Sau các vụ biểu tình bị đàn áp khốc liệt ngày 17.7.1963, trong khi cuộc tuyệt thực của chư Tăng Ni trong Ủy Ban Liên Phái từ ngày 16.7.1963 tại chùa Xá Lợi vẫn đang tiếp tục và ngày càng gia tăng số Tăng Ni – và Thiện tín cùng Đoàn viên Gia Đình Phật Tử – tham dự vào, Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính quyền biết rất rõ những gì đang xảy ra trên dư luận quốc tế, nhất là dư luận Hoa Kỳ. Những ký giả như David Halberstam của tờ New York Times viết trên báo này rất nhiều bài bất lợi cho chế độ. Ký giả này nói chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị quần chúng ghét bỏ, và vấn đề lật đổ chính quyền ông Diệm chỉ là vấn đề thời gian. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Wayne L. Morse tuyên bố ngày 19.7.1963 rằng ông không đồng ý cho Hoa Kỳ viện trợ thêm một dollar nào nữa cho chính quyền ông Ngô Đình Diệm. Tin tức những ký giả Hoa Kỳ và ngoại quốc khác bị cảnh sát hành hung được các báo chí ở Hoa Thịnh Đốn và Nữu Ước đăng tải. Tờ Hoa Thịnh Đốn Thời Báo (Washington Post) đã bình luận vào ngày 19.6.1963: “Cuộc tranh chấp không còn là một biến động có tính cách địa phương nữa. Vì chế độ ông Diệm liên hệ mật thiết quá đối với Hoa Kỳ, nên cái nguy cơ Phật Giáo Đồ ở khắp Á Châu sẽ có cảm tưởng rằng dù sao Hoa Kỳ cũng dung túng trước sự kỳ thị tôn giáo. Tuy đó là một cảm nghĩ sai lầm nhưng dù sao, đồng minh của một chế độ độc tài và áp bức, cho nên Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng.”

Tổng thống Ngô Đình Diệm không phải không nhìn thấy nguy cơ, nên ngày 18.7.1963, trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, ông đọc lời hiệu triệu nhằm xoa dịu tình hình. Thông điệp của Tổng thống được lặp đi lặp lại nhiều lần hằng ngày trên đài phát thanh. Ông nói:

“Để tỏ rõ chủ trương của Chính phủ cương quyết thi hành đúng đắn và hữu hiệu Thông Cáo Chung và để đánh tan mọi hồ nghi hoặc mưu mô xuyên tạc chia rẽ; chiếu theo đề nghị của Hội Đồng Liên Bộ, tôi vừa chấp thuận:

1. Chỉ thị nghị định số 358 ngày 9 tháng 7 năm 1963 ấn đinh thể thức treo cờ Phật Giáo. Thể thức này đã áp dụng riêng cho Tổng Hội Phật Giáo, sẽ áp dụng cho tất cả các môn phái nào tự ý công nhận Phật Giáo kỳ.

2. Chỉ thị Ủy Ban Liên Bộ hợp tác mật thiết với Phái đoàn Phật Giáo để cùng nghiên cứu, điều tra, giải quyết hoặc theo hồ sơ, hoặc tại chỗ nếu cần, những khiếu nại liên quan đến sự thực thi Thông Cáo Chung.

3. Chỉ thị các cấp Quân-Dân-Chính, mỗi người trong lĩnh vực của mình, trong lời nói cũng như trong việc làm, tích cực góp phần vào việc thực thi Thông Cáo Chung.

Tôi mong rằng quốc dân đồng bào ghi nhận ý chí hòa giải tột bực của Chính phủ trong vấn đề Phật Giáo, và tôi yêu cầu quốc dân đồng bào từ nay sẽ khách quan phán quyết để có thái độ, hành động, không để ai làm ngăn cản bước tiến của dân tộc trong nhiệm vụ diệt cộng cứu quốc”.

Lời kêu gọi “ghi nhận ý chí hòa giải tột bực của Chính phủ” được nói lên trong khi chùa Xá Lợi, Giác Minh, Ấn Quang tại Sài Gòn và nhiều ngôi chùa khác trên khắp lãnh thổ vẫn bị phong tỏa và trên 300 vị Tăng, Ni còn đang bị vây hãm tại An Dưỡng Địa; hơn 400 Tăng, Ni khác rải rác trong toàn quốc hiện vẫn đang bị giam giữ.

Do vậy, sáng ngày 19.7.1963, Thượng Tọa Thích Tâm Châu gởi một văn thư cho Tổng thống để đáp lời hiệu triệu của ông. Trong thư, Thượng Tọa ghi nhận lời hiệu triệu của Tổng thống và yêu cầu Chính phủ cấp tốc phóng thích tất cả những ai bị chính quyền giam giữ từ ngày 8.5.1963, bồi thường cho các nạn nhân cuộc thảm sát ấy. Đồng thời Thượng Tọa cũng báo tin rằng các chùa Xá Lợi, Ấn Quang và Giác Minh, sau khi được giải tỏa vào khoảng nửa giờ vào sáng 19.7.1963, đã bị các lực lượng cảnh sát phong tỏa trở lại. Thầy kết luận: “Các vấn đề trên được giải quyết xong, chúng tôi mới có thể hợp tác với Ủy Ban Liên Bộ mà nghiên cứu, xem xét những vấn đề khác để cho cuộc hòa giải được hoàn toàn tốt đẹp”. Xin sao lục nguyên văn bức thư nói trên: [QM]

 

Saigon, ngày 19 tháng 7 năm 1963.

