Cảm từ của Đại lão Hòa thượng Thích Thắng Hoan trước Lễ Di Quan ĐLHT Thích Trí Chơn

ĐLHT Th�ch Thắng Hoan, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTNHK đọc lời Cảm từ
ĐLHT Thích Thắng Hoan, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTNHK đọc lời Cảm từ

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư tôn thiền đức hiện tiền,

Kính bạch Giác linh,

Những kẻ xuất trần như chúng ta, đến và đi trong thế gian này như bóng nhạn bay qua trời rộng: hành tất cả hạnh, tu tất cả pháp, nhưng không để lại dấu vết gì. Nghĩa là không đắm trước, chấp giữ nơi sở tri, sở kiến, sở hạnh và sở tu của mình trong bước đường hành đạo.

Cố Đại lão Hòa thượng tân viên tịch, người huynh-đệ thân thiết của tôi, đã có thể đi ngang qua cuộc đời này một cách nhẹ nhàng như thế. Cuộc đời của giác linh là một bài học sinh động của một thiền giả mà chúng tôi muốn lấy đó làm quà tặng, làm gương sáng cho chư vị Tăng Ni thuộc các thế hệ đi sau thế hệ chúng tôi.

Thứ nhất, khi đã suy nghiệm rốt ráo về một vấn đề gì rồi, hãy đặt hết niềm tin vào vấn đề ấy, dù gặp chướng ngại hay cám dỗ nào của cuộc đời cũng không thay đổi: đây là tín hạnh.

Thứ hai, khi đã có niềm tin và chọn được mục tiêu của mình trong cuộc đời, hãy chuyên tâm nỗ lực thực-hiện thật tốt đẹp chọn lựa ấy; miệt mài không biết mỏi mệt, tất cả thời gian, tất cả cuộc đời đều chỉ vì niềm tin và mục tiêu ấy: đây là tấn hạnh.

Thứ ba, dù làm việc gì, đóng vai trò gì đối với thời đại, thì cũng chỉ là giai đoạn, là việc của nhất thời; phải biết cái việc cốt lõi của những sứ giả Như Lai là hoằng pháp, là nối tiếp và trao truyền ngọn đèn giác ngộ mà Đức Thế Tôn để lại, không có con đường nào khác hơn, không có con đường nào cao cả hơn. Đây là huệ hạnh.

Bóng nhạn qua trời tuy không cố ý để lại dấu tích, nhưng đường bay của nó có thể tạo nên những âm ba kỳ tuyệt giữa hư không. Việc sống-chết của cố Đại lão Hòa thượng tân viên tịch là như thế. Quý vị hậu sinh nên khắc ghi bài học từ người và nên hãnh diện là ở trong cuộc đời này, quý vị đã có một bậc thầy xứng đáng.

Riêng cá nhân chúng tôi, đã là một lão tăng đi gần hết cuộc đời của mình trong nẻo đạo, không còn bận lòng việc sống-chết, nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi khi chia tay pháp lữ thân tình của mình. Thưa giác linh, chúng ta cùng một thế hệ, nhập đạo và trưởng thành từ quê hương, cùng góp sức xây dựng cho nền Phật giáo nước nhà từ trong nước ra đến hải ngoại; nay giáo hội vẫn còn trăm việc phải làm, nhiều dự án văn hóa, giáo dục, hoằng pháp, vẫn còn dang dở và mong đợi sự tiếp nối của các thế hệ kế thừa, sao Ngài nỡ bỏ tôi đi trước? Dẫu biết các pháp hữu vi đều như bọt nước, mấy hôm nay tôi vẫn lặng người đau tiếc về sự ra đi của Ngài. Chỉ biết nhìn đàn hậu học nhiệt tâm, giỏi dang, tề tựu đông đảo nơi đây để vui và tin vào tương lai của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại. Đây, Ngài hãy nhìn lần cuối để yên lòng: Tăng Ni các thế hệ sau đã sẵn sàng gánh vác trọng nhiệm hoằng pháp thay cho chúng ta. Thôi thì Ngài hãy cứ đi, thong dong tự tại về chốn ấy, nhưng đừng quên trở lại để tiếp tục bản nguyện lợi sinh của mình.

Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

503 lượt xem