– Họ Và Tên: nguyễn thị kim ngân
– Pháp Danh: nguyên nguyệt giang
– Ngày và Nơi Sinh: 27/2/1994. tp.hcm
– Đơn Vị Đang Sinh Hoạt: GĐPt đức hải, tp.hcm

Nhớ Tết xưa…..!

Cứ mỗi độ xuân về lòng mình lại thấy xốn xang kỳ lạ, cứ như trẻ con mong đến Tết để được nghỉ học, được bố mẹ mua quần áo mới, được ăn nhiều bánh mứt kẹo, được mừng tuổi, được đi chơi du xuân…Nghỉ tết, cái khái niệm lặp đi lặp lại hơn mười bảy năm nay tưởng chừng đã nhàm chán. Tưởng như đã đủ cũ kĩ những khi nhìn thấy dòng người đang mải miết ra về….. Bỗng dưng thèm … Tết.Bỗng dưng khao khát muốn có được hương vị của những ngày xưa.

Ngày chưa đủ lớn để mong bé lại. Cái thuở con nhóc con vẫn còn quyệt ngang mũi và tèm nhèm nước mắt đòi mẹ cho đi chơi chợ Tết. Nó thừa hiểu chẳng thế mua gì với đồng tiền ít ỏi mà gia đình nó có được nhưng nó vẫn khao khát được đi ngắm những thứ đồ chơi xanh đỏ. Nhìn những bộ quần áo rực rỡ trưng bày trong các quầy hàng. Chỉ thế thôi … Dù lòng nó còn nhiều khao khát. Chắc chỉ có thời bọn nó mới có nhiều cảm xúc về ngày Tết như vậy và cho đến bây giờ đã hơn mười bảy năm trôi qua mà hương Tết xưa vẫn còn như thoang thoảng đâu đây, gần lắm. Nhớ hồi đó Nhà nước mình chưa cấm đốt pháo, gần đến ngày Tết mấy anh em nhà nó mang những sách báo cũ ra để cuộn pháo, công việc của nó là ngồi lên một tấm gỗ để anh trai lăn lăn trên quả pháo cho pháo cuộn được chặt hơn, khi đốt tiếng sẽ to vang hơn. Đến ngày được nghỉ Tết, bố mẹ phân công cho các anh chị em mỗi người một việc, người thì dọn dẹp nhà, người rửa lá dong, đãi gạo, đãi đỗ, vui nhất là mấy ngày chuẩn bị như thế này. Buổi tối ăn cơm xong cả nhà quây quần để chuẩn bị gói bánh chưng, lần nào mình cũng đòi chú hàng xóm làm riêng cho mình một cái bánh nhỏ xinh xinh. Khi bánh đã gói xong là mấy anh em mang tam cúc ra chơi trong lúc bố mẹ nhóm củi bắc nồi bánh chưng lên bếp. Nó nhớ ngày xưa thời tiết những ngày gần Tết rất lạnh nên cả gia đình ngồi quanh nồi bánh chưng sưởi ấm và chuyện trò thấy ấm cúng làm sao. Nhớ Tết xưa lại nhớ đến mùi bánh mứt kẹo mẹ thường mua từ trước Tết gần một tháng và cất trong tủ để dành đến Tết, mấy anh em nhà nó thích ăn lắm nhưng chỉ dám mở tủ để ngửi ngửi. Nhớ mãi cái mùi mứt dừa, mứt lạc, mứt gừng, mứt khế mà cho đến tận bây giờ vào ngày Tết nó vẫn chỉ thích hương vị của mấy loại mứt này mặc dù bánh kẹo bây giờ đủ loại hương vị ngon được nhập từ nước ngoài. Tết xưa, từ 23 tháng chạp, ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời đến hết mùng 3, nhà nó lúc nào cũng như đang hội. Người đi xa lục tục trở về, căn bếp nhà con trưởng cứ mỗi ngày một đầy thêm những gà, lợn, măng, miến… Trẻ con vui, người lớn vui, mẹ dường như cũng vui nhưng mà mệt nhoài. Nó nghĩ mẹ nó mệt không chỉ vì công việc bận bịu, mà còn vì lúc nào cũng tâm niệm phải có trách nhiệm lo cho đại gia đình một cái Tết thật no ấm, vui vẻ, để anh em họ hàng không ai chê trách điều gì… Dù bận rộn thế, mẹ âm thầm giữ cho mình một thói quen, đó là ngay từ khi bắt đầu phải lo Tết, mẹ đi chợ đã chăm chăm chọn mua những bó mùi già, cành lá xanh đậm gần như ngả đen, khắp thân lúc lỉu những trái mùi tí xíu, chỉ sứt ra một chút là hương thơm bay ngào ngạt… Rồi sau cả ngày bận rộn với bếp núc, nhà cửa, tiếp đãi, mẹ nó đun một nồi nước lá mùi thật to rồi bê vào nhà tắm, pha một chậu lớn nước rồi tắm gội. Hương mùi thơm ngào ngạt thấm vào người, từ từ tẩy hết những mỏi mệt, những vướng bận và lo toan… Lúc đó, gần nửa đêm, anh em nó đã ôm nhau ngủ sau một ngày chơi đùa huyên náo… Vậy mà nó vẫn mơ màng ngửi thấy mùi nước lá mùi và nghe thấy từng gáo nước dội nhè nhẹ. Nó vẫn nhớ lúc mẹ bước vào giường ngủ, hương mùi xộc lên nồng nàn… Rồi đêm giao thừa, mẹ đun một nồi mùi thật to, tắm cho tất cả anh em chúng nó. Phòng tắm nhỏ đặc quánh hơi nước, hương mùi đậm đà xộc vào mũi, xông lên đầu, xuống phổi và lan tỏa khắp các giác quan… Đúng là “tẩy trần” đón năm mới. Ra Tết, mẹ vẫn mua mùi về tắm. Trong cảm nhận của nó, cứ khi nào còn hương mùi là còn Tết… Ngoài Rằm, hương mùi nhạt dần, chúng tôi cũng bớt nắc nỏm về Tết dần đi… Mẹ nó nhớ quê, nhớ anh em, chòm xóm, nhớ vị Tết của riêng mình lắm, nhưng thương chúng tôi, mẹ không mấy khi nhắc nhở, vì vào dịp cuối năm, ai tha hương sẽ hiểu, dù trong lòng chỉ nôn nao hai chữ quê nhà nhưng đều cố gắng chỉ nói chuyện vui, nhắc quê nhiều quá lại thấy buồn, thấy tủi, nhiều khi không cầm được nước mắt… Giây phút giao thừa, tiếng pháo nổ vang đón chào Năm mới, mùi thuốc pháo thơm nồng và khói bay nghi ngút thấy vui mừng hân hoan làm sao. Mấy anh em háo hức diện quần áo mới để chờ bố mẹ mừng tuổi, chờ mẹ chặt con gà vừa cúng và bày ra mâm để cả nhà lại ngồi bên nhau chúc tụng, thưởng thức miếng bánh chưng xanh không thể thiếu trong ngày Tết. Sáng mùng 1 Tết, tiếng pháo quanh khu tập thể nổ vang không ngớt. Ngoài trời lất phất mưa phùn, đường phố vắng tanh chỉ có mấy đứa trẻ trong khu tập thể ra đầu ngõ đốt pháo và nhân tiện khoe bộ quần áo mới. Nhớ lại những ngày đó cảm giác thật bình yên và lòng rộn ràng không bao giờ quên được. Khi bạn xuất thân từ một vùng quê với những cây đa, bến nước, sân đình và cảnh sống nghèo khó của những người thân … Rồi bỗng dưng một ngày vì mưu sinh cuộc sống mà các bạn phải ra đi đến nơi đô thị phồn hoa ồn ào náo nhiệt — Mỗi khi đến những dịp Tết cổ truyền này chắc chắn rằng các bạn sẽ không thoát khỏi nỗi nhớ quê hương da diết … Nhớ từng kỉ niệm nho nhỏ giản dị của một thời ấu thơ … Đó chính là những nét văn hóa rất riêng của Dân tộc và của mỗi bản thân chúng ta ! Tết trong ký ức nó là thế. Còn bây giờ khi dòng người đang nhộn nhịp tìm về hương Tết quê thì nó lạc lõng. Chỉ là cảm giác bơ vơ, muốn tìm về với gia đình, với bạn bè, với những gì thân thuộc. Những thứ quen lắm, có thể nhìn thấy mà khó gọi thành tên. Và có lẽ, nó thèm được tìm thấy cái Tết yên bình của ngày xửa ngày xưa nó có. Nó nhanh chóng chọn cho mình hành trình. Không đắn đo nhiều, không phân vân nhiều…

Nó đi, nhẹ nhàng thôi để chờ Ngày 30 Tết.

Nguyen ngan

613 lượt xem