Về Nguyên Thiều

Phóng viên Sen trắng

 Chiếc xe khởi hành từ lúc nào không biết đưa chị UV Oanh Vũ từ một quận ở phía Bắc thành phố, di chuyển vào hướng nội thành đón chúng tôi vào đúng 03g sáng, rồi tiếp tục đi vòng quanh theo chiều quay của kim đồng hồ, ghé thêm 3 địa điểm nữa để đón các Thành viên của BHD Quốc Nội. rồi trở lại quận xuất phát lúc 5g. Cũng từ đây, xe chạy dọc theo quốc lộ hướng về Bình Định dự lễ Tiểu tường của Hoà Thượng Đệ Tứ Tăng Thống.

Quốc lộ 1 dọc theo bờ biển của tổ quốc, chạy dài từ Ải nam quan đến mũi Cà Mau, bài học địa lý từ thuở ấu thơ tôi đã khắc sâu trong tâm trí gắn liền với sự kiện lịch sử Nguyễn Trãi đã khóc khi phải tiễn biệt Nguyễn Phi Khanh cùng với Hồ Quí Ly và triều thần bị bắt sang Trung quốc (1407). Nghe lời cha, Nguyễn Trãi đã nuốt lệ vào lòng, trở về “Tìm cách rửa nhục cho đất nước”, để rồi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thành công. Ông đã viết lên “Bình Ngô Đại Cáo” (1428) mà ngày nay được xem như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc.

Những năm qua, tôi đã đi trên con đường ấy từ Huế vào đến tỉnh thành cuối cùng Cà Mau nhưng chưa có dịp đi ngược về hướng bắc để đặt chân lên Ải Nam Quan, và có lẽ cả đời tôi sẽ không bao giờ được bước chân đến đó. Có chăng là chỉ đứng ở nơi nào đó, nơi ghi nhận cột Km số 0 mà đầu thế kỷ này người ta đã đặt mốc phân định lại lằn ranh biên giới, để vọng về Ải Nam Quan, để nhớ về tấc đất mà Nguyễn Trãi quỳ khóc tiễn biệt cha.

Chiếc xe đi qua vùng đất mà phía bên trái hiện ra những dãy núi kéo dài, còn bên phải là tiếng đại dương sóng vỗ đã gợi cho tôi bài hát của thời niên thiếu tôi từng hát, và cũng không hiểu từ lúc nào, tôi đã hát lên khe khẽ: “Những nẻo đường Việt Nam, suốt từ Cà Mau về tới Nam Quan, Ôi! những nẻo đường Việt Nam”, bài hát tưởng chừng như đã đi vào quên lãng nhưng lại sống trong tôi mãnh liệt, đã lan đến các anh chị đi cùng trên xe, để rồi chúng tôi hát nối tiếp từ bài này đến bài khác, những bài hát về quê hương ngày xưa ấy đã thấm vào máu huyết thế hệ chúng tôi nhưng lại trở thành xa lạ với tuổi trẻ hiện tại. Còn chúng tôi, những người Huynh trưởng hôm nay cứ mãi băn khoăn trước sứ mệnh của mình, vì đang phải sống trong một thế giới mà ở đó, mỗi một động tác, một thái độ cũng đều có thể bị quy chụp, gán ghép dẫn đến sự an nguy cho sự sinh hoạt của tổ chức. GĐPTVN đâu có tách rời khỏi vận mệnh của đất nước, tuy nó đã bị khước từ trên pháp lý bởi những văn bản của các thế lực, nhưng nó vẫn tồn tại vì nó là một thực thể trong đời sống dân tộc, trong nếp sinh hoạt của đạo pháp. Dân tộc còn đó, Đạo pháp còn đó nên GĐPTVN vẫn còn. Nó còn đó, để vươn lên những khát vọng cho một dân tộc được hồi sinh, cho một nền đạo pháp trong sáng được truyền thừa. Có ai cấm tôi vươn lên những ước mơ đó, cũng như có ai cấm tôi đã hát lên nho nhỏ những bài ca để un đúc niềm tin cho chính mình?

