Sống Chân Thật Với Chính Mình


Phần đông chúng ta đi qua cuộc sống bám víu rất chặt vào những gì người khác nghĩ về chúng ta. Ta cố gắng tỏ ra tốt đẹp và làm cho người khác nghĩ về ta một cách tích cực. Ta bỏ nhiều thì giờ cố gắng để là cái mà ta nghĩ người khác muốn mình phải là như thế, nhưng điều này khiến chúng ta trở nên hoang mang, vì mỗi người lại đòi hỏi ta phải là một thứ gì đó khác. Bên cạnh đó, động lực gì thực sự khiến ta cố gắng để là cái mà ta nghĩ là người khác muốn ta phải là như thế?

Chúng ta có hành động với lòng chân thật, hay chúng ta đang cố gắng làm thế để lấy lòng mọi người? Ta có đang đóng kịch, diễn trò để người khác nói tốt về mình?

Động lực của ta là chìa khóa quyết định việc ta làm có ý nghĩa và ích lợi.

Chúng ta có thể đóng kịch, tạo nên những hình ảnh cá nhân khiến người khác tin rằng ta là như thế. Tuy nhiên, điều đó không có một ý nghĩa thực sự nào trong cuộc sống của chúng ta, vì ta mới là người phải sống với chính bản thân mình. Ta biết khi nào mình sống giả tạo và ngay cả khi người khác có thể khen cái nhân cách mà ta cố tạo ra, điều đó vẫn không làm ta cảm thấy thoải mái về bản thân. Tự bên trong, ta biết rằng mình giả dối. Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi sống chân thật và sẽ cảm thấy thoải mái hơn với con người thực sự của mình.

Sống giả tạo không ích lợi gì vì nghiệp quả của hành động tùy thuộc vào chủ đích của ta.

Động lực của ta chính là chìa khóa quyết định rằng những gì chúng ta làm có ý nghĩa và ích lợi hay không. Ngay như ta có tỏ ra tử tế và chu đáo nhưng động lực của ta chỉ là để người khác ưa thích mình thì hành động đó cũng không thực sự tử tế. Tại sao vậy? Đó là vì chúng ta hành động để được tiếng tốt cho bản thân, không phải vì lợi ích của người khác. Ngược lại, ta có thể hành động với một động lực tử tế thực sự nhưng người khác có thể diễn giải sai hành động của ta, nên sinh ra bực bội, sân hận với ta. Trong trường hợp đó, ta không cần phải nghi hoặc bản thân vì chủ đích của ta là hướng thiện, tuy nhiên, ta cần phải sửa đổi để hành động khéo léo hơn. Hơn nữa, ta muốn huân tập để được hạnh phúc từ các việc làm của ta chứ không phải từ việc nhận được những lời khen của người khác sau đó. Thí dụ trong quá trình tu tập, ta muốn huấn luyện tâm hoan hỷ trong việc bố thí. Khi ta hoan hỷ trong việc bố thí thì không kể là ta đang ở đâu, đang bố thí cho ai, ta vẫn cảm thấy hạnh phúc.

Không quan trọng là người khác có nói cảm ơn hay không, vì hạnh phúc của ta không đến từ việc được ngưỡng mộ, được hàm ân mà đến từ hành động bố thí.
__(())__

768 lượt xem