Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam với Đạo Pháp và Dân Tộc

Pháp thoại của Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh
với các anh chị Huynh Trưởng tham dự Trại HLHT cấp III Huyền Trang

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thưa tất cả các Anh Chị Em.

Trước khi nói đến người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) đối với Đạo Pháp và Dân Tộc, tôi sẽ nói đôi điều về mối tương quan giữa Dân Tộc VN và Đạo Pháp VN của mình. Không phải tự nhiên mà một nhà thơ đã viết lên một câu rằng:

Việt Nam là Phật Giáo, Phật Giáo là Việt Nam.
Ngàn năm xương thịt kết liền.
Tình sông nghĩa biển, mối duyên mặn nồng.

Đúng là Phật giáo với Dân tộc Việt Nam có cái tình sâu đậm như tình sâu, nghĩa biển. Đúng là và Phật giáo VN có mối duyên gắn bó đời đời trải qua trên dưới 2000 năm lịch sử. Bởi vì cái tình đó, cái duyên đó, cho nên nếu có một lúc nào mình phải bỏ làng, bỏ nước ra đi, thì cái hình ảnh của không khí làng nước còn đó, hay hình ảnh của một ngôi chùa vẫn còn nằm trong trái tim của mình.

Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng, có gió, có chùa quanh năm.
Sáng này tôi bỏ quê tôi,
Bỏ non, bỏ nước chao ơi bỏ Chùa!

Trong cái tâm hồn của người VN, bên cạnh cái hình ảnh của non của nước, hình ảnh của mái đình, của cây đa, của giòng sông, của ngọn suối bao giờ cũng có đó bên hình ảnh của mái Chùa. Và nói như một nhà thơ tu sĩ:

Mái Chùa che chở hồn Dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Mặc hình ảnh của một mái Chùa, một tiếng chuông Chùa, hay một cái gì liên hệ với đạo Phật, nó không chỉ là một hình ảnh của quá khứ, mà còn là hình ảnh của nhịp tim cho tương lai. Cho nên một nhà thơ lớn của Dân tộc hiện đại là Vũ Hoàng Chương đã có thể viết được rằng:

Dân tộc ta không thể nào thua,
Đạo Pháp ta đời đời sáng lạng.
Dẫu trãi qua mấy phân ly vạn,
Cũng còn non còn nước,
Còn chót vót mãi ngôi Chùa.

Đó là niềm tin, là lẽ sống, là hy vọng cho cả một nòi giống, cho cả một dân tộc. Và chỉ cần qua mấy câu thơ đó thôi, ta có thể thấy được cái Dân Tộc VN và Phật giáo VN gắn bó với nhau đến như thế nào! Như xương gắn bó cùng với thịt cùng với da. Nó gắn bó như là nước thấm sâu vào trong lòng đất, để từ đó mà nuôi cho cây cỏ, cho vạn vật lớn lên.

Ai đọc lịch sử của Dân tộc, ai nói về lịch sử của Phật giáo VN cũng nói như một câu thuộc lòng: Phật giáo và Dân tộc cùng thăng trầm vinh nhục với nhau. Hễ mà Phật giáo thịnh thì Dân tộc cường thịnh. Hễ mà Phật giáo suy yếu thì Dân tộc cũng suy yếu. Ngược lại, hễ mà Dân tộc này điêu linh tan tác, thì Phật giáo cũng cùng chung cảnh ngộ. Hễ mà Dân tộc này sống trong hạnh phúc, trong thái hòa, thì Phật giáo cũng nhờ đó mà được phát triển một cách tốt đẹp. Thời Lý thời Trần, là những thời đại mà Phật giáo cường thịnh hơn bao giờ hết. Thì cũng chính ở trong những thời đó mà lịch sử dân tộc vẽ vang hơn lúc nào hết cả.

Chỉ cần nói một điều này thôi, một sự kiện lịch sử này thôi: Đế quốc Mông cổ lúc bấy giờ mạnh biết bao nhiêu; đến độ mà đã xâm chiếm và thống trị từng cả một nửa cái địa cầu này đây. Một đế quốc mà đoàn quân của nó lịch sử ghi lại là đi tới đâu, cỏ ở đó không thể mọc lên được. Thế mà, khi đoàn quân đó đến VN, từ Vua cho tới dân đã một lòng chống lại, để giữ vững sự độc lập của dân tộc, được sự toàn vẹn của bờ cõi. Ba lần đối diện với quân xâm lược đó, Dân tộc ta đã không thất bại, Dân tộc đã chiến thắng. Làm thế nào để tưởng tượng được một dân tộc nhỏ bé như dân tộc VN, sống trên một đất nước nhỏ bé như đất nước VN lại có thể ba lần chiến thắng đoàn quân của Mông Cổ. Lúc bấy giờ, nếu như không thấy được ở đó cái tinh thần của Phật giáo đã thâm nhập như thế nào, cái tinh thần tự chủ độc lập mà Phật giáo xây dựng cho con người tự chủ VN thì làm sao có thể giải thích được một sự chiến thắng mà lịch sử vẫn còn ghi lại như thế! Cho nên chỉ với những sự kiện lịch sử đó không thôi, thì câu nói rằng: Hễ Phật giáo thịnh thì Dân tộc thịnh, không phải chỉ là một câu nói đầu môi chót lưỡi! Mà đó là câu nói của lịch sử, đó là cái mà lịch sử VN đã khẳng định. Rồi đến khi dân tộc điêu linh, dưới những gót giầy của kẻ xâm lăng, thì Phật giáo cũng ở trong hoàn cảnh bất hạnh của Dân tộc như thế.

