Phút thứ 89
Phóng viên Sentrắng.

Đó là phút cuối trước khi hiệu còi của trọng tài vang lên để chấm dứt một trận bóng đá trên sân cỏ, đến giây phút này thì hầu hết kết quả đã được xác định. Nhưng với Trại Lục Hòa, đó là thời gian nóng lòng nhất của người đảm trách công việc liên hệ các nơi để có thể thực hiện được trại họp bạn và công tác xã hội từ thiện của ngành Thanh Thiếu GĐPT Tỉnh Bình Thuận. Và hiệu còi cho phút 90 mà anh mong đợi, chính là quyết định cuối cùng của Thường Vụ BHD Tỉnh sẽ họp bất thường vào lúc 15 giờ chiều nay ngày 10.6.2011 để quyết định Trại có tiến hành hay không, trước những khó khăn trở ngại.

Phút 89 được xác định bởi A. Thiện Tâm khi đón chúng tôi, những người làm việc cùng Sen Trắng và Trang Nhà gdptthegioi tại Thị xã Lagi sau chuyến đi dài hơn 5 giờ khởi hành từ Tp. Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã đến trước giờ khai mạc một ngày theo thư mời, mặc dù tối hôm trước, những cú điện thoại liên tục gọi về thông báo Trại đã bị hủy bỏ vì trở ngại địa điểm. Dù biết rằng Trại đã hủy bỏ, nhưng chúng tôi vẫn đi, đi để mà đi, đi để mà chia sẻ với những khó khăn mà anh em áo lam tại Bình Thuận đang đối diện. Đối với tôi việc hủy bỏ một cuộc trại hay một buổi họp mặt của tổ chức bởi những thế lực tác động cũng không gây ngạc nhiên vì nói như nhà văn thời XHCN đó là “Việc thường ngày ở Huyện” bởi hơn ba mươi năm nay, sự sinh hoạt của chúng tôi có bao giờ được suông sẻ?. Được tin đã có sự hiện diện của chúng tôi, chỉ ít phút sau Anh Trưởng Ban Hướng Dẫn Bình Thuận đến thăm và trao đổi thông tin trước khi tiến hành họp Thường vụ.

Và cuối cùng, phút 90 của thời gian tâm lý được xác định, khi tiếng chuông điện thoại reo vang, áp tai lắng nghe, tôi cảm nhận được nỗi vui mừng khôn xiết của người Huynh trưởng trại sinh Phú Lâu Na ở Đức Linh thông báo “Trại vẫn tiếp tục và giờ khai mạc được lùi lại lúc 14g ngày 11.6.2011, đủ kịp thời gian cho sáng mai anh về tham dự”. Hòa lẫn vào niềm vui ấy, tôi đã bật cười trả lời “Sen trắng đã ra rồi!” và mang theo tiếng cười vọng lại của người Huynh trưởng ấy suốt dọc đường tìm đến phòng trọ. Lúc này để tránh những rắc rối có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến Phật sự, chúng tôi quyết định không ở nhà huynh trưởng địa phương nào cả và đặt mình như những du khách bình thường tìm đến ngôi chùa mà vị Thầy Trụ Trì đã vô úy luôn sẵn sàng đón nhận đàn con áo Lam mỗi khi gặp giông bão.

Trời bỗng nổi cơn giông, những cơn mưa nặng hạt bắt đầu rơi tầm tã làm ngăn trở công việc của những anh trưởng địa phương đang gấp rút thực hiện cổng trại để đáp ứng tình thế nhanh chóng đổi thay. Cơn mưa cũng là duyên lớn để chúng tôi và Thầy Đồng Khánh có dịp ngồi quây quần đàm đạo, chia sẻ nỗi khó khăn mà thầy sẽ gánh vác khi chấp nhận cho 700 con người ngày mai tìm về nương tựa nơi mái chùa Huệ Đức này, tôi có cảm tưởng như Thầy đã mang tinh thần bất khuất mà Sư phụ của thầy là TT. Hạnh Đức đã truyền lưu:

Ta sống hiên ngang rừng kinh núi sợ
Sống kiêu hùng mà vũ trụ phải gờm ta
Sống say sưa theo giáo lý Phật Đà
Quên tất cả để tôn thờ giác ngộ.

