Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
Năm nay đã là 2011, bắt đầu từ năm 1935 Đoàn đồng ấu Phật tử như những búp sen hồng nho nhỏ nở khắp dãy miền Trung, tính đến nay khoảng 80 năm. Lúc bấy giờ dân tộc Việt Nam đang trải qua giai đoạn cuối của 80 năm của xích xiềng thuộc địa; của cuộc cách tân văn hóa Đông – Tây, của phong trào chấn hưng đạo Pháp… trong hoàn cảnh này Gia Đình Phật Tử đã khai sinh trong các hình thức ban đầu như Đức Dục, Đồng Ấu, Gia Đình Phật Hóa Phổ cho đến năm 1951, tức là sau thế chiến thứ II, người Pháp đưa quân trở lại tái chiếm Việt Nam. Năm 1951, Đại hội Phật giáo toàn quốc họp tại Huế; Đại hội đầu tiên bàn về Gia đình Phật tử tại chùa Từ Đàm (Huế) gồm đại biểu của Gia đình Phật Hoá phổ 8 tỉnh miền Trung và các đại diện chính thức của miền Bắc và miền Nam. Tại Đại hội này, danh xưng của tổ chức được đổi là "Gia đình Phật tử", từ đó đến nay đã tròn 60 năm
Những bậc trưởng niên hiện diện trong những tháng ngày bình minh Gia Đình Phật Tử đó mãi lưu dấu tích trong Việt Nam Phật Giáo sử và 80 năm Lam sử một cách đường hoàng tôn nghiêm không có hư dối, trong đó có các anh Hồng Liên Phan Cảnh Tuân, Nguyên Ngộ Nguyễn Sĩ Thiều mới ra đi trong năm nay. Tuy 70 năm Gia Đình Phật Tử không lâu nhưng muốn tìm đọc tài liệu về Lịch sử Gia Đình Phật Tử một cách chi tiết dường như là không thể, nhất là 35 năm trở lại đây khi Gia Đình Phật Tử bị phân chia thì cái nhìn của mỗi cá thể lại đứng ở nhiều góc độ khác nhau, khiếm khuyết còn rất nhiều mà “cường điệu” cũng không ít. Lam sử là một quá trình hành hoạt của một tổ chức thuộc Phật Giáo phải được nghiên cứu, tham khảo và viết nên bởi một tập thể có khả năng về khoa văn – sử do cấp Trung Ương thành lập, tuy cần được Chư Tôn Thiền Đức Cố Vấn Giáo Hạnh (Giáo hội) thẩm định đã đành mà phải có các vị niên trưởng áo lam qua các giai đoạn hành hoạt xác tín sự thật thì giá trị của quá khứ mới thành những bài học bổ ích cho các thế hệ áo lam tiếp nối – sự tiếp nối của truyền thống như nhất cũng bắt nguồn từ đây.
Có một cách tham khảo và học hỏi ở những trang Lam sử một cách thiết thực nhất là tìm đọc những dòng Tiểu sử của những vị tiền nhân: Chư Ân sư, Cố vấn giáo Hạnh, quý Cư sĩ thuần thành, Chư Thánh Tử Đạo, cùng các anh chị áo Lam hữu công quá vãng… chúng ta sẽ thấy tái hiện khá đủ những chi tiết về các sự kiện, bối cảnh, hoàn cảnh lịch sử diễn ra trong các phức hợp lại rất đơn giản hòa hợp với những tiến trình phát triển tổ chức Gia Đình Phật Tử chúng ta.
Có một điều đặc biệt trong giai đoạn hình thành là quý anh chị trưởng niên tập họp lúc đó đa phần là nhà giáo, nhà mô phạm chú trọng đến đường hướng giáo dục Phật Giáo và sớm hoàn thành chương trình tu học Gia Đình Phật tử, cũng có những huynh trưởng ngành luật, hành chánh, quân sự để mau chóng hoàn thiện Nội Quy, Quy Chế, tổ chức, chương trình huấn luyện… cho đến đại hội Đà Nẵng năm 1973 đã thiết lập nên một nền tảng vững vàng, biết sự vững vàng do vượt qua những thử thách, trải nghiệm khi gặp những hoàn cảnh bức bách phải tan hàng và tái thiết trở lại, mỗi nơi mỗi tự lực để khai thông sinh lộ rất khó khăn.
Nếu cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà có “thất trùng hàng thọ” che chở làm rợp mát Phật độ thì Gia Đình Phật Tử Việt Nam và Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên Thế giới cũng được những hàng cây “đại thọ” lão niên như tùng bách che chở dẫn dắt trong những tháng ngày gian nan nguy khốn hay tha phương lạc địa lưu tán khắp nơi. Các anh là chỗ nương tựa đáng tin cậy do hành nguyện và gương sáng cho đàn em noi theo; các anh là những người áo Lam mà sức kham nhẫn vô biên khi đứng trên đầu sóng-ngọn gió để lèo lái con thuyền Gia Đình Phật Tử vượt qua bao phong ba, khổ nạn. Tuy hàng đại thụ đó đã dần dà gãy đổ theo thời gian tuổi hạc đã cao nhưng dòng máu lam vẫn chảy, nhịp sống lam vẫn đập trong mạch máu buồng tim của lớp đàn em kế thừa tiếp tục bước đi, tiếp tục gánh vác trách nhiệm không rời.
Chắc quý anh chị còn nhớ đức Phật đã từng hỏi Ngài A Nan một câu khi A Xà Thế định cử binh đi đánh nước Bạt Kỳ: “ Này A Nan, ông có nghe người dân nước Bạt Kỳ đi ngang cây cao thường hay cúi đầu tôn kính không? Ngài A Nan bạch, có nghe.” – Đây là một điều vua A xà Thế không thể đánh chiếm nước Bạt Kỳ. Cũng như vậy, ngày hôm nay cây đại thụ Nguyên Ngộ Nguyễn Sĩ Thiều vừa ngã xuống nhưng tinh thần của anh vẫn đang an trụ vững vàng kiên cố trong các hàng đại thụ còn lại cùng các thế hệ đàn em tôn kính các anh. Hãy nhớ, đi ngang cây cao bóng cả nên khiêm tốn cúi đầu là một cách tri ân những người đã thủ hộ vững vàng đại Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Đức Quảng
558 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…