Trở lại Ninh Thuận lần này giống như trở về nhà nên tôi chẳng mang hành lý chi nhiều. Lên chuyến xe đêm hơi vất vả vì lúc này trời đang mưa tầm tã mà xe đón mình tận bên kia cầu Sài Gòn. Người thành phố vốn thiếu ngủ cực kỳ nên khi ngồi lên ghế là tôi chọn tư thể thuận để …ngủ cho đến các trạm dừng, ngủ vài giấc là xe đã vào thành phố Phan Rang.
Nhà anh hơi khuất trong hẻm một chút nhưng khá rộng và có nhiều gian, con cháu và đàn em Gia Đình Phật Tử sẵn ở chung quanh nên chỗ làm việc của báo chí và trang nhà cũng khá thông thoáng. Tôi có mặt nơi đây chỉ một lý do, anh từng là trại trưởng trại chuyên năng Phú Lâu Na 1 và trại huấn luyện Vạn Hạnh 5 của chúng tôi.
Những ngày tháng gian lao khó nhọc của hơn 10 năm trước tuy đã qua rồi mà con đường chông gai chướng ngại vẫn còn đây. Gia Đình Phật Tử vốn không có trú sở, không có tài sản; không có danh tiếng, càng không có lợi lộc gì. Tài nguyên duy nhất chỉ là con người và tình người, nói thân thiết hơn là những người áo lam và tình lam. Bỏ hết mọi việc để về tham gia làm một công việc của huynh trưởng đàn em trong lễ tang ngoài tinh thần tôn sư trọng đạo ra còn một điều nữa có thể khiến cho chúng tôi còn quay về lại – Tình áo Lam Ninh Thuận. Nói tới đây lại tự thấy mình hạnh phúc ấm áp hơn anh Quảng Long cùng khóa – giờ này từ Mỹ cứ nóng ruột phone về trong nước mắt, may thay! Bản nhạc tưởng niệm hát trong buổi lễ truy niệm anh kỳ này có giọng ca ái nữ anh Quảng Long và tay Organ không ai ngoài con rể của anh ấy – gia đình này lo luôn âm thanh ánh sáng cho tang lễ, có thể gọi là làm thay việc cho Quảng Long đở tủi.

Những ngày bên anh Thọ, chỉ nghe anh nói chuyện vài lần, sau này đến thăm bệnh anh anh chỉ cười vang lúc tôi và anh Như Vinh pha trò chứ không nghe anh nói tiếng nào nữa. Các em Ninh Thuận nói lúc anh được Công An mời lên làm việc cũng vậy, chỉ nói vài điều cần thiết còn bao nhiêu là im lặng nhìn với cái nhìn vô tư. Các em thích vuốt râu anh và gọi anh là “Ông tiên”. Ông tiên này tuy không có phép biến hóa giúp đỡ cô Tấm trong chuyện cổ tích nhưng ông có thể làm cho các cô Cám hiền hòa hơn để không ganh tỵ với cô Tấm nữa, hay chuyển hóa những Thị Mầu khi lên chùa phải giữ lòng tin kính chốn thiền môn. Nơi nào ông tiên đến đất địa hóa an lành; nơi nào đang tranh cãi cũng sẽ trở nên hiền hòa.
Anh trút hơi tàn ngày 14 tháng 9 âm lịch – lúc này miền Trung ra Bắc đang có bão và miền Tây đang lũ lụt làm mưa nhiều nên ra viếng anh kỳ này không có cái nóng nổi tiếng của Phan Rang. Ngày 15 làm xong bản nhạc tôi gửi qua đường Email cho anh Lộc, thời may có nhạc sĩ Như Vinh đã đến trước đó, anh có chất giọng hơi bị “chê” nhưng khi xướng âm rất chỉnh (anh dạy môn âm nhạc hơn 40 năm ở Bình Định mà!) Bài ca tôi viết chuyển từ 1 dấu thăng ton Mi thứ lên 3 dấu thăng ton La trưởng, rồi đột nhiên trở về Mi ở 2 ô nhịp cuối, khó như vậy mà anh cũng tập rất nhanh, sáng 17 chúng tôi tới là anh và Organist Hoàng Phúc đã tập cho các chị và em GĐPT Ưu Đàm xong rồi. Nói đến điều này để trân trọng giới thiệu khả năng về văn nghệ của GĐPT Ninh Thuận là khá dồi dào phong phú, như vừa rồi 1 em Nữ Oanh Vũ đã đoạt giải nhất đơn ca hội thi ngành đồng toàn quốc tại Cam Ranh.

