Tiếng vọng của loài chim Quốc
Phóng viên Sen trắng
Dẫu sao đi chăng nữa, những giấc ngủ chập chờn cũng giúp tôi quên đi quảng thời gian dài nằm co trên xe, quên đi khoảng không gian mờ tối bao trùm chuyến xe đêm. Chuyến đi thật vất vả vì phải chấp nhận một chỗ nằm nhỏ bé chật chội trên hàng lối đi của loại xe giường nằm cao cấp. Như thế cũng là may mắn rồi vì bác tài xế đồng ý chở, khi số người đã vượt quá số giường nằm ghi trên vé. Điều mà tôi không ngờ được, bởi cho rằng việc đón xe chỉ khó khăn nếu từ Tỉnh về Thành phố vì số lượng học sinh đổ về để dự thi vào các trường Đại học, Cao đẳng trong 2 ngày nữa vào ngày 03.7.2011 cũng là ngày kỵ nhật của Hòa Thượng Tăng Thống GHPGVNTN, mà không ngờ rằng khách đi từ thành phố ra tỉnh cũng đông bởi lượng phụ huynh đưa con vào Saigon để ổn định chỗ ăn ngủ cho con em, cũng cần trở về với công việc thường nhật.
Đây là lần thứ ba, tôi trở về nơi này, sau lần tiễn đưa Ôn nhập tháp, ba lần trở về để tìm lại hình ảnh người Thầy mà tôi tôn kính, và như thế mỗi khi nhìn cánh phượng chớm nở nơi sân trường, trong tôi lại réo lên tiếng vọng “Trở về Nguyên Thiều”. Đó là Tiếng vọng tâm linh, mà không cần ai mời gọi. Có cần chăng sự mời gọi, hay ngăn cản được, khi chúng tôi, những người con Phật trở về với Thầy Tổ trong ngày húy kỵ?
Mang tâm trạng như thế, khi xuống xe tại ngã ba Tháp Bánh Ít, chúng tôi đã thản nhiên mang balo đi bộ vào tu viện trước những con mắt chuyên nghiệp dõi theo. Đồng hồ mới hơn 6g sáng, dừng chân nơi quán café bên dòng sông Côn êm đềm trong buổi sớm mai. Có lẽ vì lúc này là mùa mưa lũ, nên dòng sông hơi vẩn đục mang màu sắc của những con sông miền Nam hơn là màu xanh trong của sông nước miền Trung đặc thù, Ly café đã giúp tôi lấy lại sự tươi tỉnh sau chuyến đi dài mệt nhọc để rồi ngược theo con đường dốc tôi tìm về Nguyên Thiều tu viện nơi Ngài khai sơn tạo dựng.
Đến trước ngày kỵ, lại đang là mùa an cư, nên Tu viện vắng im, lên tiếng tuyên xưng danh hiệu Phật mãi mới được một thầy trẻ tuổi ra đón. Thầy dự định thu xếp cho chúng tôi nghỉ tại một phòng sau Phương trượng, căn phòng mà trước đây khi còn sinh tiền mỗi lần ra thăm, chúng tôi thường được Ôn cho nghỉ, nhưng lần này chúng tôi không dám nhận vì ngày mai, Chư tăng về dự lễ, nơi này sẽ là nơi trú ngụ của quý ngài, A. Thị Nguyên xin Thầy bố trí cho một căn phòng của học Tăng nơi trường Trung cấp Phật Học, tuy hơi xa nhưng lại thuận tiện cho anh em nhà Lam sum họp.
Chúng tôi nhận phòng do thầy bố trí. A Thị Nguyên trở về Phương trượng gặp Thầy Minh Tuấn để thu xếp công việc, một lát sau chuông điện thoại reo vang, bên kia đầu dây anh gọi tôi ra cùng BHD Bình Định thăm viếng nhà một Huynh Trưởng. Lúc này tôi mới biết đó là nhà của người Huynh trưởng mà tôi có ý muốn gặp trong chuyến đi này, người thường liên lạc với tôi qua điện thoại khi làm việc cùng Sen trắng. Nhưng gặp nhau, chúng tôi chỉ biết bắt tay chào hỏi mà không trao đổi gì được vì nhà anh rất đông người. Cũng như chúng tôi, mọi người đến để chia sẻ với anh trong ngày húy kỵ của thân phụ. Sen trắng là thế đấy! Chúng tôi nối kết tình Lam bằng những việc rất bình thường, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi những người làm việc cùng Sen trắng đi đến đâu cũng được các anh chị đón rất chân tình dẫu rằng trên áo chúng tôi chỉ có đơn giản là chiếc Hoa sen huy hiệu của tổ chức.
