Đến thời điểm giai đoạn 2 của cuộc vận động tự do tín ngưỡng – công bằng xã hội của Phật Giáo năm 1963, trong guồng máy chính quyền, thậm chí trong các lực lượng an ninh, cảnh sát, mật vụ đã có nhiều người đứng về phía tranh đấu. Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo luôn được thông báo trước về những biện pháp đàn áp của nhà cầm quyền do nhiều thành phần, nhiều giới trong quần chúng không phải là Phật Tử và của anh em quân nhân, cảnh sát cung cấp.

Chính nhờ sự giúp đỡ tích cực của các viên chức chính quyền, quân đội này nên cuộc biểu tình ngụy tạo với danh nghĩa Thương Phế Binh do chính quyền dự trù tổ chức trước chùa Xá Lợi vào ngày 23.7.1963 để chống đối phong trào Phật Giáo đã được Ủy Ban Liên Phái biết trước. Ủy Ban Liên Phái đã in sẵn một bức thư (đề ngày 23.7.1963) để phát cho những người tự nhận là “Thương Phế Binh” sẽ đến biểu tình trước chùa và bức thư này cũng đã được công bố rộng rãi ngay sau cuộc biểu tình.

Xin sao lục lại dưới đây bức thư của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo gởi anh em tự xưng “Thương Phế Binh”:

Sài gòn, ngày 23 tháng 7 năm 1963

CHỦ TỊCH ỦY BAN LIÊN PHÁI BẢO VỆ PHẬT GIÁO

Kính gởi tất cả anh em THƯƠNG PHẾ BINH đã tụ họp trước Chùa Xá Lợi sáng 23.7.1963.

Thưa anh em.

Chắc anh em đã rõ từ nhiều năm nay tín đồ Phật Giáo đã sống trong tình cảnh phập phồng lo sợ như thế nào. Thật vậy, những vụ đàn áp, bắt cóc, giết chóc, vu khống, chôn sống, tù đày ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Cao nguyên, Dinh điền v.v… hồ sơ còn nằm nguyên ở Văn Phòng Tổng Thống và Quốc Hội. Gần đây nhất là vụ Phật Đản (15-4 PL.2507, 1963) ở Huế đã làm tan xương nát thịt trên mười người và gây thương tích cho hằng trăm người khác. Đó là chúng tôi chưa nói đến những vụ đàn áp khốc liệt mới đây ở miền Trung và Nam sau ngày ký kết bản Thông Cáo Chung.

Ai đã giết hại, đánh đập những tín đồ Phật Giáo vô tội ấy? Điều đó chắc anh em dư biết! Thế nhưng, với tinh thần từ bi, nhẫn nhục cố hữu, vì cảm thông hoàn cảnh đau thương của dân tộc ta hiện tại, nên từ ấy đến nay Phật Giáo trước sau vẫn trung thành với lập trường sẵn sàng chịu đựng mọi sự thống khổ và luôn luôn là nạn nhân của những vụ đàn áp khắp nơi. Điều đó cũng nói lên rằng hiện tại và mãi mãi về sau, Phật Giáo vẫn cố gắng duy trì tính chất trong trắng và thuần túy tôn giáo của mình, quyết không để ai lợi dụng bất cứ dưới chiêu bài nào.

Thưa tất cả anh em.

Trước thảm trạng đó, Phật Giáo đã bao phen tỏ bày thiện chí của mình lên Chính phủ, nhưng rút cuộc sự việc vẫn chưa đi đến đâu. Tại sao thế? Chắc anh em hiểu rõ hơn ai cả. Người ta đã không chú trọng đến chữ Thành Tín, nói một đường, làm một ngả.

Phật Giáo là tôn giáo như thật nên chỉ muốn và tôn trọng sự thật; chỉ muốn lời nói và việc làm đi đôi. Phật Giáo không thích những hứa hẹn viễn vông, vì đã bị nhiều lần lừa gạt. Phật Giáo không quên ơn, nhưng nghi ngờ những hành động vừa chém vừa đổ thuốc.

Hiện nay, sau lời hiệu triệu của Tổng thống, Phật Giáo thành thật mong muốn đi đến một sự hòa giải êm đẹp, một sự hòa giải không âm mưu, hầu bảo toàn khối đại đoàn kết dân tộc trong nhiệm vụ cứu quốc. Nhưng, nếu ai nghĩ rằng Phật Giáo có ý muốn trì hoãn vấn đề, chúng tôi xin thưa, điều đó giá có thì cũng chỉ là thái độ thận trọng cảnh giác tột bực, nơm nớp lo sợ của một con chim đã bị bắn nhiều lần.

Thưa anh em.

Nếu chúng tôi không lầm thì trong số anh em tàn tật vì đã hy sinh cho quốc gia, đã có trên tám mươi phần trăm là Phật Tử, những con người đã từng hy sinh xương máu không những để giữ gìn giang san mà còn để bảo vệ nền tín ngưỡng dân tộc ngàn xưa.

Chúng tôi thông cảm sâu xa về lý do tại sao hôm nay anh em phải đến đây… và rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy người ta lại thêm một lần nữa đã lợi dụng quá đáng tấm thân tàn phế của anh em để che đậy những việc làm không mấy tốt đẹp.

Và, để có dịp mục kích tận tường sự thật đau thương, chúng tôi mời anh em vào chùa Xá Lợi để viếng 27 vị Tăng, Ni đang nằm la liệt trên giường bệnh không thầy, không thuốc. Đó là kết quả các vụ đàn áp tàn nhẫn vừa qua của chính quyền đối với những nhà tu dám đòi hỏi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo dưới hình thức bất bạo động.

