Vu Lan năm ngoái, tôi viết được đôi dòng về mẹ tôi. Vu Lan này, tôi muốn viết về ba tôi nhưng ngẫm nghĩ hoài chẳng biết phải viết gì đây? Không phải vì không có gì để viết mà thực ra là vì có quá nhiều chuyện để viết về ba tôi. Ông như một tượng đài đứng sừng sững trước mặt mười anh em tôi. Ông như ánh hải đăng Alexandria soi đường dẫn lối cho anh em tôi, những con tàu nhỏ trong đêm tối giông tố bão bùng giữa đại dương mênh mông của cuộc đời. Ông là cánh đại bàng che chắn cho mười chú chim non ngơ ngác giữa bầu trời bao la, dạy dỗ từ cách bay lượn cho đến phương thức tìm mồi, từ việc ấp ủ bảo vệ cho chí những lúc tung cánh giữa trời xanh…
Biết viết gì bây giờ đây? Thôi thì nghĩ gì viết nấy, không dàn bài, bố cục; không thứ tự thời gian; không việc hay, việc dở. Viết để biết rằng mình còn có một người cha già vốn từ lâu đã là thần tượng của các con; viết để biết rằng mình thương yêu cha biết bao nhiêu và cũng để buồn tủi biết bao nhiêu vì không được ở cạnh ông trong lúc tuổi già bóng xế; để chuyện trò, tranh luận; để làm đôi việc vặt đỡ tay; để hỏi han sức khỏe, bệnh tật; thậm chí chỉ để chơi đôi ván cờ tướng mà cha chính là thầy dạy vỡ lòng cho khi lúc tuổi vẫn còn thơ.
Ấn tượng đầu tiên là chiếc roi mây. Tôi là con trưởng, được hưởng roi vọt nhiều nhất trong mười anh em. Tôi còn nhớ, lúc tôi còn nhỏ, ba tôi mua một khoanh mây về chặt ra làm nhiều đoạn và để khắp nơi trong nhà. Cứ mỗi lần tôi làm chuyện gì khiến ông nổi giận là lập tức ông có ngay cây roi mây trong tay. Và thế là những lằn tím từ lưng, mông cho đến chân tay nổi hằn khắp người tôi. Sau này hỏi ông: Tại sao ba chặt nhiều roi mây vậy? Ông trả lời: Tau mà đánh bằng tay thì chắc là mi chết! Quả vậy, ba tôi nghiêm và nóng tính lắm. Trưa, ông bắt ngủ trưa; chiều, ông bắt học. Mà cái tuổi tôi thời bấy giờ thì ngủ trưa là cực hình, học hành là đày ải. Thế là len lén lúc ông ngủ trưa, tôi bò dậy ra sân chơi lò cò, bắn bi với bạn hàng xóm. Chơi vui thật nhưng rồi khi nghe tiếng ông gọi là biết thế nào cũng được ăn roi.
Tôi còn nhớ dịp hè, lúc chuẩn bị thi vào Đệ Thất, tôi và hai ông anh, một con bà cô, một con bà dì về ở với chúng tôi để ba tôi dạy kèm. Nhà có ba cây mận rất ngọt, xóm thì cổ thụ rất nhiều. Tiếng ve kêu ra rả làm ba anh em học không vô. Thế là len lén rủ nhau leo cây hái mận hoặc đi bắt ve. Chúng tôi chặt hóp (nhánh con của một loại tre) làm cần, bẻ mấy trái đái mít (mít đẹt, không đậu trái được, chỉ có nước hái chấm muối ớt ăn chát miệng mà thôi, vậy mà cũng thích ăn!) để lấy mủ rồi đi “câu” ve. Bắt được mấy con thì ba tôi kêu về. Vậy là nằm sắp hàng ngang trên giường cả ba đứa. Ông anh con bà cô tôi nhát gan, khóc thút thít: Cậu ơi con chừa rồi! Tôi thì tê điếng để ý tới cái roi nhịp nhịp trên mông không biết quất lúc nào, còn ông anh con bà dì thì tỉnh queo. Hình như hắn ta bị quất nhiều quá rồi nên đít chai lì, không còn biết đau nữa!
