Tiểu sử Hoà Thượng Thích Thiện Minh
(1921-1978)
Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên GHPGVNTN (1964)
Ngài có Thế danh là Đỗ Xuân Hàng, húy Thượng Tâm hạ Thị, hiệu Thiện Minh. Sinh năm 1921 tại làng Bích Khê, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ngài xuất gia từ nhỏ và Quy y nhập Đạo với Đức Đại Lão Hòa thượng Thuyền Tôn Thích Giác Nhiên (Đức Đệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất).
– Năm 1936 – 1939: theo học lớp Sơ Đẳng Phật Học tại Chùa Trúc Lâm, Huế.
– Năm 1939 – 1944: theo học lớp Trung Đẳng tại Phật Học Đường Báo Quốc, Huế.
– Năm 1944 – 1947: theo học Chương trình Đại Học Nghiên Cứu Phật Giáo cũng tại Phật Học Đường Báo Quốc, Huế.
– Năm 1948 Ngài thọ Đại Giới Tỳ Kheo tại Đại Giới Đàn Báo Quốc do Đức Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết (Đức Đệ Nhứt Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất) làm Đàn Đầu Hòa Thượng. Cuối năm này, Ngài được cử làm Hội trưởng Hội Phật Học Đà Lạt kiêm Giảng Sư của Giáo Hội tại Lâm Đồng.
– Năm 1948 – 1952: Ngài lần lược tổ chức những Chi Hội Phật Giáo tại Cầu Đất, Sông Hinh (Blao), Di Linh, Đơn Dương, La Ba.
Song song với việc điều hành các Phật sự tại đây, Ngài đã thành lập các Đơn vị Gia Đình Phật Tử Lâm Nguyên, Cầu Đất, Trại Mát, Trạm Hành, … Tổ chức những Trại Huấn Luyện Đội Chúng Trưởng, Huynh Trưởng Sơ Cấp và Cấp I.
– Năm 1952 – 1956: Ngài được Giáo Hội cử về làm Hội Trưởng Hội Phật Học Khánh Hòa.
Phong trào phát triển Phật Giáo tại vùng Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận trong giai đoạn chấn hưng này, phần lớn là do công trình tổ chức, kiện toàn và đào tạo của Ngài. Sự nghiệp đó đã lưu lại 4 công trình chủ yếu:
1. Kiện toàn tổ chức cơ sở hạ tầng của Giáo Hội và thành lập Ban Trị Sự toàn vùng.
2. Lập Phật Học Viện Nha Trang.
3. Thành lập Trường Bồ Đề.
4. Thành lập những đơn vị Gia Đình Phật Tử đầu tiên. Chỉ trong vòng hơn nữa năm, Ngài đã thành lập được tám (8) Đơn Vị rất vững vàng. Đặc biệt, Ban Hướng Dẫn Miền Liễu Quán được hình thành cũng chính nhờ sự lãnh đạo và chỉ đạo của Ngài.
– Năm 1956: cùng với sự hổ trợ của Chư Tôn Đức Tăng Già Bắc, Trung, nhất là sự cộng tác đắc lực của Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh đã đứng ra vận động tổ chức Đại Hội Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam lần thứ hai tại Chùa Ấn Quang, Sài Gòn.
– Năm 1957: Ngài về Huế, điều hành Phật sự tại Trung Phần.
– Năm 1960: Trại Họp Bạn Ngành Thiếu Gia Đình Phật Tử toàn quốc đã được Ngài nhiệt tình bảo trợ, công tác tổ chức đang tiến hành tốt đẹp thì bị chính quyền ngăn cản không cho phép với lý do “an ninh”.
– Năm 1962: Ngài gởi Hồ sơ kỳ thị Tôn Giáo mà các cấp chính quyền đã gây ra lên Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Và sau đó…
– Năm 1963: Hòa Thượng là một trong những Tôn Túc lãnh đạo Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, đòi hỏi chế độ Nhà Ngô thi hành chính sách Bình Đẳng Tôn Giáo và Công Bằng Xã Hội.
Do đó, Vụ triệt hạ cờ Phật Giáo năm 1963, chỉ là một giọt nước mắt làm tràn bể uất hận chất chứa từ một thế kỷ; chỉ trong thời kỳ trị vì của Chế độ Nhà Ngô, Phật Giáo đã chịu đựng mọi sự khủng bố, đàn áp trắng trợn.
Riêng về Gia Đình Phật Tử: Huynh Trưởng Phan Duy Trinh bị sát hại dã man tại Huế năm 1955, sau khi dốc toàn tâm lực đóng góp việc tổ chức rước Xá Lợi Phật, nhiều Huynh Trưởng bị cưỡng bức qua Tôn Giáo khác, bị bắt bớ tù đày. Nhiều nơi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử bị trở ngại. nhưng tất cả những đe dọa ấy chẳng làm sờn lòng một ai.
