GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
HỘI ĐỒNG GIÁO PHẨM TRUNG ƯƠNG
———oOo———

THÔNG ĐIỆP PHẬT ĐẢN
Phật lịch 2568

Kính gửi: Chư Tôn Đức Tăng-già nhị bộ và toàn thể Phật Tử các giới.

Nam Mô Lâm-Tỳ-Ni Viên Vô-Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh
Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

– Kính bạch Chư Tôn đức.
– Thưa đồng bào Phật Tử các giới.

Tứ chúng đệ tử của Đức Thế Tôn làm lễ kỷ niệm Phật Đản PL.2568 không đơn thuần là kỷ niệm một sự kiện lịch sử đản sinh của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, mà nguyện biến sự kiện lịch sử vĩ đại ấy của nhân loại trở thành những hành động hiện thực một cách sinh động trong đời sống con người của mỗi chúng ta.

Đức Thế Tôn đản sinh giữa thế gian này là một đại nguyện, một sự hy sinh lớn đầy kham nhẫn, trí tuệ, từ bi, dũng lực.

Không có đại nguyện, thì không thể đản sinh mà bị sinh hay bị giáng sinh; không kham nhẫn thì không thể thực hành đại nguyện và không có khả năng hy sinh để biến đại nguyện trở thành đời sống hiện thực, nhằm tạo thành một nhân cách vĩ đại, một bậc Giác ngộ hoàn toàn, để hiến tặng những phẩm giá thuần khiết và cao thượng cho thế giới Người – Trời.

Không có trí tuệ, thì không thể nào thấy được đạo lý nhân duyên, nhân quả của các pháp hữu lậu, hữu vi liên hệ với nhau từ một đời cho đến nhiều đời, từ một kiếp cho đến nhiều kiếp và từ một cực vi hay một hành tinh bé nhỏ cho đến vô số thái dương hệ ở trong mọi không gian, nhằm chuyển hóa và trị liệu những điều xấu ác xảy ra hàng ngày ngay nơi lời nói, việc làm và vận hành trong tâm ý, để có thể Phật hóa thân tâm, trang nghiêm tịnh độ tự thân và góp phần trang nghiêm tịnh độ ở nơi các quốc độ và nơi các thế giới hệ.

Không có từ bi, thì không có khả năng chấp nhận những dị biệt và cá biệt biểu hiện từ nơi nghiệp thức của các chủng loại chúng sinh, nhằm kiến lập hòa bình, để cho muôn loài chúng sinh cùng sống chung trong một đại gia đình có tuệ giác tự chủ, có tự do, hạnh phúc, hòa bình và thăng hoa cuộc sống trong những điều kiện mà chính họ đang có thể.

Không có dũng lực, thì không có khả năng vượt qua những chướng duyên khảo đảo, ngoại ma bủa trùm, không nêu cao đức dũng thì không thể thực hành viên mãn hạnh vô úy để vượt thắng cám dỗ của tham dục thế gian, thực hiện sứ mạng phụng sự Đạo pháp, Dân tộc, quần sanh, bảo vệ đức tin của chính mình và mọi người con Phật trước sự thi triển của các thế lực bất chánh.

Bởi vậy, sự kiện đản sinh của Đức Thế Tôn là một sự kiện đặc biệt, hiếm có, vô tiền khoáng hậu của thế giới nhân loại, nhưng biết nuôi dưỡng và phát triển sự kiện hiếm có ấy vào trong đời sống của mỗi chúng ta, mỗi quốc gia của chúng ta đang cư trú và đang có trách nhiệm, để điều ác chấm dứt, điều thiện phát triển, nuôi dưỡng tâm ý thuần tịnh, quên mình vì lợi ích cho nhiều người, cho Dân tộc, Nhân loại và Chúng sinh, thì đó là của những con người có lập nguyện, có kham nhẫn, có trí tuệ, có từ bi, có dũng lực và là của những con người thông minh, có nhiều phước đức trên thế gian này.

Tròn 60 năm, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thực hiện sứ mạng của mình trong dòng sinh mệnh của Đạo pháp, Dân tộc, Nhân loại. Một hoa giáp chưa bao giờ hết nguy nan, bởi: “Giáo hội không mưu đồ, không tham vọng những quyền lợi riêng tư thế gian! Giáo hội đã dấn thân vào quốc sự trong một hoàn cảnh đặc biệt theo truyền thống phụng sự dân tộc: trước hết Giáo hội đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, tiếp theo là đòi chấm dứt chiến tranh, đòi chủ quyền quốc gia, đòi tự do dân chủ và công bằng xã hội, v.v… Vì những đòi hỏi ấy, Giáo hội đã mất khá nhiều xương máu, danh dự, tài sản, và chịu nhiều tù tội bất công, cũng như phải đối diện thường trực với các thế lực phá hoại.

