NAM VANG ĐI DỄ KHÓ VỀ



“Nam Vang đi dễ khó về
Trai vô bạn biển gái về tàu kê”

2 câu thơ này có lẽ hiện diện từ thời Pháp thuộc cho đến nay đã hơn 100 năm. Thuở nhỏ tôi nhớ như in hai câu này vì ngôn từ nó lạ lẫm bất thường. Sau này khi lớn lên mới hiểu nghĩa thêm chút nữa, đại khái đàn ông đi làm cá, làm khô ở biển hồ Tonle sap, mùa nào cũng có việc làm nên khó về, còn đàn bà tha phương lạc địa ở xứ người không chịu về thì có nghĩa gì? Nếu không lập nghiệp ở đó thì cũng kẹt vào chốn “thanh lâu” cho đến khi làm “má mì” mới có thể trở về. Tựu trung 2 câu nôm na cho dễ nhớ và hiểu:

“Nam Vang đi dễ khó về
Trai đi có vợ gái về có con”

Tuy nhiên, vào năm 1972 người Việt mình bị “cap Duôn” [giết người Việt] mấy ngàn khi Lon nol đảo chánh vua Sihanouk, nhân dịp này họ đã giết người Việt – khiếp đảm đến nổi tàu hải quân miền nam thời đó đã phải di tản hàng trăm ngàn người Việt về định cư; và lần thứ 2 năm 1975 chết mấy trăm ngàn người chung số phận với nạn diệt chủng của Pôn Pốt vì mối hận thù dân tộc bị kích động. Tưởng người Việt Nam mình đã biết sợ, phải dè dặt, giới hạn sự lưu trú lập nghiệp tại Cambodia. Nhưng không, năm nay 2011 tôi trở lại đây số người Việt cư trú tại Nam Vang không đã lên tới gần 2 triệu người. Trên phố xá hoặc ở các sòng bài Bavet, biên giới Vietnam-Cambodia, hay Poi pet, biên giới Cambodia-Thailand, gái Việt mình rất được “mến chuộng” đông đảo, như vậy 2 câu ca dao kia đến giờ cũng còn hiệu lực chung quy vì đất nước Cambodia này dễ làm ăn hơn nhiều nơi khác trong xứ mình, mặc dù cho đến giờ có nhiều người Việt Nam trong nước cũng như nhiều Việt Kiều Âu Mỹ vẫn còn ghê sợ khi nghe nói đến con người và đất nước Cam pu chea.

Những hành động dã man của quân đội Lon Nol và Sirik Matak, Cheng Heng là xỏ dây xâu qua mắt cá các nạn nhân người Việt rồi thả trôi sông – còn thời kỳ diệt chủng của Pôn Pốt – Ieng Xary 1975-1979 là đập đầu, xé hai các hài nhi, mổ bụng, cắt cổ… rất thủ công tệ hại khi giam cầm, cắt cứa, tra tấn đến chết ngoài chuyện bắn giết ra khiến cho chúng ta liên tưởng đến những động thái của ngư dân khi chài lưới, bắt cá hay làm cá như đánh vảy, chặt đầu, mổ bụng, lôi ruột….. và đội quân diệt chủng đã từng hành động dã man đối với con người với bao nhiêu động thái đó.

Biển hồ Tonle sap rất rộng, như một túi nước khổng lồ nằm bao quát giữa các tỉnh Bat dom bang, Kom pom chhnăng, Siem Reap đổ vào Phnom penh, là một hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Mùa nước cạn, hồ có diện tích 3.000km2, mùa nước lớn diện tích hồ lên tới 10.000 km2. Trên mặt hồ, có một cụm dân cư sinh sống lênh đênh trên các chiếc thuyền (người dân địa phương gọi là Làng nổi), trong đó có mấy ngàn gia đình Việt kiều sinh sống.

Nguồn sống chủ yếu của cư dân trên Biển Hồ là nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Người có tiền thì nuôi cá bè nhưng rất ít, phần đông còn lại là làm nghề chài lưới, đánh bắt cá trên hồ. Mỗi năm vào mùa nước đổ, ngư dân được phép đánh bắt từ tháng 10 năm này cho đến tháng 6 năm sau, bốn tháng còn lại là mùa sinh sản, cấm không được đánh bắt.

Tài nguyên chính của Cambodia là Biển hồ cùng với những đại cánh đồng lúa phì nhiêu bát ngát, hai món này giá rẻ và bình dân, lại càng nổi tiếng thêm những ổ rắn và chợ côn trùng – khi đói ăn thịt mấy loài độc vật, côn trùng thấy ngon nên tập thành thói quen ăn nhậu, mua bán. Ai thấy nguồn lợi của biển hồ tôm cá phủ phê cũng thích thú với cái vẻ phồn vinh của nó – Nhưng bạn có khi nào liên tưởng cái biển hồ đầy tôm cá này với cái ao hồ đầy cá của dòng họ Thích Ca năm xưa và thám họa bị hoàng tử Lưu Ly hủy diệt cả nước! và theo cái nhìn nhân quả – thảm họa diệt chủng của Cambodia cũng nằm ở đây – lại có liên quan đến người Việt tại Cambodia và các tỉnh dọc biên giới phía Tây khi Pôn Pốt xua quân tàn sát Ba Chúc và tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương trên 6.000 người năm 1979. Dân số Cambodia bị diệt chủng khoảng 3.000.000 người còn lại 4.000.000 – 30 năm sau đã tăng lên 12.000.000 người. Thảm họa của loài người hay địa ngục trần gian bao lâu mới tái lai một lần thì không rõ nhưng lịch sử chứng minh dân tộc Khmer chưa tùng có dân số đông đúc như ngày nay.

Nói đến đây rõ ràng là mất hứng rồi. Vô lẽ bây giờ ta lại khuyên lơn người ta đừng đánh bắt cá tôm ở biển hồ nữa, và dân Việt mình hãy bỏ nghề đánh bắt cá tôm hay ngừng những nghề đồ tể sát sanh, hại vật. Lại nữa, tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương vâng nghe lời thầy hơn trăm năm nay là “ăn cá không có tội” rất khó thay đổi tập tính.

Thật ra, đức Phật và Phật Pháp đã lập đi lập lại rất nhiều câu chuyện nhân quả về sát sanh hại vật nhưng con người trong cuộc đời hết lớp này tỉnh thì đến lớp sau mê, có nhiều Phật tử, tín đồ ngưng sát sanh, giữ gìn trai giới, nhưng lớp trẻ các thế hệ sau lại hưởng thụ no say hơn do kinh tế càng lúc càng phát triển hơn. Công việc của chúng ta là giáo dục, và làm sao cho sự giáo hóa cũng phải liên tục không ngưng nghỉ, không sợ, không ngại mới mong giải trừ bớt tai kiếp ách nàn.

Dừng lại ở quảng trường sông ba mặt tại Nam Vang, chúng tôi thấy từng đàn bồ câu bay rợp bóng chứng tỏ vùng đất này trở lại thanh bình, dường như thảm họa loài người chưa từng có ở đây – và lòng tôi cầu nguyện cho nó được thanh bình mãi mãi.

Đức Quảng

3076 lượt xem