LUÂN HỒI


Từ xưa đến nay người ta thường thắc mắc về vấn đề mất còn, sống chết. Có hai thuyết làm cho người ta chú ý đến nhiều nhất. Một thuyết cho rằng loài người cũng như loài vật, một lần chết là mất hẳn, không còn gì tồn tại sau đó nữa. Một thuyết cho rằng loài người chết đi, nhưng linh hồn vẫn vĩnh viễn còn lại, được lên thiên đàng hay bị xuống địa ngục.

Cả hai thuyết trên đều không đúng với sự thật. Chết rồi, không thể là hoàn toàn mất hẳn được, vì ở đời này, không có vật gì là mất hẳn. Cho đến một hạt cát, một mảy lông cũng không thể mất hẳn, huống là cái thân con người. Nhưng bảo rằng linh hồn thường còn, ở mãi trên thiên đàng hay dưới địa ngục cũng không đúng. Trong vũ trụ không có một cái gì có thể vĩnh viễn ở yên một chỗ, mà trái lại, luôn luôn biến đổi và xê dịch. Vả lại, có gì bất công hơn là chỉ vì những cái nhân đã gieo trong một đời hiện tại ngắn ngủi, mà phải chịu cái quả vĩnh viễn tốt hay xấu trong tương lai? Hai thuyết trên này đều bị Đạo Phật bác bỏ.

Theo giáo lý Đạo Phật thì chúng sinh không phải đoạn diệt, cũng không phải thường còn, mà quay lộn trong cảnh sinh tử “luân hồi”. Luân hồi theo chữ Hán thì “luân” là bánh xe, “hồi” là trở lại. Hình ảnh bánh xe quay tròn trở lại dùng để hình dung sự xoay chuyển của mỗi chúng sinh trong sáu cõi. Khi đầu thai ở cõi này, khi ở cõi khác. Tử sinh, sinh tử tiếp nối không ngừng, như bánh xe quay lăn. Khi đã công nhận luật nhân quả, thì chúng ta cũng không thể phủ nhận sự luân hồi, vì luân hồi chẳng qua là nhân quả liên tục. Bánh xe luân hồi quay tròn. Trên vòng tròn ấy, không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc. Bánh xe ấy cứ quay mãi trong vòng trầm luân của sinh tử khổ đau cho đến khi nào con người tu tập và đạt đến sự giải thoát tối thượng.

Chuyện luân hồi và tái sinh không hiếm trong cuộc đời.

Câu chuyện tái sinh của JENNY:
Năm 1993, một bà mẹ người Anh 40 tuổi đang sinh sống với chồng và hai con ở nước Anh đã đoàn tụ với năm người con của bà ở kiếp sống trước. Năm người con này hiện sống tại một thị trấn nhỏ ở miền bắc nước Aí Nhĩ Lan. Đây là câu chuyện tái sinh có thực đã xảy ra đầy thương tâm. Một câu chuyện đi tìm con vượt biên cương và trải dài qua nhiều kiếp người của một bà mẹ

Bà tên là Jenny và lúc nào cũng biết và nhớ là mình đã có một đời sống ở kiếp trước trong một ngôi làng nhỏ bên bờ biển xứ Ái Nhĩ Lan với tên là Mary. Mary đã từ trần 21 năm trước khi Jenny được sinh ra ở Anh Cát Lợi.

Một trong những giấc mơ luôn hiển hiện trong trí nhớ của Jenny là giây phút lìa đời của Mary trong nỗi đơn độc đau khổ và lo âu về tương lai của các con Mary mà đứa lớn nhất mới 13 tuổi. Mary nghĩ rằng mình đã có lỗi khi phải từ bỏ các con và nàng quyết định phải đi tìm con cho bằng được.

Ngay từ lúc còn nhỏ, khi mới bắt đầu cầm được viết, Jenny đã vẽ bản đồ một làng cùng những con đường dẫn đến một căn nhà mái tranh với từng căn phòng, góc bếp nơi Mary ở, đường đến nhà thờ, ga xe lửa, các cửa hàng bách hóa… Sau này so sánh với bản đồ Ái Nhĩ Lan ở trường học, Jenny đã khám phá ra rằng bản đồ mà Jenny đã vẽ từ trong trí nhớ, và trong những giấc mơ tiền kiếp thật giống với bản đồ một làng nhỏ nằm ở phía bắc thành phố Dublin Ái Nhĩ Lan, có tên gọi là Malahide.

