Nhằm xem xét về sự kiện Phật Giáo Đồ Việt Nam bị bách hại, ngày 25.6.1963, Tổng Hội Phật Giáo Nhật Bản đã họp Hội Nghị Khẩn Cấp tại giảng đường thuộc Tông Tào Động (ở Tokyo). Sau khi hội nghị nghe ông Ủy viên Trương Quốc Tế của Tổng Hội tường trình về tình hình đàn áp Phật Giáo Đồ Nam Việt, và căn cứ vào quyết nghị thứ 12 của Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới họp tại Nam Vang (Cambodge), Tổng Hội Phật Giáo Nhật Bản đã quyết định gởi thư yêu thỉnh đến Hội Phật Giáo Thế Giới, Trung Tâm Điểm Phật Giáo Thế Giới tại các quốc gia và Liên Hiệp Quốc. Nguyên văn bức thư đó như sau:

 

TỔNG HỘI PHẬT GIÁO NHẬT BẢN

Kính gởi: Ông U Chan Htoon HỘI PHẬT GIÁO THẾ GIỚI

 

Đối với sự hy sinh tính mệnh cao cả của Phật Giáo Đồ Việt Nam, để tỏ lòng ai điếu sâu xa, chúng tôi, Phật Giáo Đồ Nhật Bản rất lấy làm buồn rầu về sự phân tranh giữa chánh phủ Nam Việt Nam và Phật Giáo Đồ đã xảy ra nhiều lần từ sau ngày lễ Phật Đản 8-5-1963.

Nếu căn cứ vào cơ quan truyền tin và các báo chí gần đây, thì ở Nam Việt Nam có sự đãi ngộ sai biệt giữa Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo, nghĩa là Thiên Chúa Giáo được đặc biệt hơn. Đoàn thể liên minh Phật Giáo Đồ thế giới của chúng ta cần phải căn cứ vào điều quyết nghị thứ 12 của Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới đã quyết nghị tại hội trường họp ở Nam Vang năm 1961, gởi thư kháng nghị mạnh mẽ tới chánh phủ Nam Việt Nam.

Nhưng vì được tin báo, bản "Thông Cáo Chung" đã được ký kết giữa Ủy Ban Liên Bộ của chánh phủ Nam Việt Nam và phái đoàn Phật Giáo để giải quyết sự phân tranh nên chúng tôi an tâm.

Chúng tôi hy vọng rằng, bản "Thông Cáo Chung" đó sẽ được thi hành một cách đúng đắn với tất cả đã định, để sẽ không thể lại xảy ra những sự kiện bi đát khác.

Sự tự do truyền đạo và hành đạo của tôn giáo, thì bất cứ quốc gia nào cũng phải được thực thi chánh sách tôn giáo bình đẳng được sự bảo chứng của muôn người. Với mục đích này, chúng ta quyết phải cố gắng đạt thành.

Nhiều người đã hy sinh cho đạo một cách cao cả bởi sự kiện gần đây ở Nam Việt Nam, chúng tôi tin rằng, sự hy sinh đó không những chỉ xác lập cho tự do tôn giáo của Nam Việt Nam mà còn cho cả thế giới.

Để giám sát tầm quan trọng về tự do, bình đẳng tôn giáo một cách xác thực, bản bộ Phật Giáo Thế Giới cần phải điều tra tường tận về nguyên nhân của sự kiện đã xảy ra tại Nam Việt Nam, và nương vào sự hợp lực của chúng ta với những phương pháp thích đáng để chấm dứt tình trạng phân tranh không tái phát, đó là điều mong muốn của Tổng Hội Phật Giáo Nhật Bản chúng tôi.

Ngày 25 tháng 6 năm 1963
LÝ SỰ TRƯỞNG

REV. Shuichi Kongo

— oOo —

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam 1963-2013 – Quang Mai đả tự và trình bày theo nguyên văn tài liệu VIỆT NAM PHẬT GIÁO TRANH ĐẤU SỬ của tác giả Tuệ Giác. “Giấy cho phép xuất bản” số 006/KDV/VP ngày 2.9.1964 của Kiểm Duyệt Vụ – Tổng Vụ Hoằng Pháp – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

743 lượt xem