Đừng quên rằng, ở những thời thực dân Pháp xâm chiếm VN, cũng ở thời đó Tăng Ni bị bắn giết như thế nào, Phật giáo bị bức hại như thế nào? Cho nên nói rằng, khi Dân tộc điêu linh thống khổ thì Phật giáo cũng chia sẻ những nỗi thống khổ điêu linh của Dân tộc. Cái đó cũng không phải là lời nói đầu môi chót lưỡi! Mà nó là tiếng nói của lịch sử. Vì vậy, ta có thể nói rằng: Dân tộc và Đạo Pháp VN gắn liền với nhau như xương với thịt, với da; như sữa hòa với nước; như nước thấm sâu vào trong lòng đất. Và cái đó không phải chỉ là lịch sử, mà đó còn là tư tưởng, văn hóa, đời sống tâm hồn của con người VN. Ở nơi một con người VN, dù không phải là một người Phật tử, dù là tín đồ của một tôn giáo khác, ở nơi con người VN này từ trong đáy lòng những câu nói như “Ăn hiền ở lành”, như “Thiện ác đáo đầu …”, những câu nói đó người VN nào cũng thuộc ở trong lòng cả. Và cái đó là gì? Cái đó là đạo lý Nhân Quả của nhà Phật. Cho nên, giữa Dân tộc và Phật giáo khó để mà chia cắt nó ra rằng: Cái này là Dân tộc và cái kia là Phật giáo. Dân tộc và Phật giáo thấm hòa vào nhau. Và cái đó, là người Phật tử VN mình không thể không hiểu.

Bởi Dân tộc và Phật giáo gắn bó với nhau như vậy, ở trong tư tưởng, trong văn hóa, ở ngay ở cuộc sống tâm tình của người VN, mà ca dao, tục ngữ VN bây giờ vẫn còn để lại, cho đến cả những trang sử viết lên bởi xương máu của con người VN, điều đó cho thấy Dân tộc – Phật giáo là một thực tại bất khả phân ly, không thể chia cách tách biệt được. Và cũng bởi vậy cho nên, khi một người Phật tử VN nói rằng: Mình phục vụ cho Dân tộc, cũng hiểu rằng phục vụ cho Dân tộc chính là phục vụ cho Phật giáo đó vậy. Đã có biết bao nhiêu những người con Phật VN, trong những thời ngoại xâm đã từ bỏ chiếc áo nâu sòng của mình để đi ra ngoài góp phần cho sự việc bảo vệ đất nước. Cũng như vậy mà nói rằng: Khi một người phục vụ cho Dân tộc thì chính là người đó đang phục vụ cho Phật giáo. Khi mình phục vụ cho Phật giáo, chính mình cũng đang phục vụ cho Dân tộc đó vậy. Cho nên đối với một người Phật tử VN, khi mà non sông bị chinh chiến, người Phật tử VN không ngại ngùng gì mà không lên đường cứu nước, cứu dân. Với một ý thức rất rõ ràng: Cứu nước cứu dân cũng chính là cứu đạo. Và ngược lại, khi người Phật tử xây đắp nền Đạo của Dân tộc, giữ gìn mối Đạo của Cha Ông, chính mình cũng cho tất cả những thế hệ của con cháu, thì người Phật tử đó cũng đang đóng góp vào sự nghiệp của dân tộc. Và đó là một điều người Phật tử nên thấy rõ.

Có những trường hợp, người ta phục vụ cái này thì phải từ bỏ cái kia, thậm chí phải phản bội cái kia! Nhưng mà đối với người Phật tử, giữa Đạo Pháp và Dân tộc không cần phải có sự chọn bỏ cái này để lấy cái khác. Vì cái này nó nằm trong cái khác, cái khác nó nằm trong cái này. Trong lòng của Dân tộc có Phật giáo, vậy nếu mình có làm cái gì cho Dân tộc, mình đâu cần phản bội Đạo Phật của mình đâu! Bởi vì PG nằm trong lòng của Dân tộc. Cho nên mình không có phục vụ cho Phật giáo, mình không có đóng góp được chút gì cho Dân tộc VN này hết cả.

Lý tưởng phục vụ của người con Phật VN là như thế!

Bởi vì có sự gắn bó như vậy mà người Phật tử VN đối với hai tiếng Dân-Tộc – Đạo-Pháp nó giống như một command word, nghĩa là những từ đi liền với nhau có bốn tiếng không cần chia cắt nó ra bên này và bên kia. Trong Dân tộc có Phật giáo – trong Phật giáo có Dân tộc.

Nhưng mà cái hoàn cảnh của Dân tộc Phật giáo VN hiện nay đang như thế nào?

Không phải tự nhiên, mà cái hoàn cảnh hiện nay phải ở trong một cái hoàn cảnh phân ly nghiệt ngã như thế này! Và cũng chính trong cái hoàn cảnh phân ly nghiệt ngã của Dân tộc cũng không phải tự nhiên mà Phật giáo VN ngày nay phải ở trong cái hoàn cảnh cũng nghiệt ngã, cũng đổ vở mất mát như thế này! Hãy nhìn lại lịch sử đi! Lịch sử của dân tộc VN ngày nay đâu phải chỉ mới là hôm nay, mà nó đã bắt đầu từ lâu lắm rồi.

