Sau chuyến đi Đại Hội Gia Đình Phật Tử Trên Thế Giới Kỳ 3 (GĐPT/TG 3) tại Thái Lan, Ban biên tập chúng tôi, mới có thời gian và tiếp cận với một người Huynh trưởng (Anh) tại Cố đô Huế, người Anh ấy chính là người đang giữ lấy neo thuyền Áo Lam Thừa Thiên, sau khi Anh Nguyễn Sĩ Thiều khuất bóng. Được biết Anh sinh ra và lớn lên ở xứ Vinh Hiền, thuộc cửa biển thứ hai của Huế, nơi mà mảnh đất tâm linh đầu tiên của Thuận Hóa – Phú Xuân, nuôi lớn không biết bao nhiêu tâm bồ đề chánh tín Tam bảo. Từ những thế hệ Tăng già Trung Hoa, Hội An, Quảng Nam cập thuyền mạng mạch đạo pháp, dựng xây thảo am Thúy Vân, nay là Quốc Tự vào thời Chúa Nguyễn.
 Người Huynh trưởng ấy, chắc nói ra đây, hẳn ai cũng thầm lặng tri ân và cảm thấy ấm lòng khi bên cạnh đời, cạnh đạo, cạnh nhà Lam thân yêu vẫn còn sự hiện hữu của Anh, với công lao đóng góp ổn định nhân cách đàn em và phụng sự lý tưởng Gia Đình Phật Tử tiếp tục xứ nguyện dòng sử Lam của các bậc danh nhân tiền bối đi trước và lớp Đàn anh cận đại tại đất Huế. Anh Tâm Hương Nguyễn Xuân Tín là ngọn lửa Bi Trí Dũng được kế thừa trong tinh thần “Làm người Huynh Trưởng” Trước hết phải biết hy hiến đời riêng để dốc lòng trung kiên vì lý tưởng và còn phải đặt nhân cách của tổ chức lên trên bản tính cá biệt bản thân. Vì Huế là nơi phát sinh ra nguồn cội ấy.
 
Ngày hôm nay, với thế kỷ chúng ta là hàng Phật tử trên toàn cầu, đâu có ai ngờ tới hai chữ “Xẻ Đất Từ Đàm”. Chúng tôi nhận thấy Phật giáo các nước khác họ bồi đắp hơn là họ đem đất tâm linh của xứ sở của họ để Xẻ. Nhưng lần này về Cố Đô trải qua dấu ấn dòng lịch sử hơn 1000 năm văn hóa, mỹ thuật của loài người. Đi qua đầu múi đường giao lộ Liễu Quán – Điện Biên Phủ, chúng tôi không khỏi hết nỗi bàng hoàn, đau nhói con tim khi một lần nữa Từ Đàm đã lâm trọng bệnh. Khi những Sắc tứ trùng kiến bị bỏ quên, mộc ấn các triều đại chỉ làm đồ kiểng trưng bày, Dấu chân của vị Cao tăng thạch trụ đang dần thất lạc trong văn thư, trong những ban giao đổi lấy hóa đơn v.v… chỉ còn Công văn thu hồi đất, chỉ thị A- B là được thừa hành vĩnh viễn cho thế giới loài người.
Chúng tôi xót xa hơn thế nữa, bởi tại vì tư tưởng loài người hiện nay đang rất ư là công nghiệp, như ăn vội, làm bội, suy nghĩ nông cạn và không còn thái độ lấy dân làm gốc và cái gốc phát sinh ra các di sản văn hóa trong xã hội. Tuy nhiên, họ được cái lý duy nhất của loài người đang có nhiệm vụ bảo tồn di tích, dựa hơi của một vài hiệp hội từ thế giới bên ngoài ban thưởng, phát danh dự, công nhận tiền nhân là có vai trò lịch sử. Chẳng hạn loài người cầu viện Đàn Nam Giao trở thành văn hóa phi vật thể hay kiệt tác của nhân loại, trong khi đó cái sát sừng sững thì đó nhưng bản thân phần hồn của nó tự dẹp mất từ lâu, rồi loài người lại tiếp tục mở đường thẳng băng cho những dàn xe trơn lán đi ngang và hai năm một lần đàn voi Viên Chăn đình đám rước ông vua tuồng dạo quanh Nam giao hoài cổ, thế là loài người tự cho là họ là những người đang gìn giữ truyền thống Dân tộc, nét văn hóa xưa của cung đình Phú Xuân. Thế rồi ngày nay, chúng ta lại bằng lòng, đồng nghĩa với sự chấp thuận “Làm mới con đường” để bi tình Xẻ đất, phá vỡ nguồn linh khí Huế.