Chính vì vậy, khi cuộc Vận động vừa được khởi xướng, thì Gia Đình Phật Tử đã có mặt ngay từ những giờ phút đầu tiên và đã đóng góp xương máu không ít cho sự trường tồn của Đạo Pháp với quyền sống và quyền bình đẳng của Con Người – Tám Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử: Oanh Vũ Nam Đặng Văn Công, Nguyễn Văn Đạt, Oanh Vũ Nữ Nguyễn Thị Ngọc Lan, Huyền Tôn Nữ Tuyết Hòa, Thiếu Nữ Lê Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Phúc, Trần Thị Phước Trị – bị thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế, Thiếu Nữ Quách Thị Trang bị bắn chết tại Công trường Diên Hồng, Chợ Bến Thành Sài Gòn, cùng với hàng ngàn Huynh Trưởng và Đoàn Sinh trên khắp toàn quốc đã bị đánh đập, tra tấn, tù đày, … mang cả tật nguyền cho đến ngày hôn nay.
– Năm 1964: Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, Ngài được suy cử trong cương vị Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên.
Trong thời gian này, ngoài Gia Đình Phật Tử mà Hòa Thượng đã dày công kiện toàn và phát triển, các đoàn thể Thanh Niên, sinh Viên, Học Sinh, Hướng Đạo và Nhu Đạo Phật Tử cũng đã được Hòa Thượng quan tâm thành lập và đoàn ngũ hóa.
– Năm 1965: Ngài lãnh đạo cuộc vận động đòi hỏi Chính phủ Dân cử. Nữ Huynh Trưởng Đào Thị Yến Phi tự thiêu tại Nha Trang, để phản đối Chánh Phủ đã phong tỏa và tấn công Chùa Chiền.
– Năm 1966 – 1967: cuộc vận động đòi Quốc Hội Lập Hiến, quyền Tự Quyết Dân Tộc; và đòi hủy bỏ sắc luật 23/67 – mầm mống của sự phân hóa Giáo Hội do Chính Quyền gây tạo. Ngài bị mưu sát và bị thương nặng. Huynh Trưởng Nguyễn Đại Thức bị bắn chết tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn I, Huế, Thiếu Nữ Đào Thị Tuyết tự thiêu tại Sài Gòn và Thiếu Nữ Nguyễn thị Vân tự thiêu tại Thành nội Huế…
– Năm 1969: Ngài bị Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bắt giam với bản án 15 năm tù cấm cố. Sau nhiều phản ứng và chống đối từ khắp nơi trong và ngoài nước, kể cả sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ, Hòa Thượng được phóng thích bằng một Quyết Định Đặc Biệt của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
– Năm 1970: Ngài tham dự Hội Nghị Tôn Giáo và Hòa Bình tại Tokyo, Nhật Bản.
– Năm 1973: Hòa Thượng Thích Thiện Hoa viên tịch, Ngài đảm nhiệm Chức vụ Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo.
– Năm 1974: Ngài được Đại Hội Cung Thỉnh Cố Vấn Hội Đồng Viện Hóa Đạo; sau đó, Ngài tham dự Hội Nghị Tôn Giáo và Hòa Bình tại Louvain, Bỉ.
– Ngày 30/04/1975: Cộng Sản cưỡng chiếm Miền Nam…
– Ngày 28/03/1978: Công an khu vực Trương Minh Giảng ra lệnh trục xuất Ngài ra khỏi Trụ sở Tổng Vụ Thanh Niên, 294 Công Lý Sài Gòn.
– Ngày 13/04/1978: Cộng Sản bắt giam Ngài tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia Cũ, rồi chuyển qua Trại Phan Đăng Lưu… và Ngài đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 17/10/1978, sau 6 tháng 5 ngày bị nhốt trong hầm tối, lột bỏ áo quần, liên tục bị đánh đập, tra tấn dã man.
Hòa Thượng Thích Trí thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo là một trong số rất ít người được phép đến thăm và nhìn thi thể của Ngài lần cuối. Khi Hòa Thượng Thích Trí Thủ dở tấm vải che mặt, những người hiện diện xúc động thấy khuôn mặt của Ngài bầm đen và râu tóc trắng xóa mọc dài. Những gì có thể thấy được và biết được về Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh chỉ có thế. Nhà cầm quyền Cộng Sản muốn gói trọn cả thi thể và những tin tức về cái chết của Ngài tại Khu rừng Hàm Tân hẻo lánh, nhưng họ không ngờ, chỉ ba ngày sau, các đài phát thanh và các hãng thông tin quốc tế đều cùng loan đi các tin tức về cái chết của Người…
Đài Phát thanh BBC đã phổ biến bản tin ngắn đầu tiên làm xúc động Thế Giới: Thượng Tọa Thích Thiên Minh – Chiến lược gia của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Người đã từng ở tù trong cả ba chế độ, hôm 17/10/1978, đã bỏ mình trong một nhà tù Cộng Sản.
Suốt cuộc đời phụng sự Đạo Pháp và Dân Tộc, Ngài là tấm gương sáng cho Thế hệ ngàn sau. Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Người đã Sống – cái Sống của Con Người đương đầu với bạo lực, và khi Chết – cũng là cái Chết của Con Người vô úy trước bạo lực.
Ngài đã ra đi trong niềm đau vô biên của Dân Việt, trong nỗi thương tiếc vô bờ của toàn thể Phật Giáo Đồ. Tuy nhiên, Uy danh của Ngài vẫn sáng ngời không những trên bầu trời Việt Nam mà cả trên toàn Thế Giới.
493 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…