CÂY NÊU


Ở Việt Nam, tại vùng thôn quê, có tập tục dựng cây nêu vào chiều 30 Tết và hạ nêu chiều mùng 7 Tết để mừng Tết Nguyên Đán. Cây nêu là một cây tre cao, dài nguyên vẹn chỉ tỉa lá. Trên ngọn nêu có cột một lá bùa và một túi tre nhỏ chứa trầu cau, muối và gạo.

Do đâu người Việt Nam có tập quán dựng cây nêu nhân dịp Tết? Cây nêu hàm ngụ bao nhiêu ý nghĩa Triết học, nhất là Triết học kinh tế?

Muốn giải đáp những thắc mắc trên chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sự tích cây nêu.

Tục truyền rằng vào thời dân Việt vừa biết kết hợp thành làng xóm, giang sơn Việt Nam bị loài quỷ dữ thống trị. Dân chúng khốn khổ, lầm than. Bao nhiêu tài nguyên và nhân lực đều bị quỷ cưỡng đoạt.

Lời than oán của dân Việt thấu tận trời xanh. Ngọc Hoàng bèn cử một vị thần tên là Thần Làng xuống giúp. Thần Làng gọi dân Việt lại mà bảo: “Nay ta giúp ý để các con thoát khổ. Các con hãy bảo với quỷ vương rằng loài thực vật gồm có rễ, thân và ngọn. Quỷ vương hãy cho biết mùa màng năm nay quỷ vương lấy phần ngọn hay phần rễ?”

Sau câu hỏi của dân Việt, Chúa quỷ hội ý với lâu la. Biết rằng dân Việt chuyên trồng lúa nên quyết định phán quỷ sẽ lấy phần ngọn, còn phần rễ dành cho dân Việt, vì hạt lúa nằm ở ngọn cây. Nhằm đương đầu với quyết định này của quỷ vương,Thần Làng khuyên toàn dân năm ấy trồng khoai vì củ khoai nằm ở rễ.

Vụ mùa năm ấy quỷ vương thua mưu dân Việt nên rất tức giận gọi đại diện dân Việt đến Vương Cung và phán: “Mùa gặt sang năm, quỷ vương sẽ lấy phần rễ, còn phần ngọn dành cho dân Việt.”

Mùa màng năm sau, theo lời dặn của Thần Làng, dân Việt trồng lúa và được hưởng phần ngọn, tức là lúa. Thế là, quỷ vương thua mưu dân Việt lần thứ hai.

Mặc dù đã thua trí hai lần, quỷ vương vẫn không từ bỏ tâm địa tham ác lại ra lệnh cho dân Việt: “Mùa màng năm tới quỷ vương sẽ thu cả phần ngọn lẫn phần rễ, chỉ để thân cây lại cho dân Việt.” Do đó, Thần Làng bảo dân Việt trồng bắp vì quả bắp nằm ở thân cây. Một lần nữa, Thần làng đã giúp dân Việt thắng trí quỷ vương.

Sau ba lần thua cuộc, Quỷ vương ra lệnh cho tập đoàn quỷ tấn công bừa bãi vào dân Việt cướp lúa, ngô, khoai. Mặt khác, quỷ vương đã biết dân Việt được Thần Làng hỗ trợ nên ra lệnh cho một số quỷ con đội lốt người, trà trộn với dân Việt để tìm yếu điểm của Thần Làng. Thần Làng cho dân Việt phao tin: Thần làng sợ xôi, sợ chuối. Ngược lại, Thần làng cũng biết quỷ sợ huyết chó, huyết dê. Thế là quỷ vương chuẩn bị xôi chuối để tấn công trong khi dân Việt sẵn sàng phản công bằng huyết chó, huyết dê. Cả hai bên hồi hộp chờ đợi một cuộc chiến mất còn.

Thế rồi, trận chiến xảy ra. Quỷ tấn công người bằng xôi, bằng chuối; người tấn công quỷ bằng huyết dê, huyết chó. Nhờ xôi chuối, dân Việt sung sướng no bụng, trong khi loài quỷ chạy dài vì bị huyết chó, huyết dê ám.

Sau thảm bại này, quỷ vương tìm tới Thần Thành Hoàng Bản Xã để thương thuyết. Quỷ vương đề nghị trả lại đất cho dân Việt, chỉ xin giữ lại một mảnh đất nhỏ để sinh nhai. Thần Làng đã biết lũ quỷ này đang tính kế ngụy hòa, chờ khôi phục lực lượng để tấn công dân Việt. Vì vậy, Thần Làng đáp lễ và giao kết dân Việt chỉ giữ một mảnh đất bằng tấm áo của Thần, chỗ còn lại sẽ nhường hết cho quỷ. Như thế, giao ước giữa quỷ và dân Việt đã thành hình.

Thần làng cởi tấm áo đang mặc và dùng để xác định lãnh thổ của dân Việt. Thần tung áo lên trời, áo càng lên cao càng lớn. Bóng chiếc áo lan đến đâu thì lũ quỷ lùi dần đến đó, ra tận biển Đông. Từ đó dân Việt sống an lạc. Quỷ ở biển Đông thiếu ăn thiếu mặc, rét mướt quanh năm. Vì vậy, quỷ xin với Thần, hàng năm vào dịp Tết, cho phép quỷ được vào đất liền để thăm mồ mả và kiếm lương thực. Vì lòng nhân ái, Thần chấp thuận.

Từ đó, mỗi độ Xuân về, Dân Việt nhớ lời Thần, mở cửa cho quỷ về thăm đất liền, nhưng không quên cột lá bùa tượng trưng cho áo Thần trên cành tre cao để nhắc nhở lũ quỷ rằng tuy người dân Việt cho phép quỷ về thăm đất liền, nhưng quỷ chớ xảo trá, lật lọng, vì tấm áo của Thần còn đó, sẵn sàng trừng phạt chúng. Mặt khác, người dân Việt hiền hòa, từ bi treo trên cây nêu, dưới bùa áo Thần, một giỏ tre chứa gạo, muối và trầu cau hàm ý bố thí cho quỷ bữa ăn đầu Xuân.

814 lượt xem