Mùa Xuân và phong tục

Kính thưa quí anh chị,
cùng các em thân mến.

Bốn mùa bắt đầu từ mùa Xuân. Chu kỳ của Dương lịch tính theo mặt trời mỗi ngày thì chu kỳ của Âm lịch tính theo mặt trăng mỗi tháng. Mùa Xuân là một khởi trình mới, chuyển động từ đông giá qua nắng trời ấm áp; chuyển động từ cành khô qua đâm chồi nảy lộc; chuyển động từ tháng Mười Một (11), Chạp (12) qua tháng Giêng (1), Hai (2). Người Á Đông tin tưởng rằng nếu mọi sự khởi đầu tốt đẹp thì sẽ có những kết thúc đẹp đẽ suốt năm nên mọi sự bắt đầu đều phải mới như làm mới nhà cửa, bàn thờ Phật, Tổ tiên, y phục mới, bày trí mọi vật đều mới – chuyện cũ bỏ qua không nhắc tới nữa, niềm tin và hy vọng vào một năm mới đắc thắng, thành công hơn, và cách cư xử giao tiếp đều mới mẻ hơn.

Phong tục Việt Nam hơn 4000 năm văn hiến tính từ đời sống hoang dã, tụ lạc cho đến khi tổ chức thôn làng, phường xã, phủ huyện, kinh đô đến các tổng, thị xã, tỉnh lỵ, thủ đô hay các thành phố lớn với thời gian đều có những sự chuyển biến đổi thay cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, tuy ảnh hưởng nhiều văn hóa, học thuật của Trung Quốc nhưng nền Văn hóa, học thuật của Việt Nam từ xưa đã biểu hiện được tính tự chủ, tự lập về mọi phương diện. Thí dụ như các quan lại, thần dân của Trung Quốc có thói quen hướng về phía bắc tạ lễ các vị vua Thiên triều thì người Việt Nam lại hướng về phương Nam hành lễ. Bằng chứng phổ biến nhất là các “ngọ môn quan” từ kinh thành cho đến thành quách, đền thờ, lăng miếu đều xây cổng tam quan Ngọ môn (Ngọ là phương Nam) để cung nghinh thánh giá, tiếp chiếu chỉ, hay đón các quan lại, thượng khách. Trong Thập nhị chi 12 con giáp, người Hoa sử dụng tuổi Mão là con thỏ bạch; tuổi Sửu là con bò thì người Việt lại đổi thành Mão là con Mèo; Sửu là con Trâu vì đã phát giác đặc tính xung kỵ cá biệt giữa con Chuột (tuổi Tý) và con Mèo (tuổi Mão) gắt gao hơn cả bàng xung và con Trâu ở Việt Nam làm ruộng, kéo xe cần cù chịu khó đa năng hơn con Bò…

Các vị Hoàng Đế phương Bắc hay phong “sắc thần” và ban thưởng đất đai cho các vị quan lại, danh thần, dân giả hữu công sau khi chết, trong đó các vị Thần tài, Phúc thần, Thổ địa, Táo quân, Đình thần… thì người Việt đã ý thức về giáo dục theo phong tục qua các vị thần rất sớm. Thí dụ phong tục thờ ông Táo để biểu tỏ sự quan trọng của lửa bếp qua vị trí đặt bếp, vật liệu làm nhà Bếp không được bén lửa, không được tự ý dời bếp đến chỗ bén lửa; khi nấu nướng phải chú tâm và tắt lửa khi ra khỏi nhà; khi đi chợ chọn thức ăn phải tâm cơ sắp đặt tùy theo tánh ý mỗi người trong gia đình và thời gian nổi lửa phải tương ứng để giữ gìn hạnh phúc trong nhà, mỗi lần thắp nhang cho “ông táo” tự người nấu bếp phải có ý thức như vậy – Ngọn lửa nếu sơ xuất sẽ gây nên đại họa cho cả xóm làng.

Câu chuyện ông Thần Tài lẫn trong đống rác hay ông bà xưa thường khuyên con cháu không nên quét rác ra đường vì sợ quét “tiền của” ra ngoài nhà là sự nhắc nhở về ý thức vệ sinh công cộng, nếu ai cũng quét rác ra đường hết thì phố xá rác rến đến cỡ nào! Nhưng nếu nói theo cách tiền tài bị quét ra đường thì người ta sẽ hốt rác cẩn thận và xem xét đàng hoàng trước khi đổ bỏ. Người Việt xưa có câu: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá” là để chỉ các vị thần chủ coi về đất đai, sông hồ, Vương Trạch là vị thần chủ của các ao cạn, đầm lầy. Cách thờ ông Địa thổ công của người Việt mình là hình tượng đầu quấn khăn, tay cầm quạt, mỗi lần động thổ, sửa chữa nhà cửa thì phải cúng bái xin phép vị Thổ công này cũng giống như ý thức nhắc nhở chúng ta phải trưng cầu ý kiến, han hỏi những thành viên có liên quan đến gia đình hoặc hai bên hàng xóm để tránh sự xích mích mất lòng khi xây dựng, sửa chữa… Khi qua đến Bắc Kinh Trung Quốc chúng tôi mới biết người Hoa ở Lục Địa đã có thói quen thờ và thắp nhang thờ cúng Thần Tài là tượng Bố Đại hòa thượng có mang theo cây ngọc như ý và vác cái bị lớn chứa đầy những nén vàng, cái hình tượng lâu nay chúng ta chọn là tượng Di Lặc, đức Phật đương lai cũng đang bị phong tục dân gian biến hóa thành ông thần chuyên đi ban phát tài lộc tầm thường. Trong khi Phật Giáo Nam Tông từ Ấn Độ đến các nước Tích Lan, Thái Lan, … xưa nay vẫn trung thành hình tượng đức Di Lặc tương lai (Maitreya) trong hình tướng một vị Bồ Tát Thiên tử thân kim sắc (hình).

 

Điều quan trọng nhất là mỗi người chúng ta đều có “hai bên vai giác” hai vị thần đi theo chúng ta như hình với bóng ngày đêm ở hai bên vai ta chuyên môn ghi chuyện thiện, việc ác để nhắc nhở mỗi người phải giữ gìn lương tâm chân thật và trong sáng, dù khi chúng ta chỉ ở có một mình vẫn phải giữ tác phong nghiêm chỉnh giữ gìn ba nghiệp tịnh yên.

Các vị Thần, dù là phong tục dân gian cũng là một sự nhắc nhở ý thức thông thường trong đời sống khi chúng ta chưa đủ ý thức sống giữa mình và mọi người thì rất cần các vị “thần thiêng” này linh ứng để nhắc nhở chúng ta tránh phạm các sai lầm.

Nguyên Hoàng

452 lượt xem