Có đến đây mới thấy dàn huynh trưởng cấp Tấn thay phiên nhau đứng hộ quan cho linh sàn của anh khá đông đúc. Khởi đầu là các HT cấp Tấn trong thường vụ BHD Trung Ương rồi luân phiên đến các Ban viên và các tỉnh thị (Trang nhà dành sẵn 1 chương để giới thiệu các hình ảnh này) Quý anh chị nghĩ sao về những tin tức và hình ảnh trực tiếp từ trang nhà gdptvietnam.com? nhất là qua các đại tang cùa các huynh trưởng cấp Dũng vừa qua. Nếu chúng ta tận mắt hay biết chỉ có 1, 2 huynh trưởng thực hiện thì đó là những tấm lòng và cả một sự cố gắng tận lực.

 

Ngoài BHD Ninh Thuận sở tại ra có thể nói phái đoàn Ban Hướng dẫn GĐPT Cam Ranh hiện diện đông nhất trong lễ viếng, trong bài điếu văn do Phó Trưởng ban Cam Ranh đọc có đoạn tri niệm công đức anh và BHD Ninh Thuận đã chia sẻ, hỗ trợ cho Cam Ranh những ngày tái lập BHD. Trong BHD Ninh Thuận có thể thiếu vắng một số ban viên, do phải phụ lo tang lễ của anh Thủ Quỹ BHD đã ra đi trước anh  mấy tiếng. Trang trọng nhất là phái đoàn BHD Trung Ương do anh Như Thật Nguyễn Công Minh dẫn đầu, khi anh bước lên là tất cả các ban viên từ Sài Gòn đến các tỉnh thành đều bước theo sắp hàng kính lễ nhưng trang trọng hơn vẫn là sự hiện diện của trưởng phái đoàn Ban Hướng Dẫn GĐPT Thế giới do anh Nguyên Tín Nguyễn Châu dẫn đầu – Anh cùng phái đoàn Lâm Đồng, Khánh Hòa đến chậm hơn nên tiến lễ và phúng viếng sau. Người “vả mồ hôi, khan cả giọng” vẫn là anh Minh Trung Ngọc Trai tiếp đón các phái đoàn và dẫn chương trình – không biết chữ nghĩa ở đâu mà anh cứ tuôn ra ào ào như sông suối không ngưng nghỉ, chỉ được nghỉ lúc chư Tôn túc, Ban kinh sư hành lễ mà thôi. Chúng tôi bất ngờ gặp lại chị Tâm Nhân từ Mỹ về, mới nhớ anh Thọ là bào huynh của chị – chúng tôi biết chị qua đại hội GĐPT VN Thế Giới II tại Bangkok, thấy có GĐPT Thiện Tâm San Jose gửi vòng hoa điếu, hỏi ra mới biết chị đang sinh hoạt tại Gia Đình này.

 

Trưa 17 ban kinh sư cử hành nghi thức bái yết tổ tại Niệm Phật đường Long Tấn đối diện nhà anh và Triệu Tổ đường gia tộc Nguyễn Khắc cùng tiến linh cúng ngọ rất kỹ lưỡng mà thắm thiết Đạo tình. Tuy nhà anh nhìn qua Niệm Phật đường Long Tấn, nơi anh làm Trưởng ban hộ tự rất lâu chỉ là bên kia đường, nhưng vì bị “con lươn” giao thông ngăn cách nên cả đoàn chư vị Kinh sư và nhiều huynh trưởng gia tộc phải dẫn linh đi một vòng qua đường thành hàng dài để vòng lại tạo nên quang cảnh khá nhịp nhàng, trật tự.
Không khí lắng đọng nhất là khi cung đón Thượng Tọa trú Trì Vĩnh Minh đại diện cho Hội Đồng Cố vấn Giáo Hạnh GĐPT Việt Nam quang lâm phúng viếng, dự lễ Truy niệm GĐPT và thuyết linh. Có thể vì anh an sàng chỉ có 3 ngày nên chương trình tang lễ dường như không đứt. Chiều 17 khi các nơi tụ về khá đông đủ trong buổi lễ truy niệm ngoài trời mưa rất lớn, nhưng bên trong rất ấm cùng và không ai muốn dời chân.

 

Ban hợp ca GĐPT Ninh Thuận với sự phụ họa của các anh chị Đà Lạt dưới sự điều khiển của anh Như Vinh đã đồng hát bài tưởng niệm trong 3 phút vang rền khắp linh đường trong tiếng mưa rơi, nhịp nhàng luyến láy, nhả giọng khá chuẩn xác – khi nhạc vang tấu thì anh Minh Trung lại đêm lời thoại vào càng súc tích. Thế là tất cả các anh chị em áo Lam mình đã được nói với anh, hát về anh qua những âm điệu và ca từ trong bài hát đó. Nghe như anh ngồi đó và vỗ nhịp gật đầu.
Chúng tôi phải lên xe về lại Sài Gòn trong đêm 17 nhưng những âm thanh và hình ảnh trong lễ tang anh vẫn rung động suốt tâm hồn.
Đức Quảng

517 lượt xem