Jenny lớn dần lên cùng với các hình ảnh nói trên. Trong tâm tưởng, Jenny vẫn cảm thấy có lỗi với các con (của kiếp trước) khi bỏ chúng lại bơ vơ nên Jenny quyết định đi tìm con. Jenny sắp đặt kế hoạch nhưng lại không đủ khả năng tài chánh cho chuyến đi nên đành hoãn lại và tình nguyện làm cho một nhà thôi miên. Ông này đã giúp Jenny nhớ lại thật nhiều hình ảnh chi tiết về cá nhân Mary và ngôi làng của Mary ở vào năm 1919. Tuy nhiên Jenny vẫn chưa nhớ ra được “họ” tức “last name” của Mary là gì, điều này đã gây ra rất nhiều trở ngại.

Cuối cùng Jenny để dành đủ tiền để thực hiện một chuyến du hành qua Ái Nhĩ Lan. Đến đó, Jenny đã đứng chết lặng trước một căn nhà vì thấy hình ảnh này sao quen thuộc quá, giống như trong trí tưởng, giống như bản đồ Jenny đã vẽ.

Sau chuyến đi, Jenny trở về Anh quốc và bắt đầu thực hiện kế hoạch tìm con (của kiếp trước). Nàng viết thư cho tất cả các báo ở Ái Nhĩ Lan, các tổ chức sử học, các văn phòng hộ tịch, các chủ phố và dân làng Malahide để yêu cầu giúp đỡ về tin tức của một người đàn bà tên Mary chết vào năm 1930 cùng với những người con của bà này.

Một thời gian lâu sau đó, Jenny nhận được thư của một người cho biết ở Malahide có một gia đình mà người mẹ tên là Mary đã chết sau một thời gian ngắn khi sanh đẻ, để lại sáu đứa con còn nhỏ. Last name của bà đó là Sutton và sau khi bà qua đời, các con đã được gửi vào cô nhi viện.
Jenny bèn biên thư cho tất cả các viện mồ côi ở Ái Nhĩ Lan để dò hỏi tin tức. Jenny được một vị giáo sĩ ở một nhà thờ thành phố Dublin cho biết tên của tất cả sáu người con này và nói rằng sáu đứa trẻ này đã trở thành Ki Tô hữu tại một nhà thờ Thiên Chúa Giáo ở Malahide. Sau đó, qua niên giám điện thoại Jenny đã gửi thư đến tất cả những ai mang họ Sutton tại Aí Nhĩ Lan. Nàng cũng nhận được một bản sao giấy khai tử của Mary và hai bản sao giấy khai sinh của hai người con, nhưng vẫn không tìm ra tung tích. Một lần nữa Jenny lại gửi thư cho tất cả các báo ở Dublin và thư cho giáo sư Tiến sĩ Stevenson một chuyên gia nghiên cứu về các hiện tượng ở đời sống quá khứ để nhờ giúp đỡ. Ông này giới thiệu Jenny với một nhà nghiên cứu thuộc cơ quan truyền thông Anh quốc BBC.

Một thời gian khá lâu sau đó, Jenny nhận được điện thoại từ người con thứ hai ở Ái Nhĩ Lan. Cuộc nói chuyện hết sức khó khăn với nhiều tình cảm lẫn lộn nhưng nói chung có những dấu hiệu tốt đẹp. Jenny hứa sẽ gửi toàn bộ hồ sơ đã từng lưu trữ từ nhiều năm qua. Mặc dầu biết là các con của Mary bây giờ đều đã ở vào lứa tuổi 50 và 60 nhưng Jenny vẫn có cảm giác mạnh mẽ về tình mẫu tử, cảm giác là mẹ của họ. Tâm tư Jenny bây giờ thật xáo trộn giữa đời sống hiện tại và đời sống quá khứ từ kiếp trước.

Jenny thông báo đầy đủ diễn tiến mới cho đài BBC. Chờ mãi không thấy sự hồi âm của đứa con thứ hai mà Jenny đã nói chuyện qua điện thoại. Jenny quyết định liên lạc với Sonny, hiện đang ở thành phố Leeds Anh quốc. Sonny là người con đầu của Mary Sutton, khi Mary qua đời cậu mới 13 tuổi và bây giờ, vào năm 1990, Sonny đã 71 tuổi. Qua cuộc điện đàm Jenny mô tả cho Sonny biết về quá khứ của cậu, về hình ảnh căn nhà mái tranh, về tính nết của cậu, về những lời nói hay câu mắng của Mary với cậu hồi đó. Rất ngạc nhiên và khó có thể ngờ được người đầu dây bên kia lại chính là mẹ mình. Sonny ngỏ ý muốn được gặp Jenny.

