Lời khuyên các nhà văn và các nhà báo

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA

 Các nhà văn và nhà báo có tầm ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Vả lại, dù cho đời người có ngắn ngủi đi nữa, thì những gì đã viết sẽ còn lưu lại hàng nhiều thế kỷ. Trong lãnh vực Phật giáo, thì những lời giáo huấn của Đức Phật, của ngài Tịch Thiên và của những vị đại sư khác nhờ ghi chép thành văn bản nên đã được lưu truyền qua những thời gian lâu dài để nói lên tình thương yêu, lòng từ bi và những hành vi vị tha phát xuất từ tinh thần Giác ngộ, và đến tận ngày nay vẫn còn giúp cho chúng ta cơ duyên được học hỏi. Nhiều văn bản khác, tiếc thay, lại là nguồn gốc mang đến nhiều đau thương lớn lao, chẳng hạn như những văn bản quảng bá các hệ tư tưởng cực đoan của chủ nghĩa phát xít và cộng sản. Các nhà văn có khả năng gián tiếp đem đến hạnh phúc hay bất hạnh cho hàng triệu người là như thế.

Đối với những nhà báo thì tôi chỉ nói một cách tổng quát như sau : trong thời đại của chúng ta, nhất là trong các nước dân chủ, ảnh hưởng của quý vị trên dư luận quần chúng và trọng trách của quý vị thật vô cùng rộng lớn. Theo ý tôi, một trong những công việc lợi ích nhất mà quý vị có thể làm là chống lại sự lừa lọc và tham nhũng. Hãy cẩn thận xem xét một cách lương thiện và vô tư những hành vi của các nguyên thủ quốc gia, các vị bộ trưởng và các nhân vật uy thế. Khi việc tai tiếng về tình dục của tổng thống Clinton bùng nổ, tôi rất khâm phục khi thấy vị chủ tịch một nước hùng mạnh nhất Địa cầu phải ra hầu toà như bất cứ một công dân nào khác. Thật hết sức tuyệt vời khi các người làm báo có một lỗ mũi thật thính để điều tra hành vi của các người cầm quyền để vạch ra cho mọi người trông thấy là họ có còn xứng đáng với cử tri của họ hay không. Tuy nhiên việc làm ấy phải thật lương thiện, không thiên vị cũng không được lừa lọc. Mục đích không phải để cho phe mình thắng thế bằng cách nghiền nát thanh danh của một đối thủ chính trị hay một đảng phái đối nghịch.

Người làm báo cũng phải biết khuyến khích và nêu lên giá trị căn bản của phẩm giá con người. Thông thường thì họ chỉ biết quan tâm đến thời sự nóng bỏng, nhất là những gì thật khiếp đảm. Con người trong tận cùng của lòng mình vẫn coi việc sát nhân là một hành vi không thể chấp nhận được và gây ra chấn động trong lòng. Vì thế khi những chuyện sát nhân xảy ra thường làm đầu đề trên trang nhất của báo chí. Những chuyện tham nhũng hay những hành vi tác hại cũng thế. Ngược lại, việc nuôi nấng con cái, chăm lo cho người già yếu hay chăm sóc kẻ bịnh tật thì lại xem đó là những chuyện tự nhiên, không đáng để nêu lên báo chí.

Sự sai lầm nguy hại ấy dần dần ăn sâu vào xã hội, và nhất là những người trẻ khi nhìn vào đấy sẽ quen dần với những chuyện sát nhân, hãm hiếp hoặc những hành vi hung bạo khác và xem đấy là những việc bình thường. Hậu quả là chúng ta sẽ lâm vào nguy cơ có thể cho rằng bản chất con người là hung ác và không có phương cách gì để ngăn chận được sự phát lộ của nó. Và một ngày nào đó nếu chúng ta yên trí một cách chắc chắn sự thật là như thế, thì chúng ta sẽ đánh mất hết niềm hy vọng nơi tương lai của nhân loại. Chúng ta sẽ tự nhủ : nếu không còn cách nào để trau dồi phẩm tính con người và khuyến khích một nền hoà bình chung, thì tại sao ta lại không áp dụng khủng bố ? Hoặc nghĩ rằng giúp đỡ kẻ khác không có ích lợi gì nữa, tại sao lại không phó mặc cái thế giới này để sống một mình, riêng cho ta mà thôi ?

Nếu bạn là một người làm báo, hãy ý thức vấn đề đó và nhận lãnh lấy trọng trách của mình. Dù cho độc giả hay thính giả không ưa thích cách đưa tin như thế, thì vẫn cứ tiếp tục nêu lên những gì tốt đẹp mà những người chung quanh đã thực hiện được.

Hoang Phong dịch, 30.03.09

[Trích trong quyển : Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma (Conseils du coeur), sách được thực hiện với sự hợp tác của Ngài Mathieu RICARD, do Christian BRUYAT dịch từ tiếng Tây Tạng, nhà xuất bản PRESSE DE LA RENAISSANCE, Paris, 2001]

 

556 lượt xem