Có thể tiếp theo dấu hiệu chẳng lành, con đường một cột- một cờ Nam giao là Trường bia Tiến sĩ Huế đến vườn Phú Mộng – Kim Long trước sau sẽ bị Xẻ khoản đất nhô ra của Linh Mụ Quốc Tự để cái gọi là tôn vinh các giá trị văn hóa “phi vật thể” phi phi gì đó….lên ngôi, làm mưa làm gió, lấy cớ nối dài con đường v.v… Từ đó loài người cứ tự nhận, tự phong mình là con cháu có công trạng với các giá trị mang tính thiêng liêng, tầm cỡ đó và  một ngày không ai ngờ hết biến cố Xẻ đất lại đang từng ngày xảy ra trong dòng máu Ấn Tôn Tự qua bài vấn kệ của Tổ (*):
“Thạch duẩn trừu điều trường nhất trượng,
Quy mao phất tử trọng tam cân”.
Nghĩa là:
“Măng đá nhảy ra dài một trượng
Lông rùa phe phẩy nặng ba cân”.
Anh Tâm Hương Nguyễn Xuân Tín, người Phú Lộc là đệ tử của Cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, nay là đương nhiệm Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT Thừa Thiên, người có thể nói đang chịu mọi cuộc thịnh suy của tổ chức Gia Đình Phật Tử 70 năm tại Huế, Đoàn Thanh Niên Phật Tử Đức Dục, Gia Đình Phật Hóa Phổ tiền thân của Gia Đình Phật Tử được tập hội vào ngày Phật thành đạo vào năm 1949 tại giảng đường Chùa Từ Đàm do Bác sĩ Trưởng giả Tâm Minh Lê Đình Thám sáng lập, trong đó có Anh Võ Đình Cường, Đinh Văn Nam tức Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu làm thành viên đồng khai sáng. Vậy đã đến lúc chúng ta điểm lại những thời khắc chuyển giao và tiếp nối sự khai sáng ấy tại Cố Đô Huế, một thời vàng son của Hội An Nam Phật Học, Giáo PhẩmTăng Già Thuận Hóa. Lại một lần nữa sau gần 40 năm GĐPT cũng được toàn thể đại biểu Đại Hội GĐPT Thừa Thiên tiến cử một Trưởng ban hướng dẫn, thay mặt cho sự kế thừa sự nghiệp giáo dục Thanh thiếu đồng niên tại Huế. Một bản hùng ca cho trang sử Lam Cố Đô, đại diện cho nguồn sống đã tồn tại sinh trưởng 70 năm qua, lan rộng khắp thế giới.