Nhà tôi dạo đó nghèo lắm. Lương giáo sư tư thục của ba tôi không đủ để chi phí cho cả nhà, lúc đó còn bà nội tôi và hai anh con ông bác mà ba tôi phải nuôi từ lúc một, hai tuổi vì mồ côi. Mẹ tôi xót ruột vì thấy chồng đi dạy mà ăn uống không đủ, thỉnh thoảng rủ chồng đi “kéo ghế”. Ở Huế gọi việc đi ăn tiệm gọi là đi kéo ghế. Thời nhỏ, được đến tiệm ăn, bảnh chọe kéo ghế ra ngồi, có người bưng bê, phục vụ là sướng lắm. Mỗi năm mà được đi kéo ghế chừng một, hai lần là sang lắm, thích lắm. Tôi còn nhớ mãi những lần này và nhớ cả hương vị tô hoành thánh mì Châu Anh, dĩa mì xào Hiệp Lợi mà mãi đến sau này, đi ăn nhiều nơi, “kéo ghế” nhiều chỗ mà không nơi nào sánh bằng. Trở lại chuyện kéo ghế, mỗi lần mẹ tôi rủ ba tôi đi ăn tiệm, ông lại thoái thác và nói với mẹ tôi: Nếu có tiền thì nấu ở nhà cho con cháu ăn với, tui đi ăn một mình nghĩ tới con cháu ở nhà đói, thèm; tui nuốt không vô. Mà khổ, nếu nấu ở nhà thì phải tốn nhiều tiền hơn. Mẹ tôi giữ tiền chi tiêu trong nhà, phải chắt bóp tằn tiện lắm mới rau dưa qua ngày, tiền đâu mà nấu cả nồi bún, nồi phở cho cả nhà ăn! Vì vậy nhiều lúc mẹ tôi phải lập thế, lập mưu mới mời được ba tôi đi ăn để bồi bổ riêng cho ông. Nhà nghèo khổ thiệt!
Tôi thi đậu vào Đệ Thất trường công lập Nguyễn Tri Phương, nơi ba tôi được vào dạy mấy năm trước. Các bạn đồng nghiệp của ba tôi hỏi đùa rằng con anh thi hay là anh thi đó. Về nhà ba tôi gọi tôi ra mà bảo: Mấy thầy hỏi móc họng tau. Ráng mà học đừng để cho tau mang nhục. Vậy là tôi phải cố gắng, không dám rong chơi lười biếng như trước nữa. Cuối niên khóa, tôi được xếp hạng nhất. Ngày lãnh phần thưởng, tôi hồi hộp vô cùng vì không biết mình sẽ được thưởng những gì. Khi được xướng danh, tôi đi giữa hai hàng quan khách, phụ huynh mà trống ngực đánh thình thịch. Lãnh phần thưởng xong, trở về chỗ ngồi, tôi háo hức bóc ngay lớp giấy kính màu gói phần thưởng. Tôi gần như rú lên vì sung sướng. Phần thưởng có đủ những thứ tôi thèm muốn: một quyển Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân, một cây bút Pilot 57 mới tinh nằm trong hộp và một chiếc cặp da xinh xắn bên cạnh mấy quyển tự điển và một bộ sách giáo khoa cho năm Đệ Lục sắp tới. Lúc đó tôi không còn biết tới ai nữa, không thắc mắc tại vì sao phần thưởng của các bạn ít hơn của mình nhiều. Đến mấy năm sau, khi tôi học sút hẳn vì phải lao động để kiếm tiền phụ mẹ, tôi mới được biết rằng phần thưởng năm ấy là do ba mẹ tôi mua thêm những món tôi thích và nhờ giáo sư hướng dẫn gói vào (trước 1975, ở miền Nam Việt Nam, thầy cô dạy tiểu học gọi là giáo viên, trung học gọi là giáo sư, đại họi gọi là giảng viên).
