Lược thuật Lễ Đúc Chuông tại Chùa Thiền Lâm – ngày 25 tháng Giêng năm Tân Mão – 27.2.2011

Vào những ngày đầu tháng Giêng, sau cái rét kéo dài của Xứ Huế thì ánh nắng bình minh lại trở về trong buổi đầu xuân. Ngày cầu an cho bá tánh và nam nữ cư sĩ, Thầy Trụ trì đã ban Pháp thoại, buổi chia sẻ mang đậm dấu ấn tình người và những phương pháp chuyển hóa nghiệp lực và đau khổ trong đời sống đối với hàng tại gia. Hòa Thượng Bổn sư từ Chùa Tường Vân ra tiếp quản, xây dựng lại chốn già lam Thiền Lâm vào năm 1990 cùng với 10 huynh đệ phát nguyện theo gót chân hầu Thầy làm Phật sự. Ban đầu cảnh Chùa hoang vắng, cảnh vật u tịch, hai thời kinh kệ không được duy trì, duy chỉ còn lại một vị cư sĩ làm người giữ chùa, quét lá, nhang đèn khuya sớm. Bởi thế ngày qua ngày, tháng năm Thầy luôn hết lòng xây dựng chốn Thiền môn ngày càng hưng long, nghiêm tịnh.

Tăng chúng khắp nơi trở về nương tựa tu học chánh niệm, vững vàng. Cơ sở mỗi năm đều trùng tu, sửa sang làm mới. Vì thế khí thiêng Thiền Lâm thảo lư của 400 năm trước nay được tiếp nối theo tiếng chuông Chùa kiên tuệ, rạng ngời từ Đại lão Hòa Thượng Thạch Liêm – hiệu Đại Sán, Đại thiền sư Khắc Huyền của môn phái Tào Động hay mảnh đất này là nơi Hoàng đế Quang Trung lập Cung điện Đan Dương để làm nền tảng vững chắc cho đất nước và một thời lưu giữ hình bóng của thân mẫu Vua Gia Long phát tâm tôn tạo ngôi chánh điện uy nghiêm. Gần đây nhất (năm 2000) là sự chú ý vai trò lịch sử của Chùa nên nhà Văn Hóa Huế, Nguyễn Đắc Xuân, pháp danh Tâm Hằng đã có nhiều nghiên cứu, tìm gốc rễ Lăng mộ của Quang Trung Hoàng Đế, Phủ Dương Xuân, Sử ký Đại Việt toàn thư ghi lại rằng “Nơi đánh dấu vai trò quân sự và việc Quốc mẫu và vương huynh nhà Nguyễn cung thỉnh trên 1.400 vị Tăng lữ hành bộ “ Cổ Phật khất thực” vào Đại Nội thuyết pháp cho Vương triều, làm lễ tế độ muôn dân trước khi lễ truyền thọ Tỳ Khưu của Đại giới đàn năm Ất hợi (1695)”. * 1


Thầy Bổn sư đang bạch chuyện cùng H.T Chơn Thiện tại Tổ đình Tường Vân

 
Phật gia nơi Chư Tôn Đức niêm hương

Hòa Thượng Trú Trì đang chứng minh trước lò đúc Chuông

Cũng trong dịp Đại lễ ngàn năm Thăng Long theo thỉnh ý của vị cư sĩ… từ Hà Nội vào cung thỉnh Hòa thượng Thích Chơn Trí, trụ trì chùa Thiền Lâm và ban kinh sư bổn tự, cung cử trên 20 vị ra thiết lập trai đàn chẩn tế, cúng bạt độ giữa dòng Sông Hồng, dọc theo kênh An Dương Vương cho đến Điện tổ Hùng Vương khai quốc. Đại lễ lập đàn tràng siêu độ được diễn ra trong ba ngày đêm với sự mật hương, trì niệm gồm có Thượng Tọa Thích Lương Nguyên, Thích Tâm Chánh và Đại đức Thích Pháp Lượng, Thích Pháp Lạc, Thích Pháp Hướng, Thích Pháp Đạo, Thích Pháp Từ… đã hành lễ miên mật vào mùa thu tháng 10 năm 2010 (Canh Dần). Những phẩm vật cúng lễ, trai soạn do một gia đình Phật tử dâng cúng, ngoài ra Ban kinh sư đều công đức, làm phương hành đạo. Đây cũng là một cơ hội cho Tăng tín đồ Chùa Thiền Lâm thể nhập tính Pháp sự khoa nghi vào đời sống tâm linh tại Thủ đô ngàn năm văn vật.