Nếu muốn, ta có thể lấy cái dấu mốc của năm 1858, năm mà tiếng súng của thực dân Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẳng để mở đầu cho một trang sử mới – trang sử thực dân Pháp xâm lăng VN. Rồi năm 1862, người Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông của Nam Phần. 1867 người Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây của Nam phần. Rồi 1883, 1884 những hoà ước Kỷ Mùi, hòa ước Patrenode ra đời để hợp thức hóa sự thống trị của người Pháp trên đất nước VN này. Guồng máy thống trị của thực dân Pháp trên đất nước VN như thế mà kéo dài cho đến đầu thập niên của thế kỷ 20. Biết bao nhiêu phong trào, bao nhiêu tổ chức của những người con Việt yêu nước đã đứng dậy để mong muốn tìm cách thoát khỏi cái sự khống chế lệ thuộc, để mưu cầu độc lập tự do cho Dân tộc.

Cũng kể từ khi đó, trãi qua trên dưới 80 năm, từ Nam ra Trung Bắc, có năm nào ở trong 80 năm lệ thuộc đó mà Dân tộc VN không tìm mọi cách để đứng dậy đâu! Cha Ông đã đem xương máu của mình để dành lại, để mong được sự độc lập, tự do cho Dân tộc này.

Để đến năm 1930, đảng Cộng sản VN thành lập. Thì cũng kể từ khi đó, đất nước VN này không phải chỉ có một thế thống trị, ngoài thế lực của thực dân, còn có thế lực của Cộng sản thống trị. Như thế cái lịch sử của Dân tộc vẫn nằm ở trong một chu kỳ – tôi muốn gọi đó là “chu kỳ sự lệ thuộc vào những sức mạnh của tây phương“. Chế độ thực dân và cộng sản, đó là hai thế lực của tây phương. Hai thế lực đã khống chế gần như toàn bộ thế giới, trong đó có Dân tộc VN của mình. Cha Ông của mình, các anh chị; Thầy tổ của mình, các anh chị đã từng vùng vẫy như thế nào để mong thoát ra khỏi sự khống chế của hai thế lực này đây? Thành công có, thất bại có!

Rồi đến năm 1945. Lại thêm Nhật đi vào Đông dương. Thế là trên cái mãnh đất VN này, những sức mạnh của thời đại thực dân – cộng sản – phát xít tranh dành cấu xé. Rồi cuộc chiến tranh năm 1946 đến 1954. Và hậu quả của cuộc chiến tranh đó là nước VN bị chia đôi. Một nửa ở miền Bắc đi theo con đường của cộng sản; một nửa ở miền Nam đi theo con đường của tư bản. Dưới ảnh hưởng của người Pháp trước đây và theo sau người Mỹ mình phải thấy hết tất cả sức mạnh của thời đại nó khống chế cái lịch sử của con người, lịch sử của dân tộc để từ trong đó mình nghiệm ra được Cha, Ông, Thầy, Tổ của mình đã tìm một con đường thoát cho dân tộc như thế nào. Mà cho đến ngày hôm nay, con đường thoát đó vẫn chưa mở ra được!

Rồi năm 1954, miền Nam dưới ảnh hưởng của Mỹ tiếp cái chế độ của thực dân Pháp trước đó. Ông Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ Tướng, rồi trở thành Tổng thống của nền Đệ nhất Cộng hòa. Dưới chế độ đó ở miền Nam, Phật giáo đã như thế nào?

Tôi đi tu trong những năm tháng đầu của chế độ này và tôi từng chứng kiến những cảnh những người Phật tử ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bị đưa vào các khu dinh điền trên cao nguyên. Và ở đó người ta đã bắt buộc tất cả đều phải cải đạo để có thể nhận được những tấm tôn, nhận được những lon gạo… Ở nơi đó, tôi từng biết đến có những gia đình theo Phật, thờ Phật mà đâu dám thờ Phật ở trong nhà; chỉ giữ cái bao hương có in hình tượng Phật, để rồi mỗi tối để cái bao hương lên cả gia đình lạy xuống. Ở cái thời đó, thời mà tôi hành điệu, cái câu mà ở trong Chùa nói là: Thà giữ đạo mà chết, còn hơn mất đạo mà sống! Những câu như vậy, các anh chị biết, đâu phải tự nhiên mà có đâu. Hoàn cảnh nghiệt ngã đẩy người Phật tử VN đến cái chỗ nhiều khi phải đem cái thân mạng của mình để mà giữ cái niềm tin Phật ở nơi mình.

Trong khi đó ở miền Bắc, Phật giáo VN dưới sự thống trị của chế độ cộng sản cũng chẳng khá hơn gì. Thậm chí ngay cả Cha đẻ của cái tổ chức Gia Đình Phật tử (GĐPT) VN này, bác sĩ Lê Đình Thám pháp danh là Tâm Minh, đã sống đạo một cách khắc nghiệt như thế nào, đã rũ bỏ tất cả mọi chức tước để trở về ăn chay niệm Phật, ngồi dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm như thế nào? Cũng ở nơi đó, một người Phật tử như ông Nguyễn Hữu Tha, cư sĩ Thiều Chửu, người đã từng dịch Kinh Phật, đã từng viết lên bộ Tự Điển Hán Việt từ sự tự học của mình thôi, một thầy thuốc sống cuộc đời nghèo khổ đạm bạc mà cứu dân, nhưng rồi cuối cùng đã phải chết tức tưởi như thế nào, khi bị dìm xuống sông mà chết!

Cả hai miền, miền Nam miền Bắc, khi mà đất nước chia đôi như vậy – một Phật giáo trong Nam bị đàn áp, một Phật giáo ngoài Bắc bị bức tử – có đâu là nơi chốn an toàn cho Phật giáo có thể đem sức mình đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đạo đức của con người VN. Có ở đâu, mà Phật giáo có thể đem tất cả tinh hoa của mình mà đóng góp cho sức mạnh của giống nòi đâu quý vị!

