Tôi chẳng biết nhiều về xuất thân của Ni trưởng, chỉ biết Ni trưởng thế danh Nguyễn Thị Ni, tên tiếng Pháp là Eugénie Catallan, sinh năm 1920 tại tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), thân phụ là cụ ông Etienne Catallan, một công chức người Pháp, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Đắc, một y sĩ người Việt, sống tại Hà Nội.

Ni trưởng có khuôn mặt phúc hậu, dáng người cao to và đỉnh đạc, khiến ai cũng phải trầm trồ ngưỡng mộ mỗi khi được diện kiến. Cái pháp danh Hải Triều Âm khiến từ nhỏ tôi đã rất thích. Tiếng Hải Triều, tiếng sóng biển rì rào nhẹ vỗ hay ầm ầm như tiếng dội trùng khơi, điều đó còn tùy lúc tùy nơi, nhưng với Ni trưởng mà tôi được biết gần 30 năm qua, thì Hải Triều Âm là sự yên lặng đến bất tuyệt của mặt biển giữa vũ trụ mênh mông.

Khi tôi còn hành điệu, Sư bà thỉnh thoảng cũng có xuất hiện trong các lễ kỳ an kỳ siêu nơi nhà các thí chủ, hay dắt Ni chúng qua Hương Nghiêm thỉnh giáo giới các dịp kiết hạ an cư. Về sau không thấy Ni trưởng bước ra ngoài nữa. Một người ngồi mãi trong chùa suốt mấy mươi năm mà danh tiếng vang khắp năm châu bốn biển, đối với Ni lưu Việt Nam có lẽ độc nhất vô nhị.

Trước và sau 1975, Ni trưởng có chùa tiếp độ Ni chúng ở Sài Gòn. Khi lên Đại Ninh, Ni chúng cũng kéo về tu học rất đông. Có thể đệ tử Ni của Sư bà đông nhất Việt Nam, năm bảy trăm, thậm chí cả ngàn. Cái kỷ lục ấy tưởng chỉ là số lượng. Nhưng không! Giới đức và sự hành trì của Ni chúng ở đây tuyệt vời hơn ở đâu hết.

Người ngồi một chỗ, nhưng lãnh đạo bao nhiêu Ni cô tu học một cách nghiêm túc. Chúng đông, Ni trưởng mở mang thêm chùa viện. Dược Sư, Linh Quang, Hương Sen, Lăng Nghiêm, Bát Nhã, trẻ ở gần với Ni trưởng để được dạy dỗ học hành, già ở gần đường hơn để tụng kinh niệm Phật. Nếu ai đi ngang qua chùa Hương Sen, từ khuya tới tối đều nghe râm ran niệm Phật. Ở thôn Phú An này, mọi người đều quen với hình ảnh của quý Sư cô đẩy củi, vác cây, vừa lao động vừa niệm Phật. Gặp một vị Tăng, dù chỉ là 1 chú tiểu đi qua, quý Sư cô cũng dừng lại, cúi đầu thật thấp chào A-di-đà Phật. Mỗi lần Ni chúng từ Bát Nhã qua Hương Sen hay Dược Sư để học, họ đi cả trăm người thành hàng một và niệm Phật giữa đường, ai thấy cũng né sang một bên cúi đầu thi lễ. Đó là nét đẹp chỉ còn sót lại ở cái làng chùa này mà người hữu duyên được chiêm ngưỡng. Bát kỉnh pháp là "đặc sản" của Ni chúng ở đây.

Thầy tôi thường ca ngợi Ni trưởng như một tấm gương đạo hạnh cho Ni chúng học theo. Tuy ít qua lại, Thầy tôi vẫn luôn được sự quan tâm của Ni trưởng. Mỗi lần chùa tôi có lễ lớn, Ni trưởng thường cử Ni chúng sang đảnh lễ dâng phẩm vật cúng dường. Ai đến với Ni trưởng cũng đều được độ, dù già bảy tám mươi hay còn thơ ấu, Ni trưởng đều tiếp nhận và dạy cho pháp tu. Khi còn hành điệu, thỉnh thoảng Thầy dạy tôi sang Dược Sư thưa việc này việc nọ, tôi luôn dừng lại thật lâu để lắng nghe chư Ni niệm Phật hay đọc bài quán nguyện trước lúc ăn cơm. Bây giờ thỉnh thoảng tôi cũng sang Dược Sư mượn một tập “Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh” để về tra cứu những tư liệu cần khi dịch thuật. Những lúc như thế, tôi được tiếp đón rất chu đáo. Ni trưởng mặc áo tràng ra thi lễ, tận tình lắng nghe tôi nói và luôn hoan hỷ đáp ứng yêu cầu của tôi. Có quá nhiều điều để nói về sự ngưỡng mộ của tôi về Ni trưởng và Ni chúng ở đây, tôi không tiện nói hết, chỉ lược ghi vài dòng cảm nhận như biểu hiện lòng kính trọng với một Ni trưởng đặc biệt tại trú xứ Hương Nghiêm.

THÍCH NGUYÊN HIỀN

www.thuviengdpt.info

900 lượt xem