Cảnh vật có khả năng mang lại cho lòng người một niềm rung cảm. Tùy theo quan niệm sống, hoàn cảnh bị chi phối, cùng một cảnh mà có người tìm được trong đó một niềm vui thanh thoát, cũng có người cảm thấy một nỗi buồn man mác, nhưng qua nhãn quan, có thể mọi người đều chấp nhận có vẻ đẹp quyến rũ riêng của từng địa phương, từng giai đoạn của mỗi mùa, mỗi tiết. Hằng năm cứ vào khoảng cuối tháng mười dương lịch, những tia nắng rực rỡ chói chang giữa hè, tung tăng từ 4 giờ sáng đến cả 22 giờ đêm, từ từ bị thu ngắn lại. Bầu trời Hoà Lan cũng như các nước Bắc Âu thường trở nên xám xịt, âm u tẻ lạnh. Không gian không còn trong xanh quang đãng, màu xanh tươi của cây lá bắt đầu đi vào trạng thái úa lá trơ cành. Từng hàng cây được trồng thẳng lối bên vệ đường, trong những khu rừng nhỏ, những công viên có nhiều cây cổ thụ … Tất cả lá cây đều đồng loạt đổi ra màu vàng óng ánh, chan hoà với những tia nắng vàng oe yếu ớt của mùa thu, biến thành một cảnh trí vô cùng ngoạn mục. Rồi từng cơn gió thổi qua, từng loạt lá vàng rơi lả tả, ngập cả lối đi, để rồi khoảng một tuần lễ sau đó, thân cây trơ trọi, cô đơn, đứng sừng sững giữa trời, chẳng còn một chiếc lá dính cành, trông thật thê thảm.

Trước cảnh trơ trọi lá của cây cối ấy, chúng ta dễ dàng nhìn lên trời cao hoặc chân trời xa xa, và nếu để ý, thường bắt gặp những đàn chim, có đàn năm ba chục con, có đàn nhiều hơn nữa, từ phương bắc bay về miền nam. Người bản xứ gọi đó là loài chim di cư về miền đất ấm trong những ngày đông giá rét tại xứ sở nầy. Chúng thường bay theo một đội hình, cùng một cao độ, một vận tốc như nhau. Một con bay trước dẫn đầu, các con sau xếp theo hàng thẳng, hoặc tam giác, có lẽ để núp được sức cản của gió hoặc nhờ sức hút của con bay trước mà các con bay sau được nhẹ nhàng hơn, hoặc chúng tuân theo một kỷ luật nào đó của đàn mà khó có ai thấu hiểu tường tận. Vì cuộc hành trình dài xa, từ bắc đến nam bán cầu nên chúng phải bay cả ngày lẫn đêm và chỉ hạ cánh nghỉ ngơi, tìm ăn khi cần thiết.

Chuyện chim lánh lạnh vào mùa đông và mùa hè trở về nguyên quán đối với người bản xứ là chuyện thường tình, xẩy ra thường lệ hằng năm nên cũng ít ai nghĩ ngợi và đề cập đến. Trong những năm đầu mới định cư, lòng tôi cũng cảm thấy nao nao khi nhìn từng đàn chim bay về miền đất ấm mà xót xa cho thân phận mình. Nhưng trải qua tháng năm dài, cam phận kẻ tỵ nạn, mất nước, riết rồi cũng chai lì với hoàn cảnh để thực tập hội nhập vào cuộc sống mới, lo xây dựng tương lai cho mình và các con. Vì thế, chỉ thỉnh thoảng vào những buổi chiều thu rảnh rỗi đứng sau nhà nhìn lên hư không mong đón gặp được vài đàn chim bay về phương nam để trao gởi đôi lời, để vơi đi phần nào niềm thương nỗi nhớ cố hương của người xa xứ đã bước vào lứa tuổi xế chiều.