Mặc dù vậy, Giáo hội không vì thế mà nản lòng, vì thấy rằng việc làm của mình có ít nhiều kết quả, nhất là Giáo hội đã tiên phong mở đường cho các sinh hoạt dân chủ cho mọi thành phần trong dân chúng, dù sinh hoạt ấy cũng phải chịu nhiều gian nguy tù tội, như Giáo hội đã chịu trong bao nhiêu năm qua” (trích Diễn văn của Thượng Tọa Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa Đạo tại Lễ khai mạc khóa học tập đầu năm Canh Tuất cho cán bộ Giáo hội).

Trong ý nguyện cúng dường Khánh đản Đức Từ Tôn, hướng niệm 60 năm ngày thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, toàn thể tứ chúng:

– NHẤT TÂM GIỮ ĐẠO với tinh thần: Giữ đạo trong lòng bằng đời sống tu học, kiên cố tâm nguyện Bồ-đề, chánh tín Phật, Pháp, Tăng, Thánh giới – Giữ đạo bên ngoài với đời sống phạm hạnh, mẫu mực của người đệ tử Phật, khơi lên và nuôi dưỡng chánh tín trong mọi người – Giữ đạo nơi mọi người là xây dựng cộng đồng tứ chúng đồng tu, hoằng truyền chánh pháp, rộng độ quần sanh để mọi người ân triêm pháp lạc, tăng trưởng tín tâm, cùng nhau giữ đạo.

– NGUYỆN TRANG NGHIÊM ĐẠO bằng các chất liệu: Lấy đức hạnh để trang nghiêm vì chỉ có đức hạnh là cao cả và lâu dài. Chúng ta không thể trang nghiêm đạo bằng các thế lực thế gian bởi những thế lực ấy không dài lâu, không trong sạch – Lấy lợi tha làm thành tích, đó mới thật sự trang nghiêm cho Giáo hội, cho đạo Phật – Lấy dân tộc làm đất đứng, cùng với Dân tộc chung chịu sự hưng vong, hòa mình vào nếp sống, góp phần gìn giữ nền đức lý của Dân tộc, có như thế mới ăn sâu vào lòng Dân tộc.

Với ý nghĩa Đản sinh của Đức Thế Tôn và làm kỷ niệm Đại lễ Đản sinh của tứ chúng dâng lên cúng dường nhân ngày Khánh đản của Đức Thế Tôn như vậy, Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kính gửi Thông điệp này đến Chư Tôn Đức Tăng-già nhị bộ, cùng Phật Tử các giới trong và ngoài nước, xin nguyện cùng nhau kiên trì trong Đại nguyện, thực hành Kham nhẫn, nuôi dưỡng Trí tuệ và Từ bi, nêu cao đức Dũng nhằm vượt qua mọi khó khăn đang có và sẽ có, để có thể: “Phụng sự chúng sinh, cúng dường chư Phật”, khiến cho mọi sự xung đột, vì “bản ngã cá nhân và bản ngã cộng đồng” trên thế giới sớm được chấm dứt; mọi quan điểm dị biệt sớm được hóa giải; mọi giới lãnh đạo cũng như muôn dân đều tin sâu nhân quả, biết noi theo đường tu tập, nuôi dưỡng nhân lành, phát huy duyên tốt, để quả thơm kết trái an lành; mọi người đã qua đời không kể bên này hay bên kia, bất kể xu hướng chính kiến, tín ngưỡng hay tôn giáo, ý thức hệ cũ hay mới, oán kết đều được giải tỏa, mọi linh quyền đều được tôn trọng và đều được siêu thoát, khiến cho tất cả âm dương đều được lợi lạc, mưa thuận gió hòa; chủ quyền từ hải đảo đến đất liền của các quốc gia trên thế giới đều được tôn trọng bảo vệ bởi công lý và công pháp; nhân dân của mọi đất nước đều được hưởng bình yên, hạnh phúc và muôn loài sớm được hưởng quyền sống an lạc, tự do và bình đẳng trên hành tinh trái đất này.

Phật Ân Tự, Phật lịch 2568,
ngày 08 tháng 04 năm Giáp Thìn (15/05/2024)

TUN. Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương.
Chánh thư ký XLTV. Viện Tăng Thống

Tỳ-kheo THÍCH ĐỨC THẮNG
(ấn ký).

oOo

2960 lượt xem