Ngày xưa ở một làng quê hẻo lánh nọ có một bà lão. Bà ta không có ai thân thích và rất là nghèo. Mặc dù vậy bà ta là một người rất sùng đạo. Mỗi buổi tối, người ta thường thấy bóng của bà qua ngọn đèn dầu, quỳ tụng kinh trước một trang bàn thờ nhỏ. Tiếng bà tụng kinh êm êm hòa với tiếng mõ vang đều đi khắp xóm. Khi gà gáy canh một thì lời tụng hồi hướng công đức của bà cũng đã vang sâu vào trong tâm tưởng của những người dân làng.
Cho đến một đêm nọ, khác hơn mọi đêm, căn nhà nhỏ của bà lão tối om chẳng chút ánh sáng của ngọn đèn dầu. Im lặng bao trùm cả xóm. Những người láng giềng lấy làm lạ và trở nên lo âu. Chẳng chờ đợi được nữa, họ rủ nhau đến nhà bà lão để hỏi thăm. Một người gõ cửa và hỏi: “Thưa cụ, cụ có khỏe không? Mọi việc đều như thường cả chứ?” Bà lão chỉ trả lời “Không tôi không sao cả, cám ơn các cô chú”. Những người láng giềng nghe thế cũng lấy làm an tâm và trở về nhà, mặc dù họ chẳng hiểu lý do gì mà bà lão không còn tụng kinh như thường lệ!
Thế rồi bốn năm đêm liên tiếp trôi qua, vẫn không nghe tiếng bà lão tụng kinh trở lại. Căn nhà nhỏ của bà vắng đi ánh sáng leo loét của ngọn đèn dầu. Những người láng giềng không còn chịu đựng nổi sự thắc mắc, lại rủ nhau đến nhà bà lão. Một người hỏi: “Thưa cụ, chúng con đã quá quen với tiếng gõ mõ tụng kinh của cụ mỗi đêm. Bây giờ mất đi tụi con đâm ra thấy nhớ, như thiếu thốn một cái gì. Xin cụ cho biết vì cớ gì mà cụ lại chẳng còn tụng kinh như xưa nữa?” Bà lão thở dài đáp: “Này các cháu ơi, cả đời của ta, ta để dành dụm được năm đồng tiền vàng. Nhưng mấy ngày trước đây, trong lúc ta vắng nhà, có tên trộm vô tâm nào đã vào lấy cắp mất cả. Ta buồn rầu vì tiếc của quá nên chẳng còn lòng dạ nào mà tụng niệm gì nữa hết!” Những người dân làng nghe thấy động lòng, vội vàng rủ nhau đi gom góp tiền bạc. Chẳng phút chốc là đã có đủ năm đồng vàng để đến đưa cho bà lão.
Buổi tối hôm sau, dân làng âm thầm rủ nhau đến tụ họp trước nhà bà lão để nghe bà tụng kinh. Mọi người hân hoan chờ đợi… Nhưng thất vọng thay, đêm khuya dần mà vẫn không thấy bà lão đốt đèn tụng kinh. Cho đến khi gà gáy canh một thì họ vội gõ cửa và hỏi: “Này cụ, bây giờ cụ đã có đủ năm đồng tiền vàng rồi, vì cớ gì mà cụ vẫn chưa tụng kinh!” Bà lão thở dài não nuột và nói: “Này các cháu ơi, nhờ lòng thương của mọi người mà ta đã có lại năm đồng vàng. Nhưng ta vẫn chẳng còn lòng dạ nào mà tụng niệm. Đầu óc ta cứ mãi nghĩ, phải chi đừng có tên trộm tham lam ấy thì bây giờ ta đã có tới mười đồng vàng rồi!”
Duy Nhiên phỏng dịch
Lời Dẫn:
Ăn chay, Tụng Kinh, niệm Phật… là những việc ngưòi Phật tử tại gia được đức Phật và chư Tăng khuyên nên làm; nhưng cách làm thì không phải là “làm cho có lệ” hay làm vì lợi ích cá nhân, vì hư danh, vì tiếng tốt, vì giả dối, càng không phải làm để kể công với ai! Tụng Kinh cốt ở lòng thành, ở tâm thanh tịnh, ở hạnh nguyện “cầu Phật đạo và hoằng dương chánh pháp” Tụng Kinh như vậy thì không những đem lại lợi ích cho người tụng Kinh mà còn lan rộng ra người chung quanh mình nữa! Nếu ngược lại, tụng Kinh niệm Phật cốt để phô trương, để cầu buôn may, bán đắt, trúng số, nhặt được của rơi v..v.. như vậy là đã lạc mất ý Đạo quá xa rồi, và chẳng đem lại được an lạc cho chính mình hay cho người chung quanh!
BBT
631 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…