Ai đọc lịch sử trong những thời đại như thế này thấy được Cha Ông của mình vùng vẫy như thế nào, cái gọng kềm của thế lực bên này và bên kia như thế nào. Rất có thể Cha Ông của mình có những lựa chọn sai lầm. Hoặc người chọn bên này để phục vụ, hoặc người chọn bên kia để phục vụ. Nhưng tôi tin một điều, đó là: Sự lựa chọn có thể là sai lầm, nhưng trái tim của Cha Ông, cái tấm lòng của Cha Ông, cái động lực để cho có một sự lựa chọn như vậy vốn là một cái gì trong sáng, đẹp đẽ biết bao nhiêu, vì không muốn cho Dân tộc bị đô hộ, vì không muốn cho nòi giống bị suy trầm, vì không muốn cho một đạo Phật, một tôn giáo của dân tộc, nền đạo của cả Cha Ông bao đời bị đàn áp mà Cha ông của mình đã đem thân mạng để thử thách, để đi tìm con đường sống cho Dân tộc ngày nay.

Đừng quên rằng ở dưới thời Pháp xâm lăng VN, trên dãy Trường Sơn máu của các người tu sĩ Phật giáo đổ ra không thiếu. Trong các ngục tù của chế độ đó cũng đầy những người tu sĩ Phật giáo. Đến năm 1963, Phật giáo VN đứng dậy, mà có thể xem đó là những biến cố lịch sử, mà Phật giáo VN đã nói cái tiếng nói của mình trước bao nhiêu áp bức, trước bao nhiêu đọa đày ở tại miền Nam đất nước này. Mà đồng thời cũng trong trước sau cái biến cố đó, cuộc chiến VN bùng nổ, bên này và bên kia, Dân tộc nằm ở đâu, Phật giáo nằm ở đâu?

Tôi không thấy Dân tộc nằm ở đâu, cũng chẳng thấy Phật giáo nằm ở đâu! Giữa bên này và bên kia cả! Mà Phật giáo là một kẻ, Dân tộc như một kẻ đang đi giữa hai lằn đạn của cả bên này và bên kia. Cuộc chiến tranh! Ai gọi đó là cuộc chiến tranh Nam Bắc! Cũng được! Ai gọi đó là cuộc chiến tranh ý thức hệ của chủ nghĩa tư bản đối kháng với chủ nghĩa cộng sản! Cũng được! Nhưng đó là cuộc chiến tranh của cả hai bên, bên này và bên kia. Còn Phật giáo bên đâu? Mình đi giữa hai lằn đạn. Bên nào cũng sẳn sàng giết mình. Bên nào mình cũng chẳng nhìn thấy được con đường đi của mình ở đó. Và hoàn cảnh đó kéo dài cho đến năm 1975.

Đến năm 1975. Cộng sản chiếm toàn bộ. Xem như kẻ chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. Để rồi đưa đất nước nằm hoàn toàn dưới chế độ chủ nghĩa cộng sản. Rồi cũng từ hậu quả của năm 1975 đó, mà một số lớn những người dân Việt đã bỏ nước ra đi. Bỏ nước ra đi rồi cũng đâu phải là yên thân! Phật giáo cũng chẳng phải là yên thân! Rồi mình vẫn tiếp tục sống ở giữa hai lằn đạn! Cũng là bên này bắn qua, bên kia bắn lại. Và hãy tự hỏi: Đâu là chỗ đứng của Phật giáo, đâu là chỗ đứng của Dân tộc và đâu là chỗ đứng của mình giữa những bên này và bên kia như vậy, quý vị!

Đó, lịch sử của Dân tộc, lịch sử của PG trải dài từ năm 1858 cho tới bây giờ – gần 200 năm trời, không ít! Và ngay cả bây giờ, mình vẫn như Cha Ông mình trước đây: Vùng vẫy để mong muốn tìm ra một lối thoát, mà chính ta vẫn chưa tìm ra được cái nẽo thoát đó.! Mà cũng vì vậy, vì Dân tộc vẫn tiếp tục điêu linh, Phật giáo vẫn tiếp tục bị khốn đốn! Mình vẫn tiếp tục đi giữa hai lằn đạn của bên này, của bên kia! Bên này cũng chẳng ưa mình, bên kia cũng chẳng ưa mình! Nó là hoàn cảnh của tất cả những hệ lụy lịch sử mà ngày nay mình vẫn tiếp tục sống ở trong đó, quý vị!

Dân tộc có bên này bên kia. Phật giáo cũng có giáo hội này giáo hội kia. GĐPT cũng có GĐPT khuynh hướng này, GĐPT khuynh hướng kia. Hệ lụy lịch sử đã đẩy Phật giáo Dân Tộc, và ngay cái tổ chức GĐPT VN đến tình trạng như ngày nay, mà ta đang thấy. Như một kẻ đi giữa hai lằn đạn hãy tự hỏi đâu là con đường của mình. Một điều chắc chắn, chúng ta sẽ không đi theo bên này, chúng ta cũng sẽ chẳng đi theo bên kia. Bởi vì nghĩ cho cùng: Mình có lý tưởng của mình, mình có con đường của mình! Lý tưởng đó là lý tưởng phụng sự theo lời dạy của Đức Phật. Con đường đó là con đường của Phật, con đường mà bao nhiêu thế hệ các bậc giác ngộ đã khai quang để cho mình ngày nay tiếp tục đi tới. Ở trong một hoàn cảnh như vậy, nhiều khi mình trở thành nạn nhân của cả hai bên. Phật giáo trước đây, ban ngày là nạn nhân của bên này, ban đêm là nạn nhân của bên kia! Tôi không có nhiều thì giờ để kể hết tất cả những điều này cho các anh chị em nghe!

