VỀ LẠI ĐẠI NINH
(Nói về Tiếng Hát Oanh Lam)
30 năm có lẻ, hôm nay tôi mới có cơ duyên trở lại Đại Ninh thăm Vĩnh Minh Tự Viện. Ngôi chùa trên cao nguyên đã cùng Gia Đình Phật Tử Việt Nam trải qua bao cơn sóng gió cùng với vị Hòa Thượng ân sư thượng Tâm hạ Thanh, Ngài tuy đà khuất bóng nhưng áng mây lành trên cao như tàng lọng che chở cho nhà lam dường như càng phủ rộng thêm hơn với tấm lòng của Thượng Tọa Nguyên Hiền.
Không gian vô biên với tôn tượng A Di Đà hùng vĩ bên cạnh tự viện trang nghiêm, cổ kính, bình dị nhẹ nhàng. Bóng hình chị Cúc, anh Châu, anh Thạnh, anh Để, anh Bửu Ấn, chị Thúy Nga, Liên Minh… năm xưa vẫn còn in dấu và vang tiếng đâu đây. Chỉ một thời gian ngắn mà hoàn cảnh bao cuộc biển dâu, tang thương biến đổi, Kẻ còn không nhiều mà người mất càng lúc càng tăng!
Chúng tôi chọn một con đường, con đường mà hơn bốn mươi năm sau càng đi càng khó. Những miền đất bao la từ ái mà ngày xưa Y-ca-sa vàng che phủ đã dần dà mất sạch về tay thiên ma, còn lại vài cảnh già lam Tịnh Độ chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà trong đó Vĩnh Minh Tự Viện là một.
Hôm nay tuy Thượng Tọa trụ trì đang ở Chicago chưa về kịp nhưng vòng tay ân cần của Ngài đã mở rộng ra che chở cho trên 500 Áo Lam về đây xây hội Oanh Lam, từ Thừa Thiên – Huế đến các tỉnh miền Tây – Cửu Long sông nước. Ban Tổ Chức của ngành Đồng GĐPT liên kết từ trung ương cho đến các địa phương, đặc biệt là Ban Hướng Dẫn Lâm Đồng đã siết chặt tay nhau tạo ra một không gian “đồng thanh tương ứng – đồng khí tương cầu” vô hạn, tổ chức một Hội Thi Oanh Lam, hoạt động thi đua văn-mỹ-nghệ trong 3 đề mục: Vẽ tranh – Kể chuyện – Hát ca, quy tụ các giải nhất-nhì-ba từ các tỉnh.
Tôi được mời làm giám khảo trong hội thi hát. Lúc này, sức khỏe đang rất kém sau các hoạt động bận rộn trong mùa Phật Đản nhưng tôi đã nhất quyết phải về lại Đại Ninh và tham dự Hội Thi Oanh Lam. Để tổ chức một Hội Thi toàn quốc, cần phải huy động tất cả nhân lực, tài lực mà trong đó anh chị em tính toán mọi bề, tính từ cấp Gia Đình đến các Ban Hướng Dẫn; từ các Ban Hướng Dẫn đến Hội Thi, mà trong đó tất cả chúng ta phải đều phải ra sức tự lực, rồi mới nói đến kêu gọi các vị hảo tâm.
Quý anh chị em nghĩ sao về 60 tiết mục được chấm liên tục trong vòng sơ khảo? 15 tiết mục chung kết và 7,8 tiết mục thi lại? Tôi chỉ có một bí quyết, là giữ gìn Chánh Niệm, lắng nghe và không màng, không cần biết đến thời gian bao lâu. Có thể quý anh chị nghe các em hát hay mà sao điểm thấp? Trong đó đòi hỏi nhiều khía cạnh thuộc về: thẩm âm, tâm trạng, hòa âm, xử lý bài hát theo kỹ thuật nhấn nhá, luyến láy hoặc hát bè, hát đuổi, hay phụ họa… Tiếc là, kỳ này không có song ca, tam ca nào hát bè nên số điểm tuyệt đối không quá 9. Kết quả đơn ca có ba hạng nhất; song ca – tam ca có 4 giải khuyến khích nên phải thi lại. Lần này giám khảo phải hoàn toàn nhập tâm vào âm thanh và cử điệu của các thí sinh.