Xong lễ giỗ, chúng tôi trở về Nguyên Thiều thì A. Nguyên Lễ và A. Khoa của BHD Ninh Thuận vừa đến, tôi đón các anh về ở cùng phòng, lúc này thật vui, vì chỉ mới hơn tuần trước gặp nhau tại Cam Ranh nay lại ở chung phòng tại Nguyên Thiều, Tôi bỗng nhớ đến câu thơ của người Đoàn Trưởng thời niên thiếu tặng cho Đội của tôi, trong lần anh rời xa mái chùa theo lệnh chuyển quân:
Mỗi độ xa nhau mỗi độ sầu
Theo làn hương Phật đến tìm nhau.
Mà nhớ đến thơ, tôi lại nghĩ đến Hàn Mặc Tử, nhà thơ lãng mạn thời tiền chiến, người dám đem cả mặt trăng để rao bán:
“Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn thề…”.
Cái lãng mạn ấy cũng có chút vương vấn đến hình ảnh người chị cả áo Lam của tôi: Hoàng Thị kim Cúc. Trong sân khấu nghệ thuật người ta chỉ nhắc đến những cái tên: Mộng Cầm, Mai Đình …, mà không nhắc đến tên chị, mãi sau này khi chị mất, trên một tờ báo ở Saigon người ta mới đề cập đến qua bài Thôn Vĩ Dạ. Và qua việc khảo cứu, chị được xác nhận là một trong những đối tượng mà một thời… để Hàn Mặc Tử làm thơ…
Tên Chị được ghi trong phòng trưng bày về Hàn Mặc Tử tại khu du lịch. Tôi muốn đến đó đã lâu, trong những lần trở về Nguyên Thiều nhưng chẳng có dịp. Thời gian và công việc khiến tôi không có một giây phút riêng tư trong mỗi chuyến đi ấy, nhưng hôm nay tương đối thảnh thơi tôi đã được các anh trong BHD Bình Định đưa đi tham quan.
Ngày hôm sau
Sáng sớm, trong khi chờ đợi Chị Diệu Lãng đến để cùng vào linh đường lễ, chúng tôi kéo nhau ra viếng Tháp ôn, ngọn tháp không lớn lắm so với uy nghi của một vị Tăng Thống, nhưng vươn lên giữa bầu trời trong xanh không một áng mây được ghi nhận trong ống kính khi đứng dưới triền dốc nơi chân Tháp, đã đem lại trong tôi niềm cảm xúc khó tả: “Lạy Ôn ! Phải chăng giờ này. Ôn mới có giây phút thanh bình, yên nghỉ, để lắng nghe tiếng chuông chùa vang vọng ?”. Cả đời Ôn đã chịu bao vất vả để tranh đấu cho những gì mà quyền con người đáng ra phải có, vất vả vì một Giáo hội đã phải chịu sự thăng trầm theo mạch sống của dân tộc. Có điều, có lẽ chính Ôn không nghĩ đến khi lên tiếng: “Tôi là người sống không nhà, đi không đường, chết không mồ, tù không tội”. Thì đây, ngôi bảo tháp ôm ấp thân xác ôn được Tứ chúng dựng xây đã vươn lên giữa khung trời Bình Định để mọi người ngưỡng vọng. Ôn “đi không đường”, nhưng “con đường do Ôn mở lối” lại là hướng đi cho tất cả những ai muốn đóng góp cho Tổ quốc và Dân tộc này hồi sinh. Và giờ đây, khi tuổi trẻ Việt Nam lên tiếng, viết những dòng chữ “HS – TS – VN”, khẳng định mảnh đất này là của Tổ tiên để lại cho dân tộc. Lại cho là có tội, bị trấn áp, bắt giữ, bị đuổi học, thì với Ôn: “Tù không tội” cũng không có gì là lạ bởi đó là những nghịch lý hiển nhiên khi người ta đã chọn một Tổ quốc khác to rộng hơn.
Trong khi tôi đang cố gắng ghi nhận, những phù điêu về các sự kiện của cuộc đời Ôn tạc quanh bảo tháp, thì thoảng nghe tiếng khóc thảm thiết của ai đó vọng vào máy quay, tiếng khóc than đã lan qua hồn tôi, khiến đôi tay cầm máy bị rung động. Có lẽ tìm được người cảm thông với mình, hai vợ chồng chị Phật tử mang Pháp Danh Hồng Ánh và Hồng Nguyên, người Quảng Ngãi đã kể cho tôi nghe những ngày Ôn bị quản chế, vợ chồng chị là những người đã không sợ hãi đến chăm sóc Ôn. Những câu chuyện thật đau lòng mà người ta đã đối xử tàn nhẫn với một cụ già nơi mái chùa Hội Phước. Tôi không dám ghi lại đây những câu chuyện đó, cũng như không dám ghi lại tên của người nào đó trong số người giữ nhiệm vụ quản chế Ôn, vẫn còn chút tình người trong cách đối xử với một lão ông. Lạy Phật, tôi mong mọi sự an lành đến với con người đó, và tin rằng những hành động Thiện mà anh dành cho một vị cao tăng chắc chắn sẽ đem lại cho anh, gia đình anh những quả lành trong mai hậu. Mái chùa đã trở thành nhà tù để giam giữ Ôn, có phải chăng đó là tất cả những gì mà Ôn đã nói “Sống không nhà”. Còn chúng tôi, tổ chức GĐPTVN cũng đang chịu cảnh sống lưu vong nơi chính mảnh đất đã sinh ra mình?
