Lời khuyên những ai đang chịu cảnh bất hạnh

Đức ĐẠT-LAI LẠ-MA

 Đây là một chủ đề quan trọng. Tôi đã từng nói về hai loại thoả mãn. Loại thứ nhất dựa trên sự cảm nhận của các giác quan, và loại thứ hai dựa trên cách suy nghĩ của ta.

Trong những quốc gia kỹ nghệ hoá, người ta thường thấy có rất nhiều người không được hạnh phúc. Họ không thiếu thốn gì cả, họ có đủ mọi thứ tiện nghi trong đời sống thường nhật, nhưng họ vẫn không vừa lòng với số phận của mình. Họ tự làm cho họ đau khổ vì ganh tỵ hay vì bất cứ một thứ lý do gì khác. Một số người thì luôn luôn chờ đợi một tai ương nào đó sẽ xảy ra, kẻ khác thì nghĩ rằng tận thế đang gần kề. Những kẻ ấy tự sáng chế ra khổ đau cho chính mình, chỉ vì họ không đủ sức suy nghĩ một cách lành mạnh. Nếu họ thay đổi được cách nhìn mọi vật thể chung quanh, thì nguồn khổ đau của họ sẽ biến mất.

Nhưng một số người khác cũng có những lý do thật sự để khổ đau, chẳng hạn như họ đau ốm thật sự, nghèo khổ hay là nạn nhận của tai ương, hoặc bị ngược đãi một cách bất công. Tuy nhiên trong các trường hợp như thế, họ vẫn có thể biến cải được tình trạng của họ. Trên phương diện vật chất, họ có thể tự săn sóc, có thể quy lỗi cho người ngược đãi họ và truy tố người này ra toà án để đòi bồi thường thiệt hại, họ có thể cật lực làm việc nếu họ không có gì để ăn và để mặc. Trên phương diện tinh thần, họ có thể chọn cho họ một quan điểm tích cực.

Một cách tổng quát, thái độ tinh thần sẽ quyết định cấp bậc khổ đau cho chính mình. Chẳng hạn như khi ta đau ốm, phản ứng tốt nhất là tìm những phương tiện sẵn có để chữa trị : đi khám bác sĩ, chọn một cách trị liệu, luyện tập thân thể theo một cách nào đó…Nhưng thói thường, thì người ta lại làm cho mọi việc trở nên phức tạp hơn, bằng cách tự giày vò khi nghĩ đến số phận đau ốm của mình, và đấy chỉ là cách đem ghép thêm khổ đau tinh thần vào những khổ đau vật chất đã sẵn có. Nếu bịnh tình của ta trầm trọng, thì ta hay nhìn nó dưới một khía cạnh tiêu cực nhất mà ta có thể tưởng tượng ra được. Nếu ta đau đớn ở đầu, ta sẽ nghĩ rằng : « Thật là không có gì vô phúc hơn, chẳng thà đau hai chân thì đỡ khổ hơn nhiều ». Thay vì nghĩ rằng có vô số người phải chịu đau đớn nhiều hơn ta nữa, thì ta lại ta thán như là người duy nhất gánh chịu khổ đau trong thế gian này.

Dù sao thì ta vẫn có cách để chọn một thái độ ngược lại, thí dụ nếu đôi tay bị liệt thì ta tự nhủ : « Tôi không còn sử dụng được đôi tay, nhưng tôi vẫn còn đứng được trên hai chân ». Nhưng nếu đấy là đôi chân, thì ta tự nhủ : « Tôi không còn sử dụng được đôi chân, nhưng tôi vẫn còn đủ sức để di chuyển bằng xe lăn và vẫn còn tay để viết ». Những loại suy nghĩ đơn giản như thế cũng có thể đem đến sự trợ lực cho ta.

Một cách vắn tắt, bất kể trong một cảnh huống nào, ta vẩn có thể phóng nhìn qua một góc cạnh tích cực, nhất là trong thời đại của chúng ta ngày nay, kỹ thuật hiện đại sẽ là một lý do thêm nữa cho phép ta giữ được niềm hy vọng. Không tìm được một cách suy nghĩ nào để làm nhẹ bớt khồ đau do những tình huống thực sự (1) gây ra là một điều không thể tưởng tượng được. Thật hiếm hoi xảy ra những trường hợp mà ta hoàn toàn có lý do để khổ đau, không có một trợ lực nào cả. Trước những khổ đau thể xác, hãy nghĩ đến những khía cạnh tích cực, giữ trong tâm những suy nghĩ ấy, chắc chắn ta sẽ tìm thấy một chút nhẹ nhỏm nào đó trước những đau khổ của ta.