Thế là một năm đã trôi qua, trái đất đã di hành xong một vòng quay quanh mặt trời theo chu kỳ của nó, mà tôi cứ ngỡ mới như ngày hôm qua khi trở về tiễn đưa thân xác Ôn nhập bảo tháp, còn được nghe lời Ôn dạy từ kim khẩu của một vị Tăng thống mà cả cuộc đời đã hiến dâng cho mạch sống của đạo pháp, của dân tộc. Tôi về đây để được quỳ lạy bên tháp Ôn để một lần nữa khắc ghi trong lòng lời Ôn dặn và cũng để sám hối vì một lời hứa mà tôi chưa thực hiện được khi Ôn còn hiện hữu.

Tôi còn nhớ lần trở về thăm, dâng lên Ôn bản tin Sen trắng số 17 trên bìa in hình Ôn đón nhận trái tim Bồ Tát Quảng Đức. Ôn đã cười và hỏi chú thị giả tuổi độ khoảng lên mười: “Con biết ai đây không?”. Chú thị giả đưa mắt nhìn rồi thưa: “Bạch Ôn! Con không biết Thầy này”. Lúc ấy cả tôi và A. Thị Nguyên cùng lên tiếng: “Ôn đó! Chứ ai!” và rồi tất cả đều cười. Lúc ấy, Ôn muốn có một tấm hình này để treo trong căn phòng có bàn Ôn ngồi làm việc, nơi mà Ôn gọi dọn lên cho Tôi và anh Thị Nguyên hai tô mì gói đạm bạc đơn sơ, rồi lẳng lặng ngồi nhìn chúng tôi ăn xong mới chịu đi nghỉ trưa theo lời nhắc của quý Thầy thị giả. Tôi đã hứa sẽ thực hiện cho Ôn tấm hình ấy mà giờ này vẫn chưa thực hiện được. Tôi không quên lời hứa ấy, nhưng lạy Phật, với đời sống thường nhật và với công việc của người làm việc cùng Sen trắng vẫn luôn cuốn hút tôi để rồi giờ đây, tôi phải trở về quỳ bên tháp Ôn dâng lời sám hối. Lời sám hối đã được bộc bạch, nhưng những điều Ôn dạy về vấn đề sinh hoạt của GĐPTVN tôi xin được giữ kín cho riêng mình vì cần phải tôn kính uy danh của một Giáo Hội. Nhưng chắc chắn, là một huynh trưởng, tôi sẽ sống và thực hành đúng như lời ôn dạy.

20 giờ, Chiếc xe đưa phái đoàn đến tu viện Nguyên Thiều, chúng tôi nhanh chóng ổn định nơi nghỉ ngơi và thay đoàn phục. Nhóm sen trắng chúng tôi và một vài anh chị huynh trưởng các tỉnh sau khi dùng cơm tối đã đến viếng tháp Ôn. Nhìn ngọn tháp ẩn hiện trong bóng đêm, thấp thoáng ngọn tháp Chàm mờ nhạt ở phía sau, tôi đã không khỏi bùi ngùi: Quả thật ngọn tháp đã nói lên cuộc sống bình dị của một vị chân tu, một vị Tăng thống từ hơn mấy mươi năm qua đã vì đạo pháp nói lên nỗi khát vọng của dân tộc đang ngập chìm trong các thế lực vô minh. Tiếng nói của Ôn, hình ảnh của Ôn như ánh sao sớm xuất hiện khi trời vừa chợt tối, để rồi sau đó muôn ngàn ánh sao sẽ hiện hữu và tan biến khi ánh dương loé dạng nhường cho một ngày mai tươi sáng.