Bất chợt, mới đây vào ngày, tôi được đọc một bản tin ngắn, loan báo trên bờ biển Bắc Hải có hằng trăm xác chim di cư bị chết cháy. Lý do vì chim bay ngang qua giàn khoan lấy khí đốt từ lòng đất bơm lên, trên giàn lại luôn luôn có ngọn lửa lớn cháy cả đêm ngày. Tôi hơi bàng hoàng trước bản tin ấy. Nếu một vài con bị chết thì có lẽ do sự bất cẩn rủi ro, đàng nầy hằng trăm con chết, xác còn nằm ngổn ngang trên bãi biển và có thể còn nhiều hơn nữa đã gieo mình xuống biển sâu và xác đã bị nước cuốn trôi đi ! Nguyên nhân nào, tôi tự hỏi và đặt thành giả thuyết:

Vì sức nóng tỏa ra từ ngọn lửa của giàn bơm khí có sức quyến rũ quá mãnh liệt khiến bản năng tìm hơi nóng của đàn chim thúc đẩy mà quên đi sự hướng dẫn của chim đầu đàn, bất chấp cả ‘kỷ luật’ trong cuộc hành trình, một số rủ nhau tách rời đàn hạ cánh, để mang họa vào thân chăng?

Giả thuyết thứ hai, hôm ấy nhằm đêm tối trời (30 âm lịch), chim đầu đàn từ xa đã nhìn thấy ngọn lửa sáng rực cả góc trời, ngỡ là ánh sáng của mặt trăng nên lấy hướng đó làm đích. Ðến khi bay qua biển, thoáng thấy ánh sáng lồng bóng dưới nước, càng dễ có ảo tưởng đó là ánh trăng lấp lánh, lại thấy bờ biển thênh thang, một vị trí dừng cánh nghỉ, kiếm ăn rất lý tưởng, nên hướng dẫn toàn đàn xuyên qua ‘ánh trăng’ để đáp xuống. Chẳng ngờ ánh trăng thơ mộng huyền diệu đâu chẳng thấy mà bị ngọn lửa quỷ quái đốt cháy cả đàn. Oan nghiệt thay cho một sự lầm lẫn.

Còn giả thuyết nào nữa chăng để xác định, biện bạch nỗi bất hạnh của đàn chim vì muốn tìm về nơi an lành mà phải phơi xác giữa lộ trình ? Theo nhiều nhà khảo cứu, giống chim nầy rất khôn ngoan, có lý trí suy đoán, không phải thuộc loại chỉ sống theo bản năng như những con thiêu thân bé nhỏ hễ trông thấy ánh sáng là lao mình vào, ưng tìm cái chết bên ánh đèn ngọn lửa. Thế mới thật thương hại cho một quyết định lầm lẫn.

Nếu lỗi nầy gây ra do chim đầu đàn thì thật là một bài học vô cùng quý báu cho những nhà lãnh đạo. Lãnh đạo thế giới, quốc gia hay trong phạm vi bé nhỏ của một Tổ chức mà chẳng phân biệt được Chân Vọng, Thực Hư, Ðúng Sai là cả tập thể đều gánh chịu một hậu quả thảm khốc. Nhưng nếu lỗi ấy do sự xé lẻ, bất chấp kỷ cương của đoàn thể, do lòng ích kỷ, cống cao, ngã mạn thì người viết lại càng đau đớn bội phần.

Xin hãy ý thức cương vị và sứ mệnh của mình để làm tròn, chỉ cần làm tròn thôi cũng đã đủ lắm rồi, để một ngày mai nào đó, một mình ngồi đối diện với cảnh trời đất bao la, nhớ lại những gì đã gánh vác trong quá khứ, không phải hối hận thở dài não nuột và ngậm ngùi ngâm câu thơ cổ:
Nhất thất túc thành thiên cổ hận
Tái hồi đầu thị bách niên thân!

Xin tạm dịch:
Một bước lỡ lầm ngàn năm ân hận
Quay đầu nghĩ lại thân trăm tuổi rồi!

Chí Pháp Nguyễn Thanh Quang

3615 lượt xem