư hành trang của đạo pháp, tôi thật sự cảm thấy mình có quá nhiều phước báu so với bạn cùng lứa nhưng chưa có thiện duyên đến với đạo. Những khổ sầu lo toan trần thế dường như áng mây trôi qua trên đầu và tan biến trong phút chốc. Những mùa thi cữ nhiều lo âu, những tính toán đối phó với “lệnh tổng động viên” nếu Tú Tài đôi bị trượt…vv.. vẫn âm thầm gánh lấy một mình; vì ba mẹ còn phải bận tâm với cơm áo gạo tiền cho cả nhà với hơn chục nhân khẩu mà bến ghe vùng sông nước Thủ Thiêm phải chật vật lắm mới tạm đủ nuôi sống thân mạng từng ngày.
Bước tiếp ra đời với hành trang đạo pháp bên mình, tôi cùng bạn bè trang lứa có nhiều thuận duyên lựa chọn cho mình màu áo sinh hoạt thanh niên Phật tử trong sáu đoàn thể của Tổng Vụ Thanh Niên thời bấy giờ, mặc dù mỗi tối vẫn lễ Phật thường xuyên bằng chiếc áo tràng màu lam hiền hòa dễ thân cận. thời gian hòa mình vào những nếp sống đạo mạnh mẽ đó. Tuổi thanh xuân của anh chúng tôi đã dành trọn vẹn cho màu áo mình đang mang, Giờ nhìn lại không hối tiếc và cảm thấy uổng phí chút nào. Cho dù “thế thái đạo tình” (lẽ ra của “nhân tình thế thái”) có biến dạng đến không ngờ. Nhưng vì không tham chức vụ, không tham cầu danh vọng nên anh em chúng tôi vẫn an nhiên chú tâm vào bổn phận của mình với đoàn thể với trách nhiệm với nhiều lớp đàn em khi đã trở thành huynh trưởng. tất cả những chí quyết mạnh mẽ ấy anh em chúng tôi luôn cứ ngẩng cao đầu trong cuộc sống và vẫn tiếp tục phụng sự đạo pháp mà không bao giờ ngoái nhìn lại.
Phụng sự Đạo pháp không cần có chức vị, không cần có lương hàng tháng! Gần cả một cuộc đời anh em chúng tôi vẫn tự hào là thế. Quá đẹp trong muôn đời, quá cao vời ý chí kiên trung được trui rèn qua những tháng ngày sinh hoạt thanh niên Phật tử.
Chúng tôi phụng sự đạo pháp chứ không phải “làm ăn” với đạo pháp! Điều này nhớ khi còn thuở thiếu niên, một lũ nhóc 12, 13 tuổi đã biết đi xin từng cây cừ tràm, từng mét vải tám để cùng nhau dựng huyền môn, viết băng-rôn Phật đản trên các trục lộ chính dẫn về chùa văn phòng Ban Đại Diện; khi đã hết tiền túi rồi thì chính những việc làm đó đã tác động mạnh mẽ đến người lớn và đương nhiên sự ủng hộ và giúp sức từ đó được thuận lợi hơn. Tôi còn nhớ Viện Hóa Đạo khi đó chư vị lãnh đạo phân công nhau đi thị sát các quận huyện về công tác chuẩn bị tổ chức và vận động tư gia Phật tử treo cờ nhân mùa Phật đản, bất kể sáng trưa hay buổi tối. Phật giáo địa phương chúng tôi được vinh dự đón tiếp cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu (1921 – 2001) khi đó là Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo, trực tiếp đến thăm. Hòa Thượng đã đi bộ từ bến phà Thủ Thiêm về chùa Ban Đại Diện chứ không ngồi xe. Một địa phương nghèo nhất trong các quận thành phố thời bấy giờ đã thật sự bất ngờ với sự quan tâm to lớn dường vậy. các huyền môn chắp vá, các nhà tư Phật tử lụp xụp mà đã có cờ Phật giáo tung bay trong đêm gió lộng bến nước Sài gòn là một ký ức khó quên. Cố Hòa Thượng đã có lời tán thán như vậy.
Bây giờ lớn tuổi rồi, anh em tôi như vẫn còn cái nợ mỗi mùa Phật đản, đứng ngồi không yên, muốn ai ai, nhà nhà đầu có treo cờ Phật giáo. Nó nhắc nhỡ với mọi người rằng đó là ngày đức Phật vào đời bằng chí nguyện bao nhiêu tiền kiếp. Như vậy việc làm này có khác chi công vụ hoằng pháp?
Tôi vẫn mơ hoài một giấc mơ đơn giản rằng; sáng sớm ngủ dậy bổng thấy cờ Phật giáo bay phất phới trong từng ngõ hẹp mùa Phật đản và nghe bà con lối xóm giục nhau ăn cơm sớm để còn đi coi xe hoa Phật Đản sẽ có chạy ngang khu xóm mình! Có được như vậy là vì các đạo tràng nổi tiếng thường tự hào khoe có hơn vạn người tu học, được các giảng sư khuyến tấn treo cờ Phật đản để thể hiện tấm lòng mình đối với ngày sinh của đức Phật và nhất là các ban đại diện Phật giáo địa phương có quan tâm sâu sát, cử người đi vận động trong phạm vi trách nhiệm của mình và đương nhiên có phần thưởng nhỏ – một quyển kinh, một hình ảnh Phật cũng được cho nhà nào có treo cờ Phật đản và bày vườn Lâm Tỳ Ni (nhưng đừng như có cuộc thi mà phần thưởng lại dành cho vườn Lâm Tỳ Ni được bày trên… sân thượng, và cờ Phật thì treo trước bàn thờ trong nhà, trớt quớt!).
Nhưng! xin thực tế chút đi, đừng mơ nữa. chỉ là mơ thôi mà!
Giấc mơ này giống như chúng ta bị lạc vào một mê hồn trận, đó là khi đi ngang các chùa thì trời ơi lồng đèn, cờ hoa treo rợp trời, có cảm giác choáng ngộp, hoa mắt. nhưng cũng nhanh chóng thoát ra ngay thôi khi vừa bước qua khỏi đó, hãy nhìn vào các ngôi nhà chung quanh hai bên đường, một khung cảnh im ắng và lạnh lẽo đến tê tái cõi lòng! Cũng phải thôi, lễ Phật Đản là của các chùa mà! Cho nên các chùa tự trau chuốc rực rỡ cho mình là vậy.
Nhưng có lẽ tôi còn đau hơn khi nghe đứa con trai của người bạn cùng nhóm mình nói với Ba nó rằng “Cuộc đời Ba phụng sự như vậy là quá đủ. Bây giờ Ba nên yên dưỡng để thế hệ Phật tử chúng con lo toan. Bây giờ khác xưa nhiều lắm, nhiều thứ lắm. Tiền bạc chúng con gởi để Ba có chút dằn túi hằng ngày, đừng gom góp để là những chuyện mà Ba và các Bác cứ cho rằng phụng sự đạo pháp. Ba thấy không, người ta “phụng sự đạo pháp” có nhận lương, có trả cát sê hẳn hoi mà lại có bằng khen, bằng tuyên dương công đức treo đầy nhà. Mấy chục năm rồi có ai biết, ai khen không hả Ba”. Nó nói xong, nó khóc vì lần đầu tiên nó buông những lời khá nặng như vậy. Nhưng mà dường như những lời đó nó cũng dành cho tôi, cho những ai còn mãi muốn nằm mơ một giấc mơ ngày Phật đản huy hoàng?
544 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…