Đây là xứ Cao Miên, rừng rú rậm rạp, lại gặp tiết trời mưa, nước chảy như xối làm trôi đất đỏ thành từng giòng máu bùn ngập đến mắc cá, người vật đi lại rất khó khăn, người nào da cũng vàng úa và run cầm cập bị sốt rét. Không khí nặng nề và ẩm thấp đè nặng trên đoàn người chúng tôi cả phần tinh thn lẫn vật chất.

            Chúng tôi đứng nghỉ, một vị tăng già lớn tuổi, một người đệ tử của vị ấy và tôi, trong một trạm nghỉ kín giữa rừng rậm hoang vu, và chính ở chỗ ấy, tất cả mọi người sẽ nhóm họp lại, trong một thời gian, quên tất cả sự đau khổ về vật chất và tinh thần để nghe những lời giảng dạy về Phật pháp của vị tăng già.

            Nhưng lúc vị Tăng già vừa xuống xe, thời một người đàn bà còn trẻ tuổi tới gieo thân xuống dưới chân bậc Đại Đức, cúi vái ba lần đúng như sự kính lễ thường lệ đối với một vị Đại biểu cho Phật giáo, rồi nàng nức nở khóc to, vì rằng con nàng vừa mới chết. Nàng không có đủ sức để tự chủ, nàng chỉ biết nghĩ đến s đau khổ ghê gớm nàng phải chịu. Nàng thương nhớ đứa con mà bệnh sốt rét đã cướp khỏi tay nàng. Thái độ của vị Tăng già như thế nào? Rất bình tĩnh và không biểu lộ một sự cảm động rõ ràng gì, vị Tăng già đứng lặng trong khi người đàn bà nằm phục đất, không thể đứng dậy được.

            Rồi một lát sau, vị Tăng già, vẫn đứng im một chỗ cũng ngó xuống người đàn bà nằm dưới chân mình, và hỏi rằng:

–          Vì sao lại khóc như vậy? Làm sao người có thể tìm lại sự bình tĩnh của cõi lòng nếu tự để cho sự đau khổ dày vò nhiếp phục? Nếu người không biết trấn tĩnh và tự chủ, thời làm sao có thể tiến trên con đường giải thoát được? Hay người đã quên câu chuyện hạt cải của nàng Kisha Gotami cũng có đứa con bị chết và trong sự đau khổ, đến tìm đức Phật để cứu cho con sống lại. Đức Phật biểu nàng hãy đi tìm một hột cải ở nhà nào mà chưa có người chết. Nàng Gotami đã tìm từng nhà một, nhà nào cũng có người chết cả. Vì mê mờ, nàng Gotami lầm tưởng rằng chỉ một mình nàng là chịu sự đau khổ. Nàng mới hiểu rằng sự chết không chừa một ai, và trong sự ích kỷ đau khổ của một bà mẹ, nàng quên tất cả sự lợi ích của giáo pháp Phật dạy. Đức Phật đã so sánh đời sống của con người giống như những đồ gốm lần lượt bị đổ vỡ ngoài ý muốn của người thợ gốm, cũng như người cha không thể nào cứu sống cho đứa con của mình! Các bậc thánh hiền không bao giờ than khóc nhờ đã hiểu những định lý chi phối của cuộc đời. Những ai muốn tìm an tịnh của tâm hồn cần phải rứt khỏi vết thương của sự than khóc. Nàng Kisha Gotami đã tìm được sự bình tĩnh của tâm trí trong khi bước trên con đường giải thoát sự đau khổ

            Vị Đại Đức im lặng không nói nữa, những tiếng thổn thức của nàng thiếu phụ bớt dần và trong một lúc cả vũ trụ như chung sống với sự tràn dậy trong lòng nàng. Vị Tăng già liền đi vào trong nhà và không ngoảnh mặt lại nhìn kẻ vì mê mờ nên phải đau khổ.

            Người thiếu phụ thời gắng gượng đứng dậy và sửa soạn các món cúng dường. Nàng đã được đi trên con đường mới lạ, con đường được giáo lý soi sáng, con đường mê mờ tối tăm mà nàng phải sống khổ sở kia, nay tiêu tan không còn nữa. Và bắt đầu từ đây nàng có thể hưởng được nhiều kết quả tốt đẹp vì nàng đã biết sống theo lời Phật dạy.

            Riêng vị Tăng già đã hành động đúng với tinh thần của đạo Phật và đúng với địa vị của một nhà xuất gia, trình bày sự thật rõ ràng thiết thực, với một thái độ an tịnh, thanh thoát, thản nhiên đúng như lời dạy của chư Phật.

582 lượt xem