Tinh thần ấy đã thể hiện khi thầy vừa hai mươi mốt tuổi, trước cơn Pháp nạn của Giáo Hội, thầy đã đốt lên ngọn lửa cúng dường Tam bảo một ngón tay để cầu nguyện an lành cho quý Chư Tôn đức vì đạo pháp và dân tộc đang ở trong vòng lao lý.

Khái niệm về thời gian dường như đã biến mất trong căn phòng nhỏ bé, đơn sơ giản dị, trên nền nhà lát gạch men nhiều màu sắc vốn là những sản phẩm dư thừa từ những công trình xây dựng được góp nhặt các nơi, nhưng được phối hợp thật hài hòa dưới bàn tay nghệ nhân của thầy, tôi thật sự bị lôi cuốn vào câu chuyện, trong sự im lặng để lắng nghe, vốn là tính cách của tôi mỗi khi có dịp đi cùng các anh chị gặp gỡ quý Chư tôn. Cơn giông rồi cũng qua, tuy những giọt mưa còn chưa dứt hẳn, chúng tôi phải ra về vì trời đã sẫm tối, nhìn những công trình trại cần thiết cho ngày mai còn đang dang dở ngổn ngang lòng tôi ái ngại… đáng lẽ ra đã được thực hiện từ lâu rồi, nếu không thay đổi địa điểm.

Buổi sáng, từ nhà nghỉ đến chùa, thì đồng hồ mới bảy giờ, khu đất trại quanh chùa đã được nhanh chóng hình thành. Các đơn vị GĐPT trong tỉnh đã đến từ lâu và không biết cổng trại chính được đặt ngay sau cổng chùa, tối qua còn dang dở đã được hoàn thành từ lúc nào, cổng trại uy nghi vững chắc mang tên Lục hòa. Khắp sân chùa rộng lớn, các Tiểu trại: Tâm Khuyến, Như Tâm, Nguyên Y, Nhật Thường đang được các trại sinh gấp rút thực hiện, tiếng cười đùa, tiếng hát hòa quyện cùng tiếng búa gõ vào cọc tạo nên những âm thanh rộn rã, chẳng mấy chốc dựng lên những mái lều làm nơi trú ngụ của gần 700 trại sinh ngành thanh thiếu từ các đơn vị trong tỉnh về tham dự.

Nhanh chóng với chiếc camera trong tay, tôi lướt quanh các tiểu trại để tìm người huynh trưởng đã gọi điện thông báo phút 90, hiệu còi phát lệnh của BHD cho cuộc trại vẫn được tiến hành, để chia sẻ với anh niềm vui vì không phải mất số tiền xe đã hợp đồng mà anh phải vất vả thu gom để đưa các đơn vị trong huyện về dự trại.

Đối với trại sinh, các em vẫn hồn nhiên vô tư nào hay biết rằng giông tố đang bao phủ có thể làm tan biến đi niềm vui được họp mặt này, vì từ sáng Thầy Đồng Khánh đã phải lên Xã làm việc, Chính quyền địa phương đã thay đổi sự đồng ý trên nguyên tắc mà trước đó họ đã chấp thuận cho chùa làm công tác từ thiện giúp đỡ đồng bào nghèo qua các phiếu nhận quà được xã cấp phát cho bà con từ trước.

Khoảng 9g thầy về với biên bản của địa phương yêu cầu phải dỡ trại trong khoảng từ 9g đến 12g, đây là công việc tuy đơn giản về mặt lý thuyết nhưng khá nan giải trên thực tế, vì phiếu nhận quà mà địa phương cấp phát dù đã bị thu hồi nhưng không đủ, nên một số người vẫn đến chùa với phiếu quà trên tay mong được nhận. Thầy và Ban tổ chức không biết phải giải thích thế nào để mọi người cảm thông khi niềm tin và hy vọng mà những người dân quê nghèo khó đặt vào những gói quà tuy nhỏ bé nhưng ấm áp tình người do tập thể áo lam Gia Đình Phật Tử Bình Thuận chia sẻ. Và số xe đưa các trại sinh đến theo hợp đồng chỉ đến đón vào trưa hôm sau.