Bây giờ Phật giáo cũng rất nhiều khi là nạn nhân của hai bên như vậy. Một Phật giáo trong nước bị trói vào ở trong vòng tay của chế độ. Đó! Làm sao người Phật tử có thể can tâm để nhìn một cái tôn giáo của Dân tộc đã gắn bó cùng Dân tộc này trên dưới 2000 năm, mà lại trở thành một cái tổ chức lệ thuộc vào một chế độ, một chế độ lệ thuộc vào thế lực ở bên ngoài, nhưng là một cái Phật giáo, một đại bộ phận của Phật giáo trong nước hiện nay.

Còn một Phật giáo VN ở hải ngoại như thế nào? Bị tác động đủ thứ, tổ chức này, khuynh hướng nọ, bên lôi, bên kéo, bên xô, bên đẩy! Và cũng vì vậy mà cái Phật giáo VN ở hải ngoại cũng chao đảo, ngã nghiêng bị đưa đến những khủng hoảng đổ vở ở chỗ này, ở chỗ khác.

Nhìn lại toàn bộ của cái đó, tôi thấy gì? Tôi thấy một điểm, đó là: Hoàn cảnh, thời thế, lịch sử đã như một gọng kềm, nó xâu xé lấy cái con người của mình, khiến cho mình không thoát ra được. Nhưng mà đồng thời, nó cũng cho thấy rằng mình đã bị tiêu hao sức mạnh để khiến cho mình không còn đủ sức mà đứng dậy để trở thành nạn nhân của một thời cuộc nhiễu nhương, đảo điên như vậy.

Bây giờ, giữa hoàn cảnh như thế này, tôi tự hỏi mình rất nhiều lần mà không phải mới đây thưa các anh chị: Đâu là con đường của mình đi? Đâu là con đường của Phật giáo? Đâu là con đường của Dân tộc? Giữa một hoàn cảnh bên này – bên kia, đang tạo ra bao nhiêu những áp buộc trói buộc mình vào ở bên đó.

Đâu là con đường của Phật? Giữa hai lằn đạn như vậy, anh chị suy nghĩ xem!

Và nói thật với anh chị em, tôi đi tu chẳng phải để làm Thượng tọa, Đại đức, Hòa thượng gì hết. Tôi đi tu vì muốn tìm cho mình một ý nghĩa cho đời sống của mình, đi tìm con đường của mình đi giữa một cái hoàn cảnh thời thế đầy nhiễu nhương và ngang trái.

Đâu là con đường của mình đi?

Các anh chị! Đây là con đường mà Đức Phật đã giảng dạy, con đường đó như thế nào? Một hôm Đức Phật đi cùng với đệ tử của Ngài ở trên một bờ sông. Lúc bấy giờ một khúc cây đang trôi ở trên dòng nước. Đức Phật chỉ khúc cây đó và bảo đệ tử Ngài: Này các con. Các con hãy nhìn cái khúc cây đang trôi ở trên dòng nước kia. Ta nói với các con thế này: Nếu mà khúc cây đó không tấp vào bờ bên này, cũng không bị tấp vào bờ bên kia. Nếu khúc cây đó không bị trời cướp lấy, không bị người cướp lấy. Nếu như khúc cây đó, không bị mắc cạn vào ở nơi cồn cát giữa dòng, không bị hút vào chỗ nước xoáy ở kia, thì ta nói với các con rằng, cây đó sẽ trôi ra biển cả đại dương. Biển cả đại dương đó là biển cả của Phật pháp. Đó là biển cả của giải thoát. Đó là biển cả của trí tuệ.

Khúc cây trôi theo dòng nước nó cũng giống như mình đang đi giữa đường đời để thực hiện chí nguyện của mình để cầu đạo. Như một khúc cây không bị tấp vào bờ bên này, không bị tấp vào bờ bên kia. Mình thử nghĩ lại thế gian này có lúc nào và ở đâu không có bên này và bên kia đâu! Thời nào cũng có hết cả! Có kẻ thống trị, có kẻ bị trị. Có kẻ chủ trương này, có kẻ chủ trương kia. Có kẻ chỉ cho rằng chỉ cần sống cho một linh hồn bất tử, có kẻ cho rằng chết đi là hết nên hãy hưởng tất cả lạc thú trên đời. Thế gian này có lúc nào mà không có chủ nghĩa này và chủ nghĩa kia đối kháng lẫn nhau; không có tầng lớp này, tầng lớp kia đấu tranh lẫn nhau; không có những kẻ này với những kẻ khác đối phó với nhau đâu, quý vị!

Lại nghĩ thêm mà thấy rằng thế gian này có ai thương mà không có người ghét. Đừng nói đâu xa, ngay trong một gia đình thôi, vợ muốn thế này, chồng muốn thế kia, anh muốn thế này, em muốn thế nọ. Có chỗ nào mà không có bên này và bên kia!

Mở rộng ra trong lịch sử của Dân tộc, lịch sử của con người thì chủ nghĩa này đối kháng chủ nghĩa kia, chủ trương này đối lực chủ trương nọ, chế độ này đối lại chế độ khác. Nhưng mà như Đức Phật dạy, nếu như mà khúc cây bị tấp vào bờ bên này hoặc bị tấp vào bờ bên kia thì khúc cây đó chẳng làm sao trôi ra được biển cả của đại dương được hết cả!

Cho nên từ cái bài học đó mà suy gẫm về con đường của PG, con đường của mình đi, mình sẽ thấy một điều: Hãy đừng để mình bị cột trói vào bên này và cũng đừng để mình bị dính mắc vào bên kia. Bởi vì tôi thấy, để mình bị cột trói vào đâu mình cũng sẽ không còn là mình, mình cũng sẽ đánh mất chính mình đi.

