Nghe tiếng xe đổ bên đường, tôi lững thững bước ra mở cửa cổng, nhìn thấy một phụ nữ tay dắt một bé gái, sau lưng cô là một người đàn ông, tay ôm bó hoa. Vừa trông thấy tôi, cô buông tay bé, mừng rỡ chạy đến ôm chầm lấy tôi:

-    Thầy !

Qua cơn xúc động, rươm rướm nước mắt, cô nhìn tôi
 
-    Vắng đi chứng bấy năm mới gặp lại, tóc thầy bây giờ đã bạc. Nhưng trông thấy thầy vẫn còn khỏe, em rất mừng. Cô quay lại phía sau, nắm tay người đàn ông đưa đến trước mặt tôi

-    Em xin giới thiệu với thầy. Anh Nam, chồng của em, vợ chồng chúng em hiện đang công tác tại UBND tỉnh

Tôi gật đầu chào anh. Cô quay sang, đẫy vai bé gái về phía trước

-    Còn đây là bé Hương Mai, con gái út của vợ chồng chúng em. Cháu được 10 tuổi, đang học lớp 5

Tôi hân hoan, vồn vã mời Tuyết Hương và mọi người vào phòng khách. Vừa yên vị thì có tiếng xôn xao vọng vào, thêm hai người bước vào phòng khách, thì ra là anh Hòa và cô Ái Loan. Tôi đứng lên niềm nở mời hai người cùng ngồi vào ghế

Thuở ấy Tuyết Hương và Ái Loan đều là học sinh giỏi, nhưng khác khóa, cách nhau vài ba năm gì đó. Ái Loan hiện công tác tại sở văn hóa, còn anh Hòa là học sinh các lớp bổ túc văn hóa tại huyện, hiện đang điều hành một ngân hàng

Thời gian tôi làm công tác quản lý phòng giáo dục, hằng năm đều mở các trại bồi dưỡng học sinh giỏi từ các trường gửi về. Ngoài công tác tại phòng, tôi còn quản lý trại bồi dưỡng học sinh giỏi và nhận dạy thêm các lớp bổ túc văn hóa vào ban đêm, để nâng cao trình độ văn hóa cho một số cán bộ huyện

Vừa dứt câu chuyện chào hỏi xã giao, bé Hương Mai đứng dậy, đỡ bó hoa từ tay bố, bước đến trước mặt tôi. Nâng bó hoa trên đôi tay bé xíu

-    Nhân ngày nhà giáo VN, chúng con kính chúc mừng thầy ông ngoại ! Tôi ngạt nhiên hỏi bé

-    Chúc mừng ông nhân ngày nhà giáo thì được rồi, nhưng tại sao con lại còn có thêm cụm từ “thầy ông ngoại” ? Bé liếng thoắng

-    Thưa ông ! vì ông là thầy dạy mẹ của con, nên con gọi ông là thầy, vừa là ông ngoại, bởi vì thầy cũng như cha ! Ai nấy đều bật cười trước câu nói ngây thơ đầy ý nghĩa của bé

Ái Loan và Hòa lấy ra từ túi xách, đặt 2 gói quà trên bàn, 2 người trịnh trọng đứng lên. Hòa cất giọng ấm cúng

-    Nhân ngày nhà giáo, tuy mỗi người ở mỗi nơi khác nhau, chúng em cùng hẹn nhau về thăm thầy. Dù thời gian và không gian có xa, nhưng chúng em vẫn luôn luôn nhớ đến thầy, người đã ghi vào đời chúng em từng nét chữ thánh thiện, để cho chúng em thêm được lớn khôn, nên người. Về thăm lần này, thấy thầy vẫn còn mạnh khỏe chúng em rất mừng. Tôi đứng dậy, vợ chồng Tuyết Hương và bé gái cũng đứng dậy theo

-    Cách xa gần trăm cây số, các em vẫn nhớ về thăm, tôi rất vui, cám ơn các em rất nhiều ! Mong rằng, trong công tác, phong cách sống luôn luôn thể hiện văn hóa, góp phần làm đẹp, làm lợi lạc, thiện hóa xã hội. Luôn luôn tỏa sáng, mẫu mực, xứng đáng là người học trò giỏi thuở nào ! Mời các em chia sẻ với tôi chung trà đạm bạc. Tôi cầm bình trà để châm thêm vào từng tách trà. Anh Nam, chồng của Tuyết Hương giành bình trà trên tay tôi

-    Thầy để em ! Anh nâng bình trà rót vào từng tách, hương trà bốc thơm ngào ngạt. Chúng tôi ai nấy đều vui vẻ hàn huyên tâm sự. Ái Loan lên tiếng

-    Thầy còn nhớ thầy Tân ? Thầy ấy đã từ trần rồi !

-    Nhớ chứ, một người bạn chí thân. Lúc tôi vừa rời phòng giáo dục thì Tân được cử đi học quản lý, sau về lại làm trưởng phòng. Mấy năm trước nghe nói bệnh nặng, xin chuyển về lại trường, làm hiệu trưởng. Những căn bệnh quái ác đã cướp đi của chúng ta từng người bạn. Vô thường tấn tốc, nhìn lại, mỗi người ai nấy đều đã quá nửa đời người, có anh có chị tóc đã hoa râm. Cuộc đời thì quá ngắn ngủi, sự đóng góp của mỗi tự thân đối với xã hội thì không nhiều. Căn bệnh xã hội thì càng lúc càng trầm kha, nhưng sức người thì có hạn. Thôi thì chúng ta cứ tận lực, cống hiến hết sức mình, bởi vì mỗi cá thể, không thể vị kỷ, tự cho phép mình tách rời, ra khỏi quần thể, mà phải có trách nhiệm với cộng đồng, với tha nhân. Giọng nói Hòa đều đều:

-    Thưa thầy, thầy có nhớ thầy Chiến ?

-    À ! cái anh háo danh, tưởng ngon, rời phòng giáo dục qua làm phó chủ tịch huyện được một năm, bị đẩy ra làm chủ tịch mặt trận, rồi lại cho về hưu non một cách buồn thảm. Tôi đã thấy được ! Chính trường thì quá lật lường, lắm thủ đoạn, nó như một cái bánh tráng nướng, nhiều phe nhiều cánh, bên nào mạnh là bên ấy thắng thế hơn. Thuở ấy bác Sang, bí thư huyện ủy, chiều nào cũng thả bộ qua nhà tôi uống trà tâm sự, nhiều lần bác đề nghị tôi qua làm lãnh đạo ủy ban huyện, tôi từ chối, nêu lên cái gương của anh Cường rồi anh Chiến. Tôi vừa nói lên sự thật và cũng vừa nói cho vui:

-    Ngành giáo dục là một ngành chuyên môn, được đào tạo để làm một nhà mô phạm, làm nhiệm vụ thiêng liêng là mở cửa tâm hồn. Thà ở lại ngành giáo dục mà được làm (vua) một cỏi, chứ không thể làm một quả bóng trên sân cỏ …

Mãi mê nói chuyện, chiều lên tự lúc nào không hay. Từ đây về lại nhà của mỗi người, đường cũng khá xa. Các anh chị đứng lên từ giã, tôi tiễn những người học trò thuở nào ra cổng và chúc thượng lộ bình an !

Nguyên Hoàng PHAN VĂN HUY TÂM

566 lượt xem