NHỚ VỀ NGUỒN CỘI

Bộ sử ký toàn thư Việt Nam ghi rằng: Cháu bốn đời vua Thần Nông phương bắc đi vi hành phương Nam, lấy con gái Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục. Đây là một thanh niên tài tuấn, văn võ song toàn, cực kỳ thông minh. Vừa lớn lên, Đế Minh muốn phong làm Thái Tử, liền quỳ tâu can gián vua cha để anh mình là Đế Nghi kế vị, phận làm em xin nép mình dưới trướng hộ trì. Đế Nghi biết tin, hết dạ thương mến, trình Đế Minh phong Vương Vị Phương Nam. Lên ngôi, Lộc Tục lấy tên nước là Xích Quỷ và vương hiệu là Kinh Dương Vương, là vua đầu (Thỉ tổ) của dân Việt chúng ta.

Để tỏ chí yêu chuộng hòa bình, tôn tộc của vua chuyển sang họ Nguyễn, có nghĩa là cương thổ luôn giữ nguyên, không tràn về Bắc phương. Kinh Dương Vương kết duyên với con gái Thần Long hồ Động Đình sinh một trai tên là Sùng Lãm. Kinh Dương Vương truyền ngôi cho Sùng Làm. Sùng Lãm lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ là con của Đế Lai, đưa nàng về núi Long Trang, đúng một năm, nàng sinh ra một bọc trăm trứng và nở ra trăm con. Lạc Long Quân thú thiệt: Ta vốn là giống Rồng (lúc gặp Âu Cơ thấy nàng ta đẹp quá, Lạc Long quân liền hóa phép biến mình thành một mỹ nam tử và Âu Cơ ưng ý lấy làm chồng), nàng là giống Tiên, không thể ở trọn đời bên nhau, nên cho năm mươi con theo Âu Cơ lên núi, năm mươi anh em còn lại theo cha xuống duyên hải, sông hồ (đồng bằng) thành dân tộc Bách Việt RỒNG-TIÊN. Người con cả làm vua, đổi họ là Hồng Bàng, đặt tên nước là Văn Lang, đặt kinh đô tại Phong Châu, chia lãnh thổ ra làm 15 bộ:

  1. Giao chỉ.
  2. Chu Diên.
  3. Vũ Ninh.
  4. Phú Lộc.
  5. Việt Thường.
  6. Ninh Hải.
  7. Dương Tuyền.
  8. Lục Hãi.
  9. Vũ Định.
  10. Hoài Hoan.
  11. Cửu Chân.
  12. Bình Văn.
  13. Tân Hưng.
  14. Quế Lâm.
  15. Phong Châu (kinh đô).

Sau này có sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi nói rõ địa giới của từng bộ này. Triều đình chế triều nghi với những danh hiệu như sau:

– Tướng võ gọi là Lạc Tướng.
– Tướng văn gọi là Lạc Hầu.
– Con trai vua gọi là Quan Lang.
– Con gái vua gọi là Mỵ Nương.
– Quan hữu ty gọi là Bố Chánh.
– Thần bộc, nô lệ gọi là Nô Tỳ.

Và từ đó lưu truyền đến sau này nên trong lễ kết hôn chú rể được tôn là Tân Lang và cô dâu là Tân Giai Nương, vậy nên đất nước Việt Nam có cha là Biển Cả hai ngàn năm trăm cây số ngàn, ranh giới của tổ quốc ở hai hướng Đông – Nam; và dãy Trường Sơn bao quanh hai phương Bắc – Tây tạo thành hình chữ S giống y cô thiếu nữ nằm dài từ Nam ra Bắc, đội trên đầu chiếc nón bài thơ không khác nào bà mẹ Việt Nam.

Tổ-Quốc Việt Nam, Giang-Sơn Việt Nam có 4.897 năm (2879+2018=4897) VĂN HIẾN; và biết bao nhiêu người dân Việt đã hy sinh cùng quân ngoại xâm chết trên đất nước mình. Giải kết, giải kết, giải oán kết; nghiệp chướng bao đời phải giải hết nên GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI mới kiến đàn PHÁP HỘI THÙ ÂN nhằm KỲ SIÊU, BẠT ĐỘ, GIẢI OAN cho muôn, ngàn, vạn, triệu sanh linh chết trên núi đồi, chết trên bờ sông, lạch suối, chết trên ruộng đồng, đạn lạc bom rơi, chết vì thiên tai địch họa, chết vì tại nạn tàu thuyền, giao thông đường sắt, đường bộ, chết vì thai nhi sút sảo… Tất cả xin hãy lắng lòng nghe tiếng chày kình phổ độ, tiếng chuông u minh vang suốt từ địa ngục A Tỳ đến cõi trời Hữu Đảnh, và thuyền từ Bát Nhã phổ độ Hàm Linh ra khỏi tử sanh, không phân biệt màu da, tôn giáo, bạn hiền bạn ác, kẻ thân người sơ, kẻ thân người thù và chỉ mong quý Vong Giả phát tâm tỉnh giác, lìa chỗ tối tăm, khởi niệm từ bi, xa lìa đường dữ, đồng sanh về cõi Phật an vui.

Người chết được như thế, thì người sống phải phát lập TÂM NGUYỆN BỒ ĐỀ. Lời Tổ dạy: Tâm có phát thì chúng sanh độ nổi, Nguyện có lập thì Bồ-đề đạo thành, và từ đó Lam Viên, thiện hữu phát tâm đăng đàn, hộ đàn cho đến phút hoàn mãn mới thôi./.

Thị Nguyên

Một vài hình  ảnh tại Pháp Hội Thù Ân lần thứ I năm 2014:

1312 lượt xem