Phật lịch 2552
Quảng Hương Già lam, ngày 2 tháng 10, 2008

Kính gởi các anh chị trưởng GĐPT Việt Nam tham dự lễ hội GĐPT Việt Nam tại Thái Lan

Các Anh Chị thân quý,

Thay mặt Chư Tôn đức cố vấn giáo hạnh GĐPTVN, tôi gởi lời chào mừng đến các Anh Chị trưởng các BHD Trung ương GĐPTVN trên thế giới, cùng tất cả thành viên và thân hữu GĐPTVN tham dự đại hội GĐPTVN trên thế giới, họp mặt lần thứ 2 tại Thái Lan.

Đến được đây, tôi biết các Anh Chị đã vượt không biết bao nhiêu gian nan hiểm trở, những phản trắc bất thường của thế đạo nhân tâm. Đến được nơi đây là các Anh Chị đã thêm một bước quyết định trong hướng đi lên cao dần theo chánh đạo. Xin tán thán tâm Bồ đề kiên cố, ý nguyện kiên cường của các thế trẻ GĐPTVN.

Các bạn trẻ Việt Nam sinh trưởng tại hải ngoại có nhiều cơ hội tốt đẹp để nhìn và hiểu xu hướng phát triển Phật giáo trong thế giới hiện đại, đồng thời cũng chứng kiến hoặc tham dự nhiều hình thái sinh hoạt phong phú của nhiều cộng đồng trẻ của nhiều quốc gia và dân tộc khác nhau. Cuộc họp mặt lần này của các Anh Chị trưởng tại Thái Lan là cơ hội tốt để các thế hệ GĐPTVN trong nước và ngoài nước, cùng chia xẻ những kinh nghiệm về sự tương giao và hội nhập của các truyền thống tín ngưỡng và tư duy dị biệt, để từ đó thẩm định hướng đi của bản thân trong bước tiến chung của các cộng đồng nhân loại, để vừa bảo lưu các giá trị truyền thống cá biệt của dân tộc và đồng thời thâu thái các giá trị phổ quát, thể nghiệm Phật pháp từ những khám phá trong các sinh hoạt đa dạng của thời đại.

Trong một thời đại như thế, Phật tử Việt Nam, trong nước hay sinh trưởng hải ngoại, thường xuyên bị thôi thúc bởi ước muốn tìm hiểu một thế giới đang mở rộng, bị hấp dẫn bởi mạng lưới thông tin toàn cầu, và cũng bởi đó mà nhiều khi hoang mang mất hướng trước những mâu thuẫn quyền lợi trên quy mô quốc tế thường dẫn đến những xung đột đẩm máu tàn bạo. Vậy nên, quán chiếu thời đại thẩm định hướng đi là các đề mục cần được lưu ý trong các lần họp bạn để trao đổi kinh nghiệm và nhận thức.

Trên một nửa thế kỷ qua, trong những ngày đen tối nhất của lịch sử Phật giáo Việt Nam, bản thân tôi là chứng nhân của trang sử bi hùng của các thế hệ GĐPTVN, vốn đã cống hiến cả sinh mạng của mình để giữ tròn khí tiết của người Phật tử, đã lâm vào cảnh khốn cùng vì không chịu khuất phục cường quyền mà từ bỏ lý tưởng của mình. Máu và nước mắt của các thế hệ đã qua, và cũng của chính những người đang sống hiện tại mà thường trực đối diện với mối đe doạ an ninh và nghề nghiệp; đó là chính nghĩa tồn tại của GĐPTVN.

Những gì là hận thù, tranh chấp, những gì là vu khống đảo điên, là những điều không thể chấp nhận giữa những người con Phật. Vậy thì, người Phật tử cần có nhận thức chân chính rằng nền tảng để ta học đạo, hành đạo và hóa đạo là Sự thật; và trên nền tảng Sự Thật là sự Hòa hiệp. Không còn có đạo lý hay pháp lý nào khác cho lý do tồn tại của GĐPTVN, và cũng không còn có nền tảng nào khác ngoài sự thật và hòa hiệp để chấp nhận hay không chấp nhận sự hiện diện của GĐPTVN. Gia Đình Phật Tử Việt Nam được khai sinh bằng tâm nguyện học Đạo và hành Đạo, với lý tưởng phụng sự dân tộc và đạo pháp. Không học Đạo mà học đòi giả dối, không hành Đạo mà tâm hành hiểm độc, thì không còn gì để nói là lý tưởng và phụng sự. Như vậy cũng không còn gì xứng đáng để được gọi là GĐPTVN.

Ngày nay, màu áo Lam của GĐPTVN hiện diện trên nhiều châu lục; tất nhiên các sinh hoạt cũng thường xuyên bị tác động bởi phong tục tập quán và luật pháp tại từng quốc gia khác biệt. GĐPTVN tuy trước sau vẫn là nhất thể bất khả phân, nhưng lại sinh hoạt trong nhiều thể chế xã hội khác nhau dưới nhiều hình thái bất đồng, nên thực tế phân hóa vẫn là mối đe dọa thường trực, mà tình trạng phân hóa đã bị đẩy lên đến mức độ gây cấn. Vậy, vấn đề cần được đặt ra ở đây là làm sao để được những người con Phật sống hòa thuận với nhau. Điều tất yếu là cần có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa phát triển của Phật giáo trong thế giới hiện đại, và từ đó thẩm định vị trí của mình trong các quốc gia và các cộng đồng, để có thể học Đạo và hành Đạo vừa khế lý vừa khế cơ. Từ đó, tiến đến bước cụ thể là hình thành cơ cấu sinh hoạt mang tầm quy mô thế giới, tạo điều kiện cho các thế hệ gia đình khác nhau đang sống tại các quốc gia khác nhau cùng học cùng tu trong một thế giới đa nguyên và đa dạng. Có thể hình dung đó là một cơ cấu mà trong đó dù đang sinh hoạt tại bất cứ quốc gia nào, chịu chi phối bởi bất cứ hệ thống pháp luật và định chế xã hội khác nhau như thế nào, người Phật tử đều có thể phát huy giá trị phổ quát của Phật pháp đồng thời góp phần mang lại sự phồn vinh và an lạc cho cộng đồng xã hội mình đang sống.

Bằng cơ cấu sinh hoạt như vậy GĐPTVN tất thể nghiệm được một cách sâu sắc lời dạy của Đức Phật rằng:

“Ta đến đây để dựng dậy những gì đã sụp đổ, chứ không phải phá sập những gì đang đứng vững.”

Trong ý nghĩ đó, thay mặt cho Chư Tôn Đức trong hội đồng cố vấn Giáo Hạnh, tôi nhất tâm cầu nguyện toàn thể gia đình Phật tử Việt Nam trong nước cũng như Hải Ngoại, tâm Bồ – Đề kiên cố, chí tu học vững bền. Các Anh Chị Trưởng luôn luôn xứng đáng với tin tưởng của Chư Tôn Đức trong sứ mệnh giáo dục các thế hệ trẻ sống phù hợp chánh tín. Các Anh Chị Trưởng cũng xứng đáng với lòng tin yêu và kính trọng của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Xin kính chào tất cả trong nụ cười hoan hỷ của mười phương Chư Phật và Thánh chúng.

 

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát.
Sa Môn Thích Đức Chơn,
Chủ Tịch Hội Đồng Cố vấn Giáo Hạnh
Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

 

587 lượt xem