THƯỢNG TỌA THÍCH TÂM CHÂU
Chủ Tịch Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo

Kính đệ: TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA
Saigon.

Kính thưa Tổng thống.

Trên đài phát thanh, hồi hôm nay, chúng tôi đã được nghe lời hiệu triệu của Tổng thống, chúng tôi rất hoan nghênh “ý chí hòa giải tột bực” của Chính phủ, nhưng vì có những sự kiện xảy ra bất lợi cho Phật Giáo chúng tôi sau hai lời hiệu triệu trước của Tổng thống, chúng tôi thấy Chính phủ nên có những việc làm cụ thể, minh bạch để chứng tỏ trước quốc dân và thế giới ý chí hòa giải tốt đẹp nhắc lại ở trên. Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị mấy điểm sau:

1. Chính phủ phóng thích tất cả Tăng, Ni, Thiện tín, Sinh viên, Học sinh, Gia Đình Phật Tử đã bị giam cầm tại Huế tới nay. Trường hợp mất tích của nhà sư Đặng Văn Cát đã báo cáo cho Ủy Ban Liên Bộ hai lần rồi, cũng xin giải quyết xong.

Không thể phân tách có sự vụ trước ngày ký kết bản Thông Cáo Chung và những sự vụ sau ngày này. Hể có thủy thì có chung, tất cả những cuộc tuyệt thực, diễn hành bất bạo động, thiêu thân của Phật Giáo Đồ đã diễn ra khắp nơi, đều liên quan đến cuộc vận động tranh thủ 5 nguyện vọng của Phật Giáo và là một dây chuyền liên tục. Chỉ có một sự phóng thích toàn vẹn không phân biệt mới đem lại sự êm dịu và tin tưởng trong lòng Phật Giáo Đồ.

2. Tất cả Tăng, Ni (trên 300 vị) và quan trọng nhất là trên mấy trăm Thiện tín, Sinh viên, Gia Đình Phật Tử v.v… ngày 17-7-1963 bị bắt giam tại An Dưỡng Địa và các nơi khác, cần được trả về chùa Xá Lợi đầy đủ, để Ủy Ban chúng tôi kiểm điểm trước khi mời họ trở về chùa hay tư thất. Đây là điều kiện khẩn thiết để trấn an chư Tăng, Ni và dư luận.

3. Chính phủ can thiệp với các báo – nếu họ từ chối lời yêu cầu của chúng tôi – để các báo đăng thông bạch của Ủy Ban Liên Phái kêu gọi các chùa và các gia đình có người bị bắt hay mất tích mà chưa thấy trở về, từ đây đến Chủ nhật 21-7-1963, kịp thời báo tin cho chúng tôi biết để chuyển đến Chính phủ.

4. Chính phủ công bố danh sách và truy tố những cán bộ có trách nhiệm trong vụ đổ máu tại Đài Phát Thanh Huế đêm 8-5-1963; cuộc đàn áp Sinh viên và Gia Đình Phật Tử ngày 4-6-1963 tại chợ Bến Ngự (Huế). Chính phủ sẽ có lợi nếu không để cho những người chạy án đổ tội cho kẻ khác.

5. Chính phủ bồi thường xứng đáng cho các gia đình nạn nhân đêm 8-5-1963 và những người bị thương, tàn tật vì cuộc đàn áp ngày 4-6-1963 tại Huế.

Kính thưa Tổng thống.

Toàn thể Tăng Ni chúng tôi trong Ủy Ban Liên Phái thà cam chết chứ không chịu để cho lòng tin của chúng tôi nơi sự thành tín của Chính phủ bị thực tế đánh đổ một lần nữa.

Trước khi chấm dứt, chúng tôi kính thưa Tổng thống tường: Sáng nay, 19 tháng 7 năm 1963, các chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Giác Minh sau khi được giải tỏa độ nữa giờ lại bị phong tỏa trở lại. Nội việc làm này đủ chứng tỏ rằng những quyết định của Tổng thống cho việc hòa giải không được cấp dưới luôn luôn tuân hành. Những việc bất tuân như thế này đã thành một thông lệ từ lâu ở miền Trung mà ai cũng biết là một miền tự trị trên thực tế.

Các vấn đề trên, một khi giải quyết xong, chúng tôi mới có thể hợp tác với Ủy Ban Liên Bộ mà nghiên cứu, xem xét những vấn đề khác để cho cuộc hòa giải hoàn toàn tốt đẹp.

Xin Tổng thống nhận lời thành kính của tôi.

THƯỢNG TỌA THÍCH TÂM CHÂU

(Ký tên).

— oOo —

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013).
QUANG MAI
(Nguyên văn bức thư được đả tự và trình bày theo tài liệu VIỆT NAM PHẬT GIÁO TRANH ĐẤU SỬ của tác giả Tuệ Giác. “Giấy cho phép xuất bản” số 006/KDV/VP ngày 2.9.1964 của Kiểm Duyệt Vụ – Tổng Vụ Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất).

946 lượt xem