Tôi còn nhớ năm tôi học Đệ Lục, ba tôi sau một buổi dạy, về nhà gọi anh em tôi ra và bảo: Nếu không muốn người ta khinh thì lo mà học. Xong đại học rồi muốn làm gì cũng được; kéo xe kéo, đạp xích lô cũng tốt. Đừng như tau phải bỏ học nửa chừng để bây giờ người ta coi thường. Mà tau thì không muốn tụi bây có một người cha bị khinh rẻ nên năm nay tau sẽ ghi danh học đại học. Hình như ba tôi bị một thầy nào đó ở trường coi thường vì không có bằng đại học nên ông mới tự ái đến vậy. Tôi biết ba tôi hồi trẻ học rất giỏi nhưng vì thời cuộc và hoàn cảnh gia đình nên ông không thể theo học đại học được. Gánh nặng hai đứa cháu và cha mẹ già khiến ba tôi phải lăn lóc với đời sớm bằng một cửa hàng sửa xe đạp và sau đó là đi dạy trường tư. Ba tôi ghi danh vào Đại Học Văn Khoa Huế để rồi bốn năm sau đó lấy cái văn bằng Cử Nhân Giáo Khoa Pháp Văn về nhà “để đó coi chơi”! Việc này khiến anh em chúng tôi không đứa nào dám lơ là chuyện học hành. Cứ nghĩ tới việc làm cho ba giận và buồn là lo mà học.
Năm 1975, sau khi trở về Huế từ Saigon, thấy nhà tan cửa nát, đôi đũa cũng không còn, tôi bỗng chán chường, hết muốn học hành gì nữa cả! Tới trường thì cũng chỉ “lao động” và học chính trị. Một vài đứa bạn cũ, vốn con nhà giàu, trước đây ăn mặc se sua, giày tây đi cồm cộp – khác với tôi quần cũ, áo kaki, chân đi dép lẹp xẹp hoặc thậm chí cả guốc mộc lê lẹp kẹp tới trường – bây giờ lại mặc áo kaki, chân đi dép lốp, ra cái điều ta đây đã “giác ngộ cách mạng”, nhìn mặt thấy muốn chán! Đứa khác, trước đây ăn chay trường, giữa nhà thờ tượng Phật to tướng, giờ tập tành ăn mặn; khai lý lịch, mục tôn giáo ghi rõ một chữ “không” gọn lõn, ngán ơi là ngán! Vì vậy, về nhà tôi nói với ba tôi là con không còn muốn đi học nữa. Ba tôi hỏi: Không học thì làm gì? Tôi trả lời: Con cũng không biết, có thể con đi đâu đó, làm gì đó cũng được chứ tới trường thì chướng tai gai mắt; về nhà thì thấy thiếu thốn mọi bề, ba đi dạy ngày được trả hai lon gạo, để mẹ một mình lo toan ngày cắp giỏ đi khắp hang cùng ngõ hẻm kiếm tiền nuôi con, thấy không đành lòng. Ba tôi bảo: Tùy mi, rồi quay lưng đi bỏ thòng một câu: Nhà mình hết phước! Thế là tôi đành phải nghiến răng tiếp tục tới trường nhìn đám đào kép hạng bét diễn tuồng vì sợ ba buồn.
Lúc tôi đang học năm cuối của bậc trung học, có hôm ba tôi kêu tôi lại hỏi: Mi bồ bịch chi chưa? Tôi hoảng hồn trả lời: Dạ mô có, con không có bồ bịch chi cả. Ông nhắc tôi: Lo mà học, chuyện bồ bịch tính sau, lớn tí nữa hẳn hay chứ giờ đang còn quá nhỏ. Mà này! Chuyện bồ bịch không được giỡn nghe; một là có, hai là không, không được thèo quèo, thoẹt quẹt (theo giọng Huế nghĩa là đùa giỡn, ai cũng muốn vơ vào). Đã có bồ là phải nghĩ tới chuyện xa hơn chứ không phải có bồ cho vui. Vậy là cái thằng tôi lên tới đại học rồi cũng chưa dám có bồ. Quen biết vài cô, đi chơi ít bữa thấy hơi có cảm tình là lo “rút dù”, sợ dây dưa ông già chưởi cho. Ấy vậy mà tới khi có bồ thiệt, báo cáo cho ông thi lại bị ông quần cho một trận tơi tả rồi hỏi: Vậy chứ chừ mi đã liệu định chi chưa? Thằng con tuôn một hơi: ngày này ba mẹ qua thăm nhà người ta, bữa kia làm đám hỏi, lúc nọ thì đám cưới… Ông bố già ngẩn người ra khi thấy thằng con dự tính đầy đủ bèn phán: Để đó chờ mẹ mi về tau bàn lại cái đã. Mẹ tôi lúc đó đang ở Saigon.