Như đã thỏa hiệp với đài BBC, Jenny thông báo những biến chuyển mới. Đài BBC muốn phỏng vấn Sonny trước và trong thời gian này hai người không được liên lạc với nhau. Cũng trong thời gian này họ đã phỏng vấn thêm Jenny về những điểm chưa sáng tỏ. Cuộc điều tra của đài BBC kéo dài 4 tháng. Cuối cùng Jenny đã đích thân lái xe đưa cả gia đình của Jenny đến thành phố Leeds hội ngộ cùng Sonny. Cuộc đoàn tụ đã diễn ra thật cảm động. Giấc mơ đi tìm con của Jenny đã trở thành sự thực. Hai mẹ con, mẹ trẻ, con già đã ôm nhau với những giòng nước mắt tuôn trào.

Các chuyên gia đài BBC đều không thể ngờ được một khái niệm về trí tưởng lại có thể đúng một cách chính xác với thực tế như vậy. Họ cũng không ngờ rằng có một đời sống sau khi chết đang hiển hiện rõ ràng.

Với sự giúp đỡ của Sonny, cuối cùng vào năm 1993 Jenny đã hội ngộ đoàn tụ với tất cả 5 người con còn sống. Hơn 60 năm từ khi mẹ qua đời 6 anh em mới được đoàn tụ với nhau và đặc biệt hơn cả là đoàn tụ với người mẹ trẻ (là Mary) đã tái sinh ra trong kiếp này (là Jenny).

Năm 1994 Jenny đã được cậu con cả, nay đã 75 tuổi, dẫn đến thăm mộ phần của Jenny kiếp trước. Jenny đã nói trước phần mộ này rằng: “Mộ phần này không có gì cả, không có ai ở đây bây giờ. Có thể chỉ còn những nắm xương khô. Phần năng lực tinh thần hiện đang ở trong tôi”.

Câu chuyện tái sinh của BLANCHE BATTISTA:

Ðại úy Battista và vợ, đều là người Ý có sinh một con gái tại La Mã và đặt tên là Blanche. Ông mướn một người vú em Thụy Sĩ nói tiếng Pháp tên là Marie để trông nom bé. Marie thỉnh thoảng dạy bé bài hát ru con bằng tiếng Pháp. Bé rất thích bài hát này và thường hát đi hát lại mãi nên thuộc lòng. Chẳng may bé bị chết nên Marie phải trở về Thụy Sĩ.

Bé Blanche chết được 3 năm thì bà mẹ lại mang thai. Lúc thai được 4 tháng, bà đã có một giấc mơ lạ lùng trong lúc nửa tỉnh nửa mê. Bà cả quyết thấy rõ ràng bé Blanche hiện ra và nói với bà bằng giọng quen thuộc như hồi nào: “Mẹ ơi con sẽ trở về với mẹ”. Rồi bé biến mất. Ông đại úy hoài nghi, nhưng đến tháng 2 năm 1906, vợ ông sinh một bé gái. Ông cũng đặt tên là Blanche. Ðứa con gái mới sinh giống hệt như đứa con trước.

Đứa con gái đầu chết được 9 năm, khi đứa thứ hai được 6 tuổi thì một việc bất ngờ đã xảy đến. Ðây là lời của ông: “Trong khi vợ chồng tôi đang ở trong phòng đọc sách thì cả hai chúng tôi đều nghe thấy giọng hát ru con bằng tiếng Pháp vẳng ra từ phòng ngủ kế cận của đứa con gái. Lấy làm lạ chúng tôi liền vào xem thì thấy nó đang ngồi trên giường và hát bài ru con với một giọng Pháp rất tự nhiên. Nào có ai trong chúng tôi dạy cho nó đâu. Vợ tôi hỏi con đang hát bài gì đó thì nó trả lời đang hát bài ca bằng tiếng Pháp. Tôi liền hỏi ai dạy con bài hát này thì nó đã trả lời: Không ai dạy con cả, bài hát này có sẵn trong đầu con”.

Blanche, người con gái nước Ý, khi luân hồi đã báo cho mẹ biết là sẽ trở lại và em hãy còn nhớ bài hát bằng tiếng Pháp đã được người vú trông nom em dạy em ở tiền kiếp.

Chuyện tái sinh của ANN:

Người kể chuyện này là một thiếu phụ tại Minneapolis, một chuyện có thực rất đơn giản nhưng rất giá trị.

Bà ta kể lại như sau: “Anne, cô em gái cùng mẹ khác cha của tôi nhỏ hơn tôi 15 tuổi là một đứa trẻ kỳ quặc ngay từ tấm bé. Nó không giống một ai trong gia đình. Da nó ngăm ngăm trong khi mọi người đều trắng trẻo vì thừa hưởng dòng dõi Tô Cách Lan – Ái Nhĩ Lan của cha ông.

