“Thuở xa xưa, có một thương nhân thông minh, sáng suốt, làm việc nhân từ, hòa thuận. Thấy cha mẹ, họ hàng nghèo khó, luôn luôn buồn rầu, bức thiết. Lo lắng không biết phải dùng phương tiện gì để cung cấp, giúp đỡ? Thương nhân suy nghĩ rằng: "Không gì hơn là vào bể, tìm ngọc Như ý, mới đủ sức cung cấp, thoát được nghèo khổ!" Vì nhân duyên ấy, thương nhân phát tâm dũng mãnh, không tiếc thân mệnh, dùng bao phương tiện, kiếm tìm tư lương, thuyền bè, mời các bạn lành, thuyền sư tham gia chuyến đi

“Thương nhân đi được nửa đường, gặp một người lạ, từ bể trở về. Người lạ hỏi thương nhân: "Ông muốn đi đâu, tìm gì mà vội vàng thế?" Thương nhân trả lời: Vì muốn cứu giúp những người bần cùng, nên nay muốn vào bể, tìm ngọc Như ý, đem về cung cấp cho mọi người. Người lạ nói: "Trước kia tôi bỏ nhà ra đi, cũng như thế, vì muốn cứu giúp thân tộc bị khổ não bần cùng. Khi tôi phát tâm bỏ nhà ra đi, trên đường đi, tôi gặp nhiều nguy nan, nào trải qua những đồng rộng, qua những bãi sa mạc mênh mông, không có nước uống, không có một cỏ cây che mưa che nắng, lại nhiều những voi, hổ, báo, sài lang, rắn độc, sư tử…; hoặc gặp giặc cướp, núi to, sông lớn, đói khát, rét, nóng, kinh rợn, sợ hải vô cùng. Qua được nơi ấy, tôi cùng thuyền sư vào tới bể lớn, lại gặp gió to, cá lớn, ác long, sấm chớp, mưa đá, sóng vỗ, nước xoáy… rất nhiều tai nạn, không thể nói hết được. Tuy chịu đựng những khổ nạn như thế, nhưng vẫn không tìm được ngọc Như ý, mà chỉ được những thứ giúp cho thân thể, tạm đủ cung cấp cho mình, chứ chưa thể cứu giúp được sự nghèo thiếu của thân tộc. Nay tôi khuyên nhân giả, không nên gắn gượng chịu đựng sự gian khổ ấy, chỉ nhọc mệt cho mình mà thôi! Tôi muốn cùng nhân giả sắp đặt việc khác, ở nơi khác. Tại sao vậy? Vì, trong bể lớn kia có nhiều tai nạn, chứ không phải là một nạn, nào: hắc phong, hắc sơn, Dược soa, La sát, cá kình, giảo long… Chúng ta chỉ nghe nói đến cái tên ngọc Như ý, chứ thực ra nghìn vạn người đi tìm ngọc, chưa chắc một, hai người đã được viên ngọc quý ấy. Bởi nhân duyên ấy, tôi khuyên nhân giả nên quay về sớm đi thôi!"

(Kinh ĐạiThừa LýThú Lục Ba La Mật Đa, Phát Bồ Đề Tâm)

Huynh trưởng GĐPT suy ngẫm:

Một: "Cha mẹ, anh em, họ hàng nghèo khổ, nỡ nào không cứu giúp cho nhau?"
Hai: "Thân thuộc trước đây vì lòng thương xót, giúp ta cơm ăn áo mặc. Ngày nay bần cùng, thân mệnh không cứu toàn được, ta nỡ nào buông bỏ"
Ba: "Ta sai khiến tôi tớ lớn nhỏ, lại còn quở trách mọi thứ, nỡ nào họ nghèo khổ mà ta không thương xót giúp họ được vui?"

Trong cuộc sống não loạn, tha nhân cũng chỉ là một thường nhân, với hỷ, nộ, ái, ố đời thường, với dẫy đầy vô minh kiến hoặc, lậu hoặc; tham, sân, si đầy ắp làm ngầy ngụa lương tri. Bởi vì mù mờ ngã chấp, mà vô tình tạo thêm nỗi khổ cho tha nhân, làm tàn rụi biết bao mầm xanh ước muốn vươn lên, đi tìm ánh sáng. Nhưng ánh sáng thì xa tít mù khơi, bởi bàn tay bé mọn ngạo nghễ che lấp mặt trời, làm cho giọt sương mai bổng ngừng rơi trên vành môi loài cỏ dại, làm cho sức sống lụi tàn héo dần theo năm tháng gian nan

Đời là bể khổ, thế mà tha nhân cứ mãi chìm nghĩm, đua nhau vô tình tạo thêm sóng khổ (khổ, khổ), làm đọa đày kiếp nhân sinh

Tìm ngọc Như ý, là tìm lại chính mình, nhận diện được bản lai diện mục. Từ nơi não loạn vô cùng, tha nhân đã buông thả cuộc đời ảo hóa, mãi miết rong chơi, mệt nhoài trong cuộc trần ai vô định, chỉ có men say hoang tưởng, với mớ hư danh mơ hồ lừa phỉnh, tranh giành hơn thua, ngầy ngụa trong giận hờn ghanh ghét vô bổ. Phó mặc lương tri ngủ vùi quên lãng với tiền đồ, phó mặc cho biết bao thơ trẻ đi hoang, quên hẳn lối về, tối mắt dẫn nhau đi vào hầm lửa tự hủy diệt

Trên hành trình đi tìm “ngọc Như y”, với tâm nguyện chuyển hóa tha nhân, hướng dẫn đàn em, thành toàn đạo nghiệp GĐPT. Trong quá trình thực tập, Huynh trưởng GĐPT không ít nếm trãi biết bao thử thách, cam go, cay đắng, từ nội cho đến ngoại tại, vô vàn chướng duyên vây phủ lên thân phận lau sậy, làm nãn lòng, chùn bước, mỏi mòn ý chí, kiên tâm; nếu không tỉnh thức định hướng thuyền đời, thì phong ba trần ai dễ dàng vùi dập, làm uổng phí biết bao nhiệt huyết từ bấy đến nay.

Nguyên Hoàng PHAN VĂN HUY TÂM

595 lượt xem