Chờ “lâu thật lâu” dù chỉ có một tuần lễ. Mẹ tôi về tới, không biết ông bà bàn tính gì mà rồi ba tôi biểu đưa con Trang về nhà chơi gặp ba mẹ. Tôi chở em về trình diện ba mẹ, ông bà đuổi tôi ra ngoài rồi nói chuyện với em cả buổi. Tôi chạy quanh sân như gà mắc tóc, không biết ba mẹ nói chuyện gì với em, đoán già đoán non không biết hung kiết thế nào. Tới hồi ông bà kêu vô, nhìn thấy em mồ hôi ướt áo, thương em quá chừng vì biết em nãy giờ phải chịu đựng dữ lắm. Chở em về hỏi ba mẹ nói gì mà lâu rứa? Em nói: Ba kể xấu anh, hỏi em: Con có chịu đựng nổi hắn không mà tính lấy hắn làm chồng? Trời ơi, ba tôi! Bêu xấu thằng con với bồ hắn thì làm răng mà hắn còn dám ngó mặt con bồ nữa đây! Rứa mà cuối cùng cái “con bồ” đó đẻ cho hắn hai đứa con gái, tới giờ con gái lớn hắn lại cho hắn một thằng cháu ngoại, còn “con bồ” đó hàng ngày vẫn lo đồ ăn thức uống cho hắn bới xách đi làm. Cám ơn ba!
Dân Huế thiệt khổ! Thiên tai hành bão lụt hàng năm còn thêm nhơn tai gây giặc giã liên hồi. Mới chạy Mậu Thân 1968 dưới làn đạn vèo vèo trên đầu chưa kịp hoàn hồn thì tiếp đến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Gia sản tan nát chưa kịp gầy dựng lại thì mùa xuân 1975 lại phải gồng gánh nhau đi “chạy giặc”. Vậy mà cũng đâu có thoát nổi! Tôi nhớ hồi đó, trước khi thu vén tom góp đồ đạc để đi, ba tôi viết một mớ bảng tên cho mấy đứa em nhỏ của tôi, ghi đủ chi tiết thông tin tên tuổi, cha mẹ, ông bà, quê quán, nhà cửa ở Huế, ở Saigon, bọc nhựa lại rồi may vào mặt trong áo từng đứa cùng với một ít tiền. Hỏi ba thì ba nói để dự phòng,lỡ có lạc đi đâu thì còn biết gốc gác, còn biết địa chỉ để tìm mà về. Đúng là sinh trong thời loạn, chạy giặc có nghề. Hèn gì mới tuổi đôi mươi, ba đã dám lái đò dọc chở ông bà nội tôi và cả nhà vượt Phá Tam Giang đi tản cư. Hèn gì mới tuổi đôi mươi ông đã dám một thân một mình tải gạo từ Huế ra Bắc cứu đói cho bà con năm Ất Dậu.
