tua nghe

(Cảm xúc khi đọc 1 bài viết của em đoàn sinh)

Người huynh trưởng – hay còn gọi là nghề huynh trưởng, nghề này mà đem ra ngoài xã hội nói với người ta, chắc người ta dám gọi tôi là hâm, không bình thường – vì chưa có ai nghe nói tới cái nghề này bao giờ. Nhưng là một người Phật tử, tôi lại hiểu rõ về cái nghề không giống ai này và tôi đang trên con đường theo nghề đó. Tất cả bắt nguồn từ lời rủ rê của một người bạn: “Vào chùa sinh hoạt GĐPT đi, vui lắm.” – bao nhiêu câu hỏi nảy sinh trong đầu: "Vô chùa mà sinh hoạt gì? Trong đó chỉ có mấy nhà sư thì sinh hoạt cái gì?” Tất cả bắt đầu vì sự tò mò, ham vui mà một thằng nhóc lớp 9 lon ton theo bạn vào chùa – là tôi. Lúc đầu cũng chỉ là muốn biết sinh hoạt gì trong chùa mà tôi đâu biết rằng, kể từ đây con đường của tôi sẽ thay đổi, cuộc sống cũng thay đổi theo từng ngày từ khi tôi bước chân vào gia đình ấy – là GĐPT Chánh Thọ của tôi. Tất cả chỉ mới là khởi đầu cho một sự gắn bó cho tới 15 năm sau – thằng nhóc lớp 9 ngày nào nay đã trở thành một người huynh trưởng, và cũng từ đó bắt đầu bước vào cái nghề chỉ có trong GĐPT mới có – nghề Huynh Trưởng.

Khi còn là một đoàn sinh, suy nghĩ còn đơn giản, tất cả chỉ là vào gia đình sinh hoạt, vui chơi, tu học còn những chuyện khác không cần quan tâm tới. Một chút ương ngạnh của tuổi bồng bột, khi cảm thấy có chuyện không vừa ý là bực bội cự cãi, vì cái tôi của bản thân mà không nghe lời anh chị huynh trưởng nói. Ngày còn là đoàn sinh tôi còn có nhiều điều chưa biết, chưa hiểu hết về các anh chị Huynh trưởng. Để có một kỳ trại, một cuộc vui chơi hay thậm chí chỉ để điều khiền một trò chơi vòng tròn nhỏ thì người huynh trưởng phải khản giọng kêu gọi, đổ bao mồ hôi thậm chí là máu để cho các em có một cuộc vui trọn vẹn, là những đêm khuya thay ca canh gác trong các kỳ trại để cho các em được yên giấc. Không chỉ vậy, sau khi hết thời gian sinh hoạt trong GĐPT, lẽ ra như các công việc ở các công sở khác – cứ hết giờ làm là kết thúc, nhưng với người Huynh trưởng thì không – vì đối với GĐPT thì tất cả mọi người đều như anh chị em ruột thịt. Vì lẽ đó mà người Huynh trưởng còn đảm nhiệm thêm nhiều công việc không tên khác khi đã trở về với cuộc sống đời thường – như khi các em đoàn sinh có những gút mắc, những tâm sự không vui thì anh chị lại đóng vai trò là người chia sẻ, giải thích, chỉ dẫn cho các em cách giải tỏa những gút mắc, những chuyện buồn đó. Hay khi có em đoàn sinh hay người trong gia đình đoàn sinh nào có chuyện hay gặp khó khăn, người Huynh trưởng lại chạy đôn chạy đáo tìm cách để vận động, giúp đỡ qua cơn nguy khó. Tất cả những việc làm đó của anh chị Huynh trưởng khi còn là đoàn sinh tôi không hề để tâm đến vì cho rằng đó là trách nhiệm của anh chị, không những vậy đôi khi còn có những thái độ, hành động chống đối, khó chịu khi phải nghe anh chị chỉ bảo, hướng dẫn. Cho tới bây giờ, khi bắt đầu bước trên con đường như anh chị, tôi mới cảm nhận được không đơn giản khi là một người Huynh trưởng. Để có thể trở thành một người Huynh trưởng tốt, cần phải hy sinh rất nhiều – từ công việc, sức khỏe, thời gian, những ngày nghỉ và cả những thú vui ngoài đời khác. Ngoài ra còn phải cần có một tình thương, nhiệt huyết mới có thể bền bỉ để theo đuổi cái nghề làm Huynh trưởng này. Có lẽ vì nhiều sự hy sinh như vậy mà nhiều người đi sinh hoạt với GĐ từ khi còn bé nhưng cũng không thể theo được nghề Huynh trưởng này, vì nhiều lý do, vì gia đình, vì công việc hay vì ……… bất cứ lý do gì đó mà rời khỏi GĐ. Ngược lại cũng có không ít anh chị Huynh trưởng dù cho cuộc sống đang gặp khó khăn, dù cho bản thân mang nhiều bệnh tật nhưng vẫn một lòng vì GĐ, vì đàn em mà không ngại dành thời gian vào GĐ sinh hoạt. Vì một khi đã bước vào GĐPT thì đã xác định bước vào nghề với một tinh thần không vụ lợi, hy sinh tất cả cho các em của mình.

Nghề Huynh trưởng là vậy, tuy vất vả nhưng cũng có nhiều niềm vui, vui nhất có lẽ là từng ngày từng ngày quan sát các em của mình lớn lên, từng ngày trưởng thành, không thành tài cũng thành nhân, trở thành những người có ích cho xã hội, âu cũng là niềm vui bù đắp cho những khó khăn, cực nhọc của người Huynh trưởng.

                                                                                   Minh Phát – Nguyễn Hoàng Long

2794 lượt xem