Ngay cả trường hợp bịnh tình trầm trọng và kéo dài, nhất định ta cũng sẽ có một phương cách tránh khỏi sự tuyệt vọng. Nếu ta là một Phật tử, hãy tự nhủ : « Cầu mong rằng bịnh tật này sẽ tẩy uế những hành vi nguy hại mà tôi đã làm trong quá khứ ! Xin khổ đau của kẻ khác cứ ghép thêm vào khổ đau của tôi và tôi xin nhận chịu thay cho họ ! ». Hãy nghĩ rằng vô số chúng sinh cũng đang khổ đau như ta, và hãy cầu mong khổ đau mà ta đang gánh chịu sẽ làm nhẹ bớt khổ đau của kẻ khác. Nếu như ta không đủ sức suy nghĩ như thế, thì chỉ cần đơn giản hiểu rằng ta không phải là người duy nhất phải chịu khổ đau, mà rất nhiều người khác cũng rơi vào hoàn cảnh như ta, ý nghĩ ấy cũng sẽ giúp ta chịu đựng dễ dàng hơn những khổ đau của chính mình.

Nếu bạn là một người theo Thiên chúa giáo và bạn tin vào Thượng đế như là một Vị đã sáng tạo ra vũ trụ này, thì hãy tự an ủi bằng cách nghĩ như thế này : « Sự khổ này thật tôi không muốn, nhưng nhất định nó có một lý do, vì Trời do lòng từ bi mà cho tôi sự sống ».

Nếu bạn là người không theo một tôn giáo nào cả, thì nên nghĩ rằng nỗi bất hạnh mà bạn đang phải gánh chịu, dù cho nó khủng khiếp đến đâu, thì bạn cũng cứ xin nó chỉ xảy ra cho bạn mà thôi. Dù cho bạn không tin gì hết, nhưng thử tưởng tượng chỗ đang làm cho bạn đau đớn có một luồng ánh sáng thấm vào đó và hút hết sự đớn đau, và sau đó bạn thử nhận xét xem bạn có bớt đau hay không ?

Có những điều bất hạnh xảy ra một cách đột ngột, không sao tránh đưọc, chẳng hạn như cái chết của một người thân. Trong trường hợp đó nhất định không có thể tìm cách dùng ảnh hưởng của mình tác động lên nguyên nhân nữa. Và chính vì lý do không có thể làm gì khác hơn, nên ta phải nghĩ rằng sự tuyệt vọng không có ích lợi gì cả mà chỉ làm cho sự đau đớn trầm trọng thêm. Đấy là tôi nghĩ đến những người không có một tín ngưỡng nào hết.

Có một điều thật quan trọng cần phải làm là đem ra khảo sát sự khổ đau của mình, tìm hiểu từ đâu nó sinh ra, và thử xem có cách gì làm cho nó tan biến hay không. Thông thường thì ta nghĩ rằng ta không có một chút trách nhiệm nào trong những nỗi bất hạnh của ta. Luôn luôn ta đổ thừa đấy là do lỗi của kẻ khác hay là một thứ gì khác. Nhưng riêng tôi thì tôi không tin như thế. Chúng ta cũng giống như những sinh viên thi hỏng nhưng nhất quyết không chịu chấp nhận là trước đây chính vì mình không chịu ra sức học nhiều hơn để thị đỗ. Ta nổi nóng và đổ thừa cho một Người nào đó, ta hét lên là mọi thứ hoàn cảnh liên kết để chống lại ta. Ta đem sự khổ đau thứ hai có tính cách tinh thần để ghép thêm vào khổ đau thứ nhất đã sẵn có, chẳng phải đấy là cách làm cho tình thế trở nên tệ hại hơn không ?

Kể cả trường hợp một người thân như cha hay mẹ ta qua đời, thì cũng phải biết suy nghĩ. Hãy nghĩ rằng đến một lứa tuổi nào đó, sự sống sẽ chấm dứt một cách tự nhiên. Khi ta còn ấu thơ, cha mẹ ta làm tất cả những gì làm được để nuôi nấng ta. Hôm nay, ta chẳng có gì để hối tiếc cả (2). Nhất định trong trường hợp cha mẹ ta chết vì tai nạn xe cộ lúc còn trẻ chẳng hạn, thì hoàn cảnh ấy mới thật đáng buồn hơn nhiều.

Ghi chú :
1- « Tình huống thực sự » ở đây có nghĩa là những tình huống « bên ngoài ». Vì có những tình huống do nguồn gốc tâm thần gây ra thì khó dùng một « suy nghĩ » để làm cho nó « nhẹ bớt ».
2- Không hối tiếc cho cha mẹ ta vì cha mẹ ta đã làm tròn bổn phận đối với ta trước khi qua đời. Không hối tiếc cho cuộc đời của cha mẹ mình, nhưng không phải vì thế mà mình không biết ơn cha mẹ, hai việc khác nhau.

578 lượt xem