Chị Diệu Lãng đã đến, Chúng tôi định vào lễ, thì Phái đoàn của Hội đồng Lưỡng Viện từ nhà khách bước vào Linh đường đảnh lễ Ôn. Chúng tôi trang nghiêm đứng dậy chấp tay cung kính, theo sau hàng Chư Tăng là Các anh chị thuộc GĐPT Vụ. Được sự cho phép từ trước của Thầy Minh Tuấn, tôi cầm camera theo vào để ghi nhận những thước phim tư liệu, Khi ống kính quay về phái đoàn GĐPT Vụ, tôi mới nhận ra người Vụ trưởng Lê Công Cầu. Trông anh khác quá, khác hẳn những gì mà tôi nhớ về anh ba năm trước, mái tóc muối tiêu giờ đã bạc trắng, kèm theo cặp kính trắng mang trên mặt nên nhìn anh có vẻ từ hòa hơn. Anh cũng nhận ra tôi, nên khi đảnh lễ xong đến bắt tay tôi, nói nhỏ: “Anh phải về Huế ngay, còn nhiều việc lắm!”. Tôi bắt lấy tay anh đáp lại: “Anh em mình sẽ gặp nhau”.
Tôi và anh, giờ đây tuy không cùng đi trên một con đường, nhưng cái đích của GĐPTVN là điều mà tất cả chúng ta muốn vươn tới, chúng tôi vẫn âm thầm làm việc trong im lặng. Trong thế giới nhị nguyên này, nói và im lặng được xem là hai khái niệm đối lập nhưng với cái nhìn quán chiếu và sâu lắng thì nó chỉ là hai mặt của một vấn đề.
Chị Diệu Lãng và anh Nguyên Lễ với sự Ủy nhiệm của BHD Trung Ương vào viếng Linh đường, đi cùng là toàn BHD GĐPT Bình Định và các Huynh trưởng, Đoàn sinh đang hiện diện. Lời cẩn bạch của chị đã nhắc lại lần vấn an cuối cùng của BHD Trung Ương đã bộc bạch với Ôn tất cả những gì chúng tôi đang gặp phải. Ôn đã dạy những điều, mà sau này chúng tôi gọi là lời di huấn:
“Tôi cảm ơn và tán thán! Vì trước sau như một quí vị đều đến viếng thăm, vấn an tôi. Nếu cần một lời khuyên, thì đó là: Trước sau mình cũng là mình, không thay tên đổi họ. Oan trái nên nhận chứ không nên biện bạch.
Quí vị làm đúng, dù không ai công nhận, quý vị vẫn tồn tại. Quý vị làm sai, dù có hào quang nào che chở, quý vị cũng bị đào thải”.
Trước linh đường, thay mặt toàn thể Lam viên GĐPTVN, chị Diệu Lãng, người nhỏ bé với mái tóc bạc phơ, đã thệ nguyện:
“Dù có núi lở, nước cạn, dù sông không còn nước, núi không còn đá thì chúng con cũng vẫn mãi mãi là những đệ tử chân thành của Ôn, vẫn giữ mãi giềng mối của GĐPTVN, mãi mãi là những đứa con không hổ thẹn với sự thương yêu của Ngài”.
Sau đó, dưới sự xưng tán của anh Thị Nguyên, chúng tôi đã thành tâm đảnh lễ trước Giác linh Hòa thượng Đệ Tứ Tăng Thống.
Nghi lễ Húy kỵ lần thứ nhất, được toàn thể chư tăng và quý đạo hữu tiến hành thật trang nghiêm dưới sự chủ sám của Hòa Thượng Liễu Giải. Vì Chánh điện Chùa quá nhỏ dành cho chư Tăng, nên chúng tôi vân tập mé bên ngoài, hướng vào để nhất tâm cầu nguyện cho đến khi hoàn mãn. Lượng người đến dự mà tôi ước đoán khi quan sát bữa quá đường trên năm trăm, nhưng số người đến viếng Ôn rồi ra về là con số mà tôi không nắm bắt được, trong đó tôi biết có hai anh chị Hồng Ánh và Hồng Nguyên, người mà tôi có duyên gặp mặt, đã cho tôi biết đôi dòng thông tin về cuộc sống của Ôn, một cuộc sống “Ở không nhà”. Phải chăng đó cũng là tiếng than của một loài chim vọng lên từ “Quốc, Quốc”.
543 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…