Khi nãy mà nói với các anh chị trong lễ phát nguyện, tôi nói một điều: Sống để cho kẻ khác thương mình chẳng khó gì hết. Cứ đi tâng bốc họ đi, đêm ngày ca ngợi họ đi, có tiền đem cho họ đi, đem quà cho họ đi – ai không thương mình! Sống mà để cho họ ghét mình, cứ lúc nào cũng ngủn ngẳn đi, lúc nào cũng gây khó khăn chướng ngại cho họ đi, họ ghét mình đâu khó!

Sống để khẳng định được mình mới khó! Mình là Phật giáo, hãy khẳng định mình là Phật giáo, mình đi con đường của Phật. Hãy đừng để mình bị cột trói vào bên này, hãy đừng để mình bị dính vào bên kia. Và có như vậy thì mình mới khẳng định được mình, mới có thể đi được con đường của chính mình. Mình không cần theo ai đâu, mình không cần bắt chước ai gì cả đâu. Mình có con đường của Phật, và con đường đó đẹp biết bao nhiêu, quý vị!

Hãy đừng để mình dính mắc bên kia, dính mắc bên kia là một thảm kịch. Và cái thảm kịch đó ngày nay mình đang chứng kiến. Một Phật giáo bị dính mắc, bị trói vào ở trong vòng tay của chế độ, trong quyền lực của chế độ. Rồi một Phật giáo bị dính mắc vào trong bao nhiêu những tổ chức khuynh hướng thế gian. Cả hai Phật giáo đó, thú thật tôi không nhìn thấy con đường Phật nằm ở đâu hết cả! Cho nên, cái mà tôi muốn nói đầu tiên là mình khẳng định con đường của mình đi vượt thoát cả hai đầu, như một khúc cây không dính bên này, không mắc ở bên kia để mình có thể đi ra biển cả của đại dương. Cũng như một khúc cây, hãy đừng để nó bị trời cướp, bị người cướp. Bị trời cướp là thế nào? Là những phước lạc ở trong cuộc đời mình có, đừng để những cái đó đánh mất nghị lực, ý chí con người của mình đi. Hoàn cảnh mình sống ở đây có đầy đủ tiện nghi nhà cửa, cơm áo, gạo tiền đủ thứ tất cả. Nhưng mà hãy coi chừng, chính những thứ đó, nó dìm mình trong cái biển, trong sự phù phiếm và cuối cùng lấy mất tất cả phẩm giá con người của mình đi. Hãy đừng bị trời cướp lấy, nghĩa là như thế.

Rồi cũng đừng để mình bị người cướp lấy. Bị người cướp lấy là thế nào? Họ tới họ ru ngủ mình. Họ tới họ tâng bốc mình. Họ tới họ đờn bên tai của mình. Mình nhắm mắt đi theo họ lúc nào không hay. Mình sẽ biến thành kẻ nô lệ của họ, mà mình không biết. Mình rất dễ biến thành kẻ nô lệ của vật dục, của những tiện nghi lạc thú trong cuộc đời này. Mình cũng rất dễ biến mình thành những kẻ nô lệ như con cừu nhắm mắt đi theo đàn cừu, đánh mất hết tất cả ý thức tự do của mình. Bị người cướp lấy là như thế!

Con người ta hay dùng đủ mưu kế để mua chuộc kẻ này, mê hoặc kẻ nọ. Phật tử hãy đừng để những cái đó mua chuộc mình, mê hoặc mình. Đừng để cho mình bị trời cướp, cho người cướp là như vậy. Cũng như đừng để cho mình như một khúc cây mà bị mắc cạn vào ở cồn cạn. Cồn cạn là cái gì vậy? Chính là cái tâm kiêu ngạo, cống cao ngã mạn ở nơi con người của mình. Đừng có nghỉ rằng mình được một chút gì là ghê gớm lắm để cái tâm kiêu ngạo đó nó sẽ làm cho khúc cây bị mắc cạn mà không trôi ra biển cả được.

Người Phật Tử hãy lấy cái sự khiêm tốn, lấy khiêm hạ làm nền tảng cho mọi đức hạnh ở trên đời này. Sống khiêm tốn, sống giản dị, đó mới là cuộc sống của người con Phật. Lịch sử thường cho thấy, chỉ một tâm cống cao ngã mạng đẩy cả Phật giáo, đẩy cả Dân tộc đi vào con đường hư hỏng. Cho nên trên con đường đi hãy coi chừng cái tâm kiêu ngạo ở trên con người của mình. Những người đi tu mà mang cái tâm kiêu ngạo, kẻ đó được gọi là tăng thượng mạn, quý vị hay nghe nói vậy ở trong kinh sách. Một khi tâm tăng thượng mạn mà trổi dậy, thì kẻ đó sẽ không còn bao giờ đi ra biển cả của đại dương tiếp được nữa. Rồi hãy đừng để cho vũng nước xoáy nó cuốn hút cái khúc cây vào đó. Vũng nước xoáy là gì? Nó là bao nhiêu dục lạc trong cuộc đời này; bao nhiêu cám dỗ trong cuộc đời này, có lúc nào nó không sẳn sàng hút mình vào! Ai mà không dục vọng? Bởi vì cái dục nó có sẳn trong con người của mình. Và các anh chị biết rằng, nền văn minh mà chúng ta đang sống ngày nay, nó lấy dục vọng làm động cơ cho tất cả mọi sự tiến bộ. Có ở đâu mà người ta không kích động những dục vọng ở trên con người của mình đâu! TV, báo chí, Internet . . . Cứ nhìn vào những hình thức quảng cáo tất cả những sản phẩm thì mình thấy những hình thức quảng cáo đó nó khích động dục vọng ở con người của mình như thế nào để cho nó tiến bộ, để cho nó phát triển. Và đó chính là bản chất của cái nền văn minh mà chúng ta đang sống. Đó là vũng nước xoáy đó quý vị! Hễ mình để cho cái nền văn minh vật dục này hút mình vào đó, thì thôi bao nhiêu những lý tưởng cao đẹp gì cũng bị chôn vùi hết tất cả! Cho nên con đường lớn của Phật đó phải là con đường vượt thoát bên này, vượt thoát bên kia. Đó là con đường không để cho bị trời cướp, không để cho bị người cướp. Đó là con đường không để cho cái tâm kiêu mạn nó ngăn chận. Đó là con đường vượt thoát mọi cám dỗ của thế gian. Nhất là ở trong cái thời buổi của nền văn minh vật dục đang chế ngự đời sống của con người như ngày nay đây.