Thường vụ BHD đã họp phiên họp bất thường nơi đất Trại để tìm hướng giải quyết, và không còn cách nào tốt đẹp hơn là giữ vững tinh thần trại sinh nếu xảy ra sự cố, cố gắng thực hiện công việc của mình chỉ gói gọn trong phạm vi nhỏ bé nơi sân chùa. Ban Quản Trại đã đề ra những công việc cần thiết, yêu cầu khối Kỷ Luật và các Tiểu trại thực hiện. Công tác đắp đường huy động toàn thể trại sinh tham gia nơi thôn làng được hủy bỏ, nhưng việc phát quà vẫn được thực hiện để niềm tin và hy vọng của những con người nghèo khổ không bị xói mòn. Và có lẽ không còn gì tàn nhẫn hơn khi ta gieo niềm tin nơi người khác để rồi chính mình lại phản bội niềm tin ấy.

Đúng 12g trưa, cũng là thời hạn cuối cùng mà địa phương yêu cầu phải dỡ xong trại. Thay mặt Ban Tổ chức, người anh trưởng cao niên ủy viên BHD, Trưởng Ban Quản lý Ẩm Thực nhìn đồng hồ mời toàn thể thành viên Ban Cố vấn Trại và các anh chị Trong BHD Trung ương vừa đến dùng bữa cơm trưa, ngoài kia đâu đó vẵng lên tiếng hát của các trại sinh trong từng lều trại: “Giờ cơm đến rồi …” và dù trời đang đứng bóng, các huynh trưởng làm nhiệm vụ với đoàn phục chỉnh tề, che ánh nắng gay gắt bằng chiếc mũ tứ ân vẫn không rời bỏ vị trí của mình, thi hành mệnh lệnh: Không để cho những ai mặc thường phục vào chùa nếu không có lý do chính đáng và trại sinh không được phép ra ngoài khu vực trại nếu chưa có sự chấp thuận của Khối kỷ luật..

Dùng cơm xong, tôi theo đoàn áo lam ghi nhận hình ảnh việc trao quà cho đồng bào tại xã Thanh Xuân cách đó gần chục cây số, điểm phát quà trước đó được địa phương này chọn ở ngay trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Xã. Thật tiếc, tương tựa như tại chùa, địa phương nơi này đã được lệnh từ đâu đó, không cho người dân nhận quà tặng. Cán bộ địa phương đã yêu cầu đồng bào trở về chờ giải quyết sau. Thấy chúng tôi đến, một số ít người còn lại thật mừng rỡ kéo nhau quay lại nhất là những chú bé con với nước da ngâm đen đi theo mẹ chạy reo hò, tung tăng theo xe tải chở quà. Hầu hết là người dân tộc, tôi thật xót xa khi biết phần lớn họ đã về vùng đồi núi dưới trưa hè oi bức sau khi được Ủy Ban giải thích rằng buổi phát quà đã bị hoãn. Liên hệ với người cán bộ trẻ tuổi trực ban, tôi cảm thông với cậu ấy khi phải chấp hành lệnh từ cấp trên, đành thờ ơ trước những đôi mắt mong đợi tràn đầy niềm vui. Quà đã chở đến, không lẽ lại đem về, Anh Thiện tâm quyết định gởi lại nơi ấy nhờ địa phương trao lại, không thể để người dân mất niềm tin vào phiếu nhận quà do chính ủy ban cấp phát. Bắt tay từ biệt người cán bộ trẻ để quay về, tôi chân thành trao đổi: “Đây là việc từ thiện mà chùa muốn chia sẻ với đồng bào theo hạnh nguyện của những người con Phật. Chú nghĩ rằng dù thế nào đi chăng nữa cũng nên trao quà cho những người còn ở lại này, vì họ chờ đợi đã quá lâu”. Cậu cán bộ nhỏ nhẹ đáp: “Vâng”. Tôi thật yên lòng với câu trả lời ấy và tin rằng cậu sẽ thực hiện như lời đã hứa, trên đường đi tôi đã thầm cầu xin: “Cho tôi một niềm tin”.