Cũng chuyện chạy giặc tôi mới biết ba tôi là người tình cảm như thế nào. Năm 1975, chạy vào Danang, rồi sau đó mấy ngày, khi lên tàu thủy vô Saigon, ba tôi bị bỏ lại Danang do đi tìm tôi, tưởng là tôi bị lạc. Trong khi đó thì tôi đã đưa cả nhà ra vịnh Danang và lên tàu bình an. Chờ tôi không được, ba tôi dắt vợ chồng anh chị tôi lên tàu khác, mong là gặp được cả nhà tại Saigon. Đến nhà ngoại tôi ở Saigon, ba tôi hốt hoảng lên vì không có mẹ con tôi ở đó. Thế là tất tả khắp nơi, từ Vũng Tàu cho đến Rạch Giá, ba đi tìm mẹ con chúng tôi. Trong lúc đó thì ở Phú Quốc, tôi hàng ngày phơi nắng phơi gió tìm cách để về đất liền hoặc liên lạc với ngoại tôi ở Saigon. Cho đến khi hầu như thất vọng thì nhờ một bạn Hướng Đạo Sinh ở Saigon ra cứu trợ, tôi mới gởi được thư về cho ông ngoại tôi vì tất cả các thư gởi theo đường bưu điện đều bị hủy, không gởi đi vì sợ có thông tin quân sự. Thư tôi đến nhằm lúc cậu tôi – một đại tá Hải Quân – đang chuẩn bị đi ủy lạo ở Phú Quốc. Thế là cậu tôi tìm đến mẹ con tôi ở trại tỵ nạn Phú Quốc rồi đưa mẹ con tôi về Saigon. Về đến Thanh Đa, gặp được cả nhà, ba tôi ôm tôi và khóc. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ba khóc. Kể cả khi bà nội tôi mất, ba tôi buồn lắm nhưng không khóc, chỉ cắm cúi lo toan công việc tang ma cho bà mà thôi. Thì ra ba tôi chỉ cứng rắn, nghiêm nghị bề ngoài mà thôi! Ba nhiều tình cảm, yêu thương vợ con nhiều lắm chứ bộ. Vậy mà tôi cứ tưởng…! Thiệt ra coi bộ khô khan lạnh lùng vậy nhưng ba cũng nghệ sĩ lắm đó chứ. Cũng làm thơ, cũng chơi nhạc, văn nghệ, thể thao… đủ cả. Hồi anh em tôi còn nhỏ, ba bắt mỗi đứa phải học một thứ đàn, tùy thích. Ba bảo có hát hò, đàn địch, con người ta sẽ sống khác hơn, tốt hơn nhiều. Vậy là anh em tôi cả đám thi vào Trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Huế để mỗi tối ba lại phải đưa đón cho dù trời nắng, trời mưa…
Rồi ba mẹ đi định cư ở Úc Đại Lợi. Ở nhà, con chó Ki vắng chủ, buồn bã bỏ ăn rồi chết. Anh em tôi sợ ba mẹ buồn, bàn nhau giấu biệt không cho ba mẹ biết. Vậy mà tháng sau, tháng sau nữa, ba liên tục viết thư về hỏi: Con Ki ra sao rồi, có chuyện gì rồi sao không thấy tụi bây nhắc nhở chi tới nó? Đành phải nói thật với ba là nó bỏ ăn và chết vì nhớ chủ. Để ý cả đến chuyện nhỏ nhặt, quan tâm đến cả con vật nuôi trong nhà, đó là tính cách của ba tôi.
Còn nhiều, nhiều lắm… Ba day dỗ chúng tôi học, hướng dẫn chúng tôi chơi. Ba là mẫu mực, là ánh đèn dẫn đường cho chúng tôi đi trong đêm tối. Ba răn đe nhưng ba cũng khuyến khích. Ba đòn roi nhưng cũng khuyên giải hết lời. Ba quy y, sinh hoạt Gia Đình Phật Tử từ những ngày còn phôi thai nhưng ba để tự đám con đi tìm Bổn Sư lấy, tự phát tâm quy y lấy. Ba nói: Ba không quy y giùm cho các con từ nhỏ. Để tự các con làm điều đó với chính tâm nguyện của các con. Ngày tôi xin đi sinh hoạt Hướng Đạo, ba đồng ý nhưng nói rằng: Gia Đình Phật Tử mới là chỗ của con. Giờ tôi mới thấm thía câu nói đó. Đúng vậy ba ơi, Gia Đình Phật Tử mới là chỗ của con.
