TT Thích Đức Thắng

THƯ CHÚC TẾT

Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Từ Thị Di Lặc Tôn Phật

Kính gởi: Quý ACE áo lam cùng các Đoàn sinh và gia đình các đoàn sinh GĐPTVN áo lam quốc nội cũng như trên toàn Thế Giới.

Nhân dịp xuân về Thầy xin gởi đến quý ACE áo lam cùng các đoàn sinh và gia đình các đoàn sinh GĐPTVN áo lam trong cũng như ngoài nước lời chúc tốt đẹp nhất trong niềm vui hoan hỷ qua nụ cười của đức Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật truyền thống.

Một truyền thống mà qua đó được chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại và chư Phật vị lai luôn luôn hộ niệm với niềm tin bất diệt trong tín Phật, tín Pháp, tín Tăng cùng tín Giới như trong kinh luận Đại Tiểu thừa (Tạp A-hàm 19, 30; Anh lạc bổn nghiệp kinh q. thượng; Đại Tỳ-bà-sa 103; Tạp A-tỳ-đàm tâm luận 8; Thành thật luận 2; Du-già Sư Địa luận 98; Pháp Hoa kinh vân cú ký 20; Đại thừa Nghĩa chương 11) đức Đạo sư đã dạy. Đây chính là Tứ bất hoại tín, hay còn gọi là Tứ chủng chứng tịnh (Skt: Catasro ’vetyaprasādāḥ: Bốn đức tin không gì có thể phá hoại. Pāli: Cattaro aveccappasādā: Bốn đức tin trong sạch tuyệt đối):

1- Phật chứng tịnh (Skt: Buddhāvetya-prasāda, Pāli: Buddhāvecca-ppasāda): Lòng tin đối với Phật không gì có thể phá hoại (lòng tin trong sạch tuyệt đối đối với Phật).
2- Pháp chứng tịnh (Skt: Dharmā-prasāda, Pāli: Dhammā-ppasāda): Lòng tin đối với Pháp không gì có thể phá hoại (lòng tin trong sạch tuyệt đối đối với Pháp).
3- Tăng chứng tịnh (Skt: Saṅghā-prasāda, Pāli: Saṅghā-ppasāda): Lòng tin đối với Tăng không gì có thể phá hoại (lòng tin trong sạch tuyệt đối đối với Tăng).
4- Thánh giới chứng tịnh (Skt: Ārya-kanta-śīlā-prasāda, Pāli: Ariya-kanta-sīlā-ppasāda): Lòng tin đối với Thánh giới không gì có thể phá hoại (lòng tin trong sạch tuyệt đối đối với Thánh giới).

Bốn bất hoại tín này là chỗ nương tựa nền tảng căn bản của bảy chúng đệ tử xuất gia và tại gia của đức Đạo sư vào lúc bấy giờ cũng như trong tương lai đối với Chánh Pháp. Tuy bốn bất hoại tín hay còn gọi là bốn chủng chứng tịnh này, về mặt hình thức tương đối của sự-tướng thì được phân ra làm bốn, nhưng đứng về mặt bản thể tuyệt đối của lý-tánh thì chỉ có một. Vì chính chân lý tuyệt đối tự thân cá thể của đức Phật không những là hiện thân của bốn bất hoại tín được thể hiện qua trí tuệ-giải thoát-từ bi, trong sự nghiệp giải thoát khổ và đạt an vui cho tự thân mà, còn ban vui cứu khổ của Ngài đối với chúng sanh hữu tình nữa; trong khi chính tự thân Phật tử chúng ta chưa đạt được lý-tánh tuyệt đối như Ngài thì buộc chúng ta phải nương vào bốn bất hoại tín để làm nơi y chỉ và an thân. Nhưng trong hiện tại, đức Đạo sư không còn hiện hữu với chúng ta để chúng ta nương tựa trực tiếp vào ngài cùng được Ngài chỉ dạy giáo Pháp và Giới luật nữa, mà chỉ còn có Tăng-già (Saṅghā) chính là chỗ dựa độc nhất của chúng ta trong hiện tại cũng như trong tương lai, vì tính tuyệt đối của chính bản thể Tăng-già hoà hợp thanh tịnh và khả năng thay thế truyền đạt trực tiếp có hiệu quả đối với giáo pháp và giới luật cho Phật tử chúng ta, đã nói lên được điều đó, còn tất cả những chỗ dựa khác chỉ là một phương tiện tạm thời sẽ bị vượt qua trong ý nghĩa tuyệt đối của chúng.

Bỡi vậy trong hiện tại Tăng-già là một trong bốn bất hoại tín có khả năng mang lại mọi sự tin tưởng an ổn trong cuộc sống cho mọi loài hữu tình chúng sanh hơn là bất cứ chỗ nương tựa nào khác. Vì về phương diện lịch sử tương đối thì Tăng-già là một tập thể hoà hợp thanh tịnh thay thế Phật để trao truyền lại chánh pháp và giới học cho chúng ta. Tự thân Tăng-già mang đầy đủ ý nghĩa về cả hai mặt hiện tượng cũng như bản thể, do đó Tăng-già theo ý nghĩa truyền thống và hiện thực chính là chỗ cho Phật tử chúng ta lấy làm nơi y chỉ nương tựa, mà không sợ bị vượt qua như những hình thức dẫn dắt khác, bị lệ thuộc vào thời gian và xã hội mang ý nghĩa thế tục hoá, mà bản thân chúng có thể thay đổi bất cứ lúc nào theo hoàn cảnh xu thế thời đại mang lại. Vì tự thân của các tổ chức khác chỉ mang ý nghĩa tương đối tuỳ thuộc vào các xu thế thời đại mà biến đổi, do đó chúng không phải là chỗ để cho Phật tử chúng ta y chỉ nương tựa vào chúng để có thể đạt đến nơi an toàn giải thoát tuyệt đối được.

Vì vậy, trong hiện tại cũng như trong tương lai chúng ta những người con Phật đi theo con đường giải thoát của đức Đạo sư, muốn đạt được đến chỗ thoát khổ thật sự là phải nương vào bản thể hoà hợp thanh tịnh của Tăng-già mà thực hành thì con đường đi của mình thì sẽ không lạc vào đường ma lối quỷ, còn không thì vĩnh viễn chúng ta sẽ bị lạc đường.

Đầu xuân Tân Mão Thầy xin cầu nguyện hồng ân chư Phật chư Đại Bồ-tát chư Long Thiên Hộ Pháp chư vị Thiện Thần luôn ủng hộ cho mỗi bước đi của chúng ta luôn vững chắc không lạc lối và, luôn luôn giữ vững niềm tin chắc chắn vào trong bốn niềm tin không thể bị phá hoại này. Chúc ACE và các đoàn sinh áo lam cùng, gia đình các đoàn sinh áo lam có một năm mới an lành và hạnh phúc sở cầu như ý.

Nan mô thường hoan hỷ Bồ-tát Ma-ha-tát.
Quảng Hương Già Lam ngày 30 tháng 12 năm 2010 Canh Dần
Tổng thư ký H.Đ.C.V.G.H. Trung Ương G.Đ.P.T.V.N.

Thích Đức Thắng

728 lượt xem