Lời khuyên những người sống tập thể

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA

Đời sống tập thể, nếu được tổ chức dựa vào sự tự nguyện, thì theo tôi đó là một điều rất tốt. Sống tập thể rất chính đáng vì bản chất con người là lệ thuộc vào nhau, người này với kẻ khác. Sống thành tập thể cũng giống như sống trong một gia đình rộng lớn, vì đời sống ấy phù hợp với những nhu cầu cần thiết của ta. Ta gia nhập một tập thể vì nhìn thấy trong tập thể ấy một số những phấm tính nào đó. Mọi người chung sức với nhau. Mỗi người hoàn tất công việc hàng ngày của mình và đồng thời cũng nhận được thành quả từ sự cố gắng của kẻ khác. Theo tôi đấy là một giải pháp mang tính cách thực tiển.

Trong bất cứ một nhóm người nào đều xảy ra những bất đồng chính kiến. Tôi xem đấy là những gì rất thuận lợi. Càng chạm trán với nhiều quan điểm khác biệt, càng có dịp được hiểu biết thêm những gì mới lạ từ kẻ khác và cải thiện được những hiểu biết của chính mình. Nếu ta chống lại những kẻ suy nghĩ khác với mình, thì mọi sự sẽ trở nên khó khăn. Đừng bám chặt vào những ý nghĩ riêng tư mà hãy đối thoại với kẻ khác bằng một thái độ rộng mở. Như thế ta sẽ có dịp so sánh những ý tưởng khác biệt và từ đó sẽ phát sinh một quan điểm mới.

Bất cứ nơi nào, dù trong gia đình hay trong những tập thể khác của xã hội, việc đối thoại với nhau thật quan trọng. Ngay từ tuổi thiếu thời, khi có sự cãi vã xảy ra, nên tránh tức khắc những ý nghĩ tiêu cực, đừng tự nhủ « Phải tìm cách để loại bỏ tên này mới được ». Dù không cư xử đến cái mức độ tiếp tay cho kẻ ấy, nhưng ít ra cũng nên lắng nghe xem hắn muốn bày tỏ điều gì. Hãy tập làm quen với cách cư xử như thế. Nơi trường học, trong gia đình, nếu như có sự cải vã bùng nổ, hãy tái lập ngay việc đối thoại, và dựa vào sự trao đổi ngôn từ ấy để mà suy nghĩ thêm.

Chúng ta thường có thói quen cho rằng khi đã bất đồng chính kiến tất nhiên phải có sự xung đột, và khi đã xung đột thì nhất định sau cùng sẽ có một kẻ thua và một người thắng, hoặc giống như người ta thường nói, sự xung đột sẽ chấm dứt khi nào có một niềm kiêu hãnh bị chà đạp. Tránh đừng nhìn mọi sự dưới khía cạnh như thế. Luôn luôn nên tìm một khuôn khổ thỏa thuận. Cần nhất là phải quan tâm tức khắc đến quan điểm của kẻ khác. Nhất định ta hoàn toàn có đầy đủ khả năng để làm được việc ấy.

Hoang Phong dịch, 25.03.09

[Trích trong quyển : Những lời khuyên tâm huyết của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma (Conseils du coeur), sách được thực hiện với sự hợp tác của Ngài Mathieu RICARD, do Christian BRUYAT dịch từ tiếng Tây Tạng, nhà xuất bản PRESSE DE LA RENAISSANCE, Paris, 2001]

BBT

 

566 lượt xem