Đại Lễ Phật Đản

Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
 
Từ ngày mồng 8 tháng tư âm lịch chúng ta đã vào mùa Phật Đản. Trước năm 1959 các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam tổ chức ngày lễ chính thức vào ngày mồng 8 tháng tư. Do ảnh hưởng từ câu chuyện vua Hán Minh Đế Trung Hoa cổ đại cách đây hơn 2000 năm.


Hán Minh Đế họ Lưu, tên Trang, Thái Tử nhà Đông Hán Quang Võ Đế, sau khi lên ngôi xem trọng nho học, tôn kính người già. Vào năm Vĩnh Bình thứ 7 (năm 60 sau công nguyên), nhà Vua mộng thấy một người thân vàng, cao một trượng sáu, cổ đeo vòng nhựt luân, hào quang phát ra sáng chói khắp bốn bề, thuần một màu vàng, bay đến cung điện. Nhà vua thấy lạ, sáng sớm hôm sau truyền quan thái sử Phó Nghị vào cung hỏi về điềm mộng ấy kiết hung thế nào. Thái sử Phó Nghị tâu với nhà vua: “thần nghe nói bên phương Tây (Thiên Trúc) có vị Thánh, còn gọi là Phật, theo như lời của Bệ Hạ vừa kể, thì người trong giấc mộng đêm qua chính là Phật vậy.” Nhà Vua bèn phái đại quan Thái Âm, cùng đoàn tùy tùng tổng cộng gồm 18 vị đi Tây Trúc thỉnh Kinh. Phái đoàn đi đến nước Đại Nguyệt Thị thì gặp hai vị Thánh Tăng là Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, chở tượng Phật, xá-lợi và kinh (kinh chép trên lá bối) cũng đang trên đường sang phương Đông truyền bá Phật Giáo. Nhân đó, họ bèn thỉnh hai vị cao tăng, về đến thành Lạc Dương. Hán Minh Đế hay tin lòng vui vô hạn, Ông đích thân đón tiếp hai vị cao tăng, sau đó cho xây dựng Chùa Bạch Mã, làm nơi để họ dịch kinh.
Vua sai thợ khéo khắc các sự kiện trên đây trên bia ký và ngày mà Hán Minh Đế nằm mộng thấy người vàng là ngày mồng 8 tháng tư theo lịch Trung Hoa. Kể từ khi Phật giáo Đại thừa truyền qua các nước khác thì họ đều lấy ngày mồng tám làm nghề lễ chính trong khi các nước Phật Giáo Nam Tông vẫn lấy ngày trăng tròn (15) tháng Vesak (Vaishākha, tháng 2 Ấn Độ tức là tháng 4 âm lịch) làm lễ Tam hợp (Đản sinh-Thành Đạo-Nhập Niết Bàn). Thời gian này kéo dài đến năm 1950 khi Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Colombo, Srilanka (Tích Lan), 25 tháng 5 đến 8 tháng 6 năm 1950, 26 nước là thành viên thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng âm lịch. Phật Giáo Bắc Tông chỉ công nhận Đại lễ Phật đản chung với Phật giáo Nam Tông thôi còn các sự kiện Thành Đạo (Mồng 8/chạp), Nhập Niết Bàn (rằm tháng 2) thì vẫn giữ nguyên ngày lễ vía. Còn về sử kiện tuổi tác thì hai bên vẫn khác nhau: Thí dụ như Phật Giáo Bắc tông ghi năm Xuất gia là 19 tuổi, Thành Đạo là 30 tuổi thì Nam tông ghi  năm xuất gia là 27 tuổi và Thành Đạo là 35 tuổi….

Khi đọc các tài liệu ghi các sự kiện lệch nhau như vậy thì các huynh trưởng phải tự biết mà lý giải với các em, do thời gian quá khứ cách đây 26 thế kỷ, lúc đó lịch pháp đơn giản, chữ viết không có nhiều, kinh điển sau khi đức Phật nhập diệt phải tụng truyền khẩu thêm vài thế kỷ mới có lá bối viết kinh nên sử kiện về thời gian không có độ chính xác.

Lễ Phật đản được công nhận là một ngày lễ chính thức được nghỉ tại miền Nam Việt Nam bắt đầu từ năm 1958 do chính phủ thời đó thông qua cho đến 1975. Vài năm trở lại đây mới có ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch là giỗ tổ Hùng Vương mới được xem xét cho nghỉ lễ mà thôi.

Ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 nước, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp quốc, những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi. Phật Giáo Việt Nam cũng được ủy thác tổ chức lễ Vesak một lần tại Hà Nội, đa số đều được tổ chức tại nước Phật Giáo Thailand.

Nghi thức Tắm Phật còn gọi là “Mộc dục kim thân” đã sớm được tổ chức từ thời Lý-Trần, lễ hội Phật Đản đã được tổ chức trọng thể. Lễ tắm Phật là một nghi thức rất quan trọng. Sách An Nam chí lược của Lê Trắc thời Trần chép: "Mài trầm hương, hòa hương với nước đem tắm tượng Phật. Dùng bánh tròn tinh khiết để dâng cúng". Ngày nay, người ta thường dùng nước ngũ vị hương (nước nấu bằng các hoa cỏ thơm) dội lên tượng Phật. Cái khăn lau tượng bằng vải đỏ cũng được xé ra chia cho mỗi người một mảnh để cầu phúc.

Nếu các nước, Thailand, Laos, Cambodge đều có ngày tết và lễ hội cầu mưa vào tháng Tư thì có thể nói Lễ tắm Phật ở Việt Nam còn gắn liền với tín ngưỡng cầu mưa của người nông dân. Người ta tin rằng, trong ngày mồng 8 tháng tư, trời thế nào cũng mưa để lấy nước tắm Phật. Và ngược lại, lễ tắm Phật bằng cách dội nước cũng là một hình thức cầu mưa. Người nông dân Việt Nam tin rằng, ngày 8 tháng tư mà không mưa thì mùa màng sẽ thất bát. Đã có câu ca dao:

Mồng tám tháng tư không mưa,
Vứt cả cày bừa mà lấp ruộng đi.

Đây cũng là một sắc thái Phật giáo thấm nhuần trong đời sống Việt Nam như vậy. Lễ hội mùa Phật Đản sẽ kéo dài đến ngày Rằm là lễ chính thức và sau rằm là mùa An Cư kiết hạ bắt đầu.
Nguyên Hoàng

907 lượt xem