ĐẠO ĐỨC THẾ NHÂN

Con người ai cũng được sinh ra bởi sự hòa hợp yêu thương giữa tình Cha nghĩa Mẹ. Công ơn dưỡng dục của Cha Mẹ đối với con cái bút mực thế gian nào có thể mô tả nổi. Vì sự bình an và tương lai của con cái, Cha Mẹ có thể đánh đổi cả cuộc đời mình. Cha Mẹ từ xưa đến nay có ít nhất là một đứa con, còn là con bầy cháu đống. Nghĩa là số nhiều, nhưng thử hỏi có mấy người khi về già được cháu con chăm sóc, sớm viếng khuya hầu.

Cho nên thước đo nhân cách phẩm hạnh đạo đức của một con người là tinh thần hiếu đạo của người ấy đối với Ông Bà, Cha Mẹ của họ. Bất hiếu với Ông Bà, Cha Mẹ mà là người có đạo đức xưa nay chúng ta chưa từng thấy. Người bất hiếu với Ông Bà, Cha Mẹ mà là một công dân tốt xưa nay ta chưa từng nghe. Người bất hiếu với Ông Bà, Cha Mẹ mà là người lãnh đạo tốt vì dân vì nước, rõ xưa nay chúng ta chưa từng nghe thấy bao giờ.

Bất hiếu với Ông Bà, Cha Mẹ là người mất gốc, là người vong bản. Bất hiếu với Ông Bà, Cha Mẹ là quên mất cội nguồn xuất sanh căn thân là người vong thân. Kẻ vong bản kẻ vong thân mà lãnh đạo quốc gia xã hội thì đạo lý xuống dốc, văn hóa suy đồi, xã hội lầm than, con người vô cảm. Kẻ giàu có ăn chơi tha hóa mất cả tính người, làm nhức nhối xã hội xói mòn niềm tin.

Hiểu biết huyết thống tộc họ tôn thân gắn liền trách nhiệm bổn phận nghĩa vụ và quyền lợi trong tương quan nhân sinh, ta gọi là LUÂN LÝ. Cho nên đạo đức con người đặt trên nền tảng luân lý là con đường xây dựng nhân sinh mang tính nhân bản, đủ tố chất xây dựng một nền văn hóa nhân bản văn minh tiến bộ.

Xã Hội hôm nay được xây dựng trên lý thuyết tam vô: Vô Gia Đình, Vô Tổ Quốc, Vô Tôn Giáo. Kích động một cuộc đấu tranh tiêu diệt phong kiến bằng cách phá vở hệ lụy huyết thống đấu tố từ trong gia đình cha mẹ con cái dâu rễ. Đức tin bị xóa bỏ, con người trở nên tráo trở dối láo, tàn bạo vô tâm. Ngày nào chưa từ bỏ chủ thuyết tam vô thì không thể cải tạo xã hội. Bởi những xáo trộn xã hội là sản phẩm tất yếu của lý thuyết xây dựng cơ cấu chế độ.

Chúng ta thấy gì khi chúng ta nhìn vào hệ thống giáo dục con em chúng ta trong xã hội hiện tại. Khi nền tảng lý thuyết giáo dục đào tạo được thiết lập trên năm tiêu chí mà người ta thường gọi là năm điều “bác Hồ” dạy, Trong năm điều ấy tìm đâu ra chút ân tình đối với Ông Bà, Cha Mẹ. Người ta chỉ dạy “Trung với Đảng, Hiếu với Dân” cho nên mất nước mà đấu tranh dành lại cũng là một cái tội. Hiếu với dân là hiếu ra làm sao? Khi đồng bào tôi tị nạn khắp đó đây trên hành tinh nầy tìm lẽ sống.

Ngoài ra trên quê hương ta cũng còn rất nhiều tôn giáo ngay từ thuở ấu thơ họ đã dạy cho con nít “Kính chúa, yêu nước” nước đây là nước chúa.

Ông bà, Cha mẹ là những người tội lổi mê muội đã ăn phải trái cây “tường tri tội ác” phạm với lời chỉ dạy của Chúa nên từ đó phải lao tác quanh năm mồ hôi đổ lộn nước mắt mới có cái ăn cái mặt để tồn tại trên cuộc đời nầy.

Đạo Phật chủ trương “Đạo Phật tại Thế Gian, Bất ly Thế Gian Giác”. Con người trong thế gian mang phải cặp kính màu “Tham ái” nên nhận thức sai lầm mà phải khổ. Đức Phật không phải là một nhà tư tưởng lại cũng không phải là một vị giáo chủ đầy quyền phép tài năng siêu nhiên. Ngài chỉ là con người thấy biết như thật và chỉ cho chúng sanh cách thức nhìn cuộc đời đúng với nguyên vị giá trị của nó. Không có Phật trần gian vẫn thế đó. Có Phật trần gian cũng thế đó mà thôi. Hạnh Phúc hay Khổ Đau của con người là từ nhận thức, hành động và tư duy sai lầm mà ra cả chứ chẳng có một Thần Nhân, Thánh Trí nào ban phúc giá họa cho con người. Con người phải tự giác ngộ, Phật không thể giác ngộ thế, bởi “ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng”. Con người đang sống nơi Ta Bà nầy, bây giờ và ở đây. Thì cũng phải chính nơi nầy và ở đây con người phải từ bỏ nhận thức, hành động và tư duy sai lầm khiến cho họ nghĩ tưởng xác thân ngũ uẩn là có thực, thân tứ đại là có thực “Thực ngã” và những cái thực ngã có “ngã sở” là có thực nên tham cầu và cố thủ mà phiền nảo khổ đau phát sanh.

Con người và hoàn cảnh môi trường không ngoài y báo chánh báo, không ngoài biệt nghiệp và cộng nghiệp mà có. Nó có tính cách liên đới hửu cơ. Ở những cảnh giới khác, quốc độ khác không có những tương quan nhân sinh như vậy. Nên rời những thực thể của thế gian mà nói chuyện Giác Ngộ Bồ Đề là làm việc không tưởng. Đạo Phật là đạo hiện thực và nhân bản chính là ở điểm nầy.

Cho nên kinh Thiện Sinh thiết lập quan hệ nhân sinh theo lục Phương khởi đầu là Phương Đông là cha mẹ, tiếp đến Phương Nam là Thầy Bạn, Phương Tây là chồng vợ, Phương Bắc là nhân quần xã hội, Phương Dưới là người cộng sự, giúp việc, Phương Trên là Tam Bảo là bậc lãnh đạo.

Cho nên chỉ nhìn ba phương đầu cách cư xử với cha mẹ ông bà, thầy bạn và vợ chồng là có đủ yếu tố quyết định về nhân cách phẩm hạnh của một con người. Hãy bình tâm mà nghĩ xem kẻ bất hiếu lừa thầy phản bạn, dối lừa chồng vợ thì có thể là một người tốt được không?

Do vậy, phương tiện lớn nhất (ĐẠI PHƯƠNG TIỆN) con người không thể quên là TINH THẦN TRI ÂN VÀ BÁO ÂN và ân đầu tiên không ngoài ân CHA MẸ. Đạo Đức làm người phải đặt nền tảng LUÂN LÝ ấy mới là nền đạo đức NHÂN BẢN góp phần xây dựng thiết thực cuộc sống NGÀY MỘT TỐT ĐẸP HƠN./.

THỊ NGUYÊN

517 lượt xem