Trong chuyến đi về Huế vừa qua, tôi đã thực hiện được ước nguyện của mình là viếng thăm chùa Từ Hiếu – ngôi chùa tiếp truyền dòng Lâm Tế qua bao đời Tổ truyền thừa, nơi mà chú Tâm Quán (Sư Ông Nhất Hạnh) đã thệ phát xuất gia và trải qua nhiều năm tu tập, nuôi dưỡng sơ tâm, thực hành hạnh nguyện.
Nằm giữa rừng thông yên lắng, oai hùng, Chùa Từ Hiếu hiện tại có hơn 200 quý Thầy và Sư Cô lưu trú, nhưng khi tôi đi vào thì yên tĩnh như không một tiếng ồn, chỉ nghe tiếng suối hát, thông reo, nhắc nhở mình giữ tâm chánh niệm.
Từ trước nhìn vào, khuôn viên của chùa có rất nhiều Tháp của các vị Hòa Thượng đã viên tịch, phía góc phải là tháp Ôn Chí Mậu đang được xây cất. Ngoài ra, còn có nhiều lăng mộ của các vị phi tần của vua, các vị quan Thái Giám đã hộ trì xây cất chùa. Chính giữa là chánh diện chùa nằm uy nghi với lối kiến trúc truyền thống của chùa Huế, hai bên phía trước chánh điện là hai tháp có bia khắc lại kinh, và lịch sử của chùa (tôi chỉ biết vậy, tiếc là không biết chữ Nho nên không đọc được những điều ghi trên bia). Tất cả đều mang vẻ cổ kính, khoác lên mình những rong rêu của thời gian, của vô thường.
Tiếp tục đi về phía sau bên tay trái của chánh điện, tôi bước vào thiền đường, nơi sinh hoạt ngồi thiền của Tăng Thân. Phía trước là bài kệ nhắc nhở
“Vào Thiền đường
Lòng xả buông
Một ngồi xuống
Dứt trầm luân”
Bên trong là bàn thờ Tổ hai bên cột khắc câu “Hộ trì sáu căn mỗi phút mỗi giây đi đứng nằm ngồi tâm chánh niệm”.
Bên tay phải phía trước là tiểu cảnh người mẹ đang cho con bú phía trước ngôi nhà tranh, bên cạnh là phiến đá với dòng thư pháp “Mẹ có biết là con thương mẹ không”.- một tác phẩm thật ý nghĩa để mừng đại lễ Vu Lan.
Rời Thiền đường, sau khi vào thư quán, tôi xuống đồi theo con đường đất đỏ dẫn sang Ni viện để thăm sư cô Sắc Nghiêm- trước khi xuất gia là một Huynh Trưởng GĐPT.
Tôi rất rất mừng khi gặp được Sư Cô. Tôi được Sư Cô cho biết rằng quý Thầy và Quý Sư Cô ở đây vẫn tu học an ổn, không khó khăn như ở Bát Nhã. Mấy ngày vừa rồi trời mưa nên vẫn chưa cắt lúa được. Hôm nay trời nắng lại, mai đại chúng sẽ ra đồng cắt lúa. Tôi hỏi Sư Cô ở Sài Gòn ra đi làm ruộng vậy có sợ đĩa không. Sư cô cười “ Ừ thì sợ chứ, nhưng chưa bao giờ bị đĩa đeo cả.” Nói chuyện được một lúc thì có các Sư Cô đẩy xe bò xuống đồi để đi lấy củi. Tôi đứng dậy và chắp tay cúi chào và nhìn theo những bước đi thong dong của quý Sư Cô. Việc chấp tác có vẻ vất vả nhưng tôi vẫn thấy những nụ cười an lạc trên khuôn mặt và bước chân thảnh thơi của quý Sư Cô khi chấp tác, đó quả là Hiện pháp lạc trú vậy.
Trò chuyện thêm một lúc, tôi từ giã Sư Cô ra về để còn lo công việc. Tôi cảm ơn và xin chụp hình lưu niệm với Sư Cô trước khi ra về.
Tạm biệt nhé, Từ Hiếu, chuyến viếng thăm vội vàng nhưng để lại trong tôi nhiều tình cảm tốt đẹp. Lần tới khi về Huế tôi sẽ lại ghé Từ Hiếu và ở lại lâu hơn để sống với Từ Hiếu, được chấp tác và thiền tập với quý Thầy, quý Sư Cô. Nhất định thế!
909 lượt xem
Tin khác
LÁ THƯ SEN TRẮNG (Bản tin Sen Trắng số 03) BBT Trang Nhà Thế Giới xin đăng tải lại bài sen trắng Vu Lan của Htr Nguyên Tín – Nguyễn…
Thưa quý vị, Quý vị nào có duyên cầm được bản chiêm tinh này, trong mùa xuân Quý mão, xin quý vị hãy mỉm cười với vận mạng của mình,…
NHỮNG NỐT NHẠC THẦM LẶNG Phụng thân mến, Chị cứ ngỡ rằng chị em mình còn có dịp được làm việc chung qua những lần thực hiện kỷ yếu như…
CẢM NIỆM XUẤT GIA 08-02 Nhâm Dần Năm 2022 Ánh trăng thượng tuần tháng hai Ấn Độ dần khuất nơi phía chân trời xa thẳm, in bóng trải dài nơi…