TƯ TƯỞNG DUY MA CẬT
ĐẠI BIỂU LÝ TƯỞNG CHO GIỚI CƯ SĨ PHẬT TỬ TẠI GIA
Kinh Duy Ma Cật, được mang tên trưởng giả Duy Ma Cật, một cư sĩ giàu có, sống cuộc đời thế tục, nhưng vẫn đi lên trên con đường Bồ tát hạnh. Từ mười điều phi pháp, dẫn đến ngã rẽ các bộ phái Phật giáo tại thành Tỳ Xá Ly, Kinh Duy Ma Cật đã có mặt sớm nhất, nhằm mục đích phát triển đại thừa. Kinh Duy Ma Cật là cái nôi kiến giải tư tưởng đại thừa, đưa đạo vào đời, thực tiễn trong đời sống dân sinh, hướng đến giải thoát, nhưng không bị đời làm ô nhiễm. Với cái nhìn khách quan, bằng trí tuệ bát nhã, Duy Ma Cật soi rọi vào lòng xã hội nguồn văn hóa tri thức vô ngã, đây là một tinh hoa siêu việt, vươn lên trên sự nghiệp xiển dương đại thừa
Tư tưởng Phật giáo trước giai đoạn đại thừa, hình ảnh người tu sĩ xuất gia, có cuộc sống nghiêm mật, giới luật tịnh hạnh, được xem là đối trọng. Nhưng thành quả của Duy Ma Cật, một thương gia giàu có, có gia đình, sinh sống tại thành Tỳ Xá Ly, được giới cư sĩ hướng đến tôn vinh, là một thánh giả thượng sĩ tại gia quán chúng nổi bật, ông là đại biểu lý tưởng cho giới cư sĩ Phật tử tại gia. Tư tưởng Duy Ma Cật tạo nên một luồng sinh khí mới mẽ, trẻ trung hóa Phật giáo, được hình thành từ đại chúng. Từ tục đế mà phương tiện diệu hữu, đem lợi ích thiết thực tại nhân gian: "Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” không cần thiết phải từ bỏ thế tục, vẫn thực hiện được chí hướng giải thoát. Quan điểm trọng yếu của kinh Duy Ma Cật là tính không của tất cả các pháp. Trong tính không này đều có hữu lẫn vô, đều được hợp nhất, bất nhị, đó là nền tảng giáo lý của Duy Ma Cật
Bất nhị rất khó diễn bày, 32 vị Bồ tát (chương thứ 3 – phẩm Chúng đệ tử), khó trình bày được hết tinh túy. Ngay cả Văn Thù Sư Lợi, hiện thân của trí tuệ siêu việt, cũng chưa phân tích được rốt ráo, bởi vì ngôn ngữ trần gian đạo đoạn, làm sao diễn tả được hết sự uyên thâm của tư tưởng bất nhị. Bằng sự im lặng sấm sét, mặc như tôi, Duy Ma Cật đã lột tả được tinh thần siêu việt bất tư nghị
Kinh Duy Ma Cật, minh họa nên chân dung người cư sĩ Phật tử, hướng đến giải thoát, áp dụng tri kiến tánh không trong cuộc sống đời thường. Kinh Duy Ma Cật, diễn tả khung cảnh trưởng giả Duy Ma Cật thị hiện thân lâm trọng bệnh tại tư gia, nhằm mục đích chuyển hóa nhân sinh. Đức Thế Tôn đã cử các đại đệ tử đến thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật, nhưng tất cả đều thoái thác, vì đã từng được trưởng giả Duy Ma Cật, chỉnh sửa sai sót trong những lần thừa hành Phật sự, nên không ai dám thay Phật đến thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật. Cốt tủy uyên áo của kinh Duy Ma Cật được cô đọng tại chương thứ ba, phẩm Chúng đệ tử. Tại đây đã nêu lên lập trường thiền đại thừa. Tôn giả Xá Lợi Phất bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật. Vì sao vậy? Con nhớ lại, có lần, con đang ngồi tĩnh niệm dưới tàn cây trong rừng, Duy Ma Cật đến đó, và bảo con rằng: Kính thưa ngài Xá Lợi Phất, bất tất ngồi như vậy mới là ngồi tĩnh niệm. Hiện thân và ý mà không ở trong ba cõi, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện các oai nghi mà vẫn không xuất khỏi diệt tận định, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện thân làm các việc phàm phu mà không xả Đạo pháp, ấy mới là tĩnh tọa. Tâm không trụ trong, không trụ ngoài, ấy mới là tĩnh tọa. Tu hành ba mươi bảy phẩm mà không làm dao động các kiến chấp, ấy mới là tĩnh tọa. Nhập Niết bàn mà không đoạn trừ phiền não, ấy mới là tĩnh tọa. Ngồi được như vậy, thì mới được Phật ấn khả”
“Si và hữu ái là nguồn gốc của bệnh tôi. Vì hết thảy chúng sinh bệnh mà tôi bệnh. Bao giờ hết thảy chúng sinh đạt đến chỗ không bệnh, bệnh tôi sẽ hết. Vì sao? Bồ tát, vì chúng sinh mà đi vào sinh tử. Có sinh tử thì có bệnh. Nếu hết thảy chúng sinh được thoát ly bệnh khổ thì Bồ tát không còn bệnh. Ví như, vị trưởng giả chỉ có đứa con một; khi người con ấy bị bệnh, cha mẹ nó cũng bị bệnh. Nếu nó bình phục, cha mẹ nó khỏe. Cũng vậy, Bồ tát yêu thương chúng sinh như cha mẹ yêu con, nên chúng còn bệnh thì Bồ tát còn bệnh; khi chúng hết bệnh, Bồ tát khỏe! Câu hỏi tiếp theo: Bệnh của Bồ tát từ đâu phát sinh? – Bệnh của Bồ tát xuất phát từ tâm đại bi”
“Bồ tát muốn làm thanh tịnh quốc độ, hãy làm thanh tịnh tự tâm. Tùy theo tâm tịnh mà Phật độ tịnh”
Bộ kinh Duy Ma Cật, tổng hợp toàn bộ tư tưởng đại và tiểu thừa. Với trí tuệ bát nhã quán chiếu, hành giả chắt lọc những tinh túy, rút ra những tinh hoa làm trang nghiêm thân tâm, thăng hoa cuộc sống. Với hạnh nguyện vị tha, đem nguồn giáo lý giác ngộ thù thắng, soi rọi cuộc đời, kiến tạo xã hội văn minh, hạnh phúc. Huynh trưởng cư sĩ Phật tử, thực tập tinh thần Duy Ma Cật, với tâm lượng từ bi, với nhận thức trong sáng, xây dựng hoàn chỉnh tự thân, chuyển hóa tha nhân, góp phần kiến tạo xã hội toàn thiện, thịnh lạc, tịnh độ nhân gian ./-
Nguyên Hoàng PHAN VĂN HUY TÂM
981 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…