Giờ đây, ba tôi, 82 tuổi, thân thể chưa yếu nhưng tinh thần thì đã xuống lắm rồi. Dạo này ba dễ xúc động, ba dễ lo lắng vì những việc không đâu. Ba cũng quên nhiều, lại ít tự lo cho bản thân. Ba vẫn sống đơn giản, không đòi hỏi, không vui thú một mình. Ba vẫn lo cho các con, các cháu nhưng thực sự, ba đã yếu lắm rồi. Con chỉ mong sao được ở gần bên ba, để cùng ba trò chuyện, đỡ đần vài việc cỏn con nhưng mong muốn ấy cũng ở ngoài tầm tay. Cha con mình giờ xa vời vợi, ba ở Nam bán cầu, con lại ở phía Bắc. Nhớ thương nhau chỉ biết gọi điện thoại thăm hỏi đôi câu. Ba ơi! Anh em con suốt đời nhớ ơn ba, một người cha rất mực thương yêu, lo lắng dạy dỗ các con. Cho dù ba nghiêm khắc, cho dù ba hay rầy la, tụi con vẫn luôn thấy tình cảm ba dành cho các con trong đó. Father’s day sắp tới, Vu Lan cũng cận kề, anh em con luôn nguyện cầu Đấng Cha Lành của muôn loài thùy từ gia hộ cho ba được thân tâm thường lạc để vui sống trong chuỗi ngày còn lại của một cuộc đời vốn rất khắc khổ, hy sinh tất cả cho gia đình con cái, chẳng quản gì đến bản thân!…
Florida, những ngày thương nhớ.
QUẢNG LONG
Viết tiếp về Ba…
Hôm nay kỵ ba. Bốn năm rồi mà như mới hôm qua! Một mâm cơm chay đạm bạc để nhớ ngày. Mấy hôm trước Khánh Trang hỏi mình ba thích hoa chi để mua về đơm. Mình trả lời: Xưa giờ, chẳng thấy ba nói ba thích cái chi cả. Có lẽ nhà nghèo từ thuở còn thơ, cho đến lớn thì hai vai nặng gánh gia đình. Đi dạy về, lúc củ khoai, củ sắn, khi thì một củ đậu là xong. Bữa mô sang thì có ly thơm dầm hay lát chả bông, rứa thôi! Mẹ mình muốn ông đi “kéo ghế” phải lừa ông. Mình còn nhớ khoảng 1988-1989, vô Saigon, mình nói ba đi với con có chút việc mới đưa được ông vô quán uống chai bia và ăn vài cái cánh gà. Cả đời ông không dành riêng cho ông cái gì, tất cả đều cho cha mẹ và hai đứa cháu và sau này là vợ con!
Cha con cả đời khắc khẩu, kể cả khi qua Úc thăm vì ông trở bệnh nặng vẫn còn khắc khẩu. Ba ơi, con ân hận lắm khi nhớ lại những ngày đó!!!
Giờ cúng ba mâm cơm chay, ba có hưởng đâu! Ba ơi, suốt đời con nhớ ba! Đã là ông ngoại mà viết thư cho ba, ba còn trách con dạo này sao chữ xấu! Chữ viết của ba vẫn như xưa cho dù đã quá 80. Con đi làm, ba vô tận bệnh viện hỏi thăm con làm việc ra sao. Con bỏ nghề, ba không nói gì, chỉ than rằng uổng công ăn học. Con qua Úc thăm, ba chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ đi mua cho con những đồ nghề con thích…. Con nhớ hết, ba ơi!
Thương nhớ ba!
Con của ba.
Nguồn: Thư Viện GĐPT
1240 lượt xem
Tin khác
Hàng năm, nhân ngày vía Đức Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật, lam viên GĐPT Cam Ranh – Cam Lâm long trọng kiến lập đàn tràng Hiệp kỵ…
Vào ngày 12 tháng 10 năm Giáp Thìn, Phật lịch 2568 (tức là ngày 12/11/2024) lễ Húy nhật tưởng niệm Giác linh Cố Đại Lão Hòa Thượng Tôn Sư Thích…
Nhân sự tùng sự dịp lễ Tiểu tường Đức Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ – Đệ lục Tăng Thống Gíáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất…
Ngày mùng Sáu tháng Mười năm Giáp Thìn, Phật lịch 2568 (nhằm ngày 6/11/2024), vào lúc 19g00 tại chùa Viên Quang thuộc xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai,…