TIỂU SỬ
TỔ MINH HẢI – PHÁP BẢO – 明 海 法 寶
(1670-1746)
Sơ Tổ Khai Phái Lâm Tế Chúc Thánh – Việt Nam
oOo
Thiền Sư Minh Hải thế danh Lương Thế Ân, sinh vào giờ Tuất, ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670), nhằm năm Khang Hy thứ 8 triều nhà Thanh tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Thân phụ là ông Lương Đôn Hậu, thân mẫu là bà Trần Thục Thận, anh trai là Lương Thế Bảo, em trai là Lương Thế Định, Ngài là người con thứ 2 trong gia đình.
Thuở thiếu thời, Ngài đã tỏ ra thông minh khác người và có tâm hướng về đạo Phật. Năm Mậu Ngọ (1678), Ngài được song thân đưa đến xuất gia tại chùa Báo Tư thuộc tỉnh Quảng Châu, lúc bấy giờ Ngài vừa tròn 9 tuổi.
Sau một thời gian dài tu học, khi tuổi vừa tròn 20 thì Ngài được đăng đàn thọ Cụ-túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo. Như vậy, Ngài nối pháp đời 34 dòng Lâm Tế truyền theo bài kệ của Ngài Vạn Phong – Thời Ủy.
Năm Ất Hợi (1695), Ngài cùng với các Ngài: Minh Vật – Nhất Tri, Minh Hoằng – Tử Dung, Minh Lượng – Thành Đẳng v.v… trong Hội Đồng Thập Sư cùng Hòa Thượng Thạch Liêm thể theo lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Chu sang Việt Nam truyền giới. Phái đoàn xuống thuyền tại bến Hoàng Phố và cập bến Hội An vào ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi (1695). Sau đó, đoàn ra Thuận Hóa, được chúa Nguyễn Phúc Chu đón tiếp trọng thể và thỉnh về ngụ tại chùa Thiền Lâm.
Ngày mồng 1 tháng 4 năm Ất Hợi (1695), giới đàn được khai mở do Ngài Thạch Liêm làm Đàn Đầu Hòa Thượng. Giới Đàn truyền các giới Sa-di, Tỳ-kheo và Bồ-tát với tất cả 1.400 Giới Tử, trong đó có cả các vương hầu khanh tướng. Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Chu được truyền riêng một đàn giới và được Hòa Thượng Đàn Đầu ban cho pháp hiệu là Thiên Túng đạo nhân.
Sau khi giới đàn thành tựu viên mãn, ngày 28 tháng 6 năm Ất Hợi (1695), phái đoàn trở vào lại Hội An để chờ thuyền về nước. Tại Hội An, đoàn trú tại chùa Di Đà(*) và thể theo lời thỉnh cầu của Chư Tăng cũng như bổn đạo, Ngài Thạch Liêm lập đàn truyền giới cho 300 Giới Tử. Ngày 19, đoàn rời Hội An ra cù lao Chàm, lên thuyền chờ gió. Ngày 30 thuyền nhổ neo nhưng bị nghịch gió nên phải trở lại Hội An. Ngày 12 tháng 10, chúa Nguyễn mời Ngài Thạch Liêm trở lại Phú Xuân lập đàn cúng Phật truyền giới một lần nữa tại chùa Linh Mụ. Sau đó đến ngày 24 tháng 6 năm Bính Tý (1696) Ngài Thạch Liêm cùng với phái đoàn trở về Quảng Đông và không qua nữa.
Sau khi Ngài Thạch Liêm về nước, có một số vị trong phái đoàn ở lại Việt Nam trác tích khai sơn hoằng hóa như Ngài Minh Hoằng – Tử Dung, (khai sơn chùa Ấn Tông ở Thuận Hóa); Ngài Minh Lượng – Thành Đẳng, (khai sơn chùa Vạn Đức tại Cẩm Hà, Hội An); Ngài Minh Hải – Pháp Bảo (khai sơn chùa Chúc Thánh tại Cẩm Phô, Hội An).
Từ những ngày đầu tiên ở nơi mảnh đất đầy cát bụi này, Ngài chỉ lập một thảo am để tịnh tu phạm hạnh. Dần dần hương giới đức của Ngài lan tỏa khắp mọi nơi, ảnh hưởng đạo đức đến người dân phố Hội và các vùng phụ cận nên đồ chúng ngày một quy ngưỡng tham học.
Thấy cơ duyên hóa độ đã đến, Ngài chính thức khai đường giảng pháp, tiếp Tăng độ Chúng.
Sau gần 50 năm sang Việt Nam trác tích hoằng hóa, đến ngày mồng 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746), Ngài gọi đồ chúng đến dặn dò và đọc kệ phú chúc:
Nguyên phù pháp giới không
Chơn như vô tánh tướng
Nhược liễu ngộ như thử
Chúng sanh dữ Phật đồng.
Hán tự:
原 浮 法 界 空
真 如 無 性 相
若 了 悟 如 此
眾 生 與 佛 同
Tạm dịch:
Pháp giới như mây nổi
Chân như không tánh tướng
Nếu hiểu được như vậy
Chúng sanh với Phật đồng.
Sau khi phú chúc cho hàng môn đệ xong, Ngài thâu thần thị tịch, trụ thế 77 tuổi. Đồ chúng cung thỉnh nhục thân Ngài nhập bảo tháp ở phía Tây Nam trong khuôn viên Tổ Đình Chúc Thánh, Hội An, Quảng Nam.
(*) Chùa này nằm trong khu vực Hội An, đến nay không còn nữa và vẫn chưa xác định được vị trí chùa trước đây nằm ở khu vực nào.
Nguồn: Thư Viện GĐPT
2035 lượt xem
Tin khác
TIỂU SỬ TỔ KHÁNH HÒA (1877-1947) Sơ Tổ Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Miền Nam oOo Hòa Thượng Khánh Hòa thế danh là Lê Khánh Hòa, pháp hiệu Như…
LƯỢC SỬ NI SƯ THÍCH NỮ THUẦN TÁNH THẾ DANH PHẠM THỊ XUÂN VIÊN (1933-2023) Nguyên Huynh Trưởng cấp Tấn Gia Đình Phật Tử Việt Nam Nguyên Ủy Viên Oanh…
TIỂU SỬ CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG GĐPTVN NGUYÊN TÍN – NGUYỄN CHÂU (1924 – 2023) Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử Vụ. Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế…
TIỂU SỬ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH KHIẾT ĐỆ NHẤT TĂNG THỐNG GHPGVNTN (1890-1973) THÂN THẾ: Hòa Thượng thế danh là NGUYỄN VĂN KỈNH. Ngài sinh ngày…
TIỂU SỬ CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG GĐPTVN NGUYÊN TỪ – NGUYỄN ĐỨC THƯƠNG (1934 – 2023) Nguyên Ủy Viên Sách Tấn – Tu Học Ban Thường Trực Hội Đồng…