Đáng chú ý nhất là đơn ca Em Đến Chùa (2) hát theo điệu pop music cover, tức là trong một câu có cả “nốt” đảo phách và liên ba, liên tục nối nhau; nếu không giữ được phách đều thì dễ rớt nhịp. Và em Khánh Linh từ Khánh Hòa đã hoàn thành được kỹ thuật đó. Tôi vẫn dè dặt với số điểm cao, giám khảo Duy Xuân cũng vậy, nhưng giám khảo thứ ba là người thích hát nhạc pop nên đã nâng cao số điểm hơn hết. Điều này đương nhiên phải chấp nhận, vì trào lưu nhạc hiện đại này đang dâng cao, ngoài đời cũng như trong đạo, có lẽ chúng ta phải nhập tâm nghiên cứu và sáng tác thêm thể loại này để càng làm phong phú thêm âm nhạc GĐPT.
So với hội thi 3 năm trước tại Thiền Viện Tuệ Quang, giọng ca của các thí sinh có vẽ nổi trội, xuất sắc hơn, nhất là những cặp song ca, tam ca phối hợp. Giọng ca đều và hòa nhau. Đáng kể là đôi song ca đến từ Ninh Thuận với bài Cho Con Đến Với Gia Đình. Tuy hai em Oanh Vũ nhả thanh chênh nhau 9 và 10 nhưng khi hòa nhau thì quấn quyện, tung bay, và đừng quên các cử điệu trong vũ đạo sẽ làm bài ca đầy đủ ý nghĩa, diễn tả đúng tâm trạng hơn. Như vậy, chương trình tu học ngành Đồng phải tăng cường vào 3 trọng điểm: Hát, vẽ tranh, kể chuyện. Được huấn luyện đều đặn thì chừng đi thi mới có nhân tài. Con đường văn hóa nghệ thuật Gia Đình Phật Tử hay Phật Giáo Việt Nam cũng bắt đầu từ đây. Các hội thi này tuy tốn nhiều công sức, đầu tư, tài lực nhưng đã mở rộng khung trời cho Oanh Vũ tung bay…
Đến hội thi, nhìn các Huynh Trưởng ngành Đồng các tỉnh, có anh chị tuy tóc điểm sương mà vẫn nở những nụ cười ngây thơ đến lạ! Các anh chị đang góp phần vun trồng mầm non trên đất lành Tịnh Độ, các anh chị đã và đang làm dịu mát trời hè cháy đỏ trên quê hương. Chúng ta đang chung một bầu trời và không khí chan hòa để thở, sẽ cùng tiếp thêm năng lượng và sức sống bền bỉ, kiên định đến mai sau…
ĐỨC QUẢNG
1320 lượt xem
Tin khác
Được Chư tôn thiền đức yêu thương tạo thắng duyên lành; theo Đề án Đại hội đã được BHD Trung ương GĐPT Việt Nam thuận duyệt. ĐẠI HỘI HUYNH TRƯỞNG…
Thực hiện chỉ thị của BHD Trung Ương GĐPTVN về việc tổ chức Đại hội Huynh trưởng GĐPT Kon Tum nhiệm kỳ 2024 – 2028. Vào lúc 7g 00 ngày…
CUNG THỈNH KIM QUAN THĂNG THƯỢNG GIÁ Sáng ngày 17 tháng 10 năm Quý Mão (29.11.2023), từ 7h00 tại Giác Linh đường, Chư Tôn thiền đức Hội đồng Giáo phẩm…
– ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2567 – LỄ TƯỞNG NIỆM 60 NĂM PHÁP NẠN PHẬT GIÁO VIỆT NAM. – LỄ RƯỚC PHÁP TẠNG THANH VĂN Tổ chức ngày 14,4. L…