TÔI NGHE, TÔI THẤY, TÁNH TÔI
( Xã Luận của THỊ NGUYÊN)

Tôi thường đi đó đây, theo lời mời của các BHD địa phương tham dự các công tác Phật sự như lễ lược, trại mạc, hội thảo, trà đàm cũng như mang về những thắc mắc cho anh Phước Việt và nhất thiết đều được trả lời nhanh chóng, cũng như khi công tác Phật sự khép lại ACE có thể xem trên mạng mà kiểm điểm Phật sự của mình với tinh thần quán soi nghiệm biết. Thế có nghĩa là không bao giờ phê phán đến những khuyết thiếu, nếu những người đứng ra nhận trách nhiệm tổ chức không là những trại sinh của tôi trong quá trình được huấn luyện và đào tạo.

Trong giao tiếp, tỏ bày tâm sự anh chị em thường nói “Tôi nghe” dĩ nhiên là nghe từ những nhân vật có thẩm quyền nói thế nầy thế nọ là để cũng cố cho những tư duy của riêng mình đã được cập nhật và muốn cấp trên lắng nghe.

Tôi Lại cũng thường nghe các ACE nói “Tôi thấy” như là những xác quyết việc nầy hoàn toàn chính xác, các cấp lãnh đạo tổ chức nên lắng nghe, nghiên cứu và cảm thông cùng các ACE về những chậm trể, không hoàn thành trách nhiệm được giao.

A Nan một bậc Đa Văn trong Tăng Đoàn của Phật dự kiến về hậu lai những sự kiện trên chắc chắn sẽ xảy ra và bạch đức Thế tôn để cũng cố và xác tín từng vấn đề mà kinh văn đã nói con phải làm sao? Phật dạy câu đầu tiên “Như thị ngã văn . . . . . chư Thiên đại chúng câu” Có nghĩa là: “Ta nghe như vầy. . . một thuở nọ tại . . . thính chúng gồm có. . . . những bậc thánh như là . . . đã từng chứng đắc sau khi thọ pháp đồng câu hội”.

Như vậy có nghĩa là: “Người Phật tử Nghe như chánh Pháp, tư duy như chánh Pháp, cứ như vậy mà tu trì” chứ không phải nghe từ Thiên thần quỷ vật, nghe từ tổn hữu ác đảng, nghe từ con tim bất an rồi suy luận bày đặt ra đó là Tà tư duy dẫn đến Tà Kiến chớ nên làm.

Lại có người nói Tánh tôi như thế, nhưng lòng tôi thì không như vây. Nói như thế mà là được sao? Chúng sanh ai có Phật Tánh, tức là tánh Phật, ngoài ra không còn tánh nào khác.

Cho nên nếu tôi sanh sự hỏi nạp tới: ACE nghe từ đâu? Ai nói? Vào lúc nào? Có ai chứng kiến cùng nghe? Mục đích và yêu cầu của người phát ngôn? Tôi hứa sẽ tìm gặp các nhân vật như vậy và hỏi cho ra lẽ để trả lời ace một cách chính xác, thì hầu như anh chị em lúng túng ngay. Cho nên khi nói tôi nghe, tôi thấy, tính tôi là ace đã mắc mưu những hạng người xấu mà không biết. Đó là cách thả quả mù làm giao động lòng chúng, gây bất an, hoang mang, thiếu tự tin, nghi ngờ lẫn nhau phá tinh thần hòa hợp và thanh tịnh trong tổ chức vốn có.

Trong GĐPTVN nhất là hàng ngũ huynh Trưởng, tự nguyện gánh vát trách nhiệm vì thấu rõ Mục đích và Lý tưởng của mình chứ không hề có ai bắc buộc. Nghề làm Huynh Trưởng là một nghề thiện nguyện dấn thân, phải có lòng đam mê và nhiệt tình hy hiến với tâm nguyện vô cầu phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật và truy tiến báo đáp ân ngài.

Cho nên là Huynh Trưởng chớ bao giờ nại cớ vì vợ con bị các thế lực vô minh uy hiếp mà đòi hỏi tổ chức phải thông cảm. Nếu không kham nhẫn ace có thể bước ra khỏi hàng, trong lễ truyền đăng bất cứ trại nào cũng có nhắc lại lời nầy xin ace hiểu cho.

Mười phương ba đời chư Phật vì thương chúng sanh chìm đắm trong si mê chịu luân hồi sanh tử phiền nảo và khổ đau mà thị hiện ra nơi đời với biết bao chướng duyên cần khắc phục và ảnh hiện chân lý chứ không bao giờ đòi hỏi thế quyền công nhận bảo hộ rồi mới thị hiện đản sanh.

Trong giáo đoàn của Phật đóng vai trò Thanh Văn là cực kỳ khó khăn nên đều do các vị Bồ Tát trợ hoá thị hiện giúp cho đức Từ Phụ chuyển bánh xe pháp. Phàm phu tục tử chớ lạm dụng các từ ngữ trên và chớ coi thường thánh chúng thanh văn nầy.

Ngày nào còn lạm dụng tôi nghe tôi thấy thì ngày ấy còn xa Phật biết bao! Ngày nào còn bảo tánh tôi thế nầy thế nọ thì ngày ấy còn chấp chặc nơi ngã nơi pháp làm gì đến gần giác ngộ chân lý Bồ Đề.

Là Huynh Trưởng, từ khi còn là sơ cấp cũng đã phải phát tâm vô thượng Bồ Đề hằng nhớ chớ quên. Tâm Bồ Đề mà chỉ quên thôi thì hành Phật sự mà không ngoài ma sự. Không phát Bồ Đề Tâm mà cầu quả vị vô thượng không khác gì nấu cát thành cơm. vô vọng lắm thay. Muốn phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề thì phải thọ Bồ Tát Giới, học Bồ Tát hạnh, hành Bồ Tát đạo. Tri và hành không hai. Lý thuyết và thực hành là một. Từ đó mới có đủ nội lực thành toàn sứ mạng.

Thân ái cùng tất cả anh chị em!

THỊ NGUYÊN

524 lượt xem