Chính con đường đó được gọi là Trung Đạo. Đạo Phật là Trung Đạo.

Trung đạo là gì? Là đạo Trung, mà anh chị em sẽ thấy, hãy suy gẫm đi. Đạo Phật là Trung đạo, không phải là con đường giữa. Mà phải hiểu rằng đó là con đường không phải nằm ở giữa, mà là con đường vượt thoát lên cả hai bờ, thoát lên cả bên này và bên kia. Đó là con đường không để bên này trói, bên kia buộc. Đi trên con đường đó, đạo Phật mới hiển lộ. Con đường của Phật phải là con đường vượt lên hai cực đoan đối diện. Nó gọi là Trung Đạo, nghĩa là như vậy.

Ngày xưa thời của Đức Phật. Sau khi Ngài thành đạo rồi. Tiếng nói đầu tiên của Ngài trong bài Chuyển Pháp Luân là gì? Đó là, Ngài dạy: Có những kẻ sống hưởng thụ dục lạc, những kẻ đó đánh mất phẩm giá con người của mình. Lại có những kẻ sống khổ hạnh để mong cầu một thiên đường một cảnh giới nào ở kiếp sau. Và con đường khổ hạnh đó cũng chỉ để làm thui chột cái trí tuệ của mình mà thôi. Con đường của ta mở ra, không ở bên này, không ở bên kia. Cũng chẳng phải là khổ hạnh ép xác, chẳng phải là hưởng thụ dục lạc. Mà đó là con đường Trung đạo. Trung đạo là con đường vượt lên hai cực đoan của bên này và bên kia.

Mình nấu cơm mà đổ nước thật nhiều, đổ nước thật ít thì đó là hai bờ. Đổ nước không nhiều, không ít, thì cơm mới ngon. Mình nấu thức ăn. Có kẻ cho muối thật nhiều. Có kẻ cho muối thật ít. Muối nhiều, muối ít là hai bên. Trung đạo là con đường không nhiều – không ít.

Mặc áo thiệt dài phết đất. Mặc áo củn cởn. Đó là hai bên. Trung đạo là con đường mặc chiếc áo vừa vặn với con người của mình. Trung đạo nghĩa là như vậy.

Ăn nhiều quá thì no bụng, mập lên. Ăn ít quá thì ốm o, đói khổ. Trung đạo có nghĩa là không ăn nhiều – không ăn ít. Mặc cho suy nghĩ cho cùng, cả thế giới này chỗ nào cũng bên này và bên kia! Cho nên con đường không bên này không bên kia mà vượt thoát cả hai bên thì đó là con đường Phật đó quý vị!

Mình ở trong một cái thời buổi mà chánh tà, chân ngụy lẫn lộn với nhau. Các anh chị có bao giờ tự hỏi: Con đường mình đi là chánh hay tà hay không? Mình đi theo Phật. Mình bỏ bao nhiêu thì giờ, công sức, tài vật để đi theo một con đường mà các anh chị có bao giờ tự hỏi con đường mình đi là chánh hay tà. Uổng biết bao nhiêu, nếu như mình đi vào con đường của tà ma quỷ quyệt. Mình nói mình theo Phật, nhưng con đường của Phật là gì? Cái tri kiến chân chánh, sự thấy biết chân chánh nằm ở đâu?

Trong cái hoàn cảnh ngỗn ngang như vậy, tôi từng chứng kiến những kẻ chỉ nhắm mắt mà nghe theo người này, chỉ nhắm mắt mà nghe theo người kia; chỉ nhắm mắt mà sống theo dư luận này, chỉ nhắm mắt mà sống theo dư luận kia. Những cái đó đâu phải là những cái Phật dạy đâu quý vị. Phật có bao giờ dạy mình nhắm mắt mà đi theo một ai đâu! Kể cả đi theo Phật!

Các Anh Chị!

Có lẽ bài Kinh Kalama, Đức Phật giảng cho những người dân Kalama. Ngài dạy cái gì? Các con hãy đừng vội vàng tin theo một ai hết. Các con đừng vội vàng tin theo một điều gì dù điều đó từ ngàn xưa để lại. Các con đừng vội vàng tin theo điều gì, dù điều đó do kẻ có uy quyền nói ra. Các con đừng vội tin theo điều gì, dù điều đó có cả hàng triệu người tin theo.

Suy ngẫm về bài Kinh đó mà tôi thấy ra một điều rất rõ ràng rằng: Một điều mà đúng không thể một triệu người bảo nó sai, mà nó trở thành sai! Một điều sai, mà một triệu người bảo nó là đúng thì nó trở thành đúng đâu thưa quý vị!