Ngay khi biết nói rành rẽ, nó thường kể ra những câu chuyện hoang đường về nó. Vì thấy khá lạ lùng, tôi đã ghi lại trong cuốn nhật ký của tôi. Tôi có bổn phận phải trông nom nó vì mẹ tôi rất bận rộn. Với một đứa trẻ với cái trí óc non nớt làm sao nó có thể hiểu được những việc đại loại trong những câu chuyện hoang đường nó kể.

Ðiều đáng nói nữa là tất cả mọi việc nó làm đều như một thói quen. Nhìn cách nó cầm ly sữa lên và uống một hơi cạn ly thì bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên và vì nó mới có 3 tuổi. Khi bị quở trách nó cố gắng vâng lời, nhưng rồi sau lại đâu vào đó. “Mẹ à! từ trước đến nay con vẫn làm như vậy mà”. Nó nói với mẹ tôi bằng giọng trẻ thơ nghẹn ngào. Quá nhiều việc xảy ra do thói quen về cách ăn nói, cách suy nghĩ và cách hành động của nó nên cuối cùng chúng tôi không để ý đến nữa.

Năm nó lên 4 tuổi một hôm cha tôi làm nó bực bội điều gì đó, nó tức mình ngồi ngay xuống dưới đất trước mặt chúng tôi và bảo rằng nó có ý định đi xa. Cha tôi bật cười làm nó tức giận thêm. Nó không thích bị giễu cợt.

Loanh quanh một hồi nó bỗng nói “Con đã đến Gia Nã Ðại một lần, lúc đó con là đàn ông, ngay cả tên con lúc đó con cũng còn nhớ!” Cha tôi chế nhạo: “Vậy sao? Một đứa con gái nhỏ tại Hoa Kỳ lại là một người đàn ông Gia Nã Ðại. Thế con còn nhớ tên là gì không?” Nó suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Lishus Faber”. Nó nhắc lại và cả quyết đúng là tên Lishus Faber. Cha tôi vẫn hỏi nó với điệu bộ giễu cợt. Nó nói thêm “Con là quân nhân và con đã chiếm được cửa thành” (and I took the gates!). Nó trả lời cha tôi một cách cao ngạo của một người thắng trận.

Tất cả đều đã được tôi ghi vào nhật ký. Ðã rất nhiều lần, chúng tôi cố gắng hỏi nó giải nghĩa thêm các câu nói của nó nhưng nó một mực chỉ nhắc lại câu trên và tỏ vẻ tức giận vì chúng tôi đã không hiểu. Khi nói đến việc giải nghĩa thì trí tưởng tượng của nó ngừng lại.

Tôi đã bỏ ra một năm để nghiên cứu về lịch sử Gia Nã Ðại với hy vọng tìm thấy một trận chiến nào đó có người “chiếm được cửa thành”. Tất cả đều vô vọng. Cuối cùng tôi được một quản thủ thư viện giới thiệu một cuốn tài liệu cổ xưa. Cuốn sách này sống động vì có nhiều hình vẽ với nhiều truyện ngắn. Bất ngờ tôi tìm thấy một câu truyện nói về thành tích chiến đấu của một đội quân nhỏ, chiếm đánh một thành phố cũng không có gì quan trọng. Truyện về một chàng trung úy trẻ với toán quân của chàng. Có giòng chữ hiện ra trước mắt tôi “Chiếm Cửa Thành” (‘took the gates’). Chàng trung úy này tên là “Aloysius le Febre”. Truyện trùng hợp với tên và câu nói của đứa em nhỏ ngây thơ của tôi đã nói trước đây với cha tôi!

Con người nào hay ngoài nỗi cơ cực của kiếp người, còn có đời sống siêu thoát, đời sống an lành. Ðó là đời sống của người hiểu “chân diệu pháp”. Không hiểu “chân diệu pháp” con người sẽ khổ đau mãi mãi trong kiếp luân hồi. Chân diệu pháp chính là Phật pháp. Trong Kinh Pháp Cú Ðức Phật dạy rằng đối với người không biết giáo pháp, vòng luân hồi mới quả thật là xa xôi diệu vợi:

(Pháp Cú 60)
Người mất ngủ thấy đêm dài
Bộ hành mỏi mệt than hoài đường xa
Luân hồi cũng vậy thôi mà
Chập chùng tiếp nối thật là tái tê
Với người ngu dại, u mê
Biết gì chánh pháp, hiểu chi đạo mầu.

Có thể nói một cách chắc chắn rằng, chúng ta lúc sinh tiền tạo nhân gì, thì khi chết rồi, nghiệp lực dẫn dắt tinh thần đến chỗ nó thọ báo không sai. Nếu tạo nhân tốt, thì luân hồi đến cảnh giới giàu sang, thân người tốt đẹp. Còn tạo nhân ác, thì luân hồi đến cảnh giới nghèo hèn, thân hình xấu xa, tàn tật.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

838 lượt xem