Trong đêm, các anh chị đại diện BHD các tỉnh thị đã kịp lần lượt vân tập về, để rồi khi kim đồng hồ chỉ 6g sáng ngày 24.7.2009 tất cả đã cùng BHD Quốc Nội cùng đến Linh đường thành kính dâng hương tưởng niệm và đi thành hàng một nhiễu quanh tháp Ôn.

10 giờ Lễ Tiểu tường chính thức được cử hành. Nghi thức thật đơn giản, nhưng thấm thía biết bao vì lễ được cử hành theo Pháp sự do chính Ôn soạn thảo. Quý Thầy và quý Phật tử trở về tham dự không đông như ngày tiễn đưa ôn, với lại theo cách tính của Âm lịch, vì năm nay nhuận nên tại các tự viện có nơi đã cử hành lễ từ tháng trước. Những người mặc áo Lam, đeo huy hiệu hoa sen trắng một lần nữa lại tụ về trước Linh đường cùng Chư tăng ni chú tâm hành lễ.

Trở về Nguyên Thiều lần này, BHD Quốc Nội đã có thời gian trao đổi với BHD Bình Định về các Phật sự, nhận diện những khó khăn mà các đơn vị nơi này đang trải qua. Tôi cảm nhận được sự khó khăn đó trong cái khó chung của tổ chức, và lòng nặng đau khi đặt mình trong bối cảnh sinh hoạt tại địa phương với những áp lực mà các anh chị nơi đây đang chịu đựng và đâu đó tại các địa phương, GĐPTVN cũng phải đang chịu đựng. Người ta đã dùng thế quyền để phát triển một tổ chức do Giáo hội đương thời thành lập với mục đích quản lý sự sinh hoạt GĐPT sau một thời gian dài suốt hai mươi năm thực hiện ý đồ xoá bỏ sự sinh hoạt của GĐPT không thành. Tổ chức này, với Bản Nội Quy và Điều lệ Huynh trưởng cũng mang tên GĐPT trong hệ thống Phân Ban và được cho là “hợp pháp” đã đặt GĐPTVN trong một hoàn cảnh nghịch duyên với bao áp lực của thế quyền lẫn giáo quyền. Cay đắng hơn, tháng 8.2007 một Hội nghị Huynh trưởng của Phân Ban GĐPT đã được tổ chức tại T.P Hồ Chí Minh để san định lại chương trình tu học họ đã chính thức sử dụng danh hiệu GĐPTVN trong khi trong các văn kiện hành chánh tên của họ vẫn là Phân Ban GĐPT.

Ai đó có thể vui mừng vì tính hợp pháp của GĐPT trong sự bảo trợ của thế quyền khi đến chùa sinh hoạt. Màu áo Lam, chiếc huy hiệu Hoa sen trắng và hình thức sinh hoạt của nó có thể sẽ không mất đi bởi sự công nhận trên pháp lý của các thế lực, nhưng tinh thần của Người Áo Lam với sứ mệnh bảo vệ Đạo Pháp và Dân tộc sẽ không còn khi họ tự hoá thân trở thành người xa lạ, thờ ơ với mạch sống của chính Dân tộc này.

Lễ Tiểu tường Hoà Thượng Đệ tứ Tăng Thống hoàn mãn trong bình yên, tôi cảm thấy thương cho những người mặc thường phục làm nhiệm vụ an ninh đã dõi mắt không rời trông chừng chúng tôi ngay từ khi chúng tôi trở về đất Phật này. 12g sau khi thọ thực, chuyến xe được điều khiển bởi người Huynh trưởng không mặc đoàn phục đưa chúng tôi trở về. Em đã không nề hà mà còn vui mừng vì được đưa các anh ghé nơi này nơi kia để thăm các anh chị trưởng. Trên đường đi tôi vẫn hát, hát nho nhỏ để bảo vệ lý tưởng của chính mình.

Phóng viên Sen Trắng

528 lượt xem