Sau hết, để anh em hiểu rõ hơn về mục tiêu và lập trường tranh thủ của Phật Giáo, chúng tôi xin đề ra mấy điểm:

1) Chúng tôi chỉ phản đối những kẻ chủ trương lợi dụng chiêu bài chống Cộng để bắt tội người này kẻ nọ là thân Cộng, là không chống Cộng, để nhằm tiêu diệt họ dưới nhiều hình thức, trong đó có Phật Giáo.

2) Chúng tôi cực lực lên án âm mưu dùng xương máu toàn dân để xây dựng ngai vàng của một nhóm.

3) Chúng tôi không “hướng ngoại”, chúng tôi không “ươn hèn”, chúng tôi không mong viện trợ, không xin đô-la, không cầu danh lợi; chỉ có ai cầu xin viện trợ và bị đô-la làm mù quáng mới là ươn hèn, vọng ngoại, là đáng khinh mà thôi. Chúng tôi chỉ nói với những người đã đưa khí giới cho người ta để người ta lợi dụng giết hại Phật Giáo vô tội phải ý thức trách nhiệm của mình.

4) Chúng tôi có bị ai giật dây không? Không! Chúng tôi chỉ làm một việc hoàn toàn nằm trong phạm vi tôn giáo và lòng tín ngưỡng thiêng liêng thúc giục chúng tôi mà thôi.

5) Chỉ với một điều kiện đơn giản là Chính phủ giữ trọn đức Thành, Tín, Thủy Chung thì mọi việc đều êm đẹp.

6) Chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh cao cả của anh em và những người thực sự vì dân, vì nước.

7) Việc giúp đỡ anh em Thương phế binh và Cô nhi Quả phụ, cũng như các sự đau thương khác của xã hội v.v… Phật Giáo của chúng tôi đã có từ lâu, khắp nơi, bằng mọi phương diện, dưới mọi hình thức theo khả năng của mình, dù anh em cũng như đồng bào đều dư hiểu sự nghèo nàn của Phật Giáo như là một gia phong tập truyền.

8) Như lời Ngô Tổng Thống đã công nhận, tám mươi phần trăm dân chúng là Phật Tử, vì thế, chúng tôi nghĩ rằng vấn đề chia rẽ không thể có được, vì đã không biết chia rẽ với ai; nhưng thường bị kẻ khác tìm đủ mọi cách chia rẽ chúng tôi, nhất là trong tình trạng hiện tại. Hơn nữa, chúng tôi chỉ đòi hỏi Chính phủ cải thiện chánh sách kỳ thị, tôn trọng quyền lợi của dân, trong đó có cả anh em Thương phế binh. Nói vậy, anh em thấy rõ rằng Phật Giáo đã, đang, và sẽ không chống bất cứ một cá nhân, đoàn thể, tôn giáo, hay giai cấp nào nếu họ không tác hại đến nền đạo giáo cổ truyền của dân tộc.

9) Vấn đề giữ nước, dựng nước, chúng tôi nghĩ Phật Giáo đã đóng góp quá nhiều vì Phật Giáo chiếm số nhiều trong dân tộc; một điều rất dễ hiểu: Chính anh em là những người đã hy sinh nhiều nhất và trực tiếp, chịu đựng thống khổ không ít.

10) Việc khai thác những tin tức quốc tế có liên quan đến công cuộc tranh thủ của Phật Giáo, không ngoài mục đích để Chính phủ và nhân dân hiểu rõ những dư luận cần thiết ở quốc nội cũng như quốc ngoại, hầu giúp thêm cho việc gìn giữ trọn vẹn lòng thành tín mà thôi. Hơn thế, ở một khía cạnh nào đó, dư luận cũng có thể soi sáng sự thật – một yếu tố không thể thiếu – nếu quả thật người ta muốn đi đến sự dàn xếp ổn thỏa.

Cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho tất cả anh em đầy đủ nghị lực để bảo vệ nền đạo cổ truyền mà Tổ Tiên chúng ta đã từng dày công xây dựng.

Kính chào tất cả anh em.

ỦY BAN LIÊN PHÁI BẢO VỆ PHẬT GIÁO

oOo

Tưởng cũng cần nói thêm, chiều hôm sau (tức 24.7.1963), Ủy Ban Liên Phái nhận được một lá thư từ các anh em Thương Phế Binh gởi tới chùa Xá Lợi với chữ ký của 10 đại diện Thương Phế Binh, bày tỏ sự ủng hộ của Thương Phế Binh đối với cuộc tranh đấu của Phật Giáo và phàn nàn về nhóm người đã lợi dụng danh nghĩa Thương Phế Binh. Rồi vào ngày 1.8.1963, khoảng 300 anh em Thương Phế Binh đã cùng nhau tập trung về chùa Xá Lợi làm lễ sám hối ở chánh điện. Đại diện anh em đến gặp Thượng Tọa Chủ Tịch Ủy Ban Liên Phái và phát nguyện ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật Giáo.

— — — oOo — — —

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013).
QUANG MAI

Nguyên văn bức thư theo tài liệu VIỆT NAM PHẬT GIÁO TRANH ĐẤU SỬ của Tuệ Giác. “Giấy cho phép xuất bản” số 006/KDV/VP ngày 2.9.1964 của Kiểm Duyệt Vụ, Tổng Vụ Hoằng Pháp – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

966 lượt xem