Đời sống trại mạc.

Trại mạc trong Gia Đình Phật Tử cốt để rèn luyện bản năng sống của từng trại sinh trong trui rèn và thử thách. Bên cạnh một xã hội sản sinh ra các trào lưu hiện đại tiện nghi sẽ mãi còn tồn tại những dòng nước nguyên thủy nhiệt thành lớn lên trong gian khó.

Khi ngành du lịch đạt mức doanh thu và lợi nhuận không thua kém một mũi nhọn về công nghiệp không khó thì từ đó việc viễn du ra thế giới đối với những người sống bên lề của sự phát triển chỉ còn là điều mơ ước?

Không, thế giới vẫn chuyển động và những người đi khắp thế gian với vài chục dollars trong túi vẫn thực hiện được ước mơ của mình. Thế giới của “du lịch bụi” tiếng lóng của miền Bắc Việt Nam là “phượt” hình thành khoảng 15 năm nay, từ khi Việt Nam dễ dàng hơn trong việc cấp hộ chiếu cho công dân tự do đi lại. Trước đó ta chỉ biết một thuật ngữ là “Tây ba lô” ám chỉ những người phiêu bạt, lang thang không chương trình, không định hướng, vai mang ba lô đến từ Âu Mỹ, có nhiều người vừa đi du lịch vừa kiếm việc làm thêm để được đi tiếp – thời gian lâu hay mau là còn tùy số tiền họ làm ra. Cũng từ những tay lãng tử giang hồ này mà tại các nước du lịch cũng hình thành những khu vực phố xá “tây ba lô” hàng quán thâu đêm để phục vụ họ với giả cả thấp nhất.

Thật ra, bản thân của mỗi thành viên Gia Đình Phật Tử đều là những người Việt “ba lô” từ nhỏ đã được huấn luyện để bước đi trên đường gió bụi, ngày vượt chông gai lên thác, xuống ghềnh; đêm về gối đất nằm sương ánh trăng thay đèn đuốc – nhất là trong giai đoạn chiến tranh, đa số huynh trưởng đã được trui rèn từ trong quân ngũ.

Ngày đó các anh đã lục soát lấy các món tiền vốn rất ít ỏi của mỗi thiếu nam chúng tôi lúc 7 giờ sáng tại Sài Gòn rồi hẹn gặp nhau ăn trưa lúc 11 giờ ở Xá Lợi Phật đài Biên Hòa. Chúng tôi chia nhóm 3 người đi bộ ra tới cầu Sài Gòn rồi tìm cách quá giang xe để đi tới nơi hẹn. Có nhóm quá giang xe chở mía; nhóm quá giang xe chủng viện Thiên chúa, nhóm quá giang xe nhà binh… Mình mặc đồng phục Gia Đình Phật Tử nên khi vẫy tay xin quá giang ít ai từ chối. Mới đầu chúng tôi cũng xấu hổ lắm vì nghĩ mình làm phiền người khác chưa chắc họ thông cảm, nhưng về sau càng mạnh dạn hơn, bằng cách này chúng tôi quá giang xe đến Vũng Tàu trong một kỳ trại hè tiếp đó.

Khoảng cách 37 năm đủ để xã hội thay đổi cách sống, cái nhìn và suy tư trong một tình thế mới và càng hiếm hoi những người hiểu biết về Gia Đình Phật Tử hay Hướng đạo sinh trên những tuyến đường quốc lộ để vui vẻ mà cho chúng ta quá giang. Tiền, đúng chỉ có tiền mới có thể lên xe – ai cũng làm công nên không ai dám thông cảm cho ai.

Tôi nhớ năm 1983 xăng mắc, xe khan hiếm, thuê xe càng khó khăn đắt đỏ hơn. Lúc đó có một huynh trưởng lái xe tải đã nhiều lần chở Ban hướng dẫn, chở các gia đình đi công tác Phật sự, đi trại – Tối hôm trước xe xuống hàng hóa là heo, gà về bến, anh em lên xe làm vệ sinh sạch sẽ để ngày mai chở đoàn đi trại, chỉ cần trải tấm bạt làm chỗ ngồi rồi đóng cái tấm ván bít phía sau xe lại, đi ngang trạm kiểm soát thì im lặng để tài xế “xử lý”, mấy mùa trại đều đi theo cách đó chỉ chi tiền đổ dầu và chia đoàn tự nấu ăn với nhau. Ngày đó huynh trưởng già, trẻ đều rất vui vẻ vì không cần tiêu tốn nhiều mà cũng được đi du lịch trong hoàn cảnh cơm áo rất khó khăn.

Ngày nay, đất nước đã rộng thoáng hơn nên tình cảnh đi trại, đi du lịch cũng đã đổi khác. Chủ yếu là lo cho các em nên vấn đề khó khăn thứ nhất vẫn là tiền nếu không có bảo trợ hay không có tồn quỹ nhiều – các em sẽ phải đóng rất nhiều chi phí. Đóng góp trại phí chủ yếu là quý phụ huynh chấp thuận nhưng nếu gặp hoàn cảnh nghèo quá thì sao? Thì phải tài trợ bằng cách giảm chi phí xuống hoặc bảo trợ toàn phần, mỗi gia đình đều có phương pháp giải quyết.

Tuy thời thế thay đổi nhưng tinh thần trại mạc vẫn còn nguyên đó, chấp nhận thử thách trong đời sống trại để rèn luyện một bản năng vững vàng ứng phó trong mọi tình huống nhất là tự mình khám phá ra những điều mới lạ làm vốn sống cho bản thân, không ai đi bộ quãng đường 10 kilomet mà mang theo đồ đạc nặng nề lỉnh kỉnh trên tay, nhưng nếu gặp trường hợp phải di chuyển bắt buộc như vậy vì lỡ chuyến, vì hư xe…, tin chắc các huynh trưởng cầm đoàn dư khả năng ứng biến.

Thế hệ chúng ta ngày nay có thể hẹn gặp nhau tại Angkowat, tại Bang kok, hay Vientiane bằng một chi phí rất thấp trong tư thế người “du lịch bụi” – nhưng khi chúng ta gặp nhau sẽ kết lại thành đoàn và hoạt động du khảo với một chương trình rõ ràng.

Không thể nào với một khả năng được rèn luyện từ nhỏ mà chúng ta không giỏi bằng giới “du lịch bụi” trong việc sử dụng thông tin, liên lạc, bản đồ hoặc ngôn ngữ giao dịch được. Cái gì thiếu thì cần bổ sung – cái gì cần thiết thì phải học hỏi; cái đã học cần phải ứng dụng thực hành, đó không phải là tinh thần trại mạc của Gia Đình Phật Tử chúng ta sao!

Đức Quảng

533 lượt xem