Lời khuyên những kẻ khuyết tật và những người chăm sóc cho họ

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA

Nếu ta có một thân xác bị khuyết tật, thì trong nơi tận cùng của tâm hồn luôn luôn ta nên tự nhủ dù sao mọi người đều là những con người như nhau. Nếu ta khiếm khuyết một giác quan nào dó, thì tâm thức ta vẫn sinh hoạt giống như tâm thức kẻ khác. Đứng thối chí, hãy tự tìm lấy sự vững tin trong lòng. Ta là một con người, ta có đủ khả năng để làm một cái gì đó cho cuộc đời ta.

Một hôm tôi viếng thăm một trường học cho người câm. Thoạt nhìn thì thấy những đứa bé ấy không thể nào giao tiếp như chúng ta được. Nhưng thật ra chúng đã sử dụng những phương tiện khác để học hỏi giống như bất cứ kẻ nào khác. Ngày nay những người khiếm thị có thể đọc và viết nhờ vào dụng cụ và máy móc. Vài người đã trở thành nhà văn. Tôi nhìn thấy trên truyền hình Ấn độ một người cụt cả hai tay nhưng dùng chân để viết được. Người này không thể viết nhanh nhưng chữ viết thật rõ ràng.

Dù gì đi nữa, không bao giờ nên nản chí. Người nào biết tự nhủ : « Tôi sẽ thành công » thì họ sẽ đi đến đích. Nếu ta nghĩ rằng : « Thật là khó, tôi mất hết hết mọi khả năng rồi, tôi sẽ không bao giờ làm được », tất nhiên ta sẽ khó thành công. Người Tây tạng có một câu châm ngôn như sau : « Đánh mất lòng nhiệt thành ta sẽ không sao ra thoát được cảnh cơ hàn ». Những gì tôi trình bày trên đây tất nhiên không liên quan đến trường hợp những người có não bộ bị tổn thương vì chưng họ không thể suy nghĩ bình thường như chúng ta.

Khi một đứa bé bị tật nguyền bẩm sinh, thì không thể bảo rằng người cha, người mẹ và cả những người khác trong gia đình không hề biết buồn rầu, lo âu và thất vọng. Tuy nhiên nếu nhìn trên một khía cạnh khác, thì sự chăm sóc cho kẻ khác lại là một nguồn hạnh phúc và một niềm vui. Kinh sách Phật giáo khuyên ta nên yêu thương nhiều hơn những ai đang khổ đau và không còn đủ khả năng để tự che chở lấy mình. Càng giúp đỡ họ, ta càng tìm thấy một niềm vui sâu xa và đích thực vì ta cảm thấy cuộc sống của ta hữu ích.

Theo nguyên tắc chung, cứu giúp kẻ khác là hành vi tốt đẹp nhất trong số tất cả mọi hành vi. Nếu như chính trong gia đình ta, ngay bên cạnh ta, có một người nào đó hoàn toàn mất hết khả năng, không còn một phương tiện nào để tự che chở, phải nô lệ cho những khuyết thật không chữa chạy được, thì hãy nghĩ rằng đấy là một dịp may vô cùng quý giá giúp ta tìm thấy sự hân hoan trong việc giúp đỡ một chúng sinh. Ta đang thực thi một việc vô cùng tốt đẹp.

Nếu ta xem việc ấy là một sự bắt buộc và trái ngược với lòng ta, thì ý nghĩa của hành vi sẽ không còn đuợc vẹn toàn, và như thế ta đã tạo ra một cách thật phi lý những khó khăn không đáng xảy ra cho ta.

Hoang Phong dịch, 27.03.09

[Trích trong quyển : Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma (Conseils du coeur), sách được thực hiện với sự hợp tác của Ngài Mathieu RICARD, do Christian BRUYAT dịch từ tiếng Tây Tạng, nhà xuất bản PRESSE DE LA RENAISSANCE, Paris, 2001]

BBT

488 lượt xem