Cho nên phải khẳng định một điều: Cái đáng sợ nhất là con đường của mình đi. Sợ rằng mình đi vào con đường của tà đạo. Mà tà và chánh nhiều khi nó chỉ nằm trong gang tấc thôi. Chỉ cần nhắm mắt lại để ai dẫn dắt mình đi, thì con đường tà. Nó như là một cái rừng rậm, nó đưa mình lạc lối trong đó thì uổng biết bao nhiêu! Mình theo Phật để tìm cái chánh, chứ làm sao để mình rơi vào con đường tà. Mình theo Phật để mình có được cái thấy biết chân chánh, để mình có thể bước đi trên con đường chân chánh, để không uổng đi một kiếp làm người. Nhưng nếu mà theo Phật để cuối cùng vào con đường của tà, thì theo Phật làm gì!

Mình bỏ bao nhiêu ăn chơi ở đời, mình bỏ bao nhiêu vui thú của thế gian để chọn con đường Phật mà đi. Mình hãy đi trên con đường của chân thật. Trong dàn bài, tôi có nói đến Chánh Tri kiến và Tà Tri kiến nhưng không có nhiều thì giờ nên chỉ nói đến một điều là Chánh và Tà. Rất nhiều khi trong Chánh nó có Tà và rất nhiều khi trong Tà nó có Chánh. Tôi cũng nhìn thấy, ở bên này có những con người cao quý; ở bên kia cũng có những con người cao quý. Ở bên này có kẻ tệ hại, ở bên kia cũng có bao nhiêu kẻ tệ hại. Cho nên đừng có nhắm mắt vội vàng mà tin theo. Hãy mở mắt để nhìn thấy sự thật như là sự thật. Thế gian này đau khổ, hãy nhìn thấy cái đau khổ đó. Hãy nhìn thấy cái con đường giải thoát đau khổ như Đức Phật dạy. Đó gọi là Chánh Tri kiến.

Thấy biết sự thật như chính sự thật. Đừng lấy giả làm thật, đó mới là Chánh Tri kiến. Mà thời buổi này phải coi chừng thật giả nó lẫn lộn. Cho nên nhiều khi mình mang cái ảo tưởng bị rơi vào trong con đường của tà ma mà cứ tưởng rằng mình là kẻ chánh đạo đang đi trên con đường chánh! Thì như vậy, để nhìn ra con đường Trung đạo như tôi vừa nói, mình lúc nào cũng phải tỉnh giác, mở mắt mà nhìn. Đừng nhắm mắt đi theo ai hết! Hãy tin theo cái gì mà cái đó đúng với chánh pháp. Cái gì không đúng với chánh pháp thì dù có ông trời nói ra đi chăng nữa cũng hãy can đảm mà từ bỏ nó đi. Và chỉ khi nào mình đi trên con đường Trung đạo thì con đường phụng sự của người Phật tử mới thật sự mở ra trước mắt mình và con đường đó được gọi con đường của Bồ Tát, gọi là Bồ Tát đạo.

Bồ Tát đạo là con đường của ai? Con đường của những kẻ ôm trái tim của người con Phật. Trái tim của người con Phật gọi là Bồ Đề Tâm. Tim của Bồ Đề là Tâm Bồ đề. Cái Tâm Bồ Đề chỉ cầu duy nhất trí tuệ của Phật. Một cái nguyện lớn. Nguyện đi vào đời mà cứu độ cho tất cả chúng sanh, ban tặng niềm vui cho tất cả mọi loài, mọi người. Chỉ có trái tim đó, ôm trái tim đó mà sống ở đời mà làm tất cả các việc để thực hiện lý tưởng của mình đó là con đường của Bồ Tát Đạo đó quý vị. Và đó chính là con đường lý tưởng phụng sự của người con Phật.

Bây giờ, đạo Phật như vậy, Dân tộc như vậy, con đường Phật như vậy, hoàn cảnh ngỗn ngang của tất cả chúng ta là như vậy, người Huynh trưởng Gia đình Phật Tử giữa hoàn cảnh đó làm gì?

Tôi thấy chẳng cần làm gì hết! Cái mà các Anh Chị cần làm là hãy khẳng định với chính mình đi! Hãy khẳng định mình. Không cần phải theo ai. Không cần phải bắt chước theo ai! Hãy mở mắt nhìn rõ con đường Trung đạo và trên con đường đó hãy khẳng định mình, khẳng định mình là một người con Phật Việt Nam! Hãy khẳng định mình là một người Huynh trưởng của tổ chức GĐPT VN. Đó là cái mà các Anh Chị cần làm hơn trước bất cứ cái gì hết. Và hãy sống để mà khẳng định cái điều: Mình là người con Phật, mình đâu cần phải làm con của ai khác!

Tôi đi tu, tôi làm người con Phật. Bảo đảm cuộc đời tôi. Cha mẹ tôi cũng từ bỏ khi tôi đi tu, nhưng tôi không con của bà này, không làm con nuôi của ông kia đâu. Tôi là con Phật. Hãy khẳng định mình như vậy! Các Anh Chị Huynh trưởng của GĐPT, lý tưởng của GĐPT thế nào, con đường đi của GĐPT thế nào, Anh Chị biết rõ rồi. Vậy thì cái bổn phận các Anh Chị trong mỗi mỗi việc làm hãy khẳng định mình là người huynh trưởng của tổ chức GĐPT VN. Và đó chính là cái mà các Anh Chị cần làm nhất là trong cái hoàn cảnh ngỗn ngang, nhiễu nhương của Đạo Pháp và Dân Tộc ngày nay.

Xin cám ơn tất cả.

Thị Chơn ghi lại từ MP3 ngày 22 tháng 9 năm 2011

2516 lượt xem