Trong lúc chúng tôi thực hiện công tác từ thiện tại xã không được trọn vẹn thì, đúng theo chương trình đã định, Lễ khai mạc Trại Lục Hòa được tiến hành tại chùa Huệ Đức dưới sự chứng minh của quý chư tôn đức và sự chủ tọa của quý anh chị trong BHD Trung Ương. Để tránh những sự cố xảy ra làm ảnh hưởng không tốt tác động đến tâm lý trại sinh, khối Kỷ luật với những anh chị đang trực trước cổng chùa đã thực hiện mệnh lệnh của Ban Quản trại một cách nghiêm ngặt, nên lời mời của Địa phương chỉ chuyển đến Đại đức Trụ trì sau khi lễ được hoàn mãn. Thầy đã cùng 3 huynh trưởng trong ban tổ chức nhanh chóng đến xã theo yêu cầu.

Trước tình hình khó khăn ấy, Ban quản trại đã phải thay đổi kế hoạch, thay vì thời gian thể hiện công tác xã hội thiết thực cho địa phương, Trại đã chuyển qua hình thức sinh hoạt giao lưu với những trò chơi tập thể lôi cuốn mọi thành viên tham gia.

Một khoảng thời gian sau. Các anh theo thầy đến Ủy Ban trở về trao đổi với Ban Tổ chức diễn tiến công việc trong buổi họp, qua đó anh đã trình bày những khó khăn thực tế nếu thi hành theo quyết định giải tán trại lúc 17g30. Gần 700 con người sẽ ra khỏi chùa, tràn ra đường, sẽ đi đâu khi xe đưa đón theo hợp đồng chiều mai mới đến? Nội dung Biên bản làm việc với Ủy Ban xã mà Thầy đã ký, được nêu ra để tìm hướng giải quyết. Tôi nhìn đồng hồ, chỉ còn chưa đầy hai giờ nữa là đến thời điểm cuối cùng ghi trên tờ biên bản lần 2 để giải tán trại. Không khí thật gây cấn. Theo thói quen một cách vô thức, anh Chánh Định đưa tay, cầm lên một điếu thuốc định châm lửa, thì Chị Diệu Lãng đã nhanh chóng cản ngăn. Có lẽ vì quá căng thẳng anh lớn tiếng phản đối:

– “Chị cho em cầm điếu thuốc hay muốn em giơ hai tay đầu hàng?”

Lời phản đối đã phá vỡ những băn khoăn, bồn chồn khiến mọi người cười vang. Chị Diệu Lãng cũng mỉm cười cảm thông khi ánh lửa được đốt lên khởi đầu cho làn khói mong manh lan tỏa, làn khói đó chính là dấu hiệu sự quyết tâm đưa Trại đến giây phút cuối cùng. Ngoài sân chùa tiếng cười đùa hồn nhiên của các em trại sinh vẫn vang vọng và bếp lửa từ các khu vực trại đã bắt đầu tỏa lan để chuẩn bị cho bữa cơm chiều.

Thời khắc vẫn chầm chậm trôi qua trong khu vực lưu trú của Ban tổ chức, trong lòng các anh chị chịu trách nhiệm, nhưng thật nhanh ở ngoài sân, bóng chiều đã nhạt nắng và màn đêm dần bao phủ, khu vực trung tâm lửa trại đã chuẩn bị sẵn sàng để rồi bừng sáng lên khi đội nhảy lửa tiến hành nghi thức khai lửa mở màn cho đêm văn nghệ. Nơi đây bầu trời vẫn yên lành cho giọng ca, tiếng hát vang cao. Nhìn các em hồn nhiên thể hiện bằng tấm lòng trong sáng của mình một cách tự tin, tôi càng thêm vững lòng trên con đường phụng sự mà tôi đã chọn khi phát nguyện làm huynh trưởng Áo Lam GĐPTVN. Chúng tôi còn nhóm lên những ánh lửa trại để xóa đi những bóng đèn mờ từ các quán café đêm, những bóng đèn nhấp nháy nơi vũ trường đã tác động đến cuộc sống sa đọa của thanh thiếu niên.