Chư Tôn Đức Tăng đang chứng minh trì niệm

Chư Tăng và Phật tử nghiêm cẩn trước buổi lễ gia trì

Đại hồng chung được hoàn mãn, chờ được làm nguội

Trong năm mới Tân Mão, Đại đức Thích Pháp Lượng (Trị sự tại Chùa xứ Quảng Bình) cùng với nam nữ bổn đạo từ các tỉnh như: Nghệ An, Quảng Bình, Hà Nội, …đã vào tận Thừa Thiên Huế để thưa thỉnh với Hòa Thượng trụ trì cho phép các đại gia đình thí chủ …phát tâm hộ đạo, cúng dường một Đại Hồng Chung tám tạ (400 trăm triệu đồng). Hòa Thượng trú trì đã đáp nhận lời hứa khả cho hàng Phật tử tại gia tùy duyên phát tâm tôn cúng, thể theo pháp sự mà làm. Ngay sau rằm tháng Giêng năm Tân Mão vừa xong, Thầy Bổn sư cho triệu họp Tăng chúng và mời thợ Tuấn ở Phường Đức tham dự, thợ Tuấn cũng là một vị cư sĩ có mặt từ rất sớm cùng chăm lo các ngày lễ lớn với bổn tự. Không khí mùa xuân vẫn còn lưu hương giữa chốn kinh kỳ Cố Đô, các lễ hội từ vùng quê lên thành thị cũng đang bắt đầu thi thố. Thế nhưng khung cảnh trang nghiêm, lắng đọng của một thiền môn xứ Huế đã cảm hóa và làm dịu lại những ồn ào của cuộc sống.
Sáng ngày 25 tháng giêng năm Tân Mão – nhằm 27.02.2011, vào lúc 6h30 chương trình niêm hương bạch Phật được cử hành dưới sự chứng minh của môn phái Tổ đình Tường Vân (Hòa thượng Thích Chơn Tế), Chùa Phổ Quang (Hòa Thượng Thích Huệ Ấn), Chùa Phước Duyên (Hòa Thượng Thích Lương Phương), Chùa Quảng Tế (Hòa Thượng Thích Chơn Hương), Chùa Bảo Lâm (Hòa Thượng Thích Giác Quang), Chùa Bảo Quang (Hòa Thượng Thích Chơn Niệm), Chùa Thọ Đức (Hòa Thượng Thích Chơn Phương), Chùa Từ Lâm (Thượng Tọa Thích Huệ Phước) và Tổ đình Từ Hiếu (Thượng Tọa Thích Từ Đạo), Chùa Châu Lâm (Thượng Tọa Thích Thiện Phước), Chùa Viên Quang (Thượng Tọa Thích Phước Cần), Thượng Tọa Thích Lương Nguyên, Chùa Phổ Tế (Thượng Tọa Thích Tuệ Vân), Thượng Tọa Thích Tâm Quảng và Đại Đức Thích Thái Tịnh, Thích Vân Pháp (Chùa Từ Vân) cùng chư tôn Thiền đức từ các tự viện, thiền viện, đồng Chư pháp hữu đã đến gia trì tại khuôn viên Phường Đúc (Anh Minh – nhà đúc Chuông). Buổi lễ cầu gia bị và khai thông nấu đồng diễn ra khoảng 30 phút thì Chư Tôn Đức Trưởng Lão Hòa Thượng đã cùng nhau sái tịnh và hết lòng nhất tâm cầu nguyện cho “Tiếng Chuông Huyền Diệu” được thanh thoát, thập phần thành tựu như lời phát nguyện trước lúc quỳ hương của Tăng Chúng Chùa Thuyền Lâm và ước nguyện của Thầy bổn sư, Đại Đức Thích Pháp Lượng cùng thiện nam tín nữ thập phương bổn đạo như sở cầu. Trong lúc thợ đang rót đồng, hòa quyện tiếng kinh nguyện cầu Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô Lịch Đại tổ sư hộ giới hộ giám già lam thánh chúng, Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát…thì vô vàn sự xúc động và tràn ngập niềm thành kính hướng vọng của quý Phật tử và đã có một số đạo hữu phát tâm thả vàng vào nước đồng, khi những người thợ đang từ từ rót vào thành miệng của khuôn đồng. Không khí của ngày đúc Chuông thật trang nghiêm và là giữa không gian thanh tịnh, tiếng âm ba thức tỉnh tâm người quay về với sự giác ngộ.