Tâm Hương, người Anh hướng tâm đến phương trời cao rộng mà đi mà hành mà cống hiến bằng cả đạo tâm, đạo tình, đạo lam của mình. Anh còn được Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT toàn quốc bầu Anh Đại Diện Ban Hướng Dẫn Trung Ương tại  Miền Vạn Hạnh. Trong nhà Lam, Anh là một người Anh có Hoa sen trắng “Lý tưởng chúng con mãi tôn thờ”, ở đời Anh là một người Bác “Vì quê hương tình làng nghĩa xóm”. Chúng tôi đã từng gặp anh trong chiếc áo đoàn, đồng phục tình lam và tay bắt ấn chào tinh tấn. Tận vùng biển xa xôi, vượt hàng trăm cây số, cản trở của địa phương thế mà Anh đã đến tấn Đất Thái để tham dự Đại hội GĐPT/Thế giới lần thứ ba với phương hướng ‘Hòa hợp- Thanh Tịnh- Thương Yêu’. Đó chính là nền tản cho sự hưng thịnh của một tổ chức dân lập toàn cầu hóa và ngọn đuốc soi đường khi đang trên đường phân hóa, trở ngại, thị phi, rạn nứt. Anh cũng là một con người sống thiên về tâm đức và lòng từ bi lớn và có tâm cầu học, khi các bài giảng của Hòa thượng Thích Thái Hòa thuyết ở đâu, địa phương nào, đơn vị nào, trại huấn luyện nào, Anh đều tìm đến tham vấn nghe pháp và thường tận tình nâng đỡ cho đàn em hậu thế.
Anh trao gậy trúc trăm năm
Đeo lên trai áo sử lam nghĩa tình
Về đây với một gia đình
Cùng chung chí hướng bền lòng dìu nhau
Những ngày mùa đông rét buốt hay mùa hạ nắng chang, Anh là người băng qua hơn 50 km để lên cho kịp buổi họp thường vụ Ban hướng dẫn (BDH) và học Phật, đây là  thời gian gần 20 năm, Anh vẫn là con người nằm trong lòng của những người anh lớn của mình. Mặc dù mái tóc Anh giờ đã có tuổi, đường xa muôn dặm nhưng thấy trong Anh lúc nào cũng gần gũi, có mặt với các Uỷ viên của mình. Hàng tuần chủ nhật có sinh hoạt đạo tràng, khóa học, họp BHD Anh là người luôn thức sớm, để sửa soạn rời huyện để lên phố, điều khiển những chương trình trại, buổi họp, những ngày hiệp kỵ, chu niên v.v…
Có lần tại nước Thái, Anh chợt kể với chúng tôi rằng, “tôi thương em tôi lắm, tôi nhớ đến thằng em, tôi suy nghĩ về nó thật nhiều…” mỗi khi qua vùng đất An bằng, miền cát trắng Thùy dương nhưng rất tiếc trời đã hửng sáng, Lý đạo lại không cho thờ hai vua chung một nhà. Dù thế Anh đã gạt bỏ tình riêng, lý riêng, sự riêng để tiến thẳng vào huyết quản của Đạo thiêng, vững chãi trong mọi tình thế tiến thoái lưỡng nan, đan xen biến động “Xẻ Đất Lam” mà bất kỳ xã hội nào, lý thuyết trong mọi thời đại điều bị sự đố kỵ, hoài nghi hay bất chấp luân thường đạo lý và phục tùng mệnh lệnh mà quên đi bổn phận của một “Đạo làm Huynh trưởng” xưa nay.
Đời Anh vì áo lam hiền
Dạy em quy cũ năm điều luật răn
Đời Anh vì chữ tiền đồ
Quên thân tứ đại Biển hồ Tình lam
        Chúng tôi thật đáng tự hào, khi đất Huế vẫn còn những con người dám quên mình vì tổ chức dạy trẻ như Anh và đáng trân quý hơn hết, Anh là một người con của cửa biển Tư Hiền đang nỗ lực xiểng dương chân lý làm người theo tinh thần Chánh pháp cùng hòa mình vào đại dương Áo lam trên thế giới, góp phần vào nền giáo dục nhân bản của nhân loại “Đào tạo Thanh- Thiếu- Đồng niên thành Phật tử chân chánh”. Dù cho thế kỷ hôm mai có mục nát dưới bạo quyền, dù cho hôm nay chỉ còn một gia đình xiết tay dây thân ái thì tim sen Hoa sen trắng vẫn tỏa ngát Tâm Hương, theo dòng lịch sử văn vật tình người trên đất Huế.
Phóng viên chủ bút Trang nhà
Kinh Tâm

728 lượt xem