Lửa trại đang ở giai đoạn cao của cung bậc thì bỗng dưng điện bị cúp, âm thanh bị hạn chế nhưng vẫn không gây trở ngại bởi sức sống đang tràn dâng. Nó chỉ bị dập tắt khi trời đổ mưa, cơn giông như trút nước khiến đất trại ngập đầy nước vì thế đất trũng so với mặt đường và các vùng phụ cận chung quanh. Mọi người ai cũng ướt, các phòng ốc trong chùa được thu gọn để làm chỗ trú cho tất cả trại sinh, mỗi không gian mà mưa không hắt đến chỉ đủ giúp cho tất cả trại sinh có một chỗ ngồi qua đêm … Lo sợ pin của máy quay không đủ điện để ngày mai tác nghiệp, tôi tìm cách trở về phòng trọ và thật ngạc nhiên khi đèn đường vẫn sáng, chỉ những ngôi nhà quanh chùa mới chịu cảnh tối tăm …

Sau một đêm mưa bão phủ lên toàn trại, trời lại sáng, trong niềm vui của anh chị trưởng vì trại sinh ai nấy đều khỏe mạnh vui cười ca hát, niềm vui ấy còn lớn hơn bởi nỗi lo bởi áp lực yêu cầu giải tán trại đến bây giờ không còn nữa, vì dẫu sao kế hoạch trại tương đối đã hoàn thành, dù phải thay đổi về phương thức thực hiện bởi những yếu tố tác động khách quan, việc cứu trợ đồng bào khó khăn cũng thực hiện được ít nhiều, quà đã gởi đến các nơi như đã định, tuy không được thể hiện trực tiếp, nhưng lòng từ của những người sống theo hạnh nguyện Phật chắc chắn sẽ được mọi người cảm nhận. Công tác xã hội với nhu cầu thiết thực đắp sửa đường nông thôn đành phải hủy bỏ vì quy định sự sinh hoạt của Áo lam chỉ gói gọn trong sân chùa. Cũng như thế, kế hoạch trò chơi lớn tỏa ra để gắn kết với công tác xã hội được Ban Quản Trại gác qua, mà thay vào đó là chương trình sinh hoạt giao lưu kết thân tại các tiểu trại được tiến hành.

Để tránh những khó khăn trở ngại cho những việc Phật sự của Chùa sau này, Ban quản Trại quyết định cho hạ một số lều của các Tiểu trại Nhật Thường, Như Tâm ở khu vực có những lều trại được dựng bao bọc vòng ngoài của sân chùa.

Tuy vậy, cán bộ địa phương không mặc sắc phục cũng lại tìm đến gặp gỡ Thầy trụ trì với yêu cầu giải tán. Cuối cùng họ cũng đạt được sự đồng tình: Toàn trại Lục Hòa sẽ kết dây thân ái khi mặt trời đã đứng bóng.

Đó cũng là thời gian dự kiến kết thúc của Ban Quản Trại.

Tôi lên xe mà không kịp chào từ biệt Thầy trụ trì và các anh chị huynh trưởng địa phương. Nhất là người huynh trưởng đã xác nhận thời khắc của phút 89, là thời khắc kiên quyết, trước khi hiệu còi thông báo: “Trại vẫn được tiến hành” của anh Trưởng ban vang lên xác định thời điểm phút 90 để kết thúc buổi họp bất thường của Thường vụ, nhưng cũng là lệnh để các đơn vị GĐPT Bình Thuận khởi động lên đường họp trại …

Thế đấy, chúng tôi đã đến thật âm thầm và lại ra đi trong lặng lẽ …

631 lượt xem