Phật tử chắp tay trang nghiêm trước buổi lễ Trai Tăng

Phật tử cung đón Chư Tăng thiết đàn Trai Tăng

Đại diện Tăng Chúng, dâng lời tác bạch cung thỉnh

H.T Lương Phương, H.T Chơn Hương, H.T Huệ Ấn

H.T Chơn Tế, H.T Chơn Niệm, H.T Chơn Phương

Sau buổi lễ Cầu an, khai đàn Thất châu Dược sư, chú nguyện được hoan hỷ hoàn mãn. Hòa Thượng Trú Trì cũng có lời cung thỉnh Qúy Ngài chứng minh, Chư Tăng hộ niệm trở về phương đường Chùa Thuyền Lâm, số 150 Đường Điện Biên Phủ, Phường Trường An, Tp. Huế thọ trai và cho phép Tăng chúng, quý vị thí chủ dâng lễ cúng dường trai tăng đến hơn 50 Chư Tôn Đức Tăng trong ngày trọng đại này. Trời xứ Huế bỗng trở nên hiền hòa, những tia nắng mới cũng bắt đầu tỏa rạng và dòng nước Hương giang sẽ được ngân nga theo tiếng Chuông hai thời sáng tối với câu thi kệ “ lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, Tiếng chuông huyền diệu, đưa về nhất tâm”

“ý về muôn vạn nẻo
Thiền lộ tâm an nhiên
Từng bước gió mát dậy
Từng bước nở hoa sen”.


Phương Đường nơi dâng cúng lễ Trai Tăng

H.T Chơn Trí chứng Minh Đàn Tràng Dược Sư Cầu An
Thế là Chùa Thuyền Lâm cách đây 400 năm, được minh chứng sự truyền thừa, tính tiếp nối, bảo tồn những tinh hoa văn hóa, các giá trị tâm linh truyền thống vẫn còn soi mình với ngàn năm văn hiến qua các thế hệ lịch đại tổ sư, quan thần Cung Điện Đan Dương, Chúa Vương của Phủ Dương Xuân một thời gầy dựng vàng son. Nay với tâm nguyện của bổn sư là lấy Văn Tư Tu làm con đường hành trì giải thoát và mạng mạch là tiếp Tăng độ chúng làm hàng đầu của cảnh sách uy nghi, lấy Bổn kinh làm nhị thời khóa tu hành và lấy phương tiện độ người lữ khách sang sông, lấy tiếng chuông làm bạn tỉnh thức hôm mai.
Nay kính cẩn nghiêng mình, một dạ chí thành sám tạ trước bốn ân sâu nặng “ ân Thầy- sư trưởng, ân Cha mẹ, bạn bè, chúng sinh ” Xin nguyện cầu quốc thái dân an, đàn việt hưởng lạc thái hòa.
Kính ghi tập, Chúng đệ tử xuất gia – (Tỳ Kheo- Thích Pháp Bảo)

   
 
Chư Tăng thọ trai tại Phương Đường

Cư sĩ Nguyên Niệm hầu thăm H.T trụ trì

Đại Đức Pháp Lượng

Nhà Nghiên Cứu Tâm Hằng – Nguyễn Đắc Xuân uống trà cùng với T. Pháp Bảo tại Gác Thọ Lộc.

-Hình Phật tử Nguyên Niệm Cung cấp.
-Bổn Sư và Nhà Nghiên Cứu Tâm Hằng – NĐX liễu tri.

CHÙA THUYỀN LÂM -Thuận Hóa Cố Đô nơi lưu dấu bước chân hoằng pháp của Đại Sư Thạch Liêm – hiệu Đại Sán(1633- 1704) và kỷ niệm ngày giỗ tổ 07.11 